Đại diện ‘be’ nói về việc tạm ngừng triển khai beFood: Chúng tôi có cơ hội, nhưng tạm dừng để dồn toàn lực đấu với Grab trong mảng vận tải

14/11/2019 13:32 PM | Kinh doanh

"Chúng tôi hoàn toàn có cơ hội, tuy nhiên rủi ro để đánh mất vị thế ở Ride-hailing sẽ cao hơn, không đạt được kỳ vọng nhiều hơn ở các mảng như beFood hay beLogistics", đại diện "be" cho biết.

Trước thông tin "be" cho ngừng beFood sau 6 tháng rục rịch chuẩn bị mới đây, đại diện "be" xác nhận thông tin trên và cho biết: "be" sẽ tập trung toàn lực vào mảng vận tải để cạnh tranh với Grab, trong bối cảnh "be" cho là "khá thuận lợi" của Nghị định 86.

Trước thềm đón sinh nhật 1 năm tuổi ("be" hiện được 11 tháng tuổi), "be" đang tập trung xây dựng kế hoạch kinh doanh và chiến lược cho 2020. Điểm lại 2019, "be" cho biết startup này đã khẳng định "đã và đang là một tay chơi không hề nhỏ và không hề yếu trong cuộc chơi này".

"Chúng tôi đã đạt được những chỉ số mà chưa công ty nào trong ngành đạt được trong 10 tháng (thị phần số 2 theo khảo sát của ABI, 350.000 chuyến xe/ngày, 50.000 tài xế, mở rộng 9 tỉnh thành, khoảng 40 triệu chuyến đi). Chúng tôi có thể tư hào là sau 10 tháng, chúng tôi là công ty gọi xe công nghệ số 2 Việt Nam, và là công ty Việt Nam duy nhất nằm trong top 3 thị trường", đại diện "be" cho biết.

Vị này cũng cho hay "be" hoàn toàn có cơ hội trong mảng Food (giao thực phẩm), "tuy nhiên rủi ro để đánh mất vị thế ở Ride-hailing (gọi xe) sẽ cao hơn, không đạt được kỳ vọng nhiều hơn ở các mảng như beFood hay beLogistics".

Đại diện ‘be’ nói về việc tạm ngừng triển khai beFood: Chúng tôi có cơ hội, nhưng tạm dừng để dồn toàn lực đấu với Grab trong mảng vận tải - Ảnh 1.

Số liệu: ABI Research.

Chính vì vậy, Ban Giám đốc của "be" đã quán triệt mục tiêu năm 2020 sẽ:

- Tập trung củng cố vào mảng vận tải, không chỉ bảo vệ thị phần đã có, mà còn đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2020;

- Dồn đại đa số nguồn lực và đầu tư công nghệ cho mảng vận tải;

- Tăng sự tối ưu hóa về công nghệ cho vận tải nhằm giảm chi phí vận hành: đặt trọng tâm dùng công nghệ trong công tác vận hành mạnh mẽ hơn;

- Đưa thêm các tài nguyên công nghệ vào vận tải 2 bánh, 4 bánh.

Trước đó, tại Diễn đàn cấp cao & Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019, CEO be Group Trần Thanh Hải khuyến nghị về mô hình sandbox, cụ thể "nên khống chế không gian, thời gian cũng như thị phần nhất định, tránh trường hợp các đơn vị trong môi trường thử nghiệm (sandbox) có thể chiếm thị phần lớn và tạo ra những bất bình đẳng trong kinh doanh".

Sandbox trong lĩnh vực vận tải 4 bánh hiện có Grab, be, VATO, Go-Viet, Fastgo, Mai Linh, Vinasun, Go-Ixe...

"Tôi lấy ví dụ cụ thể như việc nhanh chóng ban hành Nghị định 86 trong ngành giao thông vận tải để giúp có sự cân bằng trong cái cũ và cái mới", ông Hải kiến nghị.

Nghị định ông Hải nhắc tới là nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó đề xuất coi những doanh nghiệp như Grab là doanh nghiệp vận tải (không phải doanh nghiệp công nghệ).

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM