Cuộc tháo chạy khỏi homestay của “nhà giàu”: Lo sợ thanh tra đất rừng, đất nông nghiệp và những thương vụ rao bán ngầm

10/06/2023 08:02 AM | Sống

Tan mộng với giấc mơ “bỏ phố về rừng” làm homestay vừa để nghỉ dưỡng, vừa có nguồn tiền thu nhập đều đặn, sau tháng ngày thu không bù chi, nhiều chủ homestay phải rao bán khu nghỉ dưỡng với mức giá hàng chục tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Trên diễn đàn “bỏ phố về rừng”, nhiều khu nghỉ dưỡng đang được chào bán với mức giá hàng chục tỷ đồng với thông tin “cần bán gấp”, “chủ bận không quản lý cần bán”, “do nợ ngân hàng nên bán”,…

Cũng trên trang wesite mua bán bất động sản, loạt thông tin bán trang trại, khu nghỉ dưỡng, homestay xuất hiện liên tục với tầm giá từ 6 tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Tại miền Bắc, đa phần các khu nghỉ dưỡng rao bán nằm ở khu vực Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội) hoặc một số huyện như Lương Sơn, Đà Bắc (Hoà Bình).

Tại khu vực phía Nam, các farmstay, homestay nghỉ dưỡng ở vùng ven TPHCM hoặc khu vực Bình Thuận, Kon Tum… được chào bán trong các hội nhóm, diễn đàn.

Môi giới tên Mạnh kể lại, gần 2 tháng nay, anh và đội nhóm đi khảo sát homestay để “săn” mua cho khách. Đa phần homestay rao bán đều nằm trong tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài. Ngay cả sau thời điểm hết giãn cách, hồi giữa năm 2022, lượng khách của những homestay đều chật vật. Lượng khu nghỉ dưỡng đông khách ngày cuối tuần cũng chưa có “điểm hoà vốn” do chi phí đầu tư cao, dù đi vào vận hành 3 năm.

Tuy nhiên, môi giới này tiết lộ, một lý do khác mà chủ homestay rao bán vì giới đầu tư truyền tin về việc thanh tra đất rừng, đất nông nghiệp. “Chúng tôi đi tìm homestay cắt lỗ. Đến khi kiểm tra pháp lý, chắc đến 100% khu nghỉ dưỡng đến khảo sát đều vướng về pháp lý”, anh Mạnh nói thêm.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Mạnh phân tích: “Các homestay đều “mọc” trên khu có địa hình cảnh quan lợi thế như sát hồ, suối, tựa lưng vào núi, ở lưng chừng đồi. Mặc dù lô đất có một phần thổ cư nhưng diện tích rất ít. Ví dụ như lô đất 2ha chỉ có 1 phần rất nhỏ là đất được phép xây dựng nhưng họ sẽ xây khoảng 10-20 phòng. Như vậy sẽ có phần công trình xây trên đất rừng hoặc đất nông nghiệp”.

Cũng theo anh Mạnh, một điểm khác mà các nhà đầu tư cẩn trọng mua vào: Đó là một số khu nghỉ dưỡng chưa đóng thuế đất lên thổ cư. Khi bỏ tiền ra mua, ngoài bỏ vốn đầu tư lại homestay, nhà đầu tư phải chi rất nhiều tiền cho khoản thuế. Nếu không gia tăng diện tích đất thổ cư, nhà đầu tư mới không dám xây dựng thêm.

Anh Trần Tiến, một nhà đầu tư săn tìm homestay  cho biết: “Nhiều chủ homestay đang rao bán ngầm vì họ không muốn ảnh hưởng đến công việc đang kinh doanh. Nhưng dù vậy, giá đang rất cao. Một tuần trước, tôi đi tìm mua. Chủ homestay ở Hoà Bình rao bán khu nghỉ dưỡng khoảng hơn 10 phòng, diện tích 2ha với giá 43 tỷ đồng. Một homestay khác ở Ba Vì, Hà Nội có diện tích 5000m2, chào bán 20 tỷ đồng”.

Theo anh Tiến, mức giá này dù đang báo là “cắt lỗ” nhưng thực tế vẫn cao. “Bỏ vài chục tỷ ra mua homestay thua lỗ, ước chừng người mua mới phải bỏ thêm vài tỷ để sửa sang và vận hành”. Chưa kể, việc vận hành homestay ở thời điểm này khó có thể tạo ra doanh thu tốt do đa phần đều hoạt động theo hướng “tự phát”. Các homestay đều chung điểm: có phòng ngủ độc lạ, bể bơi, khu nướng BBQ… Hiếm có homestay nào tạo ra kiến trúc độc đáo, khác biệt.

Nhà đầu tư này còn cho rằng: “Rủi ro mua homestay ở thời điểm này rất lớn do vấn đề về pháp lý diện tích đất giao thoa giữa đất rừng, đất nông nghiệp và đất thổ cư. Hầu hết homestay xây dựng lấn đất rừng. Nếu rơi vào giai đoạn thanh tra, người mua mới gặp nhiều rủi ro và rắc rối". Đây cũng là lý do anh Tiến đang dừng lại cuộc tìm kiếm mua homestay cắt lỗ vì lo ngại pháp lý.

Theo Nhật Linh

Cùng chuyên mục
XEM