Đằng sau chiến dịch CSR tốt nhất châu Á: Tiểu thương không có tiền trả, VPBank thay vì nhắc nợ thì dạy luôn phương thức kinh doanh mới, thu hút 200.000 người tham gia

01/09/2020 07:02 AM | Kinh doanh

“Đội ngũ marcom (Tiếp thị truyền thông) không những phải nắm bắt nhanh các xu hướng mà còn phải mang lại lợi ích kinh doanh cho doanh nghiệp. Dân marcom không thể chỉ tiêu tiền được. Nếu danh tiếng tạo ra doanh thu thì mới có tiền đầu tư lại cho danh tiếng", ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Marketing VPBank - chia sẻ.

“Với anh em trong giới marketing, mỗi người sẽ có một gu chọn game riêng. Gu của đội marketing truyền thông của VPBank là “đầu tiên và duy nhất”. Nếu đã làm thì phải hoặc là đầu tiên hoặc duy nhất, nếu không thì không làm, ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Marketing VPBank cho biết.

Đây là kim chỉ nam cho hàng loạt các chương trình, chiến dịch thương hiệu mà VPBank đã tổ chức như digital concert “Vui lên Việt Nam”, Họp báo trên xe bus hay “Học viện tiểu thương”.

Tuy nhiên, các chương trình, ý tưởng muốn triển khai phải dựa vào con số.

Trong bối cảnh kinh tế chịu đòn giáng mạnh vì Covid-19, lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp đóng cửa nhiều hơn số lượng thành lập mới. Các tiểu thương là một trong những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất vì họ vẫn kinh doanh theo phương thức truyền thống và tiềm lực tài chính rất nhỏ nên khả năng chống chịu kém. Ngược lại, số liệu thống kê cho thấy thương mại điện tử lại phát triển rầm rộ.

Trong khi đó, ngoài những biện pháp hỗ trợ như giảm lãi suất và giãn nợ thì tiểu thương cần những hỗ trợ để chuyển đổi phương thức kinh doanh. Thậm chí, ông Việt cho biết thực tế, khi nhân viên ngân hàng ngỏ ý xuống gặp các cô chú tiểu thương thì họ từ chối ngay: “Thôi đừng xuống thăm, cô cũng không bán được hàng đâu mà xuống.”

Bài toán đặt ra là cần làm gì để gỡ thế khó cho cả ngân hàng và tiểu thương. Chỉ trong vòng 2 ngày, chương trình “Học viện tiểu thương” đã được đội marketing và kinh doanh của VPBank khởi xướng và phối hợp triển khai. Đội kinh doanh còn xuống tận chợ để hỗ trợ bà con tiểu thương cài đặt Zalo, Facebook. Thay vì nhắc nợ, ngân hàng sẽ tiếp xúc với tiểu thương bằng cách dạy cho họ một phương thức kinh doanh mới, khiến họ có thiện cảm và mở lòng hơn.

Đằng sau chiến dịch CSR tốt nhất châu Á: Tiểu thương không có tiền trả, VPBank thay vì nhắc nợ thì dạy luôn phương thức kinh doanh mới, thu hút 200.000 người tham gia - Ảnh 1.

Ông Trần Tuấn Việt - CMO VPBank.

Chương trình này gồm 10 khóa học online và đào tạo trực tiếp, hoàn toàn miễn phí. Đầu tiên, nhập môn để dạy cho bà con biết thế nào là kinh doanh online, sau đó dạy những bộ công cụ cụ thể như kinh doanh trên zalo, facebook hay sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Nhiều tiểu thương cao tuổi còn cử con cháu đi học thay để dễ tiếp thu và dễ triển khai hơn. Kết quả là các tiểu thương vốn chỉ bán hàng trong chợ truyền thống đã bắt đầu biết livestream bán cá, tạo card visit hay khuyến mãi trên zalo,...

“Chúng tôi rất xúc động. Một hoạt động nhỏ thôi cũng có thể thay đổi cục diện của một gia đình. Một sạp thịt, một sạp cá ấy có thể nuôi 10 người trong trong đình”, CMO của VPBank chia sẻ.

Với ý tưởng sáng tạo và chưa từng có, ông Tuấn Việt cho biết chương trình đã nhanh chóng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức kinh doanh khác. Ví dụ, beTaxi tài trợ những chuyến xe chở hàng miễn phí cho tiểu thương với tổng giá trị 300 triệu đồng. Ba sàn thương mại điện tử lớn cũng cử cán bộ đến dạy miễn phí, cung cấp những gói khuyến mãi để bà con tiểu thương chuyển đổi từ chợ lên sàn TMĐT.

“Khi phất đúng ngọn cờ thì mình huy động được rất nhiều nguồn lực của xã hội.”

Ông Tuấn Việt chia sẻ: “Đội ngũ marcom (marketing communication - tiếp thị truyền thông) không những phải nắm bắt nhanh các xu hướng mà còn phải mang lại lợi ích kinh doanh cho doanh nghiệp. Dân marcom không thể chỉ tiêu tiền được. Nếu danh tiếng tạo ra doanh thu thì mới có tiền đầu tư lại cho danh tiếng.”


Thêm nữa, phải có sự sát cánh và phối hợp thực hiện giữa đội kinh doanh và đội marketing truyền thông để chuyển đổi những thắng lợi về thương hiệu thành thắng lợi về kinh doanh.

T.D

Cùng chuyên mục
XEM