Đại dịch có phải là cái cớ hợp lý cho việc công ty không tăng lương?

29/06/2021 09:48 AM | Kinh doanh

Đại dịch là thời điểm "vàng" để bạn nhận ra rằng liệu công ty có thật sự tốt như bạn vốn nghĩ? Liệu công ty và bạn sẽ "cùng tiến cùng lùi" hay "thân ai nấy lo"?

Chắc hẳn, có rất nhiều bạn đang phiền lòng vì sắp tới kì xét tăng lương, thăng chức giữa năm nhưng đại dịch lại có những diễn biến không hề khả quan. Và dù muốn hay không, một số công ty và ngành nghề sẽ có những biến động dẫn đến chững về doanh thu khiến việc được thăng chức, tăng lương của nhiều bạn cũng vì vậy mà chững theo. 

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống Kê về "Ảnh hưởng của COVID-19 đến tình hình lao động quý I/2021" đã cho thấy: Hiện nay, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng trong quý I năm 2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong đó nam giới chiếm 51,0% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm gần hai phần ba.

Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.

Có thể nói rằng, các doanh nghiệp và người lao động đang rất hoang mang do sự hoành hành của dịch bệnh. Một số ngành nghề như du lịch, nhà hàng khách sạn, karaoke, spa… là những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, thậm chí đã có những công ty phá sản. Những ngành khác tuy không chịu một đòn trực diện nhưng cũng thiệt hại nặng nề. Vì thế, để duy trì được tình hình kinh doanh, nhân sự ổn định là chuyện không phải dễ dàng.

Tuy nhiên, đây phải chăng là cái cớ hợp lý cho việc công ty hoãn lại việc tưởng thưởng xứng đáng cho cống hiến của bạn hay không?

Đã từng gắn bó hãy cảm thông cho nhau

Đôi khi chúng ta sẽ tức giận, cáu gắt vì cho rằng công ty không quan tâm đến nhân viên, phớt lờ kỳ tăng lương theo quy định. Nhưng đó cũng chỉ là những suy nghĩ từ chúng ta, vì thế hãy làm rõ lý do vì sao như vậy bằng cách đưa ý kiến hoặc yêu cầu một cuộc họp từ cấp trên trực tiếp hoặc thậm chí là ban lãnh đạo công ty. Một người thẳng thắn nói ra suy nghĩ của bản thân trên tinh thần xây dựng chắc chắn sẽ được hoan nghênh. Có thể, công ty thực sự vì dịch bệnh mà không xoay được dòng tiền hay vì công ty đang cần gấp đầu tư và có dự định dời vào tháng tiếp theo.

Khi đã làm rõ nguyên nhân, bạn có thể đưa ra cách giải quyết hợp lý cho tình huống của bản thân. Có thể bạn sẽ lựa chọn ra đi để tìm kiếm sự thăng tiến hoặc ở lại, chấp nhận chịu thiệt một khoảng thời gian, điều nay sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng có một điều chắn chắn rằng, dù thế nào bạn cũng sẽ không ấm ức hay khó chịu, vì bạn đã thẳng thắn và nhận được câu trả lời xứng đáng.

Còn nếu trong trường hợp công ty không thể đưa ra câu trả lời hợp lý, có thái độ trốn tránh, cố tình phớt lờ ý kiến của nhân viên, thì rõ ràng chúng ta đâu cần phải luyến tiếc trước một công ty thiếu trách nhiệm như thế, đúng không nào? Mặc dù, trong thời buổi dịch khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm, tối ưu hóa chi phí, ít tuyển vị trí mới, nhưng hãy vững tin tìm kiếm một nơi xứng đáng để chúng ta cống hiến.

Đại dịch có phải là cái cớ hợp lý cho việc công ty không tăng lương? - Ảnh 1.

Cánh cửa sự nghiệp luôn mở rộng cho những người can đảm

Khi nhìn mọi thứ bằng cách lạc quan, cánh cửa sự nghiệp vẫn mở ra cho những người thật sự can đảm. Bên cạnh những nhân viên lo sợ thất nghiệp, giảm thu nhập, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ xem dịch bệnh như một cơ hội để thay đổi công việc, hoàn thiện bản thân, nâng cao kinh nghiệm và tìm nơi phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, chiến lược "Đại dương xanh" – chiến lược tìm kiếm cho mình những cơ hội trong một môi trường không có cạnh tranh hoặc sự cạnh tranh là không cần thiết. Do đó, có thể nói thời điểm đại dịch ít nhân sự dám nhảy việc chính là "đại dương xanh" của người tìm việc, là cơ hội đón đầu những cơ hội việc làm và giảm tỉ lệ chọi của mình xuống thấp nhất có thể, đặc biệt là ở những trung tâm kinh tế lớn và nhiều sự cạnh tranh.

Không những thế, với doanh nghiệp hàng đầu hoặc đang trên đà phát triển bất chấp đại dịch, họ luôn cần những ứng viên chất lượng để thúc đẩy kinh doanh cho giai đoạn dịch bệnh, vì thế đây là thời điểm tốt cho những ai có ý định nhảy việc mùa dịch. Do đó, thay vì lo lắng bạn hãy nhanh chóng nắm bắt cơ hội vàng này để bật nhảy thật xa trên lộ trình nghề nghiệp. Nhưng dù gì đi nữa, khi nhảy việc, chúng ta cũng cần lưu ý những điều sau:

Xác định nguyên nhân trước khi nhảy việc 

Nhằm tránh đưa ra quyết định nhảy việc trong tình huống không sáng suốt, chúng ta cần làm rõ nguyên nhân. Đó có thể là bạn không nhận được lương, phúc lợi xứng đáng; công ty không thực hiện đúng quy định; công việc không có cơ hội thăng tiến… Cân nhắc mặt lợi, mặt hại khi nhảy việc từ những nguyên nhân trên. Bạn hãy tự hỏi bản thân rằng:

Liệu nếu nhảy việc thời điểm này, nếu chẳng may thất nghiệp thì bản thân có thể sống thoải mái bao nhiêu tháng để tìm kiếm công việc mới? Liệu ngành nghề của bản thân có đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch không và liệu qua công ty mới thì mọi chuyện có ổn hơn? Bạn ra đi vì bất mãn về mức lương mùa dịch hay đây chỉ là giọt nước tràn ly, công ty còn nhiều điều khiến bạn không vui vẻ?

Nếu bạn có thể trả lời được những câu hỏi trên và cảm thấy rằng quyết định ra đi không phải là hành động bồng bột nhất thời thì hãy cứ tự tin và vững tâm với quyết định của bản thân. Bởi "ông trời sẽ chẳng bao giờ triệt đường sống của người chăm chỉ, nỗ lực".

Nhưng nếu bạn vẫn chưa chắn bản thân sẽ làm gì tiếp theo thì hãy khoan đưa ra quyết định nhảy việc trong thời điểm này. Vì chúng ta, chẳng ai biết được đại dịch sẽ tiếp diễn như thế nào và liệu sắp tới, tình hình có khả quan hơn không? Đừng để lần nhảy việc này trở thành nỗi ám ảnh trong sự nghiệp của mình, bạn nhé!

Hãy dành cho bản thân một khoảng thời gian chuẩn bị 

Hãy dành cho bản thân một sự chuẩn bị thật tốt trước khi xin nghỉ việc. Bạn có thể nhìn quanh để thăm dò, phân tích tình hình thị trường việc làm hoặc có thể thử nộp đơn để xem tình hình có khả quan hay không? Và nếu nhảy việc mùa này, liệu bạn cần chuẩn bị kỹ năng gì để đạt được mức lương và công việc mình mong muốn?

HR Insider

Cùng chuyên mục
XEM