Cuộc sống đắng chát của con lai ở Nhật Bản với những góc khuất ám ảnh chỉ người trong cuộc mới thấm thía

16/08/2021 07:46 AM | Sống

Dù mang một phần dòng máu ở Nhật Bản và lớn lên tại quê hương nhưng những người con lai này vẫn bị cộng đồng phân biệt đối xử, chế giễu.

"Xin lỗi, bạn có phải là hafu không?", tài xế taxi mở lời.

Anna, một cô gái mang dòng máu lai Nhật - Mỹ, không quá bất ngờ khi nhận được câu hỏi này. Dù được sinh ra và dành trọn tuổi thơ ấu tại xứ hoa anh đào, vẻ ngoài lai Tây của cô vẫn thu hút ánh mắt hiếu kỳ của nhiều người.

"Biết bao lần tôi phải giải thích về xuất thân của mình để thỏa mãn sự tò mò của người khác. Tôi tự hỏi: 'Mình có cần chia sẻ chuyện đó với những người lạ mặt, chỉ gặp một lần trong đời không?'", Anna nói.

Theo số liệu thống kê năm 2018, chỉ 2% dân số Nhật Bản là công dân mang hai dòng máu. Vì vậy, các "hafu" - khái niệm chỉ con lai trong tiếng Nhật - thường bị cô lập, dè chừng.

Cuộc sống đắng chát của con lai ở Nhật Bản với những góc khuất ám ảnh chỉ người trong cuộc mới thấm thía - Ảnh 1.

Không được thừa nhận

Ariana Miyamoto sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, cô nói thông thạo tiếng Nhật. Tuy nhiên, hầu hết mọi người ở đây đều xem cô như một người nước ngoài.

Miyamoto có mẹ là người Nhật và cha cô là một thủy thủ người Mỹ gốc Phi. Vào năm 2015, Ariana Miyamoto trở thành người con lai đầu tiên chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản. Tuy nhiên, ngay sau đó, Ariana đã vấp phải sự phản đối của một bộ phận người dân xứ sở mặt trời mọc chỉ vì cô là con lai.

Nhiều ý kiến nói rằng một hoa hậu "hafu" không thể đại diện cho nước Nhật đi thi quốc tế. Họ cho rằng, hoa hậu Nhật Bản phải là một người Nhật "thuần túy".

Cuộc sống đắng chát của con lai ở Nhật Bản với những góc khuất ám ảnh chỉ người trong cuộc mới thấm thía - Ảnh 2.

Hoa hậu Ariana Miyamoto.

Ariana cho biết, đây không phải là lần đầu tiên cô đón nhận những chỉ trích không mấy vui vẻ về nguồn gốc của mình. Ngay từ khi còn nhỏ, Ariana thường xuyên bị bắt nạt, bị bạn bè ném rác vào người hoặc không ai chịu bơi chung một bể bơi với cô.

"Tôi đã chịu đựng tất cả. Tôi không nói với cha mẹ hay bạn thân của mình vì tôi là kiểu người chỉ giữ chuyện của mình trong lòng", cựu hoa hậu chia sẻ.

Rồi một ngày, khi một người bạn thân, cũng là một hafu, tự tử, Ariana đã quyết tâm tham gia cuộc thi hoa hậu với mục đích nói lên tiếng nói của mình, bảo vệ những người đa chủng tộc đang bị kỳ thị ở Nhật.

"Tôi đi thi hoa hậu và nhận nhiều lời chỉ trích. Điều đó tôi đã quá quen rồi. Vì vậy tôi cố gắng biến những lời công kích ấy trở thành động lực để tôi giành chiến thắng. Tôi muốn khuyến khích những hafu đang gặp khó khăn ở Nhật hãy cố gắng vượt qua định kiến, sự tổn thương, từ bỏ ý định tự tử để vươn lên trong cuộc sống, khẳng định giá trị bản thân", Ariana chia sẻ.

Số phận long đong

Nhạc sĩ David Yano, người mang trong mình hai dòng máu Nhật - Ghana, đã gắn bó với xứ hoa anh đào suốt hơn 20 năm qua. Người đàn ông này từng lên sóng truyền hình để chia sẻ trải nghiệm của bản thân với tư cách một người con lai trên đất Nhật.

Theo lời kể, Yano từng là nạn nhân của bắt nạt học đường, bị cảnh sát chặn đường khi đi dạo trên phố chỉ vì vẻ ngoài khác biệt. Đặc biệt, đối với những người con lai da màu như David Yano, việc tìm chỗ ở vô cùng khó khăn do định kiến của nhiều chủ nhà.

"Họ thẳng thừng từ chối cho tôi thuê phòng vì là người da màu. Thay vì dành thời gian tìm hiểu xuất thân của tôi, họ chỉ quan tâm đến suy nghĩ của những khách trọ khác", chàng nhạc sĩ bộc bạch.

Cuộc sống đắng chát của con lai ở Nhật Bản với những góc khuất ám ảnh chỉ người trong cuộc mới thấm thía - Ảnh 3.

Nhạc sĩ David Yano.

Những khó khăn Yano gặp phải là tình trạng chung của các hafu xứ Phù Tang. Thực tế, rất khó để thống kê những bất lợi của con lai ở nước này bởi về mặt pháp lý, họ vẫn là công dân Nhật Bản.

"Con lai ở Nhật Bản thường bị kỳ thị. Nhưng vì là công dân hợp pháp, họ không được coi là đối tượng của các nghiên cứu, khảo sát về vấn đề phân biệt đối xử", Shimoji - nhà xã hội học tại ĐH Ritsumeikan - nói.

Dù đa dạng sắc tộc trong cơ cấu dân số, xã hội Nhật Bản có xu hướng đánh giá quốc tịch của người khác dựa trên ngôn ngữ, ngoại hình và địa vị. Tất cả những yếu tố này đều quy về hai lựa chọn - "người Nhật" hoặc "người nước ngoài".

Vì sao lại như vậy?

"Có rất nhiều người Nhật tin vào sự thuần khiết của văn hóa và truyền thống Nhật Bản. Họ đều mặc định rằng người Nhật Bản là những người đến từ cùng một dòng máu, màu da", Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple, Nhật Bản cho biết.

Nỗ lực vươn lên

Những năm gần đây, cộng đồng hafu ở Nhật Bản đang nỗ lực để xóa bỏ định kiến xã hội. Họ từng bước khẳng định tên tuổi của mình trong các lĩnh vực khác nhau.

Anna mong những ngôi sao là con lai ở Nhật Bản sẽ lên tiếng chia sẻ trải nghiệm bị kỳ thị của mình trước khi thành danh. "Các chính trị gia, CEO và người nổi tiếng cần lên tiếng bảo vệ sự đa dạng sắc tộc và nguồn gốc của mình", cô khẳng định.

Rina Fukushi là một bông hồng lai nổi tiếng ở Nhật Bản. Cô có bố là người Mỹ gốc Nhật và mẹ là người Philippines. Sống ở Nhật Bản, lại mang trong mình 3 dòng máu nên cô gái này cũng không tránh khỏi số phận bị bắt nạt.

"Với ngoại hình khá Tây, tôi thường xuyên bị trêu chọc khi còn học tiểu học và trung học cơ sở", cô nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Cuộc sống đắng chát của con lai ở Nhật Bản với những góc khuất ám ảnh chỉ người trong cuộc mới thấm thía - Ảnh 4.

Bông hồng lai Rina Fukushi.

Tuy nhiên, vượt qua mọi định kiến, Rina dần khẳng định bản thân khi nhận được nhiều lời mời hợp tác của các thương hiệu thời trang nổi tiếng. Hiện cô là một trong những người mẫu hafu có tiếng tăm, sức ảnh hưởng lớn ở Nhật Bản. Thành công của Fukushi mở đường cho sự gia nhập ngày càng nhiều của các người mẫu hafu tại xứ sở hoa anh đào.

"Tôi đoán Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều. Có thể vì tôi đang làm công việc này nên mọi người không còn kỳ thị thay vào đó họ nói tôi là 'sự pha trộn tuyệt vời'", người mẫu 9X nói.

Năm 2018, chiến thắng của tay vợt nữ Naomi Osaka dấy lên cuộc tranh luận về sự phân biệt đối xử giữa các hafu là ngôi sao nổi tiếng và người bình thường. Thực tế, xã hội xứ hoa anh đào ngày nay có xu hướng ưu ái người nổi tiếng mang hai dòng máu. Với các trường hợp còn lại, họ vẫn là tâm điểm của những người qua đường hiếu kỳ, có định kiến.

Cuộc sống đắng chát của con lai ở Nhật Bản với những góc khuất ám ảnh chỉ người trong cuộc mới thấm thía - Ảnh 5.

Tay vợt Naomi Osaka.

Cựu hoa hậu Ariana cho biết đất nước Nhật Bản vẫn còn "một chặng đường dài ở phía trước" để đón nhận sự đa dạng. Cô đã đưa ra lời khuyên cho những người trẻ tuổi hiện nay, những người đang không được xã hội chấp nhận vì xuất thân đa chủng tộc của mình.

"Bạn là ai cũng được. Sẽ chẳng một ai giống bạn ngoài kia cả. Chẳng có gì vui nếu ai cũng giống nhau. Hãy tin vào bản thân mình và đừng quan tâm quá nhiều đến những gì người khác nói", Ariana cho biết.

Cuộc sống đắng chát của con lai ở Nhật Bản với những góc khuất ám ảnh chỉ người trong cuộc mới thấm thía - Ảnh 6.

Nguồn: Tổng hợp

Diệp Lục

Cùng chuyên mục
XEM