Cuộc sống “thoát ly” khỏi văn phòng: Vác máy ra biển họp nếu thích, nhưng 4h sáng đồng nghiệp ở Nga đòi chỉnh báo cáo
Ai cũng từng 1 lần mơ ước được “thoát ly” khỏi văn phòng, không phải giáp mặt anh/ chị sếp suốt 8 tiếng đi làm… nhưng cuộc sống đó liệu có như mơ?
Mỗi sáng, thay vì thức dậy từ lúc 7h giờ vội vàng ăn bữa sáng rồi lao đến văn phòng, Hoài Vy (22 tuổi, sống tại Sài Gòn) thong thả làm các công việc cá nhân, mở máy tính xem lại giờ họp của ngày hôm nay rơi vào khung giờ nào.
“Tôi đề cao sự tự do cá nhân", Vy nói trước khi cung cấp thêm thông tin: “Tôi đang làm việc cho 1 công ty thiết kế nội thất có trụ sở tại Mỹ”.
Do có sự chênh lệch múi giờ giữa các nước, toàn bộ nhân viên sẽ cùng biểu quyết và chọn ra một khung giờ cố định để tổ chức họp mặt định kỳ hằng ngày. Buổi họp này tất nhiên sẽ được diễn ra theo hình thức trực tuyến và bao gồm tất cả nhân viên trong công ty.
Công ty Vy “quản" nhân viên bằng cách chia họ ra thành các nhóm nhỏ theo từng phòng ban, sau đó đưa ra mức KPI cụ thể cũng như thời gian phải hoàn thiện cho từng dự án. Trung bình 1 dự án sẽ cần tối thiểu 3 tuần để hoàn thiện. Mọi người trong nhóm sẽ cùng bàn bạc để tự lên kế hoạch, phân chia công việc và đưa ra thời gian hoàn thiện cho từng phần của mình,…
Trở thành nhân viên full time tại công ty không văn phòng, vác máy ra bãi biển làm việc nếu thích
Trước đây, Vy cũng làm nhân viên văn phòng đi sớm về hôm. Mức lương dao động từ 15 - 17 triệu/ tháng. Vy cảm thấy như bị hút cạn sức lực.
Vy cảm thấy không thoải mái với phong cách làm việc của công ty như không có khu vực ngồi làm việc riêng, cấp trên cứ liên tục đi lại sau lưng để kiểm tra…. Vì đặc thù công việc liên quan nhiều tới tính sáng tạo, nên Vy cần giữ cho bản thân cảm thấy thoải mái nhất mới nghĩ ra được những ý tưởng hay. Cô cũng có trao đổi vấn đề này với đồng nghiệp nhưng mọi người đều cảm thấy bình thường vì “làm ở đâu chẳng như thế” hay “ngồi như này sếp mới quản lý được chứ”.
Vy quyết định nghỉ việc.
Tình cờ, Vy biết đến công ty hiện tại thông qua LinkedIn (nền tảng kết nối việc làm trên toàn thế giới). Đây là một công ty chuyên mảng thiết kế nội thất, có trụ sở đặt tại Mỹ, nhưng lại không có văn phòng làm việc chính thức.
Tất cả nhân viên của công ty đều có thể làm việc từ mọi nơi trên thế giới. Yêu cầu chỉ là thành thạo Tiếng Anh và sau khi nộp CV thì phải trải qua một bài kiểm tra kiến thức cơ bản để có cơ hội được phỏng vấn.
Sau 2 vòng phỏng vấn khó nhằn, Vy được nhận vào làm nhân viên chính thức tại công ty với mức lương tháng 30 triệu. Đây là 1 mức lương đáng mơ ước đối với người mới ra trường 1 năm như Vy. Vừa không phải lên văn phòng vừa có mức lương cao gấp đôi chỗ làm cũ, thoải mái cho mức sống của 1 người trẻ độc thân ở Sài Gòn - Vy tặc lưỡi: “Tôi như tìm thấy chân trời mới"!
Vy không phải là trường hợp hiếm hoi lựa chọn hình thức làm việc từ xa này. Quỳnh Anh (21 tuổi, tại Hà Nội) cũng lựa chọn thực tập toàn thời gian cho một công ty Thương mại điện tử có văn phòng tại Sài Gòn và Huế.
Công ty này lại áp dụng hình thức làm việc kết hợp giữa online và offline: các nhân viên tại Sài Gòn và Huế thì sẽ đến làm việc trực tiếp tại văn phòng, còn các nhân viên ở khu vực khác thì sẽ làm việc trực tuyến từ xa.
Tất cả các hoạt động họp hành liên quan đến công việc đều diễn ra dưới hình thức trực tuyến, kể cả đối với những nhân viên đang làm việc tại văn phòng.
Điều tuyệt vời nhất Quỳnh Anh cảm nhận được khi làm việc dưới hình thức này là có thể thoải mái thay đổi địa điểm ngồi làm việc. Bạn có thể ôm máy tính lên một quán cafe ở Đà Lạt, chạy deadline tại một bãi biển ở Nha Trang, hay vừa ngắm sương mù ở Sa Pa vừa họp hành với đồng nghiệp.
2h sáng đồng nghiệp từ Mỹ nhờ sửa báo cáo, 4h sáng đồng nghiệp ở Nga đòi chỉnh nốt slide
Tuy nhiên, hình thức làm việc từ xa - không có văn phòng này cũng đầy rẫy mặt trái, điển hình như trong việc kết nối, giao tiếp với đồng nghiệp, hay chán nản sau một thời gian dài làm việc một mình.
Tiến Đông (23 tuổi) đã từng có thời gian kẹt tại Đà Nẵng do dịch, trong khi công ty ở Sài Gòn đã quay về nhịp làm việc bình thường. Đông và 4 nhân viên khác phải làm việc từ xa. Sau 2 tháng, Đông bắt đầu cảm thấy như bị “mất kết nối” với đồng nghiệp.
Còn Vy - cô nhân viên hoan hỉ khi được thoát ly khỏi văn phòng với mức lương 30 triệu lại hốt hoảng khi thấy sức khoẻ mình ngày càng đi xuống.
Lí do là vì có những hôm, 2h sáng đồng nghiệp từ Mỹ nhắn Vy sửa nốt báo cáo để sáng mai nộp cho sếp. Vừa sửa xong, chuẩn bị quay về giường ngủ là 4h thì đồng nghiệp từ Nga lại nhắn dậy chỉnh nốt slide để sáng mai cả nhóm thuyết trình trước đối tác.
Khó khăn lớn nhất đối với người làm việc không văn phòng chính là hạn chế khi trao đổi với đồng nghiệp, dễ bị chán nản, giờ giấc làm việc đảo lộn dễ dẫn đến tình trạng sức khỏe giảm sút vì không biết cách quản lý thời gian,...
Bên cạnh đó, ý thức tự giác và tự quản lý công việc chưa cao cũng là điểm yếu khiến nhiều cá nhân mang tiếng là làm việc từ xa nhưng thực chất chả làm việc gì ra trò, chất lượng công việc giảm sút.
Làm việc từ xa thế nào cho hiệu quả và lành mạnh?
Từ thực tế đó, tổ chức Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực của Anh (CIPD) cũng đã phát triển những lời khuyên để giúp các công ty và nhân viên thích ứng được với hình thức làm việc không cần văn phòng này:
Trước hết để làm việc hiệu quả, bạn cần chuẩn bị một không gian làm việc ưng ý, đôi khi vị trí làm việc chính là yếu tố quyết định xem có nên rời khỏi chăn và bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả hay không. Bạn cũng có thể trang trí thêm một chút cây xanh hay chuẩn bị một bài nhạc yêu thích để tạo hứng khởi khi làm việc.
Thứ hai là bạn phải lên một lịch trình làm việc cụ thể, rõ ràng hằng ngày cũng như mục tiêu cho từng đầu việc để bạn có thể bám sát theo đó, tránh bị xao lãng bởi những công việc ngoài lề khác. Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ quản lý thời gian để theo dõi được lượng thời gian bạn dành cho mỗi công việc.
Thứ ba, bạn cũng nên dành thời gian cho các cuộc trò chuyện ngoài công việc như bạn vẫn làm ở nơi làm việc và sử dụng tính năng gọi điện video để duy trì liên lạc trực tiếp với đồng nghiệp. Như vậy sẽ tránh được tình trạng bạn hay mọi người cảm thấy bị cô lập khỏi cộng đồng khi làm việc từ xa.
Điều cuối cùng bạn cần nhớ là phải biết cân bằng giữa thời gian làm việc và thời gian cho bản thân. Bạn cần phải rèn luyện tính tự giác, kỷ luật để đảm bảo chất lượng công việc, không để việc riêng ảnh hưởng đến việc tư. Nhưng cũng phải biết khi nào nên rời khỏi bàn làm việc để thư giãn, nghỉ ngơi, tránh bị cuốn vào guồng quay công việc mà ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
Tạm kết
Quỳnh Anh chia sẻ một câu nói khá hay mà cô đã từng đọc được: “Khi mọi người được tự do lựa chọn nơi họ muốn làm việc, họ sẽ tận hưởng công việc hàng ngày của mình nhiều hơn”. Với khả năng làm việc độc lập tốt, Gen Z hoàn toàn có thể linh hoạt lựa chọn hình thức làm việc trực tuyến hay trực tiếp, miễn là bạn không bị rơi vào “hố đen" cô lập và cơn rối loạn quản lý công việc “chụp mũ”.