Đại gia xi măng và vật liệu xây dựng SCG Việt Nam giảm 10% doanh thu do ảnh hưởng của Covid-19

04/02/2021 08:30 AM | Kinh doanh

Năm 2020, SCG tại Việt Nam có doanh thu bán hàng đạt 26.574 tỷ đồng (1,144 tỷ USD), giảm 10% so với cùng kỳ, chủ yếu từ ngành kinh doanh xi măng - VLXD và xuất khẩu từ Thái Lan. SCG Việt Nam đang sở hữu khối tài sản trị giá 111.044 tỷ đồng (4.806 triệu USD), tăng 50% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ Ngành hoá dầu.

Mới đây, Tập đoàn SCG vừa đầu tư vào Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa (SOVI)
Mới đây, Tập đoàn SCG vừa đầu tư vào Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa (SOVI)

Doanh thu bán hàng tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam

Dựa trên báo cáo quý IV/2020, SCG tại Việt Nam sở hữu khối tài sản trị giá 111.044 tỷ đồng (4.806 triệu đô la Mỹ), tăng 50% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ ngành hoá dầu – cụ thể hơn là từ Dự án hóa dầu Long Sơn.

Tập đoàn báo cáo doanh thu bán hàng quý IV/2020 đạt 6.855 tỷ đồng (296 triệu USD), bao gồm doanh số bán hàng nội địa và nhập khẩu từ Thái Lan - giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020, SCG tại Việt Nam báo cáo doanh thu bán hàng đạt 26.574 tỷ đồng (1.144 triệu USD), giảm 10% so với cùng kỳ, chủ yếu từ ngành kinh doanh xi măng - VLXD và xuất khẩu từ Thái Lan.

Ở Việt Nam, SCG hoạt động trong 3 lĩnh vực là hóa chất, bao bì và vật liệu xây dựng với vài chục công ty thành viên. Theo thống kê gần nhất trên website của Tập đoàn này vào quý I/2017, họ có 22 thành viên và 8.600 nhân viên. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, SCG cũng đã mua lại rất nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong 3 lĩnh vực nói trên, ví dụ gần đây họ đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa (SOVI).

Các công ty tiêu biểu của SCG tại Việt Nam: Ngói Bê tông SCG, Tập đoàn PRIME, SCG Super Xi Măng, Xi măng Sông Gianh, Tấm Xi măng giả gỗ SCG Smartwood và Sứ vệ sinh COTTO. Tiến độ xây dựng của Dự án Hóa dầu Long Sơn (LSP), tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam, đang đi đúng kế hoạch và dự kiến sẽ vận hành vào đầu năm 2023.

Tại khu vực ASEAN (ngoại trừ Thái Lan), doanh thu bán hàng của SCG năm 2020 ghi nhận giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 19.405 tỷ đồng (838 triệu USD), chiếm 26% tổng doanh thu bán hàng của tập đoàn. Doanh thu này bao gồm doanh số bán hàng sản xuất từ các cơ sở kinh doanh thuộc các nước ASEAN và hàng nhập khẩu từ Thái Lan.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng giá trị tài sản của tập đoàn lên đến 576.952 tỷ đồng (24,970 tỷ USD), trong khi tổng tài sản của SCG tại khu vực ASEAN (ngoại trừ Thái Lan) là 218.374 tỷ đồng (9,451 tỷ USD) chiếm 38% tổng tài sản hợp nhất của SCG.

Doanh thu bán hàng của cả Tập đoàn SCG

Theo Báo cáo tài chính mới nhất từ SCG, doanh thu bán hàng của họ trong năm 2020 giảm 9% so với cùng kỳ xuống còn 148.674 tỷ đồng (9,602 tỷ USD), phần lớn là do giá hóa chất và sản lượng bán giảm. Lợi nhuận trong năm đạt 26.265 tỷ đồng (1,091 tỷ USD), tăng 7% so với cùng kỳ năm trước nhờ hoạt động kinh doanh cải thiện ở tất cả các nhóm ngành. Năm 2020, doanh thu từ các Sản phẩm Giá trị Gia tăng cao (High Value Added - HVA) đạt 97.012 tỷ đồng (4,030 tỷ USD), cải thiện so với quý trước và chiếm 32% tổng doanh số bán hàng.

Doanh thu bán hàng năm 2020 của SCG Việt Nam đạt 1,144 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019 - Ảnh 1.

Tập đoàn mới ra mắt SCGP-Inspired Solutions Studio phục vụ cho Ngành bao bì.

Cụ thể hơn: doanh thu bán hàng trong quý IV/2020 của tập đoàn giảm 4% so với quý trước, xuống còn 74.808 tỷ đồng (3,222 tỷ USD), do nhu cầu theo mùa của ngành kinh doanh xi măng - vật liệu xây dựng (CBM), ảnh hưởng của Covid-19 và mảng kinh doanh hóa dầu có kế hoạch đóng cửa bảo trì định kỳ nhà máy Map Ta Phut Olefins (MOC) trong quý IV/2020.

Mặc dù việc bảo trì đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch, giúp bù đắp một phần tổn thất sản xuất, sản lượng hóa dầu bán ra vẫn thấp hơn mức bình thường trong quý IV/2020. Bên cạnh đó, doanh thu bán hàng giảm 8% so với năm trước, chủ yếu do doanh thu Ngành hóa dầu giảm từ việc bảo trì MOC và doanh thu mảng xi măng - Vật liệu xây dựng (VLXD) giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế.

Lợi nhuận trong quý IV/2020 của SCG đạt 6.191 tỷ đồng (263 triệu USD), giảm 17% so với quý trước do hiệu quả hoạt động của ngành xi măng - VLXD đi xuống bởi tác động của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế suy thoái, tình trạng mưa lớn và lũ lụt trong khu vực, cũng như hao hụt tài sản từ nhà máy sản xuất xi măng ở Myanmar và Indonesia trong quý IV/2020. Mặt khác, lợi nhuận quý tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thu nhập từ ngành hóa dầu có tiến triển, chủ yếu do chi phí nguyên liệu đầu vào giảm.

Bên cạnh đó, năm 2020, doanh thu của SCG từ các đơn vị kinh doanh khác ngoài Thái Lan, cùng với doanh thu xuất khẩu từ Thái Lan đạt 129.784 tỷ đồng (5,391 tỷ USD), chiếm 42% tổng doanh thu bán hàng, cao hơn con số 41% của năm trước.

Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SCG phân tích: "Tình hình kinh doanh của SCG trong năm 2020 ổn định mặc dù đối mặt với tình trạng đầy thách thức từ đại dịch Covid-19, nhờ nỗ lực của toàn thể nhân viên SCG, với ưu tiên hàng đầu là sự an toàn và tính liên tục trong sản xuất kinh doanh.

Đội ngũ của chúng tôi đã nhanh chóng áp dụng chiến lược mới với một loạt cách tiếp cận linh hoạt, từ việc sửa đổi kế hoạch kinh doanh, thay đổi tỷ lệ bán hàng, cho đến phát triển hệ thống bán hàng đa kênh chủ động để đáp ứng thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng. Những cố gắng này đã giúp SCG mang đến một loạt các cải tiến, sản phẩm, dịch vụ và các giải pháp toàn diện, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Doanh thu bán hàng năm 2020 của SCG Việt Nam đạt 1,144 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019 - Ảnh 2.
Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SCG

Trong tương lai, SCG sẽ tiếp tục triển khai chế độ làm việc kết hợp cho phép nhân viên SCG làm việc tại nhà và sử dụng các công nghệ để tương tác với đối tác và cung cấp dịch vụ khách hàng. Nhân viên SCG tại các cơ sở sản xuất và bảo trì sẽ tiếp tục áp dụng ‘phương pháp tiếp cận theo nhóm’ trong đó các khu vực và chức năng được tách biệt để đảm bảo sự tiếp xúc tối thiểu giữa nhân viên với nhau.

Nhân viên làm việc ở nước ngoài sẽ được giữ lại tại nơi sản xuất để đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn. Các nhân viên tiếp xúc với khách hàng bên ngoài sẽ tuân thủ các quy trình vệ sinh nghiêm ngặt để duy trì sự tin tưởng của khách hàng. Với những biện pháp chủ động và quyết tâm của toàn thể nhân viên SCG, tôi tin rằng SCG sẽ một lần nữa vượt qua những bất ổn của làn sóng mới từ đại dịch Covid-19".

Ngành hoá dầu

Các hoạt động của Ngành hóa dầu diễn ra suôn sẻ ở cả thị trường Thái Lan và quốc tế với việc quản lý tính liên tục trong kinh doanh và quản lý danh mục bán hàng. Doanh nghiệp đẩy mạnh doanh thu vật liệu nhựa để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng có nhu cầu cao như bao bì thực phẩm, bao bì đồ uống và bao bì thương mại điện tử.

Trong trường hợp một số thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, doanh nghiệp trực thuộc đã chuyển trọng tâm bán hàng sang các thị trường ít bị ảnh hưởng hơn bởi việc đóng cửa. Ngành kinh doanh Hóa dầu cũng đã áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như nền tảng Thương mại điện tử, kết nối đơn đặt hàng của khách hàng với bộ phận quản lý cung ứng. Nền tảng này giúp tăng sự linh hoạt, giảm thời gian xử lý và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho khách hàng.

SCG cũng mở rộng các hoạt động kinh doanh hạ nguồn và thử nghiệm các lĩnh vực kinh doanh mới nhằm tạo ra nét khác biệt cho sản phẩm và nâng cao tính linh hoạt trong kinh doanh.

Đối với các giải pháp kinh tế tuần hoàn, SCG đã bắt đầu sản xuất hạt nhựa tái chế, sử dụng sản phẩm nhựa đã qua sử dụng từ chất thải cộng đồng, đồng thời doanh nghiệp cũng xây dựng nhà máy tái chế hóa chất kiểu mẫu. Bằng cách sử dụng kiến thức và chuyên môn nội bộ cùng với sự hợp tác với các đối tác toàn cầu, Ngành hoá dầu đặt mục tiêu thương mại hóa các giải pháp sản xuất kỹ thuật số tự phát triển và trở thành Nhà cung cấp giải pháp công nghiệp.

Ngành bao bì

Ngành bao bì đã tự điều chỉnh để đối phó với những biến động kinh tế bằng cách củng cố mô hình kinh doanh tích hợp để phát triển bền vững trong khu vực ASEAN. Điều này cũng bao gồm việc hợp tác với các doanh nghiệp ở nước ngoài để mở rộng kinh doanh nhờ mở rộng tệp khách hàng trong ngành hàng tiêu dùng, hiện đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Doanh thu bán hàng năm 2020 của SCG Việt Nam đạt 1,144 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019 - Ảnh 3.

Bao bì linh hoạt R-1 gồm nhiều lớp với các đặc tính độc đáo về khả năng chống va đập cao, có thể bảo vệ vật phẩm và khả năng tái chế, thân thiện với môi trường.

Gần đây tập đoàn đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa (SOVI) để củng cố vị thế và thế mạnh của mình trong lĩnh vực sản xuất bao bì thượng nguồn tại Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng vừa mua lại Công ty TNHH Go-Pak (Go-Pak), một trong những nhà cung cấp giải pháp dịch vụ thực phẩm hàng đầu tại Anh, Châu Âu và Bắc Mỹ, với các cơ sở sản xuất tại miền Nam Việt Nam. Những khoản đầu tư này sẽ mở rộng tiềm năng của tập đoàn trong lĩnh vực kinh doanh bao bì thực phẩm.

Tập đoàn cũng cam kết phát triển các giải pháp và cải tiến bao bì. Mới đây, tập đoàn mới ra mắt SCGP-Inspired Solutions Studio nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng với các giải pháp thiết kế bao bì và phát triển bao bì ứng dụng nguyên tắc nền kinh tế tuần hoàn.

Một sáng tạo nổi bật là sản phẩm R-1 – một loại bao bì linh hoạt bao gồm nhiều lớp với các đặc tính độc đáo về khả năng chống va đập cao, bảo vệ vật phẩm và khả năng tái chế. Bên cạnh đó, tập đoàn Dow Thái Lan và Khao Tra Chat đã cùng hợp tác phát triển các loại bao bì đựng gạo thân thiện với môi trường và có thể tái chế 100%.

Ngành xi măng – VLXD

Ngành xi măng – VLXD đã nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách điều chỉnh hoạt động và mô hình kinh doanh để phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm vệ sinh và thương mại điện tử.

Doanh nghiệp đã đầu tư phát triển hệ thống bán hàng đa kênh, ví dụ như SCG HOME trực tuyến, NocNoc và Q-Chang. Đồng thời, công ty cũng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cũng như các giải pháp tổng thể để củng cố vai trò dẫn đầu thị trường vật liệu xây dựng tại Thái Lan và ASEAN.

Các dịch vụ cung cấp bao gồm các giải pháp xây dựng, giải pháp sinh hoạt và giải pháp bảo vệ khỏi Covid-19, điển hình như Giải pháp y tế của CPAC BIM khai thác công nghệ Mô hình thông tin toà nhà để xây dựng buồng cách ly và buồng điều khiển dùng trong y khoa, công nghệ thông gió cho phòng áp lực âm và dương nhằm đảm bảo an toàn, các giải pháp mô-đun giúp lắp đặt nhanh chóng và tiết kiệm ngân sách. Các giải pháp trên đã được lắp đặt tại Bệnh viện Saraburi và Bệnh viện Vajira (Thái Lan).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã cải tiến các sản phẩm để phục vụ nhu cầu giữ gìn vệ sinh. Bao gồm các sản phẩm như vòi và sứ vệ sinh tự động Smart Touchless để giảm thiểu sự tiếp xúc hoặc Gạch vệ sinh COTTO giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trong nhà. Doanh nghiệp còn ra mắt tấm chống ẩm mốc và chống tia UV SCG Smartboard Ultra Clean, tích hợp các tính năng lau chùi dễ dàng và có thể chịu được hoá chất khử trùng thường xuyên, là lựa chọn phù hợp cho các bức tường tại bệnh viện, cơ sở y tế, viện dưỡng lão hoặc các phòng khám nha khoa.

Hệ thống mái sử dụng năng lượng mặt trời của SCG (SCG’s Solar Roof System) là một giải pháp tiết kiệm nhiên liệu cho ngôi nhà. Năm 2020, doanh số bán hàng của sản phẩm này tăng mạnh, ghi nhận mức tăng trưởng 182% so với năm ngoái do nhu cầu dành nhiều thời gian ở nhà.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM