Đã đến lúc cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ những người đang bảo vệ chúng ta

30/03/2020 07:41 AM | Sống

Suốt 2 tháng qua, hình ảnh những y bác sĩ, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu gồng mình làm việc để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều người xót xa. Đã đến lúc, chính chúng ta cũng nên chung tay hành động để bảo vệ những người đang bảo vệ chúng ta.

Tôi được đề nghị kể câu chuyện quan sát được về tình yêu thương với các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch. Nhưng lúc đó trong đầu tôi hiện lên ngay bức ảnh một con đường trắng hun hút không một bóng người, chỉ có bóng đêm đen đặc xung quanh.Vào thời khắc mọi gia đình đang sum họp bên bữa tiệc cuối năm, thì có những nhân viên y tế để lại gia đình sau lưng, khẩn cấp đến nơi cấp cứu.

Bức ảnh được đăng vào 19h đêm 29 Tết nguyên đán vừa qua trên facebook cá nhân của BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tết là những ngày đêm được xem là thiêng liêng của người Việt, khi không gian gia đình được tôn vinh tuyệt đối. Nhưng đó cũng là hôm xuất hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam.

Từ thời điểm đó, những người ở tuyến đầu như các nhân viên y tế dường như sống khác dòng chảy thời gian với tuyệt đại đa số những người còn lại.

Đã đến lúc cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ những người đang bảo vệ chúng ta - Ảnh 1.

Bức ảnh được đăng vào 19h đêm 29 Tết nguyên đán vừa qua trên facebook cá nhân của BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đã đến lúc cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ những người đang bảo vệ chúng ta - Ảnh 2.

Trước đó, ở Vũ Hán, cơn bão đã kịch phát và càng lan xa càng bùng nổ. Chỉ ít ngày sau Tết, những gương mặt phờ phạc vì kiệt sức, trầy xước vì vết hằn khẩu trang, những mái tóc dài con gái bị cắt cụt để tiện đội mũ và gội sạch sau mỗi ca làm việc, những đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ của các nhân viên y tế Vũ Hán, những nụ hôn của các đôi vợ chồng qua cửa kính đã làm rơi nước mắt của vô số người trên thế giới.

Thời điểm đó, cả thế giới vẫn còn đang ngỡ ngàng, những câu chuyên bi thương như cả gia đình chết hết trong dịch ở Vũ Hán vẫn khiến người ta kinh sợ, nhưng suốt một tháng rưỡi sau Tết cả Việt Nam vẫn mới chỉ có 16 ca bệnh. Rồi dần dần, tất cả họ bình phục, kể cả người từng bệnh rất nặng. Tôi nhớ lúc báo chí đăng tấm ảnh bệnh nhân đầu tiên được xuất viện, ôm bó hoa đứng cạnh những y bác sĩ cùng cười hết cỡ, mọi người hò reo trên mạng xã hội vì vui mừng. Chúng ta được cổ vũ bằng một niềm tin mang những gương mặt cụ thể của các y bác sĩ Chợ Rẫy, Nhiệt đới… rằng y tế Việt Nam đang bảo vệ cộng đồng rất tốt.

Chúng ta vẫn đang an tâm với niềm tin đó. Nhưng có một điều đã thay đổi trong hai tháng qua: đã đến lúc những người bảo vệ chúng ta cần được bảo vệ.

Chưa ai thống kê con số nhân viên y tế đã nhiễm bệnh hoặc tệ hại hơn-đã chết trên toàn thế giới, nhưng con số đã phải đến hàng ngàn. Trong đó có những bộ não tinh hoa, bác sĩ đầu ngành của những đất nước vĩ đại, một nguồn tài nguyên của nhân loại. Bộ não và sự sống của họ là một phần bảo đảm cho sự sống của bội số n lần những người khác. Đến lượt những người ấy tiếp tục là những kho báu ở các lĩnh vực khác nữa. Bằng cách ấy, tất cả loài người chúng ta liên kết với nhau chặt chẽ hơn tưởng tượng, trong một mạng lưới vô hình nhưng tinh vi và dày đặc, trong đó có những mắt lưới bằng vàng.

Đã đến lúc cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ những người đang bảo vệ chúng ta - Ảnh 3.

"Khi nhân viên y tế kiệt sức và nhiễm bệnh, đó sẽ là một cú đánh kép vào chính họ và vào những bệnh nhân mà họ đang phải chăm sóc"-Diana Swift, một nhà báo y tế gạo cội viết trên Medscape vào 11/3/2020.

Thời điểm nhà báo Swift viết, Việt Nam chưa phát hiện nhân viên y tế nào mắc bệnh. Tổng ca nhiễm là 35 trong 12 tỉnh thành. Trên thế giới, có 105 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận 118.806 ca nhiễm, 4.290 người chết.

Rạng sáng 27/3/2020, tức chỉ hơn hai tuần sau, ở Việt Nam số ca nhiễm tăng gấp 5 lần. 25 tỉnh thành có người bệnh. Trên thế giới, số người nhiễm và tử vong cũng đều tăng xấp xỉ 5 lần: 474.968 người mắc, 21.357 người tử vong. Hơn 3 tỷ người bị buộc phải ở trong nhà để giảm thiểu hết sức nguy cơ lây lan.

Việt Nam có 3 nhân viên y tế đầu tiên bị nhiễm bệnh.

Ngày 14/3/2020, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) xác nhận 1.716 nhân viên y tế đã mắc COVID-19, 6 người trong đó đã chết. Con số này cao gấp 2 lần số y bác sĩ bị lây nhiễm trong dịch SARS năm 2003.

"Chúng tôi không thể chống lại COVID-19 nếu nhân viên y tế không được bảo vệ", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói như thế trong một cuộc họp báo gần đây.

Chỉ nhìn trong Việt Nam cũng thấy được sự căng thẳng của hai tuần lễ cao điểm này. Hàng loạt dịch vụ và không gian cộng đồng không thiết yếu phải đóng cửa để giảm số người tiếp xúc gần, giảm thiểu nguy cơ lây lan. Đường phố gần như vắng lặng. Nhưng, dưới bề mặt lặng lẽ đó thực chất lại là một cuộc chiến sôi sục: 90.000 bác sĩ và 125.000 điều dưỡng được lệnh chuẩn bị sẵn sàng. Khoảng 16.000 sinh viên năm cuối các trường y, dược và 26.000 điều dưỡng nữa, cùng hàng trăm y bác sĩ về hưu cũng đã được chuẩn bị để sẵn sàng tiếp sức trong trường hợp số người nhiễm tăng cao. Hàng trăm y bác sĩ hưu trí tình nguyện tham gia khi cần thiết.

Đại dịch này đã là một sự kiện lịch sử mà cả trăm năm mới diễn ra một lần.

Nhưng mặc kệ tình hình sôi sục, không ít người dân Việt Nam vẫn đang thờ ơ hoặc thậm chí thách thức dịch bệnh.

Đã đến lúc cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ những người đang bảo vệ chúng ta - Ảnh 4.

Ở những cao ốc văn phòng trong thành phố này, tôi biết có những nhóm nhân viên hành chính vẫn ngồi gắp thức ăn chung trong bữa trưa. Sáng hôm qua, tại chợ Bà Chiểu (TP HCM), tôi chứng kiến rất nhiều người buôn bán ngồi sát bên nhau nói chuyện rôm rả như ngày thường.

Không thể thực hiện khuyến cáo rửa tay trong khi cả ngày buôn bán hàng tươi sống, thay vào đó nên mang găng tay cao su rồi lột bỏ. Nhưng tuyệt đại đa số vẫn dùng tay trần gói ghém, làm thức ăn cho khách, bán hàng và nhận-trả tiền mặt. Không mang khẩu trang, vì "khó thở" và "không quen".

Đã đến lúc cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ những người đang bảo vệ chúng ta - Ảnh 5.

Đồng nghiệp tôi cho hay, trên những con phố hơi xa trung tâm, người ta vẫn chen vai thích cánh đông nghịt trên các quán ăn uống giải khát lề đường. Tại Quảng Ngãi, dân chen chân đến sự kiện khai trương của một siêu thị. Lý do lớn nhất của những nhóm người kể trên bao gồm: "Việt Nam nóng thế này con virus ngỏm lập tức", hay "báo chí cứ làm quá lên chứ tới giờ Việt Nam đã có ai chết đâu", thậm chí nói liều "sống chết có số, hơi đâu đi nghe mấy bác sĩ nhìn đâu cũng thấy con vi khuẩn".

Nói cứng như vậy nhưng khi thấy ống kính máy quay của chúng tôi đến gần, nhiều người trong số họ lập tức kéo khẩu trang lên đeo, hoặc cười cười chống chế: "Ngạt thở quá, nhưng thôi mang riết chắc cũng quen".

Có người còn nói "Mấy người có tiền đi nước ngoài về mới có bệnh. Ở chợ mà nói có nguy cơ lây chắc bữa giờ người ta chết hết rồi quá".

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng (sống ở Mỹ), một cây bút tư vấn bệnh Nhi nhiệt thành và uy tín của chúng tôi, một địa chỉ tin cậy trên mạng xã hội của các gia đình, mới tuần trước tiếp nhận một bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với virus và bị ho nhưng che giấu, với nhân viên lọc bệnh. "Họ chỉ khai báo sau khi quá trình lấy sinh hiệu đã xong và cho vào phòng chờ. Ngay lập tức gần nửa số nhân viên trong phòng khám phải nghỉ việc để cách ly hai tuần, không có lương. Các nhân viên còn lại và bệnh nhân cũng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Họ rất tức giận và lo sợ"-BS Hưng viết.

Tức giận và lo sợ cũng là cảm giác của tôi khi chứng kiến những sự nhởn nhơ khinh nhờn của vô số người quanh mình. Thêm vào đó-tôi không giấu giếm-có cả coi thường.

Đã đến lúc cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ những người đang bảo vệ chúng ta - Ảnh 6.

Hoặc quá chủ quan, hoặc ích kỷ, những người này không nghĩ nếu họ mắc bệnh sẽ lây nhiễm cho cha mẹ, ông bà, đồng nghiệp, người thân và vô số những người không hề quen biết khác, trong đó có thể sẽ có người chết, nếu hồi phục vẫn có những tổn thương vĩnh viễn. Trước mắt, cả một tòa nhà mười mấy tầng, nếu chỉ một người nhiễm thì toàn bộ đóng cửa, hàng ngàn người sống hay làm việc trong đó phải bị cách ly và theo dõi. Công ăn việc làm bị gián đoạn hoặc thất nghiệp. Tiền bạc của cá nhân và xã hội tiêu tán như muối bỏ bể.

Cho nên tôi không muốn nói về sự thương cảm hay xót xa nhân viên y tế, bộ đội, dân quân tự vệ, hải quan… - những người đã nhiều ngày làm việc cật lực ở tuyến đầu của dịch bệnh nữa. Những khuôn mặt hằn rõ dấu vết chiếc khẩu trang, những bác sĩ, điều dưỡng trẻ bị chủ nhà đuổi vì sợ mang virus từ chỗ làm về nhà, vợ xa chồng, con xa cha mẹ nhiều ngày, không chăm sóc được chính cha mẹ ông bà của mình, mất tết, giấc ngủ vội ngay trên mấy tấm carton đặt bất cứ nơi nào, bữa ăn thiếu chất trong lều lán ở rừng, chiếc áo đẫm mồ hôi… hai tháng qua đã có cả ngàn câu chuyện và bức ảnh. Đã là những chuyện quá đỗi quen thuộc rồi.

Câu chuyện của cộng đồng lúc này phải là hành động để bảo vệ những người đang bảo vệ chúng ta.

Đã đến lúc cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ những người đang bảo vệ chúng ta - Ảnh 7.

Nếu cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác của bạn nhiễm bệnh, họ có thể chết. Nếu chính bạn nhiễm bệnh, họ cũng có thể chết vì không còn người chăm sóc. Đây đã là câu chuyện toàn cầu- con virus mù chữ không đọc được địa chỉ nhà bạn để chừa ra đâu.

Đây là những gì một bác sĩ phổi tại Bệnh viện Marius Nasta ở Bucharest (Romania) nói với tờ Digi24: "Không có biện pháp bảo hộ hoàn toàn an toàn cả. Các bác sĩ tiếp xúc với nguy cơ nhiều hơn và tiếp xúc nhiều lần. Chúng tôi vẫn có hệ miễn dịch đấy, nhưng rất có thể một ngày đẹp trời nào đó nó nói "Xin lỗi, giờ tôi đi ngủ đây". Điều gì sẽ xảy ra khi 60%-70% nhân viên y tế bị nhiễm bệnh?"

Đã đến lúc cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ những người đang bảo vệ chúng ta - Ảnh 8.

Không nghi ngờ gì nữa, đó sẽ là thảm họa nhân lên gấp nhiều lần.

Nhân viên y tế ở các bệnh viện đang cần khẩu trang y tế-chúng ta hãy dùng khẩu trang vải. Cần cô lập nguồn dịch nhanh chóng-chúng ta hãy tạm thời thực hiện cách ly xã hội. Họ đã mệt mỏi, đất nước đã sử dụng rất nhiều nguồn lực dự trữ-chúng ta hãy chia sẻ bất cứ việc gì có thể tham gia cùng. 

Đặc biệt, hãy tự bảo vệ bản thân, đừng mắc bệnh chỉ vì chủ quan hoặc ngu ngốc. Đừng chất thêm gánh nặng vì sự quá tải lên sức chịu đựng của hệ thống y tế. Nếu họ không chống đỡ nổi, tất cả sẽ sụp đổ.

Theo Hoàng Xuân Minh

Cùng chuyên mục
XEM