Đang tự do phát triển, lý do nào khiến Bắc Kinh nổi giận với các công ty công nghệ trong nước, 'đánh sập' cả đợt IPO tỷ đô của Ant?

17/11/2020 16:38 PM | Kinh doanh

Môi trường thuận lợi đối với các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang dần hạ nhiệt. Sau nhiều năm thận trọng, cho phép các công ty như Alibaba và Tencent được tự do phát triển mà không bị can thiệp đáng kể, Bắc Kinh giờ đây đã không còn hài lòng với nhiều hành động của các Big Tech.

Tuần trước, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã mất hàng trăm tỷ USD, trong đó cổ phiếu Alibaba mất 12% tại Hồng Kông, sau thông báo về chống độc quyền mới được đưa ra đối với lĩnh vực này. Chưa dừng ở đó, các nhà phân tích dự đoán rằng "nỗi đau" vẫn đang ập đến với ngành này.

Thông báo của giới chức Trung Quốc được đưa ra sau khi Bắc Kinh yêu cầu tạm dừng đợt IPO trị giá 37 tỷ USD của Ant Group. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng công bố thêm nhiều quy tắc vào hôm 13/11 đối với hoạt động mua sắm trực tuyến qua livestream – một trong những lĩnh vực phát triển mạnh nhất của thương mại điện tử Trung Quốc.

Các nhà quan sát nhận định rằng Alibaba chính là mục tiêu lớn nhất, bởi hãng này hiện chiếm 3/4 doanh số bán hàng trực tuyến và gần 1/5 tổng doanh số bán lẻ của cả nước. Tập đoàn này thậm chí còn đẩy nhanh việc mua một loạt cửa hàng vật lý truyền thống ở nhiều lĩnh vực.

Wong Kok Hoi – CIO tại APS Asset Management, cho hay: "Bắc Kinh nhận thấy chiến thuật của các công ty thương mại điện tử không giúp ngành bán lẻ phát triển lành mạnh. Họ không 3 hoặc 4 công ‘thống trị’ cả ngày, họ muốn có khoảng 1.000 công ty. Đây là một động thái rất quan trọng, một yếu tố sẽ thay đổi cả bối cảnh."

Một nhà phân tích khác cho biết những thông báo mới có quy mô "toàn diện", bao gồm nhiều nội dung từ cách các công ty nên sử dụng dữ liệu khách hàng, cách họ định giá dịch vụ của mình như thế nào, cho đến loại hình khuyến mại và hỗ trợ để thu hút khách hàng.

Một vấn đề mà các nhà quản lý Trung Quốc đang nhắm đến đó là những rào cản mà các công ty công nghệ xây dựng xung quanh đế chế của họ.

Ví dụ, WeChat không cho phép người dùng chia sẻ video từ Douyin – cùng chủ sở hữu với TikTok, hoặc nhấp vào các liên kết dẫn đến sản phẩm trên Taobao của Alibaba. Trong khi đó, người dùng muốn mua hàng từ các trang của Alibaba, ví dụ như Taobao hoặc Tmall, hoặc thậm chí là các cửa hàng tạp hóa Freshippo, thì họ không thể sử dụng WeChat Pay – đối thủ của Alipay.

Một trường hợp khác cho thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa các "ông lớn" ngành công nghệ. JD.com – nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc có cổ đông là Tencent, không chấp nhận thanh toán bằng Alipay.

Wang Qingrui – nhà phân tích internet, cho biết các công ty thường đặt ra rào cản khi họ nỗ lực "mở rộng hệ sinh thái của mình một cách vô hạn, để chèn ép các đối thủ." Wang nói thêm: "Họ khẳng định khách hàng là vua, nhưng nhiều trường hợp cho thấy rằng họ chỉ coi khách hàng là ‘tài sản’ và không muốn các nền tảng khác tiếp cận khách hàng."

Theo quy định của dự thảo, các chiến thuật như vậy có thể bị coi là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Các nền tảng lớn hơn cũng có thể bị buộc phải "mở cửa" cho đối thủ và thậm chí chia sẻ dữ liệu.

Lượng dữ liệu khổng lồ được các công ty thu thập – từ việc cung cấp dịch vụ như khoản vay, thuê xe cho đến giao thực phẩm và mua vé xe, cho phép họ có cách đối đãi khác nhau với khách hàng. Ví dụ, một nhà báo của Tân Hoa Xã cho biết anh đã sử dụng 3 điện thoại để xem cùng một phòng khách sạn trên trang web đặt phòng. Kết quả là, anh nhận được 3 mức báo giá khác nhau.

Mức khuyến mại dành cho khách hàng của các công ty công nghệ cũng có thể thay đổi khi họ cố gắng thu hút người dùng mới. Các quy tắc dự thảo đưa ra nhằm mục đích phân biệt các mức giá này và đề xuất rằng việc trợ giá là hành động bất hợp pháp nếu cản trở sự cạnh tranh trên thị trường.

Trong nhiều năm, các nền tảng công nghệ của Trung Quốc đã buộc các tiểu thương, nhà cung cấp và thậm chí là các start-up họ đầu tư phải chọn "phe".

Ví dụ, năm ngoái, nhà sản xuất lò vi sóng lớn nhất thế giới – Galanz Group, đã cáo buộc Alibaba điều hướng lưu lượng truy cập khỏi cử hàng của họ trên Tmall, sau khi hãng này bán hàng trên Pinduoduo. Galanz cho biết doanh số bán hàng của họ sụt giảm nghiêm trọng sau khi không "thể hiện lòng trung thành" với Alibaba. Theo đó, JD và Pinduoduo đã kiện Alibaba về hành vi lạm dụng vị trí thống trị để ngăn cản các tiểu thương bán hàng trên nền tảng của họ.

Tình trạng tương tự cũng được các cửa hàng bán đồ ăn trên ứng dụng giao hàng cảnh báo. 2 công ty chính tham gia thị trường này ở Trung Quốc là Meituan và Ele.me (thuộc sở hữu của Tencent và Alibaba). Các nhà điều hành địa phương của 2 công ty này đã bị phạt vì yêu cầu nhà hàng phải lựa chọn 1 trong 2.

Ngoài ra, trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực giải quyết những "lỗ hổng", nhiều động thái gắt gao hơn đối với các thương vụ thâu tóm sẽ được cân nhắc theo quy định mới.

Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc hoạt động theo cấu trúc "variable interest entities" – mô hình sở hữu đặc biệt (VIE). Đây là cấu trúc phức tạp, được các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng để được giới chức quản lý chấp thuận sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại những lĩnh vực hạn chế sự tham gia của khối ngoại. Theo đó, họ có thể niêm yết ở nước ngoài và vẫn có được giấy phép kinh doanh để hoạt động ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra hình thức phạt đối với VIE và các cơ quan chống độc quyền vẫn "nhắm mắt làm ngơ" trước các thương vụ mua lại. Scott Yu đến từ công ty luật Zhong Lun cho biết: "Thông lệ này đã giúp các công ty công nghệ lớn có cái cớ để không nộp đơn cho các cơ quan quản lý đối với những thương vụ có thể là mối lo ngại về cạnh tranh."

Các luật sư đã chỉ ra việc Alibaba tiếp quản công ty giao thực phẩm Ele.me là một thương vụ có thể đáp ứng các yêu cầu để nộp đơn xin phê duyệt với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn được tiến hành mà không cần nộp đơn. Quy định mới hiện đã nêu rõ rằng các công ty có cấu trúc VIE như Alibaba và Tencent cũng phải đệ trình hồ sơ về các thương vụ mua lại để họ xem xét về vấn đề chống độc quyền.

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM