Đại thắng qua 2 năm dịch bệnh, doanh nghiệp thép trở lại đường đua đầu tư mở rộng

02/06/2022 19:46 PM | Kinh doanh

Hòa Phát có tham vọng nâng công suất sản xuất từ 8,5 triệu tấn lên 21 triệu tấn mỗi năm qua dự án Dung Quất 2 và 3, tập trung vào HRC. Nam Kim đầu tư dự án nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng tập trung vào phân khúc cao cấp. SMC tăng tốc đầu tư cho mảng gia công, phát triển trung tâm gia công cho định hướng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những dự án thép chục nghìn tỷ đồng

Trong 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng. Riêng với ngành thép, đây là cơ hội để bứt phá. Rất nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời điểm thuận lợi để tích lũy lợi nhuận, cải thiện sức khỏe tài chính.

Hưởng thành quả đầu tư từ các năm trước kèm bối cảnh ngành thuận lợi, Hòa Phát (HoSE: HPG) ghi nhận tổng lợi nhuận 2 năm vừa qua đạt 48.000 tỷ đồng, bằng cả 10 năm trước đó cộng lại. Nam Kim (HoSE: NKG) đạt hơn 2.500 tỷ đồng lợi nhuận giai đoạn 2020-2021, vượt xa con số tổng của cả thập kỷ trước. Các doanh nghiệp lớn khác như Hoa Sen (HoSE: HSG), Thép SMC (HoSE: SMC) cũng đạt được kết quả tương tự.

Những thành quả đó là nền tảng để doanh nghiệp thép hướng tới cột mốc phát triển xa hơn bất chấp bối cảnh ngành sau dịch bệnh chững lại và được dự đoán gặp nhiều khó khăn.

Sau thành công của Dung Quất 1, Tập đoàn Hòa Phát có kế hoạch đầu tư tiếp nhà máy Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn HRC (sản phẩm thép thượng nguồn – thép cuộn cán nóng), nâng tổng sản lượng hệ thống lên khoảng 14-15 triệu tấn các sản phẩm thép. Tổng đầu tư cho dự án khoảng 80.000 tỷ đồng. Theo chia sẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT, vào tháng 5 tập đoàn đã ký toàn bộ hợp đồng thầu lớn cho dự án.

Không dừng ở đó, vị Chủ tịch còn hé lộ tham vọng đầu tư nhà máy thép Dung Quất 3 với công suất 6 triệu tấn/năm, một phần sản xuất HRC và phần còn lại thép U, thép Y. Dự án sẽ triển khai sau năm 2025. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát có thể sẽ đạt 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam.

Đại thắng qua 2 năm dịch bệnh, doanh nghiệp thép trở lại đường đua đầu tư mở rộng - Ảnh 1.

Hòa Phát muốn nâng công suất lên 21 triệu tấn sản phẩm/năm, tương đương nhu cầu thép cả nước hiện nay.

Vào đầu tháng 4, Thép Nam Kim hé lộ kế hoạch đầu tư dự án nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Khác với Hòa Phát, tập trung vào sản phẩm thượng nguồn thì Nam Kim tăng tốc cho các sản phẩm hạ nguồn như tôn cán nguội, thép cuộn, tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh) …

Nam Kim hiện có 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất tôn lạnh, tôn lạnh màu, tôn kẽm, ống thép. Nếu hoàn thành thêm nhà máy mới, công suất toàn hệ thống sẽ gấp 2,2 lần lên 2,2 triệu tấn/năm.

Nếu như trong năm 2021, Nam Kim mới tối ưu hóa nền tảng nội tại để tăng công suất hay Hòa Phát đang chuẩn bị thủ tục đầu tư thì Thép SMC đã tăng tốc đầu tư và dự kiến bước đầu gặt hái trong năm nay. Doanh nghiệp thực hiện đầu tư mới cụm dự án 9,7 ha SMC Phú Mỹ tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án bao gồm 1 liên doanh giữa SMC và Samsung C&T và 2 công ty con do SMC sở hữu 100% vốn hình thành nên trung tâm gia công thép – coil center lớn nhất nước với tổng công suất thiết kế 300.000 tấn thép và 10 triệu sản phẩm/năm. Dự án đã cơ bản hoàn thành, đầu tư hoàn chỉnh giai đoạn 1 và đi vào khai thác hoạt động.

Nhà máy cơ khí chính xác SMC Phú Mỹ - chuyên gia công đột dập, định hình sản phẩm thép chất lượng cao cung cấp cho các nhà sản xuất điện tử, điện gia dụng – với tổng công suất thiết kế đạt 10 triệu sản phẩm/năm đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 công suất là 2 triệu sản phẩm/năm. Từ tháng 2, dự án đã hoàn thành chạy thử và chính thức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Liên doanh Công ty TNHH VSSC Steel Center – chuyên gia công các sản phẩm thép chất lượng cao cho tập đoàn Samsung – đã hoàn tất việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành ổn định từ đầu năm.

Năm nay, Thép SMC đề ra ngân sách đầu tư 350 tỷ đồng cho mở rộng nhà máy gia công thép SMC Đà Nẵng, nhà máy ống thép Sendo, nhà máy cơ khí chính xác SMC Phú Mỹ giai đoạn 1 và đầu tư mới nhà máy thiết bị và tự động SMC Phú Mỹ.

Một doanh nghiệp mới thành lập Vina Roma vừa đề xuất đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Quảng Trị trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng mức đầu tư khoảng 47.810 tỷ đồng. Dự án hướng tới sản xuất thép xây dựng, thép hình và thép tấm cán nóng với công suất 4,5 triệu tấn thép sản phẩm/năm, phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn với tiến độ đầu tư dự kiến 5 năm.

Đứng sau dự án là các doanh nghiệp sở hữu hoạt động trong lĩnh vực thiết bị vận chuyển, vật liệu xây dựng, dây chuyền công nghiệp, đầu tư dự án và cá nhân liên quan các doanh nghiệp này.

Đầu tư trên cơ sở thận trọng và có chọn lọc

Bài học đầu tư sử dụng đòn bẩy lớn từ giai đoạn trước 2018 đã để lại cho các doanh nghiệp thép kinh nghiệm sâu sắc. Do vậy, với phương án mở rộng đầu tư lần này, ban lãnh đạo các công ty đề bày tỏ sự thận trọng nhất định.

Nổi tiếng với quan điểm "ăn chắc mặc bền", người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát cũng có chia sẻ về nguồn tiền đảm bảo cho kế hoạch đầu tư đầy tham vọng Dung Quất 2. Trong số vốn 80.000 tỷ đồng, doanh nghiệp chỉ vay 35.000 tỷ đồng và phần còn lại tự cân đối.

Theo ông Long, mức tiêu thụ thép ở Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, khoảng 240 kg/đầu người, con số này được dự báo có thể tăng lên 350 - 400 kg/đầu người nên việc tăng sản lượng sẽ không gây dư cung, vấn đề là Hòa Phát có cạnh tranh tốt hay không.

Đồng thời, tập đoàn đặt định hướng tập trung vào sản phẩm thép thượng nguồn (HRC) cho nhà máy Dung Quất 2 và 3. Đây là nguyên liệu thép quan trọng trong nước đang còn thiếu nhiều và mỗi năm vẫn phải nhập khẩu hàng tỷ USD. Không chỉ thị trường nội địa, Hòa Phát hướng tới mục tiêu quốc tế hóa, mở nhà máy ở nước ngoài.

Trong khi đó, lãnh đạo Nam Kim hướng đến những sản phẩm thép ở phân khúc cao cấp và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu cho kế hoạch mở rộng. Ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc chia sẻ tổng công suất của các nhà sản xuất tôn trong nước đều đã dư nên phải hướng đến thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, phân khúc cao cấp cũng chưa được khai thác nhiều. Nam Kim có định hướng sản xuất sản phẩm ứng dụng cho hàng gia dụng. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng tiết lộ trong 2 năm qua đã hợp tác với các đối tác để nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, đó là hợp kim tương đối khác biệt. Doanh nghiệp dự kiến cho ra mắt cuối quý II và đầu quý III năm nay.

Mặt khác, tiến trình đầu tư cũng được chia làm 3 giai đoạn (mỗi giai đoạn 400.000 tấn). Công ty đang thực hiện giai đoạn 1, đến 2025 triển khai giai đoạn 2 và đến 2027 dự kiến hoàn thành. Vị chủ tịch HĐQT khẳng định, Nam Kim sẽ đầu tư trên cơ sở thận trọng, trong giai đoạn 2022-2024, cân đối vốn đầu tư từ nguồn lợi nhuận giữ lại và khấu hao cho dự án. Đơn vị chưa cần thiết phải vay các tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay.

Đại thắng qua 2 năm dịch bệnh, doanh nghiệp thép trở lại đường đua đầu tư mở rộng - Ảnh 2.

Thép Nam Kim hướng đến phân khúc sản phẩm cao cấp khi đầu tư mở rộng.

Với SMC, các kế hoạch đầu tư đều hướng tới mảng gia công, thâm nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Vào tháng 8/2020, công ty công bố tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu cho Samsung tại Việt Nam. Đến đầu 2021, Samsung C&T và SMC ký hợp đồng lập liên doanh coil center (trung tâm gia công thép) tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Bà Rịa Vũng Tàu.

Theo SMC, việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua tập đoàn Samsung đánh dấu bước tiến mới, khẳng định năng lực và chất lượng, hướng đến việc tham gia khai thác nhóm khách hàng mới là các doanh nghiệp FDI dịch chuyển đầu tư từ thị trường Trung Quốc.

Nhìn chung mỗi doanh nghiệp đều dựa vào thế mạnh và nền tảng tích lũy để tăng tốc đầu tư, chiếm lĩnh thị trường và tạo động lực tăng trưởng trong tương lai. Dưới góc nhìn của các nhà quản trị, một kế hoạch đầu tư được đưa ra dựa trên tầm nhìn dài hạn và khó thay đổi trước biến động không thuận lợi trong ngắn hạn.

Diễn biến ngành thép đang có những khó khăn nhất định. Theo VDSC, các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt khiến tiêu thụ thép nội địa Trung Quốc suy yếu và các nhà máy phải giảm sản lượng trong khi đẩy mạnh xuất khẩu. Tình hình này đã tạo áp lực lên mặt bằng giá thế giới, kéo giá thép thành phẩm trong nước giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay.

Dù vậy, VDSC cũng kỳ vọng giá thép trong nước giảm sẽ khuyến khích nhu cầu trở lại sau khoảng thời gian trầm lắng từ đầu tháng 4 đến nay. Mặt khác, việc Trung Quốc cho phép mở cửa kinh tế trở lại từ đầu tháng 6 kết hợp với các chính sách đẩy mạnh đầu tư cho tăng trưởng của nước này trong nửa cuối năm có thể giúp giá thép cũng như giá các nguyên liệu sản xuất thép sớm phục hồi trên toàn cầu.

Theo Ngọc Điểm

Cùng chuyên mục
XEM