Cuối cùng, quyền chi phối Nhựa Bình Minh đã về tay người Thái

17/06/2018 13:08 PM | Kinh doanh

Sau giao dịch, Nawaplastic Industries đã tăng sở hữu tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) lên 43,35 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 52,96%), chính thức nắm quyền chi phối tại BMP.

The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co,.Ltd vừa có công bố thông tin về việc đã mua vào gần 1,7 triệu cổ phiếu CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP ), qua đó tăng sở hữu từ 41,66 triệu cổ phiếu BMP (tỷ lệ 50,89%) lên 43,35 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 52,96%), chính thức nắm quyền chi phối tại BMP.

Trước đó, sau khi hoàn tất mua hơn 24,1 triệu cổ phiếu BMP thuộc sở hữu SCIC qua đấu giá tại mức giá 96.500 đồng/cổ phiếu để tăng sở hữu lên 49,89%, Nawaplastic Industries đã liên tiếp mua vào BMP trên thị trường.

Được biết, doanh nghiệp Thái này hiện đang có 3 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban Kiểm soát tại Nhựa Bình Minh.

The Nawaplastic Industries là một thành viên của SCG - tập đoàn Thái Lan đang có cổ phần tại trên 20 doanh nghiệp của Việt Nam. Trong đó, những cái tên nổi bật có thể kể đến như Lọc hóa dầu Long Sơn, Prime Group, Bao bì AP... hay một doanh nghiệp nổi tiếng khác trong ngành nhựa là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.

Gom thành công hàng chục triệu cổ phiếu, 2 doanh nghiệp trở thành cổ đông lớn của Hapro

Công ty TNHH Thương mại ô tô Thành Công và Công ty TNHH Thương mại đầu tư và xuất nhập khẩu An Phú vừa lần lượt ra thông báo về việc mua cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn tại Tổng công ty thương mại Hà Nội - Hapro (mã HTM).

Cụ thể, sau hai đợt giao dịch vào 23/5 và 28/5, Ô tô Thành Công thông báo đã mua vào thành công lần lượt gần 19,8 triệu cổ phiếu và 7,8 triệu cổ phiếu HTM.

Trước đó, Ô tô Thành Công không phải cổ đông của HTM. Như vậy, sau hai giao dịch, tổng cộng Ô tô Thành đã nắm 27,5 triệu cổ phiếu HTM (tỷ lệ 15,31%), chính thức trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp.

Trước Ô tô Thành Công, trong phiên giao dịch hôm 18/5, Công ty An Phú đã mua vào thành công 31,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 17,7%), chính thức trở thành công đông lớn tại HTM.

Trước đó, An Phú cũng không nắm giữ bất cứ cổ phiếu nào của Hapro.

Theo phương án cổ phần hóa đã được thông qua thì cơ cấu vốn điều lệ của Hapro là 2.200 tỷ đồng, tương ứng 220 triệu cổ phiếu. Trong đó, bán đấu giá công khai hơn 76 triệu cổ phiếu.

UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt việc lựa chọn và bán 65% cổ phần Hapro (tương đương 143 triệu cổ phiếu) cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco).

Tại phiên đấu giá Hapro diễn ra tại HNX vào cuối tháng 3, toàn bộ số cổ phiếu trên đã được bán cho nhà đầu tư với tổng giá trị cổ phần đạt hơn 980 tỷ đồng. Mức giá trúng bình quân là 12.908 đồng/cp, giá trúng thấp nhất là 12.800 đồng/cp, mức giá trúng cao nhất là 20.000 đồng/cp.

Doanh nghiệp của ông chủ Tôn Hoa Sen muốn gom thêm 1 triệu cổ phiếu HSG

Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen vừa có thông báo liên quan đến việc đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen.

Theo công bố, thời gian dự kiến thực hiện mua cổ phiếu từ ngày 15/6 đến 14/7.

Sau giao dịch, dự kiến Đầu tư Hoa Sen sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại HSG từ 25,1% lên 25,38%, tương đương 88,8 triệu cổ phiếu.

Đầu tư Hoa Sen là doanh nghiệp do ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG, làm chủ tịch.

Tại HSG, ông Vũ hiện đang sở hữu 10,7% vốn, ứng hơn 37,4 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong khi công ty riêng của ông Vũ đang đăng ký mua vào HSG thì thời gian qua, Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm - doanh nghiệp riêng của bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ cũ của ông Vũ lại lần lượt bán sạch cổ phiếu HSG đang nắm giữ.

Hôm 23/5, Tâm Thiện Tâm đã thoái toàn bộ 19,2 triệu cổ phiếu HSG sở hữu (tỷ lệ 5,49%), trị giá hơn 230 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này đã bán ra 5 triệu cổ phiếu HSG.

Cổ phiếu HSG trong thời gian qua liên tục lao dốc. Tính từ đầu năm, từ mức đỉnh 28.650 đồng/cổ phiếu (phiên 15/1), HSG đã lao dốc về sát mệnh giá, còn 10.090 đồng/cổ phiếu - phiên 30/5) và bắt đầu có sự phục hồi nhẹ trong tháng 6, quanh ngưỡng 12.000 đồng/cổ phiếu.

NLG : Đấu giá 40 triệu cổ phần với giá khởi điểm 26,5 nghìn đồng/cổ phiếu

CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua giá khởi điểm và Quy chế đấu giá cổ phần cho 40 triệu cổ phần phát hành tăng vốn.

Theo đó, mỗi cổ phiếu giá khởi điểm là 26.500 đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa 5 triệu cổ phiếu, tương đương 12,5% tổng lượng cổ phần đấu giá.

Trên lý thuyết, NLG sẽ thu được hơn 1.000 tỷ đồng sau đợt đấu giá.

Quý I/2018, NLG đạt doanh thu thuần 539 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên 31 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ.

NLG vừa qua đã công bố thông tin về việc sẽ phát hành thêm hơn 21 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 11,25% cổ phiếu đang lưu hành) để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của 2017.

NAF: Chuyển nhượng hơn 3,2 triệu cổ phần tại 2 công ty con cho 3 cá nhân

CTCP Nafoods Group (mã NAF) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp này tại hai công ty con là CTCP Đầu tư LMC và CTCP Gấc Tân Thắng.

Cụ thể, tại CTCP Đầu tư LMC, NAF sẽ chuyển nhượng 650 nghìn cổ phần (tỷ lệ 65% vốn điều lệ), ứng với giá trị 6,5 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Loan.

Tại CTCP Gấc Tân Thắng, số cổ phần NAF chuyển nhượng lên tới 2,6 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ), ứng với 26 tỷ đồng cho hai nhà đầu tư là ông Nguyễn Công Vương và bà Lưu Thị Hoài Trinh.

Trong đó, ông Nguyễn Công Vương mua lại 10,4 triệu cổ phần, trị giá 10,4 tỷ đồng và bà Trinh mua lại lượng cổ phần trị giá 15,6 tỷ đồng còn lại.

Theo thông báo, việc chuyển nhượng này đã được thực hiện trước ngày 10/06/2018.

Kết thúc quý I/2018, NAF đạt doanh thu hơn 56 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chỉ đạt 2,1 tỷ đồng, giảm gần 1 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Theo Linh Linh

Cùng chuyên mục
XEM