Đại biểu Quốc hội: "Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tại sao lại khó thực hiện đến vậy?"

03/06/2022 09:13 AM | Kinh tế vĩ mô

Đại biểu Quốc hội cảm thán, nêu một loạt câu hỏi sau khi nêu thực trạng về tình hình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020, đặc biệt trong năm 2021.

Phát biểu tại Nghị trường Quốc hội, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ cho rằng, báo cáo của Chính phủ năm nay giống như các năm trước, tiếp tục phản ánh công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN không đạt yêu cầu và còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, tính cả giai đoạn 2016-2020, cổ phần hóa các DNNN chỉ đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, đặc biệt, năm 2021, thu từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN đạt rất thấp so với dự toán, chỉ đạt 4.400 tỷ đồng/40.000 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 11% dự toán), tăng chủ yếu do thu hồi vốn ngân sách địa phương đầu tư tại doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý.

“Báo cáo cần phải phân tích, đánh giá lại một cách thấu đáo hơn, đâu là nguyên nhân cốt lõi, tại sao cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN lại khó thực hiện đến vậy, liệu các quy định pháp luật trên có đảm bảo tính thực thi hay không? Nếu là do yếu tố tổ chức thực hiện thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Và trách nhiệm đến đâu?”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu một loạt câu hỏi.

Nữ đại biểu cho rằng, còn tồn tại từ quy định chính sách pháp luật, làm chậm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN. Hệ thống văn bản nhiều nhưng một số quy định chưa rõ ràng, đầy đủ và thiếu tính khả thi, gây khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện.

Cụ thể: Một số khó khăn lớn từ xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản doanh nghiệp khi CPH, do sự biến động về giá đất từng thời kỳ, giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp có nhiều cách hiểu khác nhau, còn vướng mắc trong việc thống nhất cách xác định mức giá và phương thức tính tiền thuê đất 1 năm hay nhiều năm.

“Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, làm cho chính quyền địa phương lúng túng khi triển khai, chậm quyết định thực hiện nhiệm vụ; các quy định pháp luật liên quan đến xác định lợi thế thương mại chưa được hướng dẫn một cách rõ ràng, dẫn đến việc định giá doanh nghiệp nhiều khi chưa chính xác làm cho các doanh nghiệp khó có thể thực hiện thành công nhiệm vụ cổ phần hóa”, đại biểu đoàn Cần Thơ chỉ rõ.

Bên cạnh đó, việc triển khai CPH, thoái vốn nhà nước từ một số doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu. Công tác lập kế hoạch CPH, thoái vốn nhiều khi còn mang tính hình thức, một số DN chưa thực sự nghiêm túc, quyết liệt trong việc triển khai kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn theo danh mục được phê duyệt.

"Việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sắp xếp, đổi mới DNNN chưa được thực hiện một cách triệt để. Bên cạnh đó, sự vào cuộc, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN chưa thực sự được coi trọng”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ thẳng thắn.

Nữ đại biểu cho rằng, nếu như những vấn đề này không có giải pháp đủ mạnh thì e rằng năm sau và những năm sau nữa, các báo cáo về kết quả cổ phần hóa, thoái vốn DNNN sẽ khó có thể đạt được kết quả như mong muốn. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng tham mưu Chính phủ ban hành chính sách nhất quán về phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất một cách chính xác. Trong đó có tính đến yếu tố chênh lệch khung giá đất giữa các địa phương, khung giá đất Nhà nước quy định so với giá thị trường.

“Cần có chế tài xử lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN không hoàn thành hoặc không triển khai thực hiện CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, nữ đại biểu đoàn Cần Thơ nêu ý kiến.

Kiến nghị giải pháp “cứu” gang thép Thái Nguyên

Liên quan đến đổi mới sắp xếp lại DNNN, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 gang thép Thái Nguyên được khởi công năm 2007 đến 2013 dự án phải tạm dừng thi công, do gặp khó khăn trong thu xếp nguồn vốn, tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao, mặt khác, hợp đồng ký kết với nhà thầu nước ngoài đã phát sinh tranh chấp phức tạp, vượt quá thẩm quyền xử lý của gang thép Thái Nguyên và Tổng công ty Thép Việt Nam.

Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 1 được cổ phần hóa năm 2009, đến nay đang hoạt động rất hiệu quả, duy trì việc làm ổn định cho 4.000 lao động; nộp ngân sách đạt trên 453 tỷ đồng, vượt 71% so với kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt trên 150 tỷ đồng, bằng 3 lần kế hoạch năm.

Đại biểu Quốc hội: Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tại sao lại khó thực hiện đến vậy? - Ảnh 1.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

"Tuy nhiên, hiện nay một phần lợi nhuận từ hoạt động sản xuất của gang thép Thái Nguyên giai đoạn 1 vẫn đang phải sử dụng để thực hiện việc cân đối các khoản vay của dự án mở rộng giai đoạn 2; trong đó có các khoản nợ quá hạn, có khoản vay đã chuyển nhóm 5, tính lãi phạt và lãi trên lãi", đại biểu Đoàn Thị Hảo nêu thực tế.

Đại biểu đoàn Thái Nguyên đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm và có các giải pháp khôi phục lại gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

“Đề nghị khảo sát quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp tại Công ty Gang thép Thái Nguyên, bởi vì một số khó khăn chủ yếu của gang thép Thái Nguyên có thể không phải là phổ biến nên rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, với phương châm sớm nhất, hiệu quả nhất như quan điểm Nghị quyết 68 của Chính phủ ngày 12/5 vừa qua”, đại biểu đoàn Thái Nguyên kiến nghị.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo cũng đề nghị với gang thép Thái Nguyên cần xử lý dứt điểm các tranh chấp hợp đồng với nhà thầu nước ngoài, xem xét tái cơ cấu các khoản nợ; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay khi dự án đi vào sản xuất để bảo toàn nguồn vốn và giá trị tài sản Nhà nước đã đầu tư.

Theo Diệp Diệp

Cùng chuyên mục
XEM