“Đảm bảo các chế độ xứng đáng với nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch”

10/09/2021 17:21 PM | Xã hội

Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ những khó khăn, áp lực đối với những nhân viên y tế tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19 và cho biết sẽ có những chế độ, hỗ trợ xứng đáng với lực lượng này.

Sáng 10/9, trao đổi với phóng viên VOV.VN, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, đầy hiểm nguy của lực lượng y tế tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19, Công đoàn Y tế Việt Nam đã đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hỗ trợ dinh dưỡng cho tất cả những cán bộ, nhân viên y tế, điều dưỡng tham gia chống dịch, mỗi người là 1 triệu đồng/lượt đi tăng cường.

Số tiền này do Tổng Liên đoàn hoặc Liên đoàn Lao động các tỉnh chi trả. Đối với các cán bộ trực thuộc Công đoàn Y tế Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế điều động tăng cường, đơn vị này đã đề nghị hỗ trợ thêm cho mỗi người 2 triệu tiền tăng cường/đợt từ kính phí của Công đoàn Y tế Việt Nam.

 “Đảm bảo các chế độ xứng đáng với nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch” - Ảnh 1.

Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam.

Cũng theo bà Bình, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng huy động các nguồn lực chăm lo mỗi cán bộ 1 thẻ bảo hiểm an toàn, từ 50 triệu đến 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng liên kết với các nhà tài trợ đảm bảo trang bị các phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế như khẩu trang N95, bộ đồ bảo hộ cấp 4, các chăm lo về chế độ dinh dưỡng cho họ như các loại vitamin, sữa, chăm lo cho con em của nhân viên y tế tham gia chống dịch nhân dịp Tết Trung thu.

Đặc biệt, đối với các cán bộ y tế đang tham gia chống dịch mà có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được hỗ trợ 2 triệu đồng. Đối với các trường hợp cán bộ y tế đang đi chống dịch mà thân nhân mất, không về chịu tang thì sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng.

Bà Phạm Thanh Bình cũng chia sẻ, các bác sĩ trên tuyến đầu chính là những anh hùng áo trắng của thế kỷ 21. Họ gặp rất nhiều khó khăn, áp lực trong môi trường tâm dịch. Vì vậy, đối với tâm lý của nhân viên y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất Bộ Y tế triển khai đường dây nóng để hỗ trợ tâm lý cho họ.

“Mỗi Sở Y tế cần có đường dây nóng này và các y bác sĩ của Bệnh viện tâm thần Trung ương cũng như Viện sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai sẽ là những người trực tiếp hỗ trợ đường dây nóng, giúp ổn định tâm lý cho nhân viên tham chống dịch”- bà Phạm Thanh Bình cho hay.

Bà Bình cũng cho biết, thời gian tới, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, với những cán bộ tham gia chống dịch trở về sau đó thực hiện cách ly, họ cũng được hưởng chế độ như người đi làm, chế độ như các F0.

“Trong thời gian tới, chúng tôi đang trình để các cán bộ bị lây nhiễm trong quá trình làm nhiệm vụ thì sẽ được hưởng 10 triệu đồng. Với nhân viên y tế bị tử vong trong khi chống dịch được 100 triệu đồng. Hiện cán bộ ở Bình Dương đã được hưởng 100 triệu và chúng tôi đang làm thủ tục cho 2 cán bộ ở TP.HCM.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang trình để danh mục bệnh COVID-19 được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp để các nhân viên y tế được hưởng chế độ bảo hiểm xứng đáng”- bà Phạm Thanh Bình cho biết./.

Minh Khánh

Cùng chuyên mục
XEM