'Cuộc tấn công siêu thực vào ẩm thực': Mỹ - Italia đối đầu nhau vì một món ăn truyền thống

03/04/2023 14:20 PM | Sống

Alberto Grandi - một chuyên gia thực phẩm tại trường Đại học Parma (Italia) - đã gây chấn động khi tuyên bố rằng, một số công thức nấu ăn nổi tiếng nhất của Italia bao gồm món mì ống Carbonara thực sự là của Mỹ.

Việc này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Rome cố gắng đưa ẩm thực Italia vào danh sách Di sản văn hóa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).

"Cuộc tấn công siêu thực vào ẩm thực": Mỹ - Italia đối đầu nhau vì một món ăn truyền thống - Ảnh 1.

Món mì ống Carbonara. Ảnh: Wikimedia Commons

Theo trang tin Firstpost (Ấn Độ), người Italia đang rất tức giận sau khi một chuyên gia của nước này tuyên bố rằng, Carbonara - một món ăn đặc trưng của Roma và vùng lân cận Lazio, được làm từ trứng, thịt má lợn (guanciale), pho mát pecorino và hạt tiêu - thực ra là của Mỹ.

Điều đáng chú ý là, cuộc tranh cãi xảy ra chỉ vài ngày sau khi Roma cố gắng đưa ẩm thực Italia vào danh sách Di sản văn hóa của UNESCO.

"Cuộc chiến ẩm thực"

Chuyên gia ẩm thực Alberto Grandi đã gây xôn xao khi tuyên bố rằng, một số công thức nấu ăn nổi tiếng bậc nhất của Italia có một "lịch sử rất ngắn".

Ông Grandi - một nhà sử học ẩm thực tại Đại học Parma - đã viết trên tờ La Repubblica (Italy) rằng, "giá trị và lịch sử" của ẩm thực Italia bị bao vây bởi "những hiểu lầm".

Trong một bài báo có tựa đề "Mọi thứ mà tôi, một người Italy, nghĩ rằng tôi biết về món ăn Italia đều sai", ông Grandi cho biết, món ăn này thực sự bắt nguồn từ những người Mỹ đến Italia sau Thế chiến thứ hai.

Ông Grandi tuyên bố: "Ẩm thực Italia thực sự giống Mỹ hơn là Italy".

"Có lẽ mỗi năm một lần chúng tôi ăn Amatriciana [một món ăn làm từ cà chua với thịt xông khói], khi chúng tôi có đủ tài chính để thịt một con lợn. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe nói về Carbonara trước chiến tranh", ông Grandi nói.

"Công thức đầu tiên được công bố là từ năm 1953 ở Chicago. Nhiều người Italy đã đến Mỹ, vì vậy thực tế tất cả công việc bếp núc - tất cả các bếp ăn Italia đều do người Mỹ gốc Italy đảm nhiệm", trang tin Euronews dẫn lời chuyên gia Grandi.

Ông Grandi nói thêm: "Nhiều món ăn kinh điển của Italy, từ Panettone đến Tiramisu, đều là những sáng tạo tương đối gần đây."

Ông Grandi cho biết: "Đối với cha tôi vào những năm 1970, pizza cũng kỳ lạ như sushi đối với chúng tôi ngày nay".

"Cuộc tấn công siêu thực vào ẩm thực": Mỹ - Italia đối đầu nhau vì một món ăn truyền thống - Ảnh 2.

Chuyên gia ẩm thực Alberto Grandi đã gây xôn xao khi tuyên bố rằng, một số công thức nấu ăn nổi tiếng bậc nhất của Italia có một "lịch sử rất ngắn". Ảnh: corriere.it

Trang tin Yahoo dẫn lời Hiệp hội Nông dân Quốc gia Italia (Coldiretti) cho biết, chuyên gia Grandi đã phát động một "cuộc tấn công siêu thực vào các món ăn mang tính biểu tượng của ẩm thực Italy.

Coldiretti cho biết: "Trên cơ sở sáng tạo lại với trí tưởng tượng phong phú, những truyền thống ẩm thực quốc gia có nguồn gốc sâu xa nhất đang bị đem ra làm trò đùa."

"Về bản chất, [theo tuyên bố của ông Grandi] người Mỹ đã phát minh ra Carbonara, còn Panettone và Tiramisu là những sản phẩm thương mại gần đây. Trên tất cả, [ông Grandi] đi xa đến mức đưa ra giả thuyết về loại phô mai Parmesan cũng như loại phô mai được sản xuất tại Wisconsin ở Mỹ – quê hương của những loại phô mai giả 'made in Italy'", Coldiretti cho biết.

Phó Thủ tướng Italia Matteo Salvini nói thêm: "Các chuyên gia và báo chí ghen tị với gu ẩm thực và sức hấp dẫn của chúng tôi".

Nhưng Grandi vẫn không nản lòng.

Tờ Evening Standard (Anh) dẫn lời chuyên gia Grandi nói rằng, đây là "một cuộc tranh cãi mang tính dân tộc chủ nghĩa" và một số người thậm chí còn cáo buộc rằng ông là một phần của "âm mưu chống người Italy".

"Tôi không hiểu tại sao lại có nhiều người tấn công tôi. Tôi không đặt câu hỏi về chất lượng của thực phẩm hay sản phẩm của Italy, tôi chỉ dựng lại lịch sử của những món ăn này theo cách đúng đắn nhất về mặt lịch sử và ngữ văn. Với các nghiên cứu của mình, tôi đã chỉ ra rằng nhiều sản phẩm được ra đời trong khoảng từ 50 đến 60 năm trước, và từ sự tương tác với văn hóa Mỹ", ông Grandi nói.

Theo trang tin Firstpost, đây không phải là lần đầu tiên một món ăn gây ra sự tranh cãi.

Vào năm 2021, công thức "Smoky Tomato Carbonara" trong phần món ăn bổ sung của tờ The New York Times, bao gồm cà chua và thay thế má heo và pecorino bằng thịt xông khói và phô mai parmesan, đã gây ra một làn sóng phẫn nộ ở Italy.

Coldiretti vào thời điểm đó đã gọi công thức của Mỹ là "một công thức đáng lo ngại đối với món ăn danh giá từ truyền thống nổi tiếng của Italy", đồng thời phàn nàn rằng, Carbonara là "một trong những món ăn có nhiều biến thể công thức nấu ăn nhất của Italy".

Theo Hữu Hiển

Cùng chuyên mục
XEM