Đại biểu Quốc hội: Đánh giá tăng trưởng “ở mức hợp lý” chỉ là cảm tính và tự an ủi

01/04/2016 10:29 AM | Xã hội

Việc chấp nhận nợ công ngày càng cao để đánh đổi tăng trưởng được các đại biểu Quốc hội đặt ra với nhiều lo ngại.

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020 của Quốc hội sáng ngày ¼, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có đánh giá đầy đủ hơn về tình hình kinh tế, đặc biệt là những nút thắt về tăng tưởng, nông nghiệp.

Báo cáo Chính phủ cho biết GDP năm 2015 đạt mức 6,68%, bình quân 5 năm đạt 5,91% được Chính phủ đánh giá là tăng trưởng ở mức hợp lý. Tuy nhiên, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) lại đề nghị Chính phủ cần phải xem xét lại đánh giá này.

Thế nào là tăng trưởng ở mức hợp lý bởi đánh giá như trên còn là cảm tính, đây là cách tự an ủi mình khi ta không đạt mục tiêu tăng trưởng. Đặc biệt khi ta chấp nhận nợ công ngày càng cao để đánh đổi tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng tăng trưởng hợp lý phải xuất phát từ chính nội lực của nền kinh tế” – Đại biểu Hùng nêu quan điểm.

Nhìn nhận thẳng thắn về kết quả đạt được của kinh tế trong năm qua và giai đoạn 2011 – 2015, vị đại biểu trên cũng cho rằng mới chỉ là kết quả bước đầu, và những gì đạt được trong 5 năm vừa qua, là sự chuyển biến chậm chạp, là sự yếu kém. Do đó, Đại biểu Hùng cho rằng cần cần chủ động hơn, năng động hơn và phải có giải pháp kiên quyết hơn trong thực hiện vấn đề này.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì yêu cầu Chính phủ cần phân tích sâu sắc toàn diện hơn nguyên nhân khiến cho một chỉ tiêu quan trọng phấn đấu nhiều năm không đạt được. Đó là nợ công ở mức báo động cao, nợ công tăng chóng mặt liên quan lớn đến tăng trưởng và nợ Chính phủ.

Việc trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách, là hệ quả đi vay tràn lan nhưng sử dụng không hiệu quả. Đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay địa phương, giải phóng kinh doanh của ngân sách, thay đổi cơ chế nợ công và quản lý hiệu quả hơn” – Đại biểu Vinh đề nghị.

Một số đại biểu thì bày tỏ lo ngại khi đối với một số ngành quan trọng của đất nước, đặc biệt là nông nghiệp. Theo đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng khách quan cần thiết, nhưng chính sách đầu tư cho lĩnh vực này chưa được quan tâm, bị động nguồn nước tưới kéo dài, chưa nói đầu tư khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp còn hạn chế.

Hợp tác xã kiểu mới đang là bà đỡ cho nông dân có điều kiện phát triển nhưng chính sách khuyến khích còn hạn chế, thì làm sao nhân dân có đủ sức tiếp cận đầu vào, đầu ra. Nên chuyện được mùa rớt giá là lẽ đương nhiên và còn kéo dài bao giờ, cần trả lời rõ ràng hơn của các nhà lãnh đạo của Chính phủ” – Đại biểu Tiến nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) thì cho rằng cần phải có chính sách phát triển vùng và liên vùng kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả đầu tư. Theo vị đại biểu này, mặc dù đã có quy hoạch nhưng không ai thực hiện vì không ai chỉ huy, nên các quy hoạch đều không mang lại hiệu quả.

Đồng thời, cần tổng kết thực tiễn và kết quả phát triển, đặc biệt là hiệu quả đầu tư nước ngoài và DN FDI . Gắn với đó là phải quan tâm đến thành phần DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, bởi hiện nay tình trạng manh mún và nhỏ lẻ của hộ cá thể đang làm cho hiệu quả kinh tế, tăng trưởng không được đảm bảo.

“Chừng nào hộ cá thể nhỏ lẻ thì không thể đưa khoa học công nghệ và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, cần có hình thức tổ chức sản xuất, mà nền tảng là hợp tác xã để xây dựng tổ hợp tác, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm” – Đại biểu Cự kiến nghị.

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM