Đã có trẻ em Việt tiếp cận với “Cá Voi Xanh”, sát nhân ẩn mình trên mạng Internet

02/03/2019 14:08 PM | Kinh doanh

Tuy nhiên hiện không có số liệu thống kê cụ thể về việc đã có trẻ em nào tại Việt Nam tự tử vì trào lưu này hay chưa.

Mạng Internet xuất hiện tại Việt Nam năm 1997, nghĩa là những thế hệ sinh sau thời điểm này chính là những người sống trọn vẹn trong thời đại số. Tuy nhiên việc được tiếp cận công nghệ sớm trong khi lại không có kiến thức, kỹ năng đầy đủ để bảo vệ bản thân khiến Internet tiềm ẩn nhiều mỗi nguy hại với trẻ em.

Một trong số đó chính là trào lưu "Cá Voi Xanh", xuất hiện khoảng 4 năm trước đây tại Nga.

Khi tham gia trò chơi, người chơi phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trong vòng 50 ngày, bắt đầu từ 4h20 sáng mỗi ngày. Các nhiệm vụ này khiến người tham gia tự làm tổn thương bản thân về thể xác và tinh thần với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Vào ngày cuối cùng, bằng cách tự sát, người chơi sẽ được công nhận là kẻ chiến thắng. Đó cũng là ý nghĩa tên gọi của trò chơi - những con cá voi xanh tự nguyện lao lên bãi biển để tự sát.

"Người lớn chúng ta khi nghĩ đến trò chơi này sẽ thắc mắc tại sao trẻ em lại thực hiện những hành vi tra tấn rồi tự tử, nghe rất là vô lý nhưng thực tế trên thế giới, nhiều trẻ em đã tham gia", bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững chia sẻ tại Hội thảo "Bảo vệ thanh thiếu nhi trên môi trường mạng" do TikTok Việt Nam phối hợp với các bên liên quan tổ chức cách đây không lâu.

Bà Linh tiết lộ: "Khi đi dạy trẻ em về chủ đề an toàn trên Internet, ở một số địa phương, khi tôi hỏi biết trò chơi này không thì các em đều bảo biết, mà không phải chỉ biết có những em đã đăng nhập rồi".

"Không có số liệu nào về việc trẻ em Việt Nam đã tự tử vì trò "Cá Voi Xanh" hay chưa, nhưng chỉ cần biết nó đã từng ở Việt Nam, các em cũng từng đăng nhập vào trò chơi này đã là một thực trạng vô cùng nguy hiểm".

Đã có trẻ em Việt tiếp cận với “Cá Voi Xanh”, sát nhân ẩn mình trên mạng Internet - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Linh phát biểu tại hội thảo.

Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng tỷ lệ người sử dụng Internet nhanh nhất khu vực Châu Á, Thái Bình Dương.

Sự tăng trưởng của mạng Internet cũng đi kèm với tốc độ phổ biến của các mạng xã hội, với Facebook là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất, còn TikTok là mạng xã hội được download nhiều nhất.

"Vấn đề nằm ở chỗ hơn 1/3 người sử dụng là trẻ vị thành niên hoặc những người đã thành niên trong độ tuổi từ 15-24. Phần lớn trẻ em tự học Internet từ bạn bè chứ không học từ cha mẹ hay trên trường học. Và nếu ở trường thì các em thường được dạy khoa học máy tính thay vì kỹ năng, hành vi tương tác được trên Internet một cách thông minh, an toàn", bà Linh chia sẻ số liệu thực tế.

Để giảm thiểu nguy cơ cho trẻ em khi sử dụng, thông thường các ứng dụng cũng tìm nhiều biện pháp để loại bỏ các nội dung không phù hợp. Ví dụ trong trường hợp Tiktok, mạng xã hội này đã đưa ra biện pháp bảo vệ thông qua việc kết hợp công nghệ kiểm duyệt nội dung cùng với nhóm kiểm duyệt khắt khe.

Thậm chí, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách công TikTok Việt Nam cho biết họ đã tung ra một loại những video hướng dẫn an toàn khi sử dụng TikTok hay mở riêng mục "Trung tâm an toàn" trên website để hỗ trợ người dùng khi gặp vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, điều này không bao giờ là đủ.

Quan trọng nhất là trẻ em phải nhận được các kỹ năng, kiến thức cần thiết để biết cách tự bảo vệ bản thân mình. Những người có thể làm việc này hiệu quả không phải các nhà sản xuất ứng dụng, nhà trường hay bất kỳ ai khác mà chính là cha mẹ.

"Trẻ em không còn an toàn sau cánh cửa vì công nghệ sẽ lan tỏa đến tất cả mọi nơi, mọi ngóc ngách trên thế giới này. Nếu áp đặt để dạy bảo đôi khi cha mẹ sẽ thua xa các em rất nhiều về công nghệ. Vậy nên cha mẹ cần rõ nhiệm vụ của mình là vừa tạo môi trường bảo vệ lại vừa đồng hành để các em làm chủ công nghệ. Đây là điều rất quan trọng", Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững nhấn mạnh.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM