Đại biểu Quốc hội: Tăng trưởng GDP không đạt sẽ khiến Việt Nam mất cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình

09/06/2017 16:16 PM | Kinh tế vĩ mô

Đồng tình không chạy theo số lượng trong vấn đề tăng trưởng, nhưng Chính phủ phải coi việc chạy đạt 2 mục tiêu số lượng và chất lượng ngang nhau.

Quý I/2017, GDP Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,1%, thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Mức tăng trưởng này khiến mục tiêu phát triển 6,7%/năm của Việt Nam rơi vào cảnh "gần như không thể đạt được".

Điều này khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn. Đại biểu Trần Thị Phương Hoa cho rằng, nếu năm 2017 chúng ta không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì 2 năm liền chúng ta không đạt được kế hoạch tăng trưởng. Như vậy kế hoạch 5 năm của chúng ta sẽ khó khăn hơn.

"Nhìn xa hơn, nếu trong 20 năm từ 2016 – 2035 mà nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, để GDP đầu người không đạt được 6%/năm thì Việt Nam không còn cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình", bà Hoa nhận xét.

Như vậy kế hoạch phát triển năm 2016 – 2020 là rất quan trọng với lộ trình 20 năm tới. Tuy nhiên, nếu không có nhân tố mới đột biến thì GDP năm 2017 chỉ tăng 6,2%, thấp 0,5% so với mục tiêu 6,7%.

Vị đại biểu Quốc hội đánh giá, để bù đắp cho phần tăng trưởng còn thiếu, cách duy nhất là phải xác định dư địa còn để khai thác nhằm lấp đầy mục tiêu này, song song với việc không được ảnh hưởng tới các chỉ tiêu khác của vĩ mô như áp lực lạm phát, tăng nợ công, tăng nợ xấu của các nhà tư bản.

"Sẽ có những giải pháp mang lại tác dụng ngay. Chẳng hạn, chúng ta có thể tăng tổng cầu của nền kinh tế, cụ thể là tang khối lượng tiền tệ so với kế hoạch đề ra tương đương tăng thêm 2% tổng dư nợ tín dụng. Tăng trưởng tín dụng thêm 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ vì lạm phát cơ bản đang diễn biến thuận lợi. Quý I/2017, lạm phát cơ bản chỉ ở mức 1,66%.

Tuy nhiên, kèm theo giải pháp này thì Chính phủ không được tăng điện, và giá cả các loại dịch vụ công khác y tế, giáo dục từ nay tới cuối năm", bà Hoa nhận định.

Nút thắt lớn nhất tiếp theo vẫn là vấn đề thủ tục hành chính. Đây vẫn là nút thắt khó tháo gỡ nhất trong nền kinh tế. Đặc biệt, thủ tục hành chính trong ngành xây dựng vẫn khiến DN phải chờ đợi, thủ tục phức tạp, làm nản lòng không chỉ nhà đầu tư mà cả địa phương.

"Tháo gỡ thì sẽ tạo được sức bật tăng trưởng. Nếu tới hết Quý III/2017, Chính phủ, các địa phương giải ngân được 70% vốn đầu tư thì sẽ có tác động lan tỏa rất lớn trong quý IV/2017", bà Hoa nói.

Cùng ý kiến với bà Hoa, đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) đề nghị Chính phủ phải kỷ luật các cá nhân, tổ chức chậm giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh đó, đẩy nhanh cả giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư của tư nhân trong nước, tăng cường xây dựng bộ máy hành chính nhà nước có tính phục vụ, chuyên nghiệp.

Một số ý kiến thì cho rằng, có thể thúc đẩy việc khai thác thêm tài nguyên để bù đắp cho sự thiếu hụt tăng trưởng. Với việc giá dầu tăng trong thời gian gần đây, việc tăng khai thác tài nguyên để tăng thu là hợp lý. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và phải cân nhắc kỹ. Đa phần đại biểu đều đồng tình phương thức đóng góp tăng trưởng dựa vào tài nguyên chỉ là giải pháp tính thế, tiếu tính bền vững. Muốn GDP tăng trưởng chất lượng thì phải thay đổi trong bản chất nền kinh tế.

Bộ trưởng bộ kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay, phương án được đưa ra cũng là tối ưu các nguồn lực phát triển. Về vấn đề khai thác dầu, năm 2017, dù không đặt nặng tăng sản lượng, nhưng trước thực tế giá dầu đang phục hồi tốt thì nhiều khả năng chúng ta sẽ quyết định khai thác thêm so với mức đề ra. Đây cũng là điều dễ hiểu, chứ không phải là khai thác quá mức hay thay đổi chất lượng tăng trưởng.

"Mục tiêu tăng trưởng được cho là cao nhưng theo tôi, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu hoàn thành", ông Dũng đánh giá.

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM