Cựu sinh viên Harvard xây dựng công ty kinh doanh cần sa hợp pháp, mục tiêu thu hơn 50 triệu USD mỗi năm

12/08/2017 13:12 PM | Kinh doanh

Tại bang California, Mỹ, buôn bán và kinh doanh "cỏ" là hành động hoàn toàn hợp pháp.

Nếu truy cập trang Instagram có tên Canndescent, bạn sẽ nhìn thấy những tấm ảnh lối sống sang trọng, xa hoa với các hoạt động tiệc tùng, vẽ tranh, tập yoga, lướt sóng…Nhưng trên thực tế, Canndescent lại là một công ty cần sa, chuyên trồng và bán sản phẩm cần sa, hay còn gọi là “cỏ”.

Adrian Sedlin, cựu sinh viên đại học Harvard, CEO và người sáng lập Canndescent cho biết anh mong muốn nâng ngành kinh doanh này lên tầm đẳng cấp, tinh tế.

“Hãy gọi chúng tôi là Hermès trong giới trồng cần. Chúng tôi theo đuổi các dòng sản phẩm cao cấp cho những người trưởng thành”, Sedlin chia sẻ với CNBC trong một chương trình gần đây.

Có trụ sở chính đặt tại Desert Hot Springs, California, Cannencescent là một phần của làn sóng khởi nghiệp bắt đầu hình thành sau khi pháp luật tiểu bang có sự điều chỉnh. Theo đó, vào tháng 11 năm 2016, California thông qua Dự luật 64, hợp pháp hóa việc buôn bán và sử dụng cần sa cho các mục đích giải trí. Dự luật này có hiệu lực vào ngày 1/1/2018. Xét trên lãnh thổ liên bang, sử dụng cần sa là phạm pháp, ngoại trừ vào mục đích y tế.

Ở thời điểm hiện tại, cứ khoảng 10 ngày, Sadlin lại thu hoạch 65 pound hoa cần sa khô và bán cho các trạm xá với mức giá 3.000 USD/pound, cao hơn thông thường từ 500-1.500 USD. Sadlin lý giải là do các sản phẩm của anh có chất lượng cao cấp và bao gói sang trọng (nhìn giống những hộp trà hơn là hộp cần sa).

“Cần sa của Canndescent không có mùi thơm hóa học khi đốt. Nó có mùi khói hoàn hảo”.

Sadlin dự đoán kinh doanh cần sa tại California có tiềm năng rất lớn. Năm ngoái, trang trại cần của anh có doanh thu 228.000 USD. Con số có thể lên tới 5,1 triệu USD trong năm nay và 52 triệu USD vào năm 2019. Tuy nhiên theo báo cáo của tổ chức ArcView, đây chỉ là một phần nhỏ vì thị trường cần sa ước tính có giá trị 6,46 tỷ USD vào năm 2020.

Với tiềm năng này, Sedlin không phải người duy nhất mong chờ ngành kinh doanh cần sa sẽ phát triển tại California. Trên thực tế, thị trấn Desert Hot Springs, nơi bị phá sản vào năm 2001 và gần như lặp lại lịch sử vào năm 2014, đã quay trở lại thời kỳ phục hưng sau khi California cho phép người dân trồng cần ở quy mô công nghiệp.

"Tôi lấy ví dụ, một mảnh đất của thị trấn chỉ có giá trị 5.000 USD vào năm 1980 thì nay có thể bán với giá 378.000 USD”, ông Scott Matas, thị trưởng Desert Hot Springs cho biết.

Ngoài ra, ngành kinh doanh cần sa cũng tạo thêm việc làm cho nhiều người dân và đóng góp vào nguồn ngân sách địa phương. Sedlin chia sẻ: “Nhìn xem, chúng tôi luôn tuân thủ luật pháp của bang và đóng thuế đầy đủ. Còn chưa kể trong vòng 18 tháng tới, tôi sẽ tuyển thêm 280 nhân công vào trang trại của mình”.

Ngay cả khi Sedlin và các nhà sản xuất cần sa khác mang lại tiền bạc và việc làm cho cộng đồng địa phương, họ vẫn phải đấu tranh chống lại những định kiến cổ hủ. Khi được hỏi có phải người duy nhất tốt nghiệp Harvard mà lại đi bán cần sa, Sedlin chuyển hướng về phía các công ty dược phẩm.

“Nhiều người như tôi cũng đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Họ bán các sản phẩm còn dễ gây nghiện hơn và có khả năng làm rối loạn cuộc đời bạn. Còn chúng tôi thì không”, Sedlin khẳng định chắc nịch.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM