img

Nếu như bạn đang mong muốn sở hữu chiếc smartphone Android tốt nhất ở thời điểm hiện tại và đang đọc bài viết này để có được lời khuyên rằng nên mua Galaxy Note 10 hay không, thì tôi xin trả lời ngắn gọn rằng: có. Xét một cách tổng thể, Galaxy Note 10 (và Note 10+) là smartphone Android tốt nhất ở thời điểm hiện tại, và bạn sẽ không cảm thấy hối hận khi sở hữu nó. 

Thay vì tốn thời gian đọc review, lời khuyên của tôi dành cho bạn là hãy ra thật nhanh các cửa hàng bán lẻ để trực tiếp trải nghiệm và đừng quên hỏi kỹ về chương trình trừ quà, giảm giá để có thể sở hữu Galaxy Note 10 với mức giá tốt nhất (bật mí: giá thực tế của Note 10 rẻ hơn giá công bố của Samsung rất nhiều).

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 1.

Trong suy nghĩ của nhiều người (trong đó có tôi), Galaxy Note là không chỉ đơn thuần là smartphone cao cấp nhất của Samsung, mà nó còn là biểu tượng trong giới công nghệ. Mỗi thế hệ Galaxy Note mới là một lần Samsung chứng minh năng lực về công nghệ của mình, khi không chỉ có khả năng tận dụng tất cả những công nghệ tốt nhất sẵn có, mà còn tiên phong đi đầu trong những công nghệ mới. Người ta yêu Galaxy Note không chỉ vì đây là một chiếc điện thoại tốt, mà còn là vì ý nghĩa “Do what you can’t”đằng sau nó - Galaxy Note là dòng máy dành cho những người có chí tiến thủ với những khát vọng có thể làm thay đổi thế giới.

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 2.

"Do What You Can't" - chính cái sự dám nghĩ, dám làm và táo bạo của Samsung đã truyền cảm hứng đến cho không ít người dùng Galaxy Note hiện nay.

Thế nhưng dưới góc nhìn của một fan công nghệ, của một người đã dõi theo Samsung và biết đến Galaxy Note từ những ngày đầu, Galaxy Note 10 lại để lại cho tôi một cảm giác hụt hẫng. 

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 3.

Cầm trên tay Galaxy Note 10, cũng như bao người khác, việc đầu tiên tôi làm là lao vào trải nghiệm những tính năng mới. Tuy nhiên, cảm giác lần này của tôi với Galaxy Note 10 lại có gì đó… khang khác so với trước kia khi sự hào hứng đã không còn, mà thay vào đó lại là sự quen thuộc đến lạ kỳ.

Hãy cùng điểm lại những tính năng mới của Galaxy Note 10, và bạn sẽ hiểu tại sao tôi lại có cảm giác như vậy.

Bên cạnh những phiên bản màu sắc quen thuộc như đen và trắng, Galaxy Note 10 là chiếc Note đầu tiên của Samsung có phiên bản màu gradient mang tên Aurora Glow. Thế nhưng, Samsung đã chậm chân trong thiết kế này khi nhiều smartphone của Huawei, Xiaomi, Oppo… đã có màu sắc ấn tượng này từ vài năm nay. Thực tế, khi kết hợp với cụm camera đặt dọc ở góc, Galaxy Note 10 nhìn rất giống... P30 Pro.

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 4.

Quá giống nhau.

Pixel 3 là dòng máy nổi tiếng bởi khả năng chụp ảnh ấn tượng, đặc biệt là trong điều kiện thiếu sáng. Để làm được như vậy, Google trang bị cho Pixel 3 tính năng “Night Sight”, sử dụng hiệu ứng phơi sáng kết hợp với AI để chồng hàng loạt tấm ảnh lên nhau để tạo ra một bức ảnh phơi sáng nhưng không bị mờ nhoè. Galaxy Note 10 cũng có tính năng tương tự mang tên “Night Mode”.

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 5.

"Night Mode" của Galaxy Note 10 đã được Google trang bị cho Pixel từ lâu.

Một tính năng mới khác của camera Galaxy Note 10 được Samsung nhấn mạnh là quay video xoá phông (Live Focus Video). Tương tự như ảnh xóa phông, video xoá phông sẽ làm nổi bật chủ thể nhờ phông nền được làm mờ. Nhưng, “tính năng mới” này của Galaxy Note 10 thực chất không hề mới - Huawei đã làm được từ cách đây 1 năm trước trên chiếc Mate 20 Pro.

Thế nhưng, điều quan trọng là chế độ này hoạt động thật sự không hiệu quả. Hiệu ứng làm mờ hậu cảnh trông rất giả tạo và khiến toàn bộ video trở nên thiếu chuyên nghiệp. 

Khi mà iPhone và những chiếc điện thoại khác vẫn còn đang “lẹt đẹt” sạc ở mức công suất 18W, 15W, 10W hay thậm chí là 5W… thì 45W là quả thực là một con số điên rồ - và sự điên rồ ấy đã có mặt trên Galaxy Note 10+ (không có trên Note 10 “thường”). Bạn sẽ choáng ngợp trước tốc độ sạc của Galaxy Note 10+. Tôi thì lại thấy choáng ngợp… bình thường, vì tôi đã quen với sự điên rồ ấy với nhiều sản phẩm đến từ Huawei, OnePlus hay Oppo từ cách đây nhiều tháng trước. 

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 7.

Và cuối cùng là thứ mà nhiều người quan tâm (và phẫn nộ nhất) trên Galaxy Note 10: jack cắm tai nghe đã bị loại bỏ. Rõ ràng, Samsung không phải là nhà sản xuất đầu tiên gỡ bỏ jack cắm tai nghe, mà không những vậy, Samsung là một trong những nhà sản xuất hiếm hoi còn lại vẫn còn giữ jack cắm tai nghe cho đến đầu năm nay với Galaxy S10. Nhưng rồi thì với Galaxy Note 10, Samsung đã quyết định “buông xuôi” và gia nhập “Câu lạc bộ điện thoại không jack cắm tai nghe” do Apple lập ra cách đây 3 năm trước.

Trong buổi thuyết trình ra mắt chiếc Galaxy Note8, Samsung sử dụng hình ảnh dưới đây với ngụ ý rằng Galaxy Note là dòng máy dẫn đầu (lead), dành cho những người với mong muốn dẫn đầu, chứ không phải là theo sau (follow). Vậy mà, Galaxy Note 10 lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại, khi Samsung theo sau những đối thủ khác chứ không còn là người dẫn đầu.

Chuyện gì đang xảy ra vậy, Samsung?

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 8.

Galaxy Note 10 giờ đây không còn là "lead", mà phải theo phận "follow" - trái ngược lại hoàn toàn với những gì Samsung từng chứng tỏ.


Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 9.

Nói đến Galaxy Note, chúng ta không thể không nói đến bút S-Pen. Được coi là công cụ hỗ trợ công việc tốt nhất trên một chiếc smartphone hiện nay, bút S-Pen là thứ đã khiến không ít người từ bỏ smartphone thương hiệu khác để trở thành fan của dòng Note. Mỗi khi một thế hệ Note mới ra đời, các fan Note lại ngóng chờ những tính năng mới của bút S-Pen.

Và năm nay, Samsung có bổ sung thêm một số tính năng mới cho bút S-Pen. Bây giờ tôi có tin vui và tin buồn, bạn muốn nghe tin nào trước?

Hãy bắt đầu bằng tin vui nhé. Samsung đã bổ sung một tính năng rất hữu ích trong ứng dụng Samsung Notes, cho phép chuyển đổi chữ viết tay thành văn bản (handwriting to text). Tôi cảm thấy khá bất ngờ khi Samsung coi đây là tính năng chủ lực của Note 10 (đến nỗi đưa cả vào quảng cáo) - vì tôi nghĩ rằng đây là một tính năng hết sức cơ bản mà đáng lẽ ra thế hệ Note đầu tiên đã phải có. Nhưng không sao - có là được rồi.

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 10.

Tính năng chuyển chữ viết tay thành văn bản hoạt động khá tốt. Đây cũng là tính năng hữu ích duy nhất của bút S-Pen trên Galaxy Note 10.

Giờ thì là tin buồn: ngoài chuyển chữ viết thành văn bản, không một tính năng nào mới nào khác của bút S-Pen trên Galaxy Note 10 là hữu ích. Điều khiển từ xa bằng cách “vẩy” bút hay dùng bút vẽ filter chụp ảnh là những thứ nghe có vẻ hay ho, tuy nhiên giá trị sử dụng trong thực tế là không cao. Những tính năng này của Galaxy Note 10 làm tôi chợt nhớ đến tính năng cảm ứng không chạm Air Gestures của Galaxy S4: mới mua máy thì dùng thử một lần cho biết rồi chẳng bao giờ có lần thứ hai.

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 11.
Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 12.

Bút S-Pen - biểu tượng của công việc - giờ đây phải mang theo những tính năng just for fun này đây.

Người ta vẫn luôn nói Galaxy Note là dòng máy dành cho những người làm lớn, nghĩ lớn và cây bút S-Pen là công cụ để vẽ lên những ý tưởng lớn. Samsung, với vị thế là người tiên phong trong công cuộc mang cây bút stylus vào chiếc smartphone hiện đại, nên có những sáng kiến thiết thực để biến cây bút S-Pen là một công cụ hỗ trợ công việc tốt hơn, hỗ trợ những người sử dụng nó tạo ra những ý tưởng vĩ đại hơn, thay vì biến nó trở thành một công cụ mua vui tầm phào. 

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 13.

Nếu bạn cho rằng tôi đang đòi hỏi quá đáng “bút S-Pen ngon quá rồi, muốn gì nữa?” thì bạn đã lầm. 

Yếu tố cơ bản của một cây bút là cảm giác viết và vẽ. Nếu Samsung thật sự quan tâm đến trải nghiệm viết và vẽ của người dùng thì hãng đã:

- Trang bị cho Galaxy Note 10 một màn hình với tần số quét cao. Một màn hình với tần số quét cao sẽ giúp giảm thiểu đáng kể độ trễ khi người dùng sử dụng bút: đây là điều đã được minh chứng khi Apple nâng tần số quét của iPad Pro lên 120Hz.  Quan trọng hơn, nếu như OnePlus 7 Pro hay Asus ROG Phone II đều đã có màn hình OLED 90Hz/120Hz, và Samsung lại là người làm ra màn hình cho Asus và OnePlus, thì cớ gì Galaxy Note 10 lại không có? 

- Hỗ trợ nghiêng bút (tilt). Nếu bạn là một người nghiêm túc với việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật bằng bút, bạn hẳn sẽ biết rằng thao tác nghiêng bút (tilt) là rất quan trọng vì hiệu ứng mà nó tạo ra là khác hẳn so với khi đặt ngòi bút vuông góc với bề mặt vẽ. Cho đến nay, sau 10 thế hệ, S-Pen vẫn chưa làm được điều đó, trong khi các đối thủ như Apple Pencil hay Surface Pen đều đã làm được.

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 14.

Apple Pencil hỗ trợ nghiêng bút (tilt) - một trong những lý do khiến cho cây bút này cho cảm giác vẽ thật hơn rất nhiều so với S-Pen.

Đây là những tính năng hết sức cơ bản nhưng thiết thực và đã được góp ý nhiều lần. Vậy tại sao Samsung không cố gắng đáp ứng nhu cầu thật sự của người dùng thay vì những tính năng kia? Hay chăng Samsung đang ỷ lại vào vị thế độc tôn của Galaxy Note khi là chiếc smartphone duy nhất trên thị trường với bút stylus để người dùng buộc phải hài lòng với những gì mình đang có?


Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 15.

Đến đây, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: “Tại sao Galaxy Note 10 tụt hậu về mặt công nghệ đến vậy mà vẫn gọi là “ông vua”, vẫn đánh giá là đáng mua?” Tôi sẽ cho bạn một vài lý do.

Đầu tiên, bạn phải công nhận rằng Galaxy Note 10 là một chiếc điện thoại đẹp. Quá đẹp là đằng khác. Biết rằng một số người có thành kiến không tốt với “nốt ruồi” của Galaxy Note 10 - nhưng tôi cho rằng thiết kế này là thứ tiệm cận nhất với giấc mơ của mọi người về một chiếc điện thoại màn hình không viền thật sự. Có thể nói, thiết kế là yếu tố then chốt giúp “cứu sống” Galaxy Note 10 khỏi những nâng cấp buồn tẻ nêu trên.

Thứ hai là phần mềm. Phần mềm là một thứ ít khi được người ta để ý do người ta quá chú tâm vào những thông số phần cứng và chuyện “một sản phẩm có khả năng làm được những gì”, thay vì “một sản phẩm sẽ hoạt động ra sao”. Và, tôi cho rằng phần mềm của Galaxy Note 10 là một yếu tố quan trọng giúp Samsung đánh bật các nhà sản xuất khác, trong đó đặc biệt là những cái tên đến từ Trung Quốc như Huawei.

Vấn đề này từng được tôi đề cập trong bài đánh giá chiếc Huawei P30 Pro. One UI của Samsung có giao diện đẹp hơn, tinh tế hơn, rõ ràng hơn và dễ sử dụng hơn so với EMUI của Huawei. Thế nhưng, lợi thế về phần mềm của Samsung không chỉ thể hiện ở giao diện, mà còn ở một khía cạnh quan trọng khác là camera. Xét về thông số, Huawei P30 Pro có phần cứng camera tốt hơn Galaxy Note 10 rất nhiều, nhưng khi đi vào thực tế thì thuật toán xử lý ảnh của Galaxy Note 10 lại giúp chiếc máy này tạo ra những bức ảnh đẹp hơn (trong đa số trường hợp).

Thứ ba, suy cho cùng thì Galaxy Note 10 là một phiên bản nâng cấp của Galaxy S10+, và Galaxy S10+ vẫn là smartphone Android tốt nhất hiện nay mà chưa một nhà sản xuất nào khác có thể đánh bại. Những phát kiến được đánh giá cao của Galaxy S10 như cảm biến vân tay siêu âm dưới màn hình, sạc ngược không dây, màn hình Dynamic AMOLED, dung lượng pin lớn… đều có mặt trên Galaxy Note 10. Nếu như các đối thủ vẫn thậm chí còn chưa thể bắt kịp được S10, thì họ sẽ càng gặp khó khăn hơn nếu muốn vượt qua Note 10.

Và cuối cùng, không thể bỏ qua thương hiệu. Tại Việt Nam, nếu như Samsung là thương hiệu được tin tưởng hàng đầu và có lượng fan trung thành hùng hậu, thì thương hiệu Huawei lại đang ở vực thẳm. Với những thông tin tiêu cực về Huawei liên tục xuất hiện trên báo đài trong suốt thời gian qua, cộng thêm một tương lai chưa có gì là đảm bảo, ngay cả những “fan cứng” nhất của thương hiệu này cũng cảm thấy bị lung lay chứ chưa nói gì người dùng bình thường. 

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 17.

Sự thành công của Galaxy Note 10 đến một phần không nhỏ từ sự thất bại thảm hại của Huawei.

Khi tập hợp lại tất cả các yếu tố, Galaxy Note 10 vẫn là smartphone Android toàn diện nhất. Huawei P30 Pro, OnePlus 7 Pro, Oppo Reno, Google Pixel 3… đều là những smartphone tốt, nhưng không một chiếc máy nào có thể đủ sức cạnh tranh với Galaxy Note 10 vì chúng đều mang trong mình những nhược điểm chí mạng về phần mềm (Huawei, Oppo), camera (OnePlus), thiết kế (Google) hay độ phủ sóng thương hiệu (Huawei, OnePlus)...

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 18.

Biết rằng Galaxy Note 10 sẽ vẫn là smartphone Android tốt nhất ở thời điểm hiện tại, biết rằng Galaxy Note 10 sẽ vẫn bán chạy và rồi lại phá vỡ kỷ lục doanh số… nhưng, tôi vẫn cảm thấy thất vọng vì Samsung đã ỷ lại quá nhiều vào vị thế của mình và sự sa sút của đối thủ để tạo ra một sản phẩm không có nhiều đột phá.

Sẽ có người nói rằng tất cả những gì Samsung đang cố gắng làm là “nắm bắt xu hướng”. Đúng, nắm bắt xu hướng chẳng có gì sai, nhưng nắm bắt xu hướng chỉ là cuộc chơi của những hãng điện thoại nhỏ - những hãng không có đủ điều kiện về con người, tiền bạc, sản xuất để sáng tạo ra những cái mới, chứ không phải là cuộc chơi cho những ông lớn như Samsung. Với vị thế và tầm cỡ của mình, Samsung đáng lẽ ra nên là người tạo ra xu hướng, chứ không phải là nắm bắt.

Đánh giá Samsung Galaxy Note 10: Vẫn là ông vua, dù không còn là người dẫn đầu - Ảnh 19.

Là một fan công nghệ, tôi luôn mong ngóng mỗi khi một thế hệ Galaxy Note mới ra đời. Năm nay, tôi thức từ 3h sáng (giờ Việt Nam) để xem sự kiện ra mắt Galaxy Note 10. Thế nhưng với tình hình này, có lẽ từ năm sau tôi sẽ bỏ qua sự kiện Samsung để ngủ một giấc ngon lành đến sáng. Thay vào đó, tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào sự kiện công nghệ của các hãng Trung Quốc - vì có vẻ như tôi tìm thấy sự hứng khởi ở đó nhiều hơn.

Hy vọng, Samsung sẽ chứng minh rằng tôi sai, rằng Samsung không hề ngủ quên trên chiến thắng, rằng Samsung không cần dựa dẫm vào ai để tạo nên thành công, rằng Samsung sáng tạo và nghĩ lớn là vẫn còn đó. Chưa bao giờ, tôi muốn mình được sai đến thế.

Trí Thức Trẻ