Dân Hàn tẩy chay hàng Nhật, hàng hiệu Uniqlo thê thảm

30/08/2019 09:04 AM | Kinh doanh

Ngược với không khí nhộn nhịp, tấp nập trên một con phố đông đúc nơi có nhiều người trẻ sinh sống ở Myongdong, Seoul thì không khí trong cửa hàng Uniqlo lớn nhất tại Hàn Quốc thật yên tĩnh, ảm đạm.

Uniqlo lao đao

Cửa hàng Uniqlo lớn nhất tại Hàn Quốc, với giá cả phải chăng, được trưng bày trên bốn tầng rộng rãi mang lại danh tiếng cho thương hiệu thời trang thông minh đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, trái lại với cảnh mua bán tấp nập như thường thấy là bầu không khí tĩnh lặng.

Các quầy trưng bày đa dạng quần áo nam, nữ và trẻ em nhưng rất ít khách hàng quan tâm. Không còn bắt gặp những hình ảnh người mua phải xếp hàng dài chờ thanh toán tại những quầy thu ngân. Hàng mới cũng không còn được bổ sung liên tục sau vài phút như trước kia, ngay cả với quần áo trẻ em và người trung niên vốn rất được ưa chuộng.

Không ai đứng bên ngoài mỗi cửa hàng Uniqlo kêu gọi mọi người đừng mua sắm ở đó, mọi thứ là tự nguyện. Thương hiệu thời trang từ Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới đang phải gánh chịu những tổn thất doanh thu từ căng thẳng thương mại Nhật - Hàn.

Dân Hàn tẩy chay hàng Nhật, hàng hiệu Uniqlo thê thảm - Ảnh 1.

Ngành thời trang đang bị ảnh hưởng nặng

Số lượng nhân viên được cắt giảm khi người biểu tình yêu cầu tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người Trung Quốc du lịch và sinh sống tại Hàn, họ vẫn rất chuộng đồ Uniqlo và không quan tâm mấy đến chính trị hay làn sóng tẩy chay.

Một người phụ nữ thường xuyên lui tới các cửa hàng Uniqlo cho biết: “Điều đó thật tồi tệ! Không thể chối cãi chất lượng của Uniqlo, tiện dụng bền bỉ, giá cả phải chăng. Tôi đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy những bộ quần áo nam, áo sơ mi và nhiều thứ khác với giá thấp hơn những bộ đồ tại một cửa hàng tương đương ở Mỹ.”

Uniqlo được sở hữu 51% bởi một công ty Nhật Bản, Fast Retailing, trong đó tỷ phú Nhật Bản Tadashi Yanai và gia đình ông sở hữu 44% cổ phần.

Ông cũng là người giàu nhất Nhật Bản hiện nay với tài sản 24,9 tỷ USD. Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc sở hữu tới 49% cổ phần của Fast Retailing Hàn Quốc, điều hành gần 190 cửa hàng Uniqlo trong nước.

Fast Retailing Hàn Quốc là chi nhánh của Fast Retailing, tập đoàn Nhật Bản sở hữu thương hiệu Uniqlo. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán hàng của Tập đoàn bán lẻ số một Hàn Quốc.

Các quan chức của Fast Retailing thừa nhận rằng căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng nhưng vẫn lạc quan rằng doanh số bán hàng của Hàn Quốc trong năm nay sẽ đạt mức 1,8 tỷ USD như năm ngoái.

Nhiều ngành gặp khó

Nhật Bản đã xuất khẩu sang Hàn Quốc hơn 1.100 sản phẩm, bao gồm cả hóa chất cần thiết để sản xuất chất bán dẫn, chiếm 20% xuất khẩu của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Nhật đã hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng sang Hàn Quốc trong đó bao gồm nguyên liệu sản xuất các thiết bị bán dẫn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các đại gia công nghệ như Samsung Electronics và SK Hynix.

Dân Hàn tẩy chay hàng Nhật, hàng hiệu Uniqlo thê thảm - Ảnh 2.

Kêu gọi tẩy chay hàng hóa

Để đáp trả hành động phía Nhật Bản, làn sóng tẩy chay hàng Nhật diễn ra khắp mọi nơi ở Hàn Quốc, ảnh hưởng tới những hiệu lớn của Nhật đang kinh doanh tại Hàn như Uniqlo.


Căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vừa “tăng nhiệt” khi Tokyo bắt đầu siết chặt việc xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất các chất bán dẫn và màn hình, gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu).

Trong khi đó, nhựa nhiệt dẻo thường được sử dụng chế tạo màn hình điện thoại thông minh, còn chất cản màu được sử dụng để chế tạo thiết bị bán dẫn và chất cản màu được sử dụng để in các mẫu mạch.

Theo đó, các công ty Nhật Bản sẽ phải xin cấp phép cho từng hợp đồng xuất khẩu những vật liệu này sang Hàn Quốc. Các biện pháp được Seoul nhìn nhận như rào cản kỹ thuật “bế quan tỏa cảng” này có thể ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung  Electronics, SK Hynix và LG Electronics.

Bộ Công nghiệp Hàn Quốc ngay lập tức phản đối kế hoạch trên, cho rằng loại bỏ Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” là một vấn đề nghiêm trọng, làm suy yếu mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh giữa hai nước. Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản huỷ bỏ kế hoạch này.

Mặc dù những bất đồng hiện nay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vốn là các vấn đề gai góc tồn tại đã lâu trong mối quan hệ hai nước, nhưng việc các vụ việc xảy ra đồng thời và không có dấu hiệu hạ nhiệt khiến dư luận lo ngại. Hiện cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều bày tỏ mong muốn hợp tác để giải quyết bất đồng.

Theo K.H

Cùng chuyên mục
XEM