Đại dịch thay đổi nhận thức doanh nghiệp: Nhân sự quan tâm nhiều đến "công việc ý nghĩa", đòn bẩy nằm ở lĩnh vực STEM
Theo khảo sát, sau đại dịch Covid-19, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) mong muốn cần có thêm nhiều nhân sự hơn nữa theo đuổi các nhóm nghề liên quan đến STEM (kết quả đồng tình đạt mức 91%) và người lao động ngày càng có xu hướng tìm kiếm những "công việc ý nghĩa"...
"Công việc ý nghĩa" là đích đến của nguồn nhân lực
Theo cuộc khảo sát về Chỉ số hiểu biết khoa học 2021 của 3M về nhận thức của người dân đối với khoa học, gần như tất cả người được khảo sát ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đồng ý rằng thế giới cần có thêm nhiều nhân sự hơn nữa theo đuổi các nhóm nghề liên quan đến STEM (kết quả đồng tình đạt mức 91% ở APAC so với 90% quy mô toàn cầu).
Người lao động ngày càng có xu hướng tìm kiếm những "công việc ý nghĩa". Nghiên cứu cho thấy "ý nghĩa" và "mục đích" là khía cạnh quan trọng nhất mà nhân viên nhìn nhận ở công việc của họ. Những người cho rằng công việc mình đang làm là "có ý nghĩa" cũng có khả năng đánh giá lĩnh vực nghề nghiệp của họ cao hơn gấp bốn lần.
Khi tìm hiểu những hệ quả liên quan của một "công việc ý nghĩa" đối với người lao động tại Châu Á, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nó không chỉ tác động tích cực đến năng suất và hiệu suất làm việc, mà còn khuyến khích lòng trung thành của nhân viên.
Bên cạnh mục tiêu nâng cao giá trị, khối doanh nghiệp đang nỗ lực phát triển thế hệ các nhà tư tưởng, lãnh đạo và sáng tạo tương lai. Doanh nghiệp có thể gặt hái được rất nhiều lợi ích từ việc phân bố tỉ lệ đầu tư vào R&D nhiều hơn.
Để đáp ứng yêu cầu này, nhiều tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới đang chia sẻ các tài liệu giáo dục miễn phí và tổ chức giảng dạy trực tuyến cho nhóm học sinh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Ví dụ, chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và TED-Ed đã tổ chức một khóa học kéo dài 30 ngày tập trung vào chủ đề môi trường. Khóa học trực tuyến mang tên "Trường học Trái đất" (Earth School) mang đến cho học sinh, phụ huynh và giáo viên đa dạng nguồn tài liệu tham khảo dưới dạng video và văn bản, cũng như các hoạt động giáo dục khác.
Chìa khóa nằm ở nguồn nhân lực STEM
Hiện nay, các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty hoạt động trong lĩnh vực STEM.
Ở Việt Nam, chỉ có 12% người lao động đảm bảo tay nghề chuyên môn cao, và lĩnh vực Công nghệ Thông tin (IT) đang chịu ảnh hưởng đặc biệt từ sự thiếu hụt này.
Tuy nhiên, tình hình đang dần thay đổi sau đại dịch Covid-19. Chỉ số hiểu biết khoa học 2021 của 3M chỉ ra rằng có tới 2/3 người tham gia khảo sát tại APAC có nhiều cảm hứng hơn để theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực STEM (kết quả đạt 66% ở APAC so với 60% trên toàn cầu). 63% người trả lời ở khu vực này cũng tin rằng trong đại dịch, các nhà khoa học và chuyên gia y tế đã và đang truyền cảm hứng để thế hệ mới theo đuổi một nghề nghiệp tương lai dựa trên nền tảng khoa học (so với 62% trên toàn cầu).
Những phát hiện từ nghiên cứu State of Science Index 2021 của 3M đã gợi ý câu trả lời. Trong số những người tin rằng các công ty nên tham gia vào việc hỗ trợ giáo dục STEM, hoạt động hàng đầu được các công ty ưu tiên bao gồm:
- Tạo nguồn lực để trẻ em tiếp cận với khoa học ngay từ khi còn nhỏ (46% tại APAC so với 44% trên toàn cầu).
- Đầu tư vào các hoạt động truyền cảm hứng để khơi gợi niềm yêu thích khoa học ở trẻ (42% so với 39% trên toàn cầu).
- Cung cấp các khoản trợ cấp/học bổng cho các sinh viên yếu thế (41% so với 43% trên toàn cầu).
- Tổ chức các chương trình như thực tập, trại hè và hội thảo để giúp sinh viên theo đuổi STEM (40% so với 43% trên toàn cầu).
Đại dịch COVID-19 đã cho thế giới thấy sự cần thiết hơn bao giờ hết của lĩnh vực STEM (Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Từ sự phát triển nhanh chóng của vắc xin COVID-19 đến các công nghệ tân tiến, STEM đã giúp các quốc gia vượt qua vô số thách thức khác nhau gây ra bởi đại dịch.