Đại diện Bộ Y tế: Bệnh viện Tuệ Tĩnh xin tự chủ lúc còn non trẻ, hậu quả rất khó khăn

20/11/2021 11:45 AM | Xã hội

Theo đại diện Bộ Y tế, khi nhìn những hình ảnh cán bộ y tế sau giờ làm phải đi bán rau để kiếm sống, ông không khỏi xót xa...

Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Liên quan tới vấn đề xin tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh khiến cho 160 CB CNV chỉ nhận được 50% lương trong hơn 6 tháng qua, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết Bệnh viện Tuệ Tĩnh khi xin tự chủ đã có đề án, căn cứ đầy đủ mới được Bộ Y tế quyết định cho tự chủ.

Học viện Y học cổ truyền Việt Nam được thành lập từ năm 2005 (16 năm), song song với đó có liên kết để thành lập bệnh viện Tuệ Tĩnh. Do vậy, bệnh viện Tuệ Tĩnh có sự đặc thù rất riêng trong các bệnh viện trực thuộc trường Đại học, đơn vị này được hỗ trợ rất nhiều mặt kinh tế.

Theo ông Tuấn, đối với các trường đại học của ngành y tế thì Học viện mới được 16 năm như vậy là quá non trẻ so với các trường ngành y tế khác. Học viện Y học cổ truyền Việt Nam đã có sự lớn mạnh rất nhanh, từ trung cấp phát thành học viện. Học viện trở thành đơn vị chủ chốt trong điều trị về y học cổ truyền.

Với những tiền đề phát triển của học viện, năm 2019 Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã xin tự chủ. Vào ngày 4/6/2019 khi Bộ Y tế có Quyết định số 2218/QĐ-BYT về việc giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đời sống CB CNV gặp nhiều khó khăn.

 Đại diện Bộ Y tế: Bệnh viện Tuệ Tĩnh xin tự chủ lúc còn non trẻ, hậu quả rất khó khăn - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Quốc Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Học viện Y-Dược học Cổ truyền Việt Nam - Ảnh Ngọc Minh.

Ông Tuấn cho hay Bộ Y tế năm nào cũng có kiểm tra đánh giá bệnh viện theo bảng điểm kiểm tra chất lượng Việt Nam (Bộ Y tế). Những năm trước, khi chưa tự chủ, Bệnh viện Tuệ Tĩnh phát triển tốt, có lương có thưởng, nhân viện vui vẻ.

Những năm gần đây, bệnh viện có sự đi xuống về kinh tế, đời sống của nhân viên bệnh viện. Cuối năm 2019, khi Bộ Y tế kiểm tra, CBCNV không còn thưởng mà chỉ có lương.

"Thời điểm đó cũng có một số cán bộ trong bệnh viện nói nếu bệnh viện tự chủ chi thường xuyên chắc chắn sẽ rất khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm của giám đốc học viện đồng thời là giám đốc bệnh viện giai đoạn đó thì đã quyết tâm tự chủ kinh phí thường xuyên để tạo sức bật cho bệnh viện phát triển.

Hiện nay, trong các bệnh viện về y học cổ truyền trực thuộc Bộ Y tế như: Bệnh viện châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, chưa có bệnh viện nào dám làm tự chủ toàn bộ kinh tế chi thường xuyên.

Với tầm cỡ lịch sử của các bệnh viện này tới 50-70 năm thành lập chưa dám làm. Nhưng Bệnh viện Tuệ Tĩnh còn non trẻ nhưng đã dám làm để tạo sức bật mới. Tôi không rõ sức bật mới cho bệnh viện như thế nào nhưng hậu quả hiện nay là rất khó khăn.

Do dịch bệnh, các bệnh viện khó khăn, ví như Bệnh viện châm cứu Trung ương nếu tự chi thường xuyên sẽ chung "thảm hoạ" như Tuệ Tĩnh là chắc chắn", ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, khi nhìn những hình ảnh cán bộ y tế sau giờ làm phải đi bán rau để kiếm sống, ông không khỏi xót xa. Cần có một cơ chế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho bệnh viện hỗ trợ đời sống cho CBCNV.

Trước những khó khăn Bệnh viện đang gặp phải về tài chính và nguồn thu, chiều ngày 19/11 lãnh đạo học viện đã đề xuất với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xin tạm dừng tự chủ.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM