Cưỡng chế di dời 4 'tàu ma' cuối cùng khỏi hồ Tây

16/02/2023 08:43 AM | Xã hội

UBND quận Tây Hồ đang phối hợp với các cơ quan liên quan quyết tâm trong quý I/2023, sẽ di dời những chiếc “tàu ma” cuối cùng ra khỏi hồ Tây. Bởi để tồn tại những nhà thuyền nổi cũ nát, hoang tàn không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan của hồ Tây mà còn gây ô nhiễm mặt nước, mất vệ sinh môi trường và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an ninh trật tự.

Đã gần 6 năm kể từ khi hàng chục tàu thuyền kinh doanh tại hồ Tây (khu vực đường Nguyễn Đình Thi) di dời về khu vực Đầm Bảy. Đến nay, vẫn còn 3 du thuyền và 1 sàn nổi cũ neo đậu tại đây chưa được di dời, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường đô thị, gây bức xúc cho người dân du khách đến thăm quan hồ Tây.

Cưỡng chế di dời 4 'tàu ma' cuối cùng khỏi hồ Tây - Ảnh 1.

Đợt di dời du thuyền khỏi hồ Tây cuối năm 2022

Được biết, từ ngày 7/2/2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành Thông báo 38 yêu cầu chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây. Xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu thuyền, phương tiện nổi về 1 vị trí tập kết để xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này ra khỏi hồ. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND quận Tây Hồ đã chủ trì phối hợp cùng các sở ngành di dời toàn bộ 48 tàu thuyền, phương tiện nổi của 8 doanh nghiệp về neo đậu tại khu vực Đầm Bảy. Các tàu thuyền đã ngừng hoạt động từ thời điểm đó. Đối với kiến nghị bồi thường của các doanh nghiệp, tháng 4/2018, UBND thành phố đã có thông báo kết luận số 372 trong đó khẳng định: Quá trình kinh doanh trên hồ Tây, các doanh nghiệp đã có một số sai phạm như phương tiện không được kiểm định theo quy định, không đảm bảo vệ sinh môi trường gây ô nhiễm hồ Tây, không đảm bảo an toàn PCCC... Việc bồi thường tài sản, thiệt hại do ngừng kinh doanh trên hồ Tây cho các doanh nghiệp là không có căn cứ.

Trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, ông đã trực tiếp kiểm tra thực tế du thuyền bỏ hoang tại Đầm Bảy. Ông Dũng đã yêu cầu lãnh đạo quận Tây Hồ, lãnh đạo UBND thành phố bằng mọi cách phải cắt tất cả thuyền nổi đưa đi nơi khác, nếu cứ tiếp diễn sẽ làm hỏng hết hồ Tây.

Thực hiện kết luận của UBND thành phố, UBND quận Tây Hồ đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp có phương tiện thủy nội địa chấp hành di dời ra khỏi hồ Tây. Đến hết năm 2021, đã có 106 phương tiện lớn nhỏ (gồm 100 xe đạp nước) của 3 doanh nghiệp tự giác di dời khỏi hồ. Đến tháng 6/2022, tiếp tục có 5 phương tiện thủy nội địa (1 tàu lớn, 4 phao nổi) của 2 doanh nghiệp di dời khỏi hồ. Ngày 30/6/2022, UBND quận Tây Hồ cùng Sở GTVT đã làm việc với các doanh nghiệp có phương tiện thủy chưa di dời ra khỏi hồ Tây để thống nhất phương án và yêu cầu di dời ra khỏi hồ Tây. Ngày 14/7/2022, UBND quận Tây Hồ ban hành văn bản 1029/UBND-QLDA yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành di dời trước ngày 31/7/2022.

Đến nay, UBND quận đã tiếp tục di dời 27 phương tiện thủy ra khỏi hồ Tây. Hiện còn 4 phương tiện gồm 3 tàu và 1 sàn nổi của 2 doanh nghiệp chưa chấp hành di dời, UBND quận Tây Hồ cùng Sở GTVT đã thiết lập hồ sơ, quy trình cưỡng chế hành chính để tổ chức thực hiện tháo dỡ, di dời triệt để theo chỉ đạo của UBND thành phố trong quý I/2023. Chi phí tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ, di dời do doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả.

Trần Hoàng

Từ khóa:  tàu ma , hồ Tây
Cùng chuyên mục
XEM