Đã đến lúc chọn ca khúc khác thay thế cho bài Happy New Year 'đen đủi' ngày Tết?

17/01/2017 20:06 PM | Sống

Cứ mỗi độ tết đến xuân về, ca khúc bất hủ nhất của ban nhạc Abba lại được lôi ra bình phẩm, mổ xẻ. Người không biết tiếng Anh thì nhâm nhi giai điệu du dương, đầm ấm. Người biết tiếng Anh cũng thì thầm từng câu chữ nhưng chưa chắc đã hiểu hết ý nghĩa buồn thương của bài.

Từ lúc nào mà mỗi khi ca từ của bài hát Happy New Year vang lên lại khiến lòng người rộn rã, náo nức đến thế. Nhưng ca khúc mừng năm mới này lại mang âm hưởng ảm đạm, buồn u ám khiến không ít người nhíu mày ngăn cấm bài hát “chết chóc” này vang lên.

Còn vài nhà học thuật hay nghiên cứu chuyên sâu thì tức trào bọt mép khi nghe “bản giao hưởng đen đủi” được cất lên mỗi dịp giao thừa thiêng liêng nhất. Thiết nghĩ, để phân bua đúng sai chúng ta sẽ tìm hiểu khách quan mọi khía cạnh tốt xấu mà ca khúc mang lại.

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người xem là một căn phòng bừa bộn, một người phụ nữ u sầu ngồi trên ghế sofa, người đàn ông mặc bộ pyjama chống tay vào hông nhìn xa xăm bên đường mưa ướt.

Bối cảnh chán chường này bắt nguồn từ sự đổ vỡ trong hôn nhân của hai thành viên Bjorn và Agnetha năm 1979 ( trong khi ca khúc ra đời năm 1980). Đến năm 1981, hai thành viên còn lại cũng đường ai nấy đi sau vài năm lửa tình đã tắt.

Vậy thì vui sao nổi!?

Ca từ thấm đấm đau thương, thậm chí chết chóc

Tôi rất đồng tình với những lời phê bình kịch liệt từ hội âm nhạc Việt Nam khi ca từ không phù hợp với dịp tết đến xuân về, đến cỏ cây, hoa lá còn đâm chồi nảy lộc mà con người lại “nằm xuống và chết đi ư”?

Không những thế, đoạn xui xẻo này lại được nhấn đi nhắc lại những 3 lần khiến người nghe không khỏi rùng mình, sợ hãi.

Happy new year Happy new year

May we all have our hopes, our will to try

If we don’t

we might as well lay down and die

You and I

Chúc mừng năm mới Chúc mừng năm mới

Ước gì mình có hy vọng và cố sức thử xem

Vì nếu không thể,

thì mình cùng nằm xuống và chết cho xong

Cả anh và em


Năm mới vui ư, năm mới vui sao? Vẻ mặt thống thiết, buồn não nuột khi nữ chính cất vang lời hát Happy New Year

Năm mới vui ư, năm mới vui sao? Vẻ mặt thống thiết, buồn não nuột khi nữ chính cất vang lời hát Happy New Year

Tuy nhiên, bài hát vẫn mang tính nhân văn, nhân đạo vì nó phản ánh nỗi lo thế sự của loài người trước những cuộc chạy đua vũ trang đẫm máu, chiến tranh lạnh đẩy con người vào vòng sinh tử, ly biệt…

Trái lại, giai điệu vui tươi, lắng đọng dễ đi vào lòng người

Ngay ở khúc dạo đầu, Abba đã kết hợp 3 nốt nhạc ngắn tươi vui rộn ràng như thể sự náo nức, vui nhộn đang chảy trôi trong lòng người nghe: “La…si…la, sol…si…sol, fa…si…fa, sol…si…sol”.

Bên cạnh chùm âm thanh 3 nốt nhạc được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, ca khúc còn sử dụng nốt nhạc liên bốn, liên năm cao vút như sự bứt phá rồi lại lắng xuống, chìm dần vào những câu kết luyến láy của bài “ You….and…I”

Có lẽ chính giai điệu đã đánh lừa và che đậy đi ca từ ảm đạm mà thay vào đó là sự vui tươi lắng đọng kéo dài hơn bốn phút của bài hát.

Bài ca buồn dễ đi vào lòng người hơn bài ca vui

Chúng ta có phong tục ôn cố tri tân và chắc gì trong 365 ngày kia đã toàn là ngày vui?


Ca khúc buồn luôn được người nghe đón nhận nhiệt tình

Ca khúc buồn luôn được người nghe đón nhận nhiệt tình

Không phải chỉ người Việt Nam mới thích những ca từ buồn thương, thống thiết. Tạp chí Plos One đã thống kê thói quen nghe nhạc của 500 người tiêu biểu và kết quả thật ngạc nhiên khi hơn 90% số người đều tìm đến những ca khúc não nề.

Nó không hề tiêu cực như chúng ta nghĩ, thậm chí nghe nhạc buồn là phương tiện nâng cao hạnh phúc. Bạn phải biết buồn, biết đau mới thấm thía được giá trị của hạnh phúc!

Tuy nhiên, quốc ca mùa xuân cần có bản sắc dân tộc

Happy new year không được phát phổ biển trên toàn thế giới như chúng ta nghĩ, thậm chí lượt nghe trên youtube chỉ bằng 1/50 so với Hello của Adele chỉ mới phát hành được 2 tháng.

Vì sao?

Vì tất cả các nước đều có quốc ca mùa xuân của riêng họ!

Chúng ta cũng thế, không thể vì những người nghe “yếu bóng vía” mà bị xâm thực nền âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc được.

Hàng loạt những ca khúc xuân đậm chất thi ca, ngôn từ phong phú và giàu bản sắc Việt, chúng ta hoàn toàn có thể phát chúng mỗi dịp giao thừa hoặc những ngày tết đoàn viên rộn rã khắp mọi miền đất nước.


Cố nhạc sĩ Văn Cao khi viết bài mùa xuân độc lập đầu tiên của dân tộc

Cố nhạc sĩ Văn Cao khi viết bài mùa xuân độc lập đầu tiên của dân tộc

Có lẽ, ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của cố nhạc sĩ Văn Cao có lẽ là phù hợp hơn cả. Nó là điệu valse mùa xuân réo rắt trên từng khung cửa sổ, hối hả giục giã những cái tết sum vầy, đoàn viên không gì ấm áp hơn.

Rồi dặt dìu mùa xuân nay đã về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông...

Niềm vui tức thì nhưng sự lắng đọng trong tâm hồn thì mãi không chịu đi. Đối với mỗi người, mùa xuân nào cũng là mùa xuân đầu tiên, khởi đầu cho một năm mới đầy yêu thương và hạnh phúc.

Còn gì đẹp đẽ hơn khi “người mẹ nhìn đàn con nay đã về” hay như giây phút êm ấm “trong tay anh đầu tiên”?

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM