Đại sứ Israel: Phụ nữ Do Thái dạy con gái sinh ra để được yêu thương, không phải cắm mặt vào việc bếp núc
“Nền giáo dục nào cũng phải bắt đầu từ chính trong mỗi gia đình, trong cách chúng ta chăm sóc và dạy dỗ con gái để chúng hiểu rằng chúng có thể có vị trí tốt hơn mẹ. Tôi biết rằng con gái tôi có thể trở thành bất cứ ai mà nó muốn. Nó không hề thuộc về cái bếp”, Đại sứ Israel chia sẻ.
“Chúng tôi không nghĩ chúng tôi thuộc về cái bếp. Chúng tôi biết chúng tôi có thể làm rất nhiều việc bên ngoài cái bếp đó. Chúng tôi sẽ thuyết phục chồng chia sẻ gánh nặng, công việc nhà với chúng tôi”, bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam – chia sẻ quan điểm về thiên chức làm mẹ, làm vợ tại đất nước Do Thái.
Phụ nữ sinh ra là để được yêu thương, chứ không chỉ quẩn quanh cái bếp
* Nhiều người ở Việt Nam vẫn quan niệm hình ảnh người phụ nữ vẫn gắn liền với cái bếp và coi việc nấu nướng, chăm sóc gia định như một “thiên chức”. Quan điểm này có tương tự như ở Israel?
Phụ nữ Do Thái không nghĩ vậy. Đúng, chúng tôi là những người mẹ, người vợ, nhưng chúng tôi tin rằng phụ nữ sinh ra cũng là để được yêu thương.
Gánh nặng công việc gia đình như nuôi nấng, chăm sóc, giáo dục con cái… có thể chia sẻ giữa người cha và người mẹ, chứ không chỉ coi đó như “thiên chức” người mẹ.
Vì vậy, một người mẹ Do Thái vừa muốn chăm sóc gia đình, và họ cũng muốn chăm lo cho sự nghiệp. Họ muốn những người chồng của họ chia sẻ những gánh nặng gia đình với họ.
Không. Chúng tôi không nghĩ chúng tôi thuộc về cái bếp. Chúng tôi biết chúng tôi có thể làm rất nhiều việc bên ngoài cái bếp đó. Chúng tôi sẽ thuyết phục chồng chia sẻ gánh nặng, công việc nhà với chúng tôi.
* Tư tưởng phụ nữ không thuộc về căn bếp xuất phát từ đâu? Từ quan niệm ngàn xưa của người Do Thái hay phụ nữ Do Thái được giáo dục để nhận thức về điều này?
Người Do Thái chúng tôi cũng trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm cả cách đối xử với phụ nữ.
Chúng tôi cũng là những người truyền thống. Và suy nghĩ này phải thay đổi. Thi thoảng trong xã hội, vẫn có những người phụ nữ đóng khung trong những vai trò truyền thống nhiều hơn, thậm chí ngay tại thời điểm này cũng vậy.
Phụ nữ vẫn đảm trách những vai trò truyền thống như chăm sóc con cái, nấu nướng. Nhưng những người phụ nữ hiện đại họ muốn hơn thế. Họ muốn là người vợ, người mẹ, nhưng cũng học hành và được giáo dục… như cách tôi thường dạy con gái mình: Con có thể là bất cứ ai con muốn.
Muốn thay đổi nhận thức xã hội, hãy bắt đầu thay đổi từ cách dạy con trong gia đình
Ảnh minh họa.
* Bà nói suy nghĩ truyền thống phải thay đổi, nhưng thay đổi kiến thức thì dễ, thay đổi suy nghĩ, nhận thức hay những quan niệm từ ngàn xưa thì rất khó…
Để thay đổi nhận thức trước hết phải xem lại luật pháp. Phải cho người phụ nữ quyền làm việc, có được mức lương tương đồng, cơ hội tương đồng với nam giới.
Nhưng đầu tiên, nền giáo dục phải bắt đầu từ chính trong mỗi gia đình, trong cách chúng ta chăm sóc và dạy dỗ con gái để chúng hiểu rằng chúng có thể có vị trí tốt hơn mẹ. Tôi biết rằng con gái tôi có thể trở thành bất cứ ai mà nó muốn. Nó không hề thuộc về cái bếp.
Tôi muốn con bé có được cơ hội bình đẳng hơn, nên tôi cho rằng việc thay đổi sẽ bắt đầu bằng câu chuyện dạy con cái trong mỗi gia đình.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục cũng cần dạy dỗ việc các bé gái có đầy đủ quyền bình đẳng với các bé trai.
Tôi tin một đất nước không thể phát triển toàn diện nếu phụ nữ chưa có toàn quyền bình đẳng với nam giới.
* Phụ nữ hiện đại ở Israel giờ có nhiều lựa chọn. Theo bà, có lực cản gì đối với việc phát triển sự nghiệp của phụ nữ Do Thái hay không?
Thách thức của phụ nữ trên thế giới nhìn chung khá tương đồng: Đó là làm thế nào để cân bằng giữa Gia đình và Sự nghiệp.
Tôi hiểu rằng tôi không thuộc về cái bếp, nhưng tôi vẫn phải có thời gian cho các con, đưa các con đi học chẳng hạn. Còn về sự nghiệp, tôi đang là một Đại sứ, tôi không thể thực hiện việc đưa đón con đi học hàng ngày, không thể luôn có mặt mỗi khi trường bọn trẻ có buổi trình diễn…
Bà Meirav Eilon Shahar.
Tôi buộc phải tìm cách cân bằng cả hai. Tôi muốn sự nghiệp, và tôi cũng yêu thiên chức làm mẹ và yêu gia đình rất nhiều.
Nhưng không phải lúc nào tôi cũng không biết cách cân bằng mọi việc. Đôi khi tôi nấu nướng trong bếp và nghĩ về công việc. Rất nhiều lần tôi không thể đến trường học đón con…
Tôi phải tìm cách thức cân bằng tốt nhất, sao cho các con tôi cũng vui vẻ, chồng tôi vui vẻ, và công việc cũng phải có tiến triển. Tin tôi đi, không bao giờ có một giải pháp toàn diện cho mọi việc, việc phụ nữ chúng ta có thể làm là cố gắng hết sức!
Khi kết thúc buổi phỏng vấn này, tôi sẽ về và đưa con gái đi học tennis, sau đó dự một sự kiện của Đại sứ quán Ấn Độ. Khi sự kiện kết thúc, tôi sẽ phải quay lại lớp học Tennis đón con.
Cân bằng là thách thức cho tất cả những phụ nữ hiện đại.
* Có khi nào bà gặp những khủng hoảng và cảm giác như không thể cân bằng được cả hai... Những lúc đó bà làm thế nào?
Mỗi tuần 1 lần, tôi nhìn vào lịch làm việc và cố gắng làm những điều tốt nhất có thể.Tôi và chồng không đi cùng nhau vì công việc đòi hỏi tôi phải di chuyển nhiều.
Tuần tới, tôi phải đi Hà Giang 3 ngày. Chúng tôi cố gắng xoay xở lịch làm việc.Thi thoảng, công việc buộc tôi phải đặt sự ưu tiên hơn.Và đôi khi, gia đình sẽ được ưu tiên. Nhưng cân bằng cả hai luôn là thách thức thường trực.
Con tôi rất ghét điện thoại của tôi. Vì tôi luôn luôn làm việc và chúng không hề thích điều này.
Tôi nhớ mẹ tôi, bà thuộc một thế hệ khác. Bà vừa chăm con cái, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, và bà vẫn có sự nghiệp của riêng mình.
Nhưng tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, bà làm việc rất nhiều giờ đồng hồ. Mỗi tối, bà nấu nướng, giặt giũ và làm mọi việc nhà. Bà làm việc nhà rất chăm chỉ, và vẫn có sự nghiệp của riêng mình.
Nhưng thời đại đã thay đổi, cha tôi cũng thuộc thế hệ khác. Ngày nay, người chồng trong gia đình là “một đối tác toàn diện”, bao gồm cả chia sẻ việc gia đình, chăm sóc con cái…
Vì vậy, cân bằng cũng có thể là thách thức của cánh đàn ông, khi chúng ta yêu cầu họ chia sẻ gánh nặng gia đình. Họ cũng cần biết làm sao để cân bằng giữa công việc và gia đình.
* Xin cảm ơn bà!