Đà Nẵng: Môi trường đầu tư tốt, PCI tốt, sao các nhà đầu tư không mặn mà?

14/04/2016 08:45 AM | Kinh tế vĩ mô

Đó là câu hỏi được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đặt ra ngày 13/4, tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng (mở rộng) lần thứ 4 nhằm đánh giá tình hình KT-XH của TP trong quý I/2016 và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cho quý II/2016

Một thực tế được các đại biểu nêu lên tại hội nghị là trong 3 năm liền (2013 – 2015), Đà Nẵng liên tục dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thế nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đạt thấp và ngày cảng giảm. Năm 2015, cả nước thu hút vốn FDI cam kết và tăng thêm được hơn 24 tỉ USD, nhưng Đà Nẵng chỉ thu hút vỏn vẹn 44,3 triệu USD, xếp thứ 33/53 tỉnh, thành thu hút vốn FDI.

“Vì sao Đà Nẵng có môi trường đầu tư tốt, chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhưng các nhà đầu tư lại không mặn mà đến với chúng ta?" - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đặt câu hỏi...

Báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng tại hội nghị còn cho biết thêm, quý 1/2016 tiếp tục chứng kiến đà sụt giảm thu hút vốn FDI vào địa bàn TP, cả về số dự án lẫn quy mô vốn. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, Đà Nẵng chỉ cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 09 dự án FDI với tổng vốn 2,53 triệu USD, giảm 01 dự án và giảm 5,75 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015.

Cũng trong quý 1/2016, có 04 dự án FDI đang hoạt động ở Đà Nẵng tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm 407.500USD, giảm 06 dự án và giảm 6,29 triệu USD so với cùng kỳ. Trong khi đó có 01 dự án giảm vốn đầu tư nhưng với số vốn giảm lên tới 14,36 triệu USD!

Trước tình trạng vắng bóng các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có tầm cỡ vào địa bàn trong bối cảnh Đà Nẵng luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index), thủ tục hành chính được cải cách, đơn giản hóa…, nhiều câu hỏi trăn trở đã được ông Nguyễn Xuân Anh đặt ra với các lãnh đạo chủ chốt của TP và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

“Vì sao chúng ta có môi trường đầu tư tốt, chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhưng các nhà đầu tư lại không mặn mà đến với chúng ta? Có phải là do chính sách ưu đãi đầu tư của chúng ta chưa thật sự có sức cạnh tranh để có thể hấp dẫn các nhà đầu tư?” – ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Theo ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, các chính sách ưu đãi tiền thuế, giá thuê đất của Đà Nẵng không bằng các địa phương khác. Hiện KCN Hòa Khánh của Đà Nẵng có mức giá thuê đất bình quân 1 USD/m2/năm. Trong khi đó, KCN Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam) ở gần như liền kề lại có mức giá 0,8 USD/m2/năm.

Với quỹ đất hạn chế, Đà Nẵng chưa có quy hoạch chi tiết đối với các ngành dịch vụ để kêu gọi đầu tư xây dựng chung cư cho công nhân, trường học, trạm y tế, logictics, tài chính – ngân hàng … Thực tế cho thấy phần lớn các quy hoạch được lập một cách bị động, dựa vào đề xuất của các nhà đầu tư.


... với các đại biểu tham dự Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng (mở rộng) lần thứ 4, ngày 13/4 (Ảnh: HC)

... với các đại biểu tham dự Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng (mở rộng) lần thứ 4, ngày 13/4 (Ảnh: HC)

Quỹ đất sạch có sẵn không nhiều, lại chưa được công khai, minh bạch khiến nhà đầu tư mất nhiều thời gian tìm kiếm. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục như đánh giá tác động môi trường, thời gian cấp giấy phép đầu tư … vẫn còn tốn quá nhiều thời gian, thủ tục hành chính rườm rà gây phiền phức cho nhà đầu tư.

Công tác xúc tiến đầu tư chưa tập trung một đầu mối, thông tin cung cấp nhà đầu tư chưa thực sự nhất quán. Đồng thời sự phối hợp giữa các ngành trong tiếp nhận, cấp phép đầu tư chưa tốt. Cơ quan xúc tiến phụ thuộc nhiều vào các ngành hưu quan trong việc giới thiệu địa điểm, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất… Thời gian từ khi xác định địa điểm đến khi thực hiện quyền đấu giá sử dụng đất thường kéo dài.

Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng Trần Văn Miên cho rằng, để tạo cú hích phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách thì cần có nhiều cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút cho được vài dự án đầu tư trọng điểm, từ đó kéo theo các dự án khác. Tuy nhiên theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng, để có nhà đầu tư tầm cỡ nhảy vào thì TP phải giải quyết tốt 3 vấn đề mà họ cần. Đó là chính sách thu hút đầu tư, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu và công nghiệp phụ trợ đi kèm. Do vậy, TP cần xác định lĩnh vực ưu tiên để tăng chính sách ưu đãi.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Xuân Anh yêu cầu cấp bách rà soát môi trường đầu tư của Đà Nẵng. Nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2016 của TP là thực hiện tốt các đề án phát triển doanh nghiệp, tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020. Qua đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, phát huy hiệu quả hoạt động của Vườn ươm doanh nghiệp, Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Ông Nguyễn Xuân Anh cũng yêu cầu đẩy nhanh đầu tư hạ tầng và xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Đồng thời, có giải pháp tích cực hỗ trợ thúc đẩy tiến độ ác dự án chậm triển khai, kiên quyết thu hồi các trường hợp không thực hiện theo cam kết để bố trí cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Bên cạnh đó, TP cũng chú trọng thực hiện chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016”, tập trung đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của mỗi người dân. Xử lý quyết liệt các điểm nóng ô nhiễm môi trường, tình trạng lang thang xin ăn biến tướng, bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch.

Cùng với thực hiện mục tiêu “5 không – 3 có”, ông Nguyễn Xuân Anh cũng yêu cầu các cấp, ngành huy động cả hệ thống chính trị thực hiện “4 an” – an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội. Tất cả những điều này, theo ông Nguyễn Xuân Anh, là nhằm tạo môi tường thông thoáng, thân thiện và an tâm cho nhà đầu tư khi đến với TP Đà Nẵng.

Theo Hải Châu

Cùng chuyên mục
XEM