img

Sau những lần cố gắng liên lạc, và nghe tin từ các đồng nghiệp, có một sự thật là chúng tôi không có quá nhiều hi vọng có thể tiếp xúc được với Nguyễn Nguyệt Linh (Học sinh lớp 6G2, trường Marie Curie Hà Nội). Trước đó sau khi câu chuyện em viết bức thư gửi đến 40 trường học trên địa bàn TP. Hà Nội được mọi người lan toả, gia đình em đã từ chối tất cả các lời mời phỏng vấn, thậm chí số điện thoại của gia đình hầu như không một ai được biết, kể cả việc hồi âm tin nhắn cũng khó khăn và tất nhiên họ kiên quyết từ chối vì một lý do "việc Linh làm không có gì quá to tát cả".

Với sự từ chối kiên định đó, chúng tôi nghĩ rằng cơ hội đã không còn nhiều. Như cách Nguyệt Linh liên hệ với các trường học, chúng tôi chỉ còn cách gửi email đến mẹ bé để một lần nữa thử thuyết phục gia đình. 

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 2.

Rất may, chị Lê Nguyệt – mẹ của Nguyệt Linh đã đồng ý nhận lời phỏng vấn, tuy nhiên cũng kèm theo đó là hàng tá “điều kiện” trong quá trình tác nghiệp rằng mong muốn làm thế nào để tránh gây áp lực lên đứa con của mình. “Mình nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu câu chuyện   của Linh khai thác tốt ý nghĩa nhân văn ấy, kể về cuộc sống phong phú với nhiều hoạt động của một em bé và cách xã hội cùng giúp đỡ, cùng thực hiện những điều tốt đẹp. Mình không mong tô vẽ về Nguyệt Linh, nhấn mạnh quá về 1 điều gì đó khiên cưỡng, cho nên hãy cùng kể 1 câu chuyện rất thật thì có lẽ sẽ tốt hơn”, chị Nguyệt phản hồi qua email. 

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 3.

Nguyệt Linh ngoài đời khác xa với tưởng tượng của chúng tôi –  khá nhỏ con, gặp nhau Linh chào thật bé. Trên chuyến xe Linh chỉ trò chuyện đôi câu về sở thích, về bản thân. Tuy nhiên đó là chuyện của của 30 phút đầu tiên, sau khi làm quen dần, Nguyệt Linh trở nên dạn dĩ hơn hết.

Trước khi gặp Linh, chị Nguyệt có kể cô bé khá thích âm nhạc đàn hát, vẽ và đặc biệt là nhảy hiphop. Cuộc sống hàng ngày của Linh không chỉ có trường học, sách vở hay "môi trường" như nhiều người vẫn nghĩ.

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 4.

Khi còn nhỏ, được hỏi mơ ước sau này muốn làm công việc gì, Nguyệt Linh trả lời "Con muốn trở thành công chúa". Cách đây 2 năm, sau khi được đi du lịch và khám phá nhiều nơi, chứng kiến công việc của các hướng dẫn viên du lịch, em nghĩ rằng, lớn lên mình sẽ là một hướng dẫn viên du lịch cừ khôi.

Đầu năm nay, Nguyệt Linh tham gia chuyến đi ngắm chim di cư và có cơ hội được tiếp xúc với một số chuyên gia của tổ chức Vietnam National Conservation. Và, ước mơ được trở thành nhà giải cứu động vật quý hiếm, bỗng trỗi dậy trong em. Nhưng khi tham gia lớp học về di tích ở Hoàng thành Thăng Long, thì em lại mong muốn trở thành một nhà khảo cổ học.

"Với một đứa trẻ, ước mơ sẽ thay đổi theo thời gian. Câu trả lời của con dựa trên suy nghĩ trong từng giai đoạn. Gia đình chúng tôi ủng hộ và tạo điều kiện trong khả năng của mình với các sự thay đổi trong mơ ước của con. Hành động gửi thư của con cũng không phải là bằng chứng cho thấy con có khả năng đặc biệt gì trong lĩnh vực môi trường. Tôi xin nhấn mạnh, đây là 1 việc làm rất nhỏ và rất bình thường của 1 đứa trẻ bình thường. Toàn bộ công lao của sự lan tỏa này là do có rất nhiều người ủng hộ ở phía sau. Do vậy, chúng tôi cũng không mong muốn con bị một sức ép vô hình nào về kỳ vọng con sẽ làm một việc gì liên quan đến môi trường trong tương lai.

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 5.

Nếu con còn đam mê về lĩnh vực này, con tiếp tục làm; nếu con đam mê một cái khác thì hãy theo đuổi đam mê khác đó, không cần phải có áp lực do hành động gửi thư ngày hôm nay, đây sẽ trở thành 1 kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của con" - chị Nguyệt chia sẻ.

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 6.

Để mô tả những lời đầu tiên về Linh, thì có lẽ đây là một cô bé thích tham gia nhiều hoạt động, sự kiện, đi nhiều và tìm hiểu nhiều về mọi thứ xung quanh. Từ lớp 1, em học "Đồng cảm" ở CLB Ô xinh và đã tham gia các hoạt động tuyên truyền như nhảy flashmob "Ngày Trái Đất" 19/4/2015 tại Công viên Thống Nhất, "Save the wild life" của Đại sứ quán Anh và đổi giấy lấy cây xanh của Green Life, chuyến đi "Ngắm chim di cư", dọn rác trên đê đầm Vân Long của Vietnam National Conservation...

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 7.

Nhiều kiến thức về môi trường, Nguyệt Linh tìm hiểu trên mạng và ở trường học. Trước khi có hoạt động viết thư, tháng 4/2019, em xin thầy Lekima Hùng một số bức ảnh từ chuyến đi xuyên Việt của thầy, dùng công cụ được học từ 1 khóa làm phim của trung tâm Innovakid để dựng thành 1 clip dài 5 phút tuyên truyền về việc hạn chế rác thải nhựa. Sau đó, em gửi clip cho cuộc thi Dream and Do Contest và đạt giải 3. Tháng 6/2019, Nguyệt Linh tham gia khóa học làm phim của trung tâm TPD, em đã viết kịch bản về chủ đề rác thải nhựa và cùng các bạn hoàn thành một phim ngắn về chủ đề này.

Cô bé cũng thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, khoa học: Linh đã đến hầu hết các bảo tàng ở Hà Nội, chỉ cần đưa cho Linh 1 cái audio guide, Linh có thể lang thang cả ngày không biết chán.

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 8.

Linh thích cả tìm hiểu về thiên văn vũ trụ, từng tham gia các hoạt động ở Trạm Thiên văn Vũ trụ Láng Hòa Lạc, ngắm nguyệt thực, ngắm trăng sao bằng kính thiên văn. Sau những khoá ngắn hạn đó, Linh từng làm 1 mini book giới thiệu về hệ mặt trời cũng như quay 1 clip trực tiếp cùng thầy Phan Hiền giới thiệu về mặt trăng.

Kể một mạch dài dòng vậy, để thấy là hành động gửi bức thư "khai giảng không bóng bay" chẳng phải là điều gì quá ngẫu nhiên hay bột phát. Nó như một thứ tự nhiên nhất mà Linh đã tiếp xúc, nghĩ và hiểu về nó, dần dần lớn lên trong những năm qua.

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 9.

Mùa hè năm ngoái, Nguyệt Linh tham gia lớp học nhiếp ảnh của thầy Lekima Hùng - "kẻ săn rác" với hành trình xuyên Việt chụp 3.000 bức ảnh về rác thải. Cách đây không lâu, trong khi đi chơi, em đã từ chối thẳng thừng mua bóng bay. Thời gian gần đây, nhờ theo dõi trên các trang mạng xã hội về thực trạng bóng bay gây ảnh hưởng tới các loài động vật, em có tâm sự với bố mẹ: "Lại sắp khai giảng rồi, các trường lại thả nhiều bóng bay ạ". Đáp lời con, chị Lê Nguyệt động viên: "Con có thể nghĩ ra cách gì hay làm một điều gì đó không?". Từ đó, Nguyệt Linh ấp ủ ý định sẽ viết thư gửi tới các trường học.

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 10.

"Ban đầu tôi hiểu là viết thư tay, tôi bảo vậy con viết đi, rồi mẹ photo cùng tìm địa chỉ gửi bưu điện. Nhưng con bảo muốn viết email thì tiện hơn, đỡ phải dùng giấy mà lại nhanh. Sáng hôm sau con ngồi viết thư và lên google tìm địa chỉ các trường học. Toàn bộ bức thư là bạn ấy tự viết nên vẫn còn lỗi chính tả, câu khẩu hiệu được thầy Lekima Hùng cho phép sử dụng. Đến đoạn kết luận, tôi chỉ gợi ý con một chút, sau đó bạn ấy hoàn thiện nốt và tự gửi đi.

Khi bạn ấy nghĩ ra cách gửi thư, gia đình tôi cũng chưa tưởng tượng được mức độ lan tỏa của bức thư sẽ như thế nào. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là con đang có 1 vấn đề, con nghĩ ra 1 giải pháp và con sẽ thực hiện nó. Gia đình tôi ủng hộ, đơn giản như vậy thôi" - chị Nguyệt tâm sự.

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 11.
Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 12.

Tháng 7/2019, Nguyệt Linh khi đó đang còn học lớp 5, đã khiến nhiều người không khỏi giật mình bằng bức tâm thư bày tỏ nguyện vọng về một buổi lễ khai giảng không bóng bay. Bằng vốn kiến thức của mình về môi trường, Linh đã mạnh dạn gửi 40 bức thư đến 40 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội bày tỏ mong muốn đến mọi người rằng phải cùng chung tay bảo vệ môi trường và nói không với rác thải nhựa.

Sau khi bức thư của Nguyệt Linh được chia sẻ lên mạng xã hội, rất nhiều người, từ các thầy cô, nhà trường, nhà hoạt động môi trường và các cá nhân khác đều cùng bày tỏ sự quan tâm và chung quan điểm trước các vấn nạn về môi trường. "Gặp Linh lần đầu khi bố mẹ đưa Linh đến lớp học mà tôi dạy về nhiếp ảnh. Việc Nguyệt Linh viết thư gửi đến 40 trường học thực sự khiến mình ngỡ ngàng. Bởi vì việc trẻ con viết thư để giải quyết một vấn đề Xã hội mà bạn ấy đang gặp phải, và giải quyết theo góc nhìn của bạn ấy thì đấy là cực kỳ hiếm hoi. Thật tuyệt vời khi bức thư đó có những ảnh hưởng tích cực đến xã hội, đơn cử là nhiều trường học đã đồng ý không thả bóng bay vào lễ khai giảng", nhiếp ảnh gia Lekima Hùng tâm sự.

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 13.
Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 14.

Chúng tôi tạm biệt gia đình Nguyệt Linh để ra về. "Gia đình không có bất kỳ kế hoạch to lớn gì, Nguyệt Linh vẫn tiếp tục như bình thường, xây dựng thói quen hạn chế rác thải nhựa hàng ngày, quan tâm đến các sự kiện về môi trường, tham gia tìm hiểu nếu có điều kiện. Gia đình không mong muốn cuộc sống bị đảo lộn, và bản thân Nguyệt Linh phải chịu những áp lực vô hình từ vấn đề này. Điều quan trọng nhất là Linh được sống hồn nhiên như bây giờ, làm những gì em mong muốn, chứ không phải bị "đóng khuôn" trong kỳ vọng của người khác", chị Nguyệt khẳng định.

Vừa bước ra khỏi cửa, Nguyệt Linh chạy theo cùng em trai nói thầm với chúng tôi: "Để cháu dẫn các chú lên địa điểm bí mật của hai chị em cháu". Hoá ra địa điểm bí mật đấy đó chính là khoảng sân đầy cây xanh ở khu chung cư nhà bé, vừa chạy nhảy Linh hồn nhiên nói: "Con ước xung quanh đây sẽ có rất nhiều cây, có những chỗ đi bộ và vui chơi cho mọi người. Thật nhiều cây, cả một vườn cây luôn…".

Cuộc sống của em bé Hà Nội sau bức thư kêu gọi khai giảng không bóng bay: Chỉ mong Nguyệt Linh không phải chịu những áp lực vô hình - Ảnh 15.
Công Hiếu, Minh Nhân
Minh Nhân, Việt Anh
Kingpro
Thuỷ Tiên
Theo Trí Thức Trẻ03/01/2020

Trí Thức Trẻ