Đầm Sen Nước: 20 năm hoạt động chưa bao giờ vắng khách như bây giờ

07/03/2020 08:40 AM | Kinh doanh

Khách đến công viên giảm 50-60% do dịch Covid-19 bùng phát. Đầm Sen Nước duy trì tỷ lệ cổ tức bình quân 55% trong 10 năm qua. Thị phần vui chơi của công viên giảm do ngày càng xuất hiện nhiều loại hình giải trí trên địa bàn TP HCM.

Khách giảm 50-60% vì Covid-19, lên phương án cắt giảm chi phí

Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó phòng kinh doanh Công viên nước Đầm Sen ( HoSE: DSN ) cho biết trong 20 năm hoạt động chưa bao giờ công viên rơi vào tình trạng vắng khách như hiện nay. Lượng khách từ khi có dịch Covid-19 giảm 50-60%.

Tháng này, công ty đang phải trích quỹ dự phòng để trả lương nhân viên nhưng quỹ chỉ dự phòng trong 1 hoặc 2 tháng. Quý I, nhiều khả năng công ty chỉ thực hiện được khoảng 50% chỉ tiêu kinh doanh.

Dù lượng khách giảm mạnh, công ty vẫn mở cửa hoạt động với phương châm có 1 khách hàng cũng phục vụ. Do đó, công ty lên các phương án cắt giảm mọi chi phí có thể như lắp các biến tần để bơm nước ít nhưng khi có khách tham gia trò chơi thì bơm đúng chuẩn. Đồng thời, sắp xếp nhân viên nghỉ phép, công việc của cộng tác viên thì phân chia cho các bộ phận hỗ trợ như bộ phận văn phòng tăng cường xuống phục vụ món ăn tại các điểm dịch vụ…

Hiện nay khuyến cáo của Chính phủ tránh tụ tập đông người, tránh lễ hội nên công viên cũng không đưa ra nhiều chương trình kích cầu mà chờ đợi chỉ thị mới.

Ông Cường cho biết khi trường học mở cửa trở lại lại thì lượng khách có thể cải thiện tour du lịch trọn gói cho học sinh. Công suất có thể tăng từ 20-30% lên khoảng 70-80%.

Đầm Sen Nước: 20 năm hoạt động chưa bao giờ vắng khách như bây giờ - Ảnh 1.

Lượng khách đến Đầm Sen Nước ngày thường đạt trên 1.000 lượt nhưng hiện nay chỉ khoảng vài trăm.

Đầm Sen Nước: 20 năm hoạt động chưa bao giờ vắng khách như bây giờ - Ảnh 2.

Quang cảnh vắng vẻ của Đầm Sen Nước

Đầm Sen Nước: 20 năm hoạt động chưa bao giờ vắng khách như bây giờ - Ảnh 3.

Doanh nghiệp phải phân chia lại ca làm việc để giảm chi phí.

Đà tăng trưởng chững lại, chật vật đầu tư mới

Công viên nước Đầm Sen được xây dựng trên diện tích rộng gần 3 ha trong tổng thể gần 40 ha của khu vui chơi giải trí Công viên Văn hóa Đầm Sen, nằm ngay trong nội thành (quận 11, TP HCM). Hoạt động kinh doanh của đơn vị tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2007-2018 và có dấu hiệu giảm vào 2019.

Đầm Sen Nước: 20 năm hoạt động chưa bao giờ vắng khách như bây giờ - Ảnh 4.

Đơn vị: tỷ đồng

Theo Chứng khoán FPTS, lượng khách đến công viên năm 2019 giảm nhưng doanh thu tăng nhẹ 1,3% nhờ vào giá vé trung bình của công viên nước và công viên khủng long tăng lần lượt 4,5% và 2,4% bù đắp. Doanh thu mảng dịch vụ ăn uống tương đương năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 65% về 61,6% do chi phí bổ sung thêm suất ăn từ bên ngoài mỗi khi có đoàn khách du lịch lớn và chi phí nhân công tăng.

Ngày càng nhiều khu vực giải trí, vui chơi mới hình thành cùng các trung tâm thương mại như AEON Bình Tân, AEON Tân Phú, Vincom, trung tâm thương mại Landmark Bình Thạnh… thu hút một lượng lớn giới trẻ đến sinh hoạt vui chơi giải trí vào các dịp cuối tuần góp phần chia thị phần vui chơi với Đầm Sen Nước. Ban lãnh đạo cho biết, năm nay sẽ chú trọng quảng cáo trên mạng xã hội, liên kết với các trường học, lựa chọn những ca sĩ đang được yêu thích biểu diễn vào dịp cuối tuần để hút thêm khách...

Năm nay, công ty đề ra kế hoạch tổng doanh thu (không thuế VAT) 225 tỷ đồng và tổng nguồn tích lũy (lãi trước thuế + khẩu hao + phân bổ công cụ dụng cụ) là 118,2 tỷ đồng, cùng không thay đổi nhiều so với kế hoạch 2019.

Tuy nhiên, FPTS ước tính doanh thu công ty đạt khoảng 165 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 79 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 34% so với 2019. Nguyên nhân là dịch Covid-19 dự báo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và lợi nhuận công ty 6 tháng đầu năm, công viên trong 2 năm trở lại đây không có điểm đổi mới thu hút khách và nhiều loại hình giải trí mới xuất hiện trong các trung tâm thương mại lớn ở TP HCM.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, ông Phạm Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT chia sẻ từ 10 năm thậm chí 15 năm nay công viên đi vào hoạt động tương đối ổn định. HĐQT nghĩ đến việc đầu tư mở rộng nhưng chi phí cơ hội không cho phép. Để mua một khoảnh đất vài ha thì cổ đông phải bỏ ra số tiền chừng 700-800 tỷ đồng. Kêu gọi đầu tư thì bị giảm tỷ lệ sở hữu, nếu tích lũy thì HĐQT tính toán cổ đông không được nhận cổ tức từ 5-7 năm.

Công ty có kế hoạch mở công viên nước thứ 2 tại Gò Vấp hoặc quận 9. Chủ tịch HĐQT cho biết tại Gò Vấp thì hứa hẹn nhưng tại quận 9 phải cân nhắc bỏ. Trước đây, đề án khu công nghệ cao ở quận 9 kêu gọi công ty đầu tư khoảng 50 tỷ đồng cho khoảng 2 ha đất làm khu ăn uống, song hiện nay đề án chuyển yêu cầu làm vườn ươm với chi phí hơn 200 tỷ đồng.

Thay vào đó, ban lãnh đạo Đầm Sen Nước hướng tới đầu tư ngoài ngành như dự án sản xuất rượu từ trái thanh long và nhiều sản phẩm khác tại Phan Thiết, Bình Thuận để xuất khẩu sang Nhật và dự án nghiên cứu vi sinh ứng dụng trong xử lý môi trường, nuôi trồng thủy – hải sản, cải tạo đất phục vụ nông nghiệp. Cả 2 dự án đều có tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng.

Nhiều năm qua Công viên nước Đầm Sen luôn duy trì một tỷ lệ cổ tức tiền mặt rất cao, tổng cộng số tiền trả cổ tức trong 10 năm qua là 55.000 đồng cho mỗi cổ phiếu, tức bình quân mỗi năm trả tỷ lệ 55% mệnh giá.

Đầm Sen Nước: 20 năm hoạt động chưa bao giờ vắng khách như bây giờ - Ảnh 5.

Đơn vị: %

Tại thời điểm 31/12/2019, doanh nghiệp có tổng tài sản 276 tỷ đồng, tăng thêm 4,5% so với đầu năm. Trong đó, 90,2 tỷ là tiền và các khoản tương đương tiền, 162 tỷ tiền gửi ngân hàng. Công ty hoàn toàn không vay nợ, lợi nhuận chưa phân phối đạt 119 tỷ đồng và 8,4 tỷ quỹ đầu tư phát triển.

Theo Ngọc Điểm

Từ khóa:  đầm sen , covid-19
Cùng chuyên mục
XEM