Dân văn phòng Nhật coi đi nhậu là câu chuyện văn hóa, có một số quy tắc "ma mới" phải thuộc nằm lòng

29/05/2019 15:15 PM | Kinh doanh

Ở mỗi quốc gia, bên cạnh văn hóa doanh nghiệp, vẫn tồn tại đâu đó nhiều nét văn hóa bên ngoài công sở. "Enkai" hay "đi nhậu" chính là nét văn hóa rất đặc trưng của dân văn phòng Nhật Bản.

Tụ tập sau những giờ phút tất bật với công việc nơi công sở là thói quen khá phổ biến ở một số quốc gia châu Á. Không giấu giếm hay né tránh, hình ảnh từng dòng người từ các cao ốc văn phòng đổ xô xuống đường vào khung giờ tan tầm, bước vội về các tụ điểm để họp mặt, rôm rả kể nhau nghe những câu chuyện trên trời, dưới bể, chuyện cuộc sống, chuyện công việc xuất hiện một cách chân thực và rõ nét thông qua phim ảnh.

Tuy nhiên, chẳng dừng lại ở một hoạt động vô thưởng, vô phạt, chỉ để thoả mãn những giây phút rỗi ngoài khung giờ làm việc, việc tụ tập rồi cùng nhau đi uống sau giờ làm tại Nhật Bản đã được nâng lên tầm cao mới, trở thành một nét văn hóa đặc sắc ở xứ sở mặt trời mọc, mà người dân nước này vẫn quen gọi là Enkai.

Dân văn phòng Nhật coi đi nhậu là câu chuyện văn hóa, có một số quy tắc ma mới phải thuộc nằm lòng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Enkai là một phần không thể thiếu trong đời sống công sở của người Nhật Bản. Nói nôm na theo tiếng Việt, đó có nghĩa là "đi nhậu". Vượt lên trên khuôn khổ của câu chuyện "đi nhậu" chỉ để cho vui, Enkai của người Nhật là một trong những phương cách để xả hơi sau một ngày làm việc dài và hiệu suất, đồng thời còn nhằm thể hiện và thắt chặt tình cảm đồng nghiệp.

Một số người lao động ở các quốc gia khác đến Nhật, khi chưa tường tận Enkai đã gặp phải không ít khó khăn trong việc hoà nhập văn hóa. Do đã được nâng tầm thành câu chuyện văn hóa, nên Enkai có một số quy tắc bất thành văn bắt buộc con người ta phải thuộc nằm lòng để khỏi phải rơi vào một số tình huống nhạy cảm.

Đi Enkai để làm gì?

Như đã đề cập, Enkai là một trong những phương cách cơ bản để dân văn phòng Nhật Bản kết nối với nhau. Việc tạo được ấn tượng tốt trong một buổi "đi nhậu" thân mật dễ dàng khiến đồng nghiệp có cái nhìn khác về bạn. Trái lại, nếu bạn không thể cùng đồng nghiệp "đi nhậu", bạn sẽ khó có cơ hội trò chuyện cũng như tìm hiểu sâu về con người đối phương, để rồi sự kết nối trở nên lỏng lẻo và bạn sẽ trở thành người ngoài cuộc trong một vài tình huống. Chắc chắn, công việc của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi vấn đề này.

Dân văn phòng Nhật coi đi nhậu là câu chuyện văn hóa, có một số quy tắc ma mới phải thuộc nằm lòng - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong một số trường hợp bất khả kháng, việc từ chối "đi nhậu" một cách thiếu tinh tế có thể khiến đồng nghiệp nghĩ rằng bạn không tôn trọng họ. Đừng bao giờ dùng những lý do như "tôi bận gội đầu" hay "hôm nay bộ phim tôi thích chiếu tập cuối cùng". Thay vào đó, hãy sử dụng những lý do liên quan đến gia đình và sức khoẻ của chính bản thân để làm cái cớ nghe có vẻ "mát tai" để từ chối.

Nên làm gì ở Enkai?

Nếu cảm thấy "đô" của mình khá thấp, bạn có thể nói rõ với mọi người ngay từ đầu, bởi lẽ, việc ép người khác phải uống không phải là hành động được khuyến khích ở Nhật. Nếu là người mới, tất nhiên bạn cần trò chuyện cởi mở và chủ động hơn với mọi người để tạo sự thân thiện và cảm giác gần gũi.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên chủ động rót đồ uống cho mọi người và lưu ý đừng bao giờ tự rót cho bản thân mình trước bởi theo lẽ, hành động đó chẳng lịch sự chút nào và trong nhiều trường hợp, nó còn được nhìn nhận theo hướng thiếu tôn trọng.

Dân văn phòng Nhật coi đi nhậu là câu chuyện văn hóa, có một số quy tắc ma mới phải thuộc nằm lòng - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Có thể sẽ có một vài cá nhân phát biểu, trình bày trong bữa tiệc và việc bạn nên làm trong trường hợp này chính là thể hiện sự tập trung lắng nghe rồi mới bắt đầu uống và nói chuyện. Hãy nâng ly cao hơn mình một chút để thể hiện sự tôn trọng. Đặc biệt hơn nữa, vào cuối bữa tiệc, hãy chủ động đề nghị được góp tiền để thanh toán.

Khi nào thì có thể về được?

Thông thường ở Nhật, mọi người sẽ tàn cuộc vào khoảng 9 đến 10 giờ tối. Tuy nhiên, sau đó, những người muốn sẽ tiếp tục đi tăng 2. Có một số loại Enkai phổ biến đối với người Nhật chính là: Nomikai (ngày thường), Nomikai (cuối tuần), Bounenkai (tiệc cuối năm), Shinenkai (tiệc năm mới), Kengeikai (tiệc chào mừng), Soubetsukai (tiệc rời nhóm), Joshikai (tiệc dành riêng cho nữ).

Dân văn phòng Nhật coi đi nhậu là câu chuyện văn hóa, có một số quy tắc ma mới phải thuộc nằm lòng - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, vui chơi không quên nhiệm vụ, những hành động xin đi trễ hoặc nghỉ làm vào ngày hôm sau sẽ dễ dàng bị đánh giá là thiếu trách nhiệm và thái độ kém. Vì vậy, cứ vui chơi thoải mái nhưng hãy nhớ đừng để vui quá là được.

THEO LOU

Cùng chuyên mục
XEM