Cuộc sống tạm bợ, tăm tối và mắc nhiều bệnh nền khiến hơn 550.000 người vô gia cư Mỹ bị đẩy tới bờ vực thảm họa trong đại dịch Covid-19

13/03/2020 00:52 AM | Sống

"Chúng tôi đang cầu nguyện" - một người điều hành mái ấm vô gia cư cho biết. "Nếu virus corona kéo đến đây, nó sẽ là một thảm họa".

Là người điều hành mái ấm vô gia cư ở hạt San Diego, bang California, ông Bob McElroy hiểu rằng các dịch bệnh luôn là mầm họa chết chóc đối với những người nghèo khổ nhất trong xã hội. Mới 3 năm trước, bệnh viêm gan A bùng phát đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 người chỉ riêng tại hạt San Diego, hầu hết là người vô gia cư.

Đến nay, khi virus corona càn quét khắp nước Mỹ, ông Bob lo sợ rằng họ đang đứng trước tình thế nguy cấp một lần nữa, nhưng chỉ có thể phòng chống bằng cách tích trữ nước rửa tay.

Cuộc sống tạm bợ, tăm tối và mắc nhiều bệnh nền khiến hơn 550.000 người vô gia cư Mỹ bị đẩy tới bờ vực thảm họa trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nhà ở cho người vô gia cư tại hạt San Diego.


San Diego chỉ có một mái ấm vô gia cư duy nhất, là nơi cư ngụ của hơn 300 người, hầu hết đều trên 50 tuổi. Theo báo New York Times nhận xét, chỗ này chẳng khác gì một "nhà kho nhét đầy người", hay giống như một đơn vị quân ngũ được sắp xếp theo lối đơn giản và tối ưu diện tích nhất có thể, với dãy giường tầng được đánh số thứ tự chỉ cách nhau khoảng 60 cm.

"Chúng tôi đang cầu nguyện" - ông Bob nói. "Nếu virus corona kéo đến đây, nó sẽ là một thảm họa".

Người vô gia cư và "nguy cơ kép" mắc bệnh truyền nhiễm

Các nhà nghiên cứu y tế cho biết khoảng 550.000 người vô gia cư ở Mỹ có "nguy cơ kép" nhiễm virus, nghĩa là cao gấp đôi so với bình thường. Nguyên nhân là vì họ sống chen chúc dưới mái ấm vô gia cư, sử dụng chung nhiều loại đồ đạc và thiếu địa điểm để rửa tay thường xuyên.

Ngoài ra, khi người vô gia cư nhiễm virus, bệnh tình của họ sẽ chuyển xấu rất nhanh do mắc nhiều bệnh lý nền và thiếu dịch vụ chăm sóc y tế đáng tin cậy. Một nghiên cứu vào năm ngoái cho biết khoảng 30% người vô gia cư ở Mỹ có tiền sử bệnh hô hấp.

Thành phố New York - nơi có nhiều người vô gia cư nhất xứ cờ hoa - đã ban hành hướng dẫn dài 11 trang, yêu cầu các mái ấm vô gia cư phải tiến hành kiểm tra triệu chứng, phát hiện kịp thời ca nhiễm Covid-19 và đưa đi cách ly "nhiều nhất có thể".

"Chúng ta cần phải hết sức lo lắng về vấn đề này" - bác sĩ bệnh truyền nhiễm Helen Chu cho biết. Cô hiện công tác ở Seattle (bang Washington) - một trong những đô thị có tỷ lệ người vô gia cư đông nhất và cũng là tâm dịch Covid-19 ở Mỹ. Đến nay, trong số 100 người nhiễm virus của toàn bang Washington, chưa có người vô gia cư nào.

Nhưng Chu không cảm thấy nhẹ nhõm. Trong nhiều năm qua, cô đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu và thị sát ở mái ấm vô gia cư. Cô thấy rằng những tấm đệm ngủ chỉ cách nhau chưa tới nửa bước chân. Những nơi tập trung đông người với điều kiện vệ sinh kém như vậy rất dễ trở thành ổ dịch bùng phát bệnh.

Toàn thế giới đang ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng cách cách ly bệnh nhân. Nhưng đối với người vô gia, điều đó là không thể, vì chẳng phải họ được định nghĩa là "người không còn nơi nào để đi" hay sao?

Ngoài ra, các nhân viên tại mái ấm vô gia cư - y tá, quản lý, người làm tình nguyện - đều có nguy cơ nhiễm virus cao gấp nhiều lần bình thường. Điều này tương tự như y bác sĩ ở bệnh viện.

Cuộc sống tạm bợ, tăm tối và mắc nhiều bệnh nền khiến hơn 550.000 người vô gia cư Mỹ bị đẩy tới bờ vực thảm họa trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Tracy Semrow vì bệnh tật mà trở thành người vô gia cư, lại vì không có một mái nhà an toàn mà càng dễ đau ốm hơn nữa.


Trong nhiều trường hợp, người ta trở nên vô gia cư cũng là do bệnh tật. Tracy Semrow từng là một nhà tư vấn tâm lý ở trường học với mức lương 6 chữ số, chuyên giúp đỡ các trẻ em khuyết tật. Tuy nhiên cách đây 2 năm, cô phát hiện mình đã mắc hội chứng rối loạn mô liên kết. Chi phí chữa trị đã ăn mòn các khoản tiết kiệm của Tracy.

Từ tháng 8 năm ngoái, cô dọn đến mái ấm vô gia cư do ông Bob McElroy điều hành. Ở đây, Tracy thường xuyên bị ốm, nhiều lúc không thể bước xuống giường. "Hệ miễn dịch của tôi đã không còn hoạt động bình thường nữa" - cô cho biết.

Tracy vẫn còn ở một nơi chốn để đi về. Nhưng hầu hết người vô gia cư ở San Diego không tìm được chỗ trong mái ấm, thay vào đó, họ tá túc dưới hệ thống thoát nước của thành phố - nơi đông người và cũng đầy chuột bọ. Hoặc họ dựng lên mái lều tạm bợ dọc theo các hẻm núi.

Cuộc sống tạm bợ, tăm tối và mắc nhiều bệnh nền khiến hơn 550.000 người vô gia cư Mỹ bị đẩy tới bờ vực thảm họa trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Norbert Alarcon không có nhà, không có tiền và cũng không được tiếp cận y tế kịp thời.


Các bác sĩ nói rằng khi người vô gia cư được chở đi cấp cứu, bệnh tình của họ đã rất nghiêm trọng. Họ có tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp nhiều hơn mọi người khác. Tại một bệnh viện ở Seattle, 32% trường hợp gặp vấn đề hô hấp là người vô gia cư.

Norbert Alarcon, trước đây làm nghề gác cổng, hiện đã là người vô gia cư được 2 năm và sống trong một căn lều bằng nhựa ở gần San Diego. Khi cảnh sát và nhân viên xã hội tiếp cận Norbert vào tuần trước, ông bị sưng nặng ở cánh tay do một vết cắt sâu trong tai nạn xe đạp.

Cảnh sát đề nghị đưa Norbert đến viện chữa trị nhưng người đàn ông khăng khăng là mình ổn. "Anh thấy không, bây giờ có tý màu sắc rồi" - Norbert chỉ cánh tay của mình, được quấn bằng loại băng keo dán thùng. "Trước đây nó chẳng có màu gì hết".

Những "cư dân im lặng" không được tiếp cận y tế

Đợt bùng phát viêm gan A năm 2017 - 2018 đã truyền nhiễm cho khoảng 600 người ở San Diego, theo chuyên gia Natasha Martin từ ĐH California cho biết. Viêm gan A chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa, có thể do những người nấu ăn đã không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.

Lúc đó, giới chức và các tổ chức tình nguyện đã chống dịch bằng cách vận động người vô gia đi tiêm phòng, dọn dẹp đường phố và đặt bồn rửa tay khắp nơi. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn không đến kịp thời, vì có 20 người đã thiệt mạng trong đợt dịch năm đó.

"Nếu chiến dịch ứng phó được tiến hành sớm hơn, nó sẽ có tác dụng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn truyền nhiễm" - bác sĩ Natasha Martin nói.

Hiện giờ, các chuyên gia cho rằng nguy cơ mà virus corona đem lại cũng tương tự như virus viêm gan A, nhưng có một điểm khác biệt mấu chốt. "Rõ ràng là chúng ta chưa có vaccine cho virus corona" - bác sĩ Robert Schooley khẳng định. Ông cũng từng giúp chính phủ ngăn dịch viêm gan A cách đây 3 năm.

Bác sĩ Schooley dựa trên các nghiên cứu, chỉ ra rằng virus corona rất dễ lây lan trong hộ gia đình, mà mái ấm vô gia cư có thể xem là một hộ gia đình khổng lồ. Ông còn gọi những người vô gia cư là "cư dân im lặng", vì dịch bệnh tấn công họ một cách âm thầm, bí hiểm hơn so với những người được tiếp cận y tế đầy đủ.

Cuộc sống tạm bợ, tăm tối và mắc nhiều bệnh nền khiến hơn 550.000 người vô gia cư Mỹ bị đẩy tới bờ vực thảm họa trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Tối tăm, ẩm thấp và kém vệ sinh nhưng đây chính là nơi ở của hàng ngàn người vô gia cư tại Mỹ.


David Corpus - cựu nhân viên rửa bát ở nhà hàng và là một người vô gia cư suốt 1 thập kỷ - không chỉ im lặng mà còn ẩn dật. Ngày 3/3 vừa qua, viên cảnh sát Daniel Duran đã phải tiến hơn 200m vào trong một đường ống ngầm tối tăm dưới trung tâm thương mại - nơi tá túc của ông David. "Cảnh sát đây! Ai đó?" - cảnh sát hô lên với người đàn ông đang trốn sau một tấm ván ép. 

Ông David có bệnh tiểu đường và cao huyết áp, và dạo này tay bị chuột rút không rõ lý do. Dù vậy, suốt nhiều tháng ông chưa từng đi khám bác sĩ.

"Tôi không thích sống dưới đường hầm thoát nước" - David nói khi bước khỏi đường hầm, nheo mắt dưới bầu trời chói chang của California. "Nhưng đó là nơi duy nhất mà tôi có thể đi về".

(Theo NY Times)

Cuộc sống tạm bợ, tăm tối và mắc nhiều bệnh nền khiến hơn 550.000 người vô gia cư Mỹ bị đẩy tới bờ vực thảm họa trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Theo Jayden

Cùng chuyên mục
XEM