Cựu tổng thống Mỹ, Barack Obama phơi bày 5 sự thật đắng lòng về cách xã hội Mỹ vận hành

20/02/2022 10:53 AM | Sống

Qua lời kể và những suy tư của Obama trong cuốn tự truyện ‘Miền đất hứa’, bạn đọc sẽ hiểu thêm về cách xã hội vận hành - những sự thật vĩ mô về kinh tế, truyền thông, môi trường - thường bị ẩn sau "lớp màn" báo chí nhưng lại đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới.


1. Công nghệ càng phát triển - Số lượng người nghèo càng gia tăng

Năm 2008, thử thách đầu tiên của Obama khi mới nhậm chức là đưa nước Mỹ vượt qua cuộc suy thoái kinh tế. Khi kể lại giai đoạn này, một trong những điều khiến ông trăn trở nhất là bất bình đẳng kinh tế.

"Được ăn cả ngã về không" là từ Obama sử dụng để nói về nền kinh tế trong 20 năm trở lại đây. Những ai kiểm soát vốn hoặc sở hữu các kỹ năng chuyên môn mà thị trường có nhu cầu cao (như doanh nhân công nghệ) thì có thể dễ dàng gia tăng tài sản của mình, trở nên giàu có hơn bất cứ ai trong lịch sử.

Trong khi đó, sự tự động hoá và toàn cầu hóa khiến vị thế của những lao động phổ thông trở nên suy yếu. "Internet đã quét sạch cả loạt công việc văn phòng, và trong vài trường hợp, toàn bộ một số ngành nghề", ông viết. Thất nghiệp, công việc tạm thời, lương không tăng và trợ cấp giảm… vì thế mà "gõ cửa" những người dân bình thường nhiều hơn.

Chưa hết, họ còn dễ túng quẫn hơn nữa khi mà "cả chi phí y tế lẫn giáo dục (hai lĩnh vực ít chịu tác động của sự tiết kiệm chi phí nhờ tự động hoá) tiếp tục tăng nhanh", theo Barack Obama.

Cựu tổng thống Mỹ, Barack Obama phơi bày 5 sự thật đắng lòng về cách xã hội Mỹ vận hành - Ảnh 1.

2. "Các câu chuyện được kể" là rất quan trọng

"Những câu chuyện được kể" ám chỉ vai trò của truyền thông trong mối quan hệ giữa công chúng và các chính trị gia.

Một lời nói hớ có thể gây ra đại hoạ, thậm chí làm tiêu tan sự nghiệp. Đại tướng Stanley McChrystal dưới thời Obama từng từ chức vì để tờ The Rolling Stones tiếp cận và viết một bài báo châm biếm nỗ lực chiến tranh của Mỹ. Bản thân Obama cũng hơn một lần bị phóng viên trích dẫn một câu nói vô tư, để rồi sau đó phải hứng chịu sự công kích vô lý.

Ngược lại, truyền thông vẫn ở đó cho những ai biết tận dụng. Năm 2011, Donald Trump bắt đầu thu hút sự quan tâm khủng khiếp của báo chí, khi ông rêu rao khắp các đài truyền hình giả thuyết Obama không phải là người Mỹ. Trump và một bộ phận báo chí Mỹ sau đó tiếp tục phát triển thành một "mối quan hệ cộng sinh", đơn giản vì những gì Trump nói "hút views" - dù cả hai bên đều biết rõ ông ta có thể chỉ đang dối trá.

Trong khi đó, Obama cho hay, có những nỗ lực từ ông không phải là đề tài yêu thích của báo giới (như môi trường hay y tế), khiến vài chính sách dù rất tốt cũng không nhận được sự quan tâm đúng mực từ số đông người dân Mỹ. "Đôi khi công việc quan trọng nhất của bạn là những thứ mà không ai nhận thấy", ông cay đắng nói.

3. Bức xúc từ đám đông

Năm thứ hai trong nhiệm kỳ đầu tiên, Barack Obama đối mặt với thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ: tràn dầu tại giàn khoan Deepwater Horizon.

Sau khi Deepwater Horizon phát nổ, ba lỗ phun dầu bị rò rỉ khiến dầu trong bể Macondo chảy vào lòng biển. "Trên mặt biển, vùng dầu loang đã lan rộng tới 1500 km² và đã tiến gần tới bờ biển Louisiana, đầu độc cá, cá heo và rùa biển",Barack Obama thuật lại.

Tổng thống Mỹ khi ấy đã phải chịu những chỉ trích rất lớn từ công chúng, bởi có cơ quan quản lý thuộc chính quyền đã sơ suất cấp phép cho công ty dầu khí "khoan một cái lỗ sâu gần 6km tính từ mặt nước mà lại không biết cách bít lại". Đã thừa nhận vấn đề, nhờ cậy nhà vật lý từng đoạt giải Nobel, trả lời được những câu hỏi hóc búa, nhưng tận sâu thâm tâm Obama là cảm giác lực bất tòng tâm.

Chừng 10 năm sau, khi nhìn lại sự kiện, Barack Obama mới kể ra những điều thật tâm ông muốn nói trước công chúng Mỹ - về nguyên nhân cốt lõi của các thảm hoạ môi trường.

Cơ quan quản lý của chính phủ không có năng lực để ngăn chặn khủng hoảng bởi theo Barack Obama, một bộ phận lớn người Mỹ tin rằng "chính phủ là vấn đề, còn doanh nghiệp luôn hiểu biết tốt hơn". Công chức bị chê bai, ngân sách các cơ quan chính phủ bị bỏ đói, và những thủ phạm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường được cho phép "muốn làm điều quái quỷ gì thì làm".

"Cách duy nhất để thực sự tránh được thảm họa tràn dầu trong tương lai là chấm dứt hoàn toàn việc khoan dầu", Obama nói tiếp, "nhưng điều đó sẽ không xảy ra bởi vì người Mỹ thích xăng dầu giá rẻ và xe hơi hơn là quan tâm tới môi trường, trừ khi có một thảm họa kinh khiếp nhằm thẳng vào chúng ta".

Với tất cả những bất bình của đám đông về thảm họa tràn dầu khi ấy, điều mà đại bộ phận công chúng hứng thú là xử lý rốt ráo thảm hoạ, là tổng thống của họ "phải dọn dẹp thêm một mớ lộn xộn vốn đã tồn tại hàng chục năm qua thật dễ dàng và nhanh chóng, để tất cả chúng ta có thể quay trở lại lối sống phát thải carbon, lãng phí năng lượng mà không cảm thấy có chút tội lỗi nào".

Cựu tổng thống Mỹ, Barack Obama phơi bày 5 sự thật đắng lòng về cách xã hội Mỹ vận hành - Ảnh 2.

4. Rất nhiều quy định vô lý vẫn chờ được sửa chữa

Chúng ta đang sống trong thời hiện đại nhất, và xã hội Mỹ cũng được coi là tiến bộ và văn minh nhất. Tuy nhiên, với những gì Obama kể trong "Miền đất hứa", ngay ở quốc gia phát triển nhất cũng còn lắm điều vô lý tồn đọng.

Chẳng hạn, trong quá trình làm luật bảo vệ môi trường, Obama đã giao một chuyên gia rà soát lại toàn bộ các quy định, để có thể loại bỏ những thứ "không cần thiết hoặc đã lỗi thời".

Kết quả ra sao? Sau khi làm việc miệt mài, vị chuyên gia này đã "khai quật" hàng tá quy định vô lý: "những yêu cầu cũ buộc bệnh viện, bác sĩ và y tá phải tiêu hơn 1 tỉ đô la mỗi năm vào công việc giấy tờ và các thủ tục hành chính; một quy định môi trường kỳ lạ xếp sữa vào nhóm "dầu", khiến cho nông dân ngành sữa mỗi năm tốn thêm 100 triệu đô la; và một chế tài vô lý bắt buộc tài xế xe tải phải tốn thời gian điền vào đơn sau mỗi lần chạy gây ra khoản tốn kém 1,7 tỷ đô la".

5. Một cộng đồng luôn đoàn kết trước kẻ thù bên ngoài, nhưng lại chia rẽ khi giải quyết vấn đề cấp thiết nội bộ

Trong chương cuối của "Miền đất hứa", Obama tiết lộ về quá trình gay cấn tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Chiến dịch đã thành công mỹ mãn, bin Laden bị tiêu diệt, và công chúng Mỹ vô cùng hân hoan bởi sau sự kiện 11/9, khủng bố là kẻ thù chung của cả nước Mỹ.

"Lần đầu tiên và duy nhất trong thời gian làm tổng thống của tôi, chúng tôi không cần phải quảng bá những việc chúng tôi vừa làm", Obama kể lại. Nhưng niềm vui này cũng dấy lên trong ông một hoài nghi: Phải chăng sự đoàn kết này chỉ hiện diện khi mục tiêu là giết chết một kẻ khủng bố?

"Tôi chợt hình dung nước Mỹ sẽ như thế nào nếu chúng ta có thể hiệu triệu toàn quốc, từ đó giúp chính phủ huy động trình độ chuyên môn và quyết tâm để phục vụ công cuộc giáo dục trẻ em hay làm nhà cho người vô gia cư, tương tự như khi hạ được bin Laden vậy; giá mà chúng ta có thể sử dụng sự bền bỉ và các nguồn lực tương tự để giảm đói nghèo và hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính hoặc đảm bảo rằng mọi gia đình đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ ban ngày đúng chuẩn", ông viết.

Không thể đoàn kết đất nước cho một điều gì khác ngoài chuyện đánh bại kẻ thù từ bên ngoài, Obama nhận ra rằng nhiệm kỳ tổng thống của mình khi ấy vẫn chưa đạt tới những điều ông muốn. "Tôi nhận ra rằng vẫn còn nhiều việc phải làm",Obama kết luận.

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM