Cuộc 'nội chiến' không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến

10/01/2022 10:32 AM | Công nghệ

Nhiều bậc cha mẹ trẻ hiện đang phải vật lộn để đối phó với sự phụ thuộc vào các thiết bị kỹ thuật số của chính con cái mình.

Một ngày trong kỳ nghỉ hè, Guoguo, 7 tuổi, bắt đầu khóc..

Miệng há to, cậu hét toáng cả phổi, nước mắt lăn dài trên má, khuôn mặt nhăn nhó. Đó là vào giữa ban ngày, và tiếng kêu chói tai vang vọng khắp một tòa nhà dân cư sáu tầng ở một ngôi làng gần Taiyuan, thủ phủ của tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc.

Nhưng những người hàng xóm không hề bị quấy rầy - đối với họ, đó chỉ là một cuộc náo loạn như thường lệ. Họ biết rõ tại sao Guoguo lại nổi cơn tam bành: Cha mẹ cậu đã lấy đi chiếc smartphone.

Guoguo xuất thân từ một gia đình thuộc tầng lớp lao động; mẹ cậu, Fang, 35 tuổi, là một bà mẹ nội trợ trong khi bố cậu, Liang, là một tài xế xe tải. Cậu có một người chị sinh đôi tên là Tangtang và một em gái 12 tuổi tên là Panpan.

Fang cho biết cặp song sinh của mình bị ám ảnh bởi điện thoại thông minh ngay cả trước khi chúng biết cách đọc. Và dù Guoguo chưa thể nhập văn bản, nhưng thay vào đó, cậu đã biết cách sử dụng việc nhập liệu bằng giọng nói.

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 1.

Trên khắp Trung Quốc, có là một tình huống khó xử đang khiến các bậc cha mẹ trẻ phải đau đầu. Tìm kiếm từ khóa trên internet cho câu hỏi: "Phải làm gì nếu con bạn nghiện điện thoại di động?" sẽ mang lại hàng triệu kết quả.

Con số tuyệt đối này đại diện cho sự lo lắng mà điện thoại thông minh gây ra. Với việc Trung Quốc đang khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con, nhiều bậc cha mẹ trẻ hiện đang phải vật lộn để đối phó với vấn đề nan giải này.

Fang cũng không ngoại lệ. Cô khẳng định rằng tất cả các con của cô đã được tiếp xúc với điện thoại di động ở khắp nơi từ khi còn là trẻ sơ sinh. Cô nói: "Chúng đã trở nên nghiện điện thoại."

Trong nhiều năm nay, Fang đã phải trải qua một cuộc chiến lâu dài, gian khổ và cô đơn với điện thoại thông minh, thậm chí hy sinh quyền lợi bản thân để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình.

Kinh nghiệm của cô mang lại cái nhìn thoáng qua về khoảng thời gian mà các bậc cha mẹ sẵn sàng bỏ ra để nuôi dạy những đứa con trong thời đại kỹ thuật số.

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 2.

Bất cứ khi nào không nghe thấy tiếng cặp song sinh của mình xung quanh nhà, Fang biết chắc chắn rằng chúng đã "chiếm đoạt" được điện thoại di động của người lớn. Bị nhốt trong vòng xoáy các trận chiến đấu trí triền miên với các con, cô thường giấu điện thoại và định kỳ thay đổi mật khẩu. Đôi khi, Fang giấu kỹ tới mức cô đã không thể tự tìm thấy nó.

Một ngày trước khi cơn tức giận của Guoguo bùng nổ, Fang đã đưa cậu về nhà bố mẹ đẻ của mình vì cô phải tham dự một đám cưới. Trước khi đi, cô hứa sẽ mua cho cậu một khẩu súng đồ chơi mới và cảnh báo cha mình không được để Guoguo nghịch điện thoại.

Cha cô hứa sẽ đưa cháu trai đi chơi công viên, và sau đó cho cháu xem TV trước khi đi ngủ.

Khi thức dậy vào lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau, cha của Fang thấy cháu trai của mình trên ghế sofa trong phòng khách. Cậu bé thu mình vào một góc, tay quẹt điện thoại với vẻ mặt vô hồn, hoàn toàn không biết ông mình đang nói gì.

Bằng cách nào đó, Guoguo đã tìm cách lẻn qua người, rút điện thoại của ông ngoại ra khỏi bộ sạc và sau đó bẻ khóa mật khẩu.

Ông của Guoguo đã cất chiếc điện thoại đi và yêu cầu được biết cậu đã sử dụng nó trong bao lâu. Guoguo giật mình ngồi đó một lúc, trước khi nói rằng thời điểm chừng sau 4 giờ sáng.

Fang đã rất tức giận khi biết chuyện. Khi chồng cô Liang về nhà, anh ta tát vào sau đầu Guoguo và thậm chí đá cả vào lưng con trai. Ông nhốt cậu con trai lầm lì của mình vào phòng để “nó suy nghĩ về những gì nó đã làm”, và nói với con rằng nó sẽ không nhìn thấy điện thoại cho đến khi hoàn thành bài tập về nhà của cả kỳ nghỉ hè.

Lời quở trách đó đã kích hoạt cơn giận dữ của Guoguo.

Hầu hết mọi người tin rằng điện thoại di động đã "đầu độc" Guoguo. Nỗi ám ảnh đó lớn tới mức khi được hỏi ở trường về ba điều yêu thích của mình, cậu đã trả lời: "Thứ nhất, là chơi trên điện thoại di động và thứ hai, là xem người khác chơi trên điện thoại di động."

Cậu vắt óc suy nghĩ về điều thứ ba nhưng không thể đưa ra câu trả lời. Được cô giáo nhắc nhở, cậu đã miễn cưỡng nói rằng mình thích học.

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 3.

Mối quan tâm của Fang về người chị song sinh của Guoguo, Tangtang, gần như cũng giống hệt.

Khi Tangtang còn là một đứa trẻ sơ sinh, Fang đã cho cô bé xem một số phim hoạt hình về giáo dục rất sớm. Theo cô, điều đó sẽ giúp cô con gái nhỏ của mình học được một số từ tiếng Anh.

Những ngày đó, Tangtang gần như hoàn hảo. Fang nói: “Con bé lịch sự và luôn nói cảm ơn khi được tặng một thứ gì đó.”

Kể từ khi học mẫu giáo, Tangtang đã yêu thích những chiếc váy xếp nếp, thắt bím tóc, sơn móng tay và những chiếc túi sáng bóng, thậm chí dành nửa giờ mỗi ngày để soi gương. Chẳng bao lâu, cô bé bắt đầu xem ngấu nghiến các video về búp bê Barbie, đồ chơi trang trí nhà cửa, đồ vật bằng đất sét tự làm và hướng dẫn làm đồ chơi.

Ban đầu, Fang nghĩ rằng điều này là bình thường đối với một cô bé gái. Tuy nhiên, ngay sau đó, cô nhận thấy có nhiều vấn đề hơn. Như Tangtang sẽ giả vờ nắp chai nước là hộp phấn phủ và thường đứng trên hai khối gạch và tưởng tượng chúng là giày cao gót.

Cuối cùng, Fang cũng theo dõi để tìm ra được nguồn gốc vấn đề. Cô con gái nhỏ của cô đang say sưa xem các video ngắn về trang điểm và làm móng trên điện thoại của bố.

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 4.

Fang lo lắng rằng nỗi ám ảnh ban đầu về ngoại hình sẽ ảnh hưởng đến việc học của con và quyết định nói chuyện với cô bé về điều đó. Nhưng Tangtang đã bác bỏ quan điểm của mẹ cô và khẳng định rằng mình muốn trở thành một beauty blogger.

Một lần sinh nhật, một người cô đã tặng Tangtang một món quà nhưng cô bé không vội vàng mở nó ra. Thay vào đó, cô bé đã mượn điện thoại của bố để quay video mở hộp. Hành động này đã củng cố thêm quyết tâm của cha mẹ cô bé trong việc bảo vệ điện thoại của họ chặt chẽ hơn.

Năm nay, Tangtang bắt đầu học tiểu học, và Fang lo lắng rằng cô bé có thể phát triển sở thích hẹn hò quá sớm. Bởi ngay từ khi học mẫu giáo, Tanngtang đã thu hút sự chú ý của nhiều cậu bé. Theo giáo viên của cô bé, hai cậu bé thậm chí đã từng tranh nhau xem ai sẽ nắm tay cô, trong khi anh trai cô là Guoguo đứng cổ vũ họ.

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 5.

Đối với thế hệ cha mẹ trẻ hiện nay - ở cả thành thị và nông thôn - cuộc chiến chống lại các thiết bị điện tử đã bắt đầu ngay từ khi con cái họ được sinh ra.

Các con của Fang thường được người thân tặng cho những đồ dùng như bút đọc thông minh, đồng hồ gọi điện được và bảng viết điện tử. Nhưng ngay sau khi nhận, chúng đã không còn hứng thú với những thiết bị như vậy.

Nhưng “điện thoại di động lớn” - iPad - thì khác. Các ứng dụng cho trẻ em như BabyBus và Panda Literacy, cho đến Game for Peace và các ứng dụng video ngắn như Douyin và Kuaishou, internet hứa hẹn mang đến cho trẻ em những trải nghiệm giải trí vô tận.

Các con của Fang dường như luôn biết cách bẻ khóa mật khẩu iPad một cách dễ dàng, vì vậy cô đã dùng đến cách giấu máy tính bảng hoặc nói với chúng rằng cô đã cho ai đó mượn nó để học trực tuyến. Cô chỉ có thể hy vọng điều này sẽ hạn chế được cơn nghiện của chúng.

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 6.

Nhưng các vấn đề vẫn tiếp diễn. Trước khi con gái lớn của Fang là Panpan lên 5 tuổi, cô bé đã phải khám tại bệnh viện vì mắt cô bé luôn đỏ.

Các bác sĩ phát hiện cô mắc chứng lác tương đối nặng - một chứng rối loạn mà hai mắt không nhìn cùng một hướng cùng một lúc. Fang và chồng cô choáng váng. Trong ba thế hệ, không ai trong gia đình họ bị cận thị nhưng cô con gái nhỏ của họ đã phải đeo kính.

Fang tin rằng nỗi ám ảnh về điện thoại của mình đã bắt đầu khi cô đi làm trở lại sau khi các con của cô đủ lớn. Những ngày đó, cô thường gửi chúng cho ông bà nội chăm.

Nhà của họ nằm trên con đường xe tải tấp nập, sân trước gập ghềnh, chông chênh. Lo lắng bọn trẻ có thể bị thương khi chơi bên ngoài, ông bà đã đưa cho chúng một chiếc điện thoại để chơi. Đó cũng là cách duy nhất để giữ cho chúng im lặng.

Hầu hết các ngày, bố chồng cô sẽ ngồi trên ghế dài với mỗi đứa trẻ ở một bên chân. Cả ba người sẽ cùng xem những video ngắn, cũng như những video về bánh kếp, đồ trang điểm và đồ đạc trong nhà.

Nhiều sách giáo dục, đồ chơi và một chiếc máy tính bảng mà Fang đã mua cho lũ trẻ nhanh chóng bám bụi, vì ông bà nội của chúng ít biết về việc vận hành các thiết bị này.

Khi Fang nhận ra các con mình đang dành phần lớn thời gian để nhìn chằm chằm vào màn hình, phản ứng đầu tiên của cô là muốn tranh cãi với bố mẹ chồng. Nhưng cô nhận ra điều này sẽ chỉ làm phức tạp thêm mối quan hệ của cô với họ.

Cả bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ của Fang đều ít đi học. Ý tưởng chăm sóc trẻ em của họ rất đơn giản. Đó là nếu chúng không khóc, không gây rắc rối hoặc bị thương, thì mọi thứ đều ổn.

Với quyết tâm nuôi dạy con cái mình một cách đúng đắn, Fang đã đưa ra một quyết định lớn: Cô bỏ công việc kế toán để tự chăm sóc con mình.

Đó là khi cô nhận thấy điện thoại di động đã ảnh hưởng đến thế hệ trẻ em ở vùng nông thôn lớn đến như thế nào. Lũ trẻ không nhảy dây trong sân hay rượt đuổi nhau trong làng, cũng không chơi những trò chơi như mèo đuổi chuột hay nhảy lò cò.

Sau giờ tập thể dục hàng ngày, chúng chỉ đứng xung quanh trong bóng râm và thảo luận về những gì có trên điện thoại của chúng.

Fang không đơn độc trong nỗi đau khổ của mình - hầu hết các bậc cha mẹ ở khu vực này đều có chung sự lo lắng như vậy.

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 7.

Cháu trai 15 tuổi của Fang là Zhibin hiếm khi nói chuyện với bố mẹ. Khi mẹ của cậu nhìn trộm điện thoại của con, bà phát hiện ra cậu và một số nam sinh khác có một nhóm WeChat, nơi chúng thảo luận về các mối tình trong trường, xe hơi của giáo viên, tin tức về trò chơi điện tử và thậm chí cách xin tiền cha mẹ.

Hai bà mẹ nhún vai bất lực khi trò chuyện, thường nhớ về tuổi thơ bình dị của chính mình. Với bao nhiêu cám dỗ, bây giờ khó mà đoán được con cái của họ sẽ trở nên như thế nào.

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 8.

Năm 2016, khoảng hai năm sau khi bắt đầu công việc trở lại, Fang xin nghỉ việc. Vào thời điểm đó, cuộc hôn nhân của cô đã được bảy năm. Cho đến lúc đó, cô ấy đã cố gắng hết sức để sắp xếp công việc và gia đình của mình. Nhưng quyết định ở nhà của cô ấy đã làm đảo lộn sự cân bằng mà cô ấy đã làm việc rất chăm chỉ để có được.

Fang và Liang kết hôn vì tình yêu. Vốn là bạn học cấp 2, họ mất liên lạc sau khi tốt nghiệp nhưng vài năm sau lại gặp nhau. Vào thời điểm đó, Fang đang học tại một trường cao đẳng tài chính và Liang là một tài xế xe tải.

Mặc dù bố mẹ cô kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân nhưng Fang vẫn yêu sâu đậm. Cô nhớ lại lời mẹ cô đã nói với mình: "Khi mọi thứ trở nên khó khăn trong tương lai, đừng đến khóc lóc với bố mẹ về điều đó."

Gia đình chồng của Fang là nông dân với số tiền tiết kiệm ít ỏi. Vì Liang không có tiền để mua nhà sau đám cưới, họ chỉ có thể xây thêm phòng mới trên sân nhà cũ của bố mẹ anh trước khi chuyển đến ở cùng.

Gia đình Liang chỉ đóng góp 30.000 nhân dân tệ (4.700 USD) cho đám cưới và họ thậm chí còn vay hơn 100.000 nhân dân tệ, khiến Fang và Liang phải mất hai năm mới trả hết nợ được.

Và lời cảnh báo của mẹ cô đã vang lên ngay sau khi Panpan, đứa con đầu lòng của Fang, chào đời. Liang chủ yếu chơi bài và dành thời gian rảnh rỗi để uống rượu với bạn bè hơn là giúp Fang chăm sóc con cái. Với việc bố chồng luôn bận rộn ở nông trại và thái độ của mẹ chồng đối với việc nuôi dạy không theo tiêu chuẩn của Fang, cô buộc phải một mình nuôi nấng Panpan.

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 9.

Hơn nữa, ở quê, điện nước thất thường nên cô phải giặt tã bằng tay ngoài sân. Chỉ khi Panpan bắt đầu đi học mẫu giáo và Fang đi làm trở lại, cô mới cảm thấy bình yên.

Tuy nhiên, sáu tháng sau, cô lại có thai.

Vào thời điểm đó, Fang dự định phá thai nhưng quyết định đã bị ngừng lại khi cô biết rằng mình đang mang thai một cặp song sinh. Không muốn từ bỏ chúng, cô đã chấp nhận từ bỏ công việc được trả lương hợp lý của mình. Khi cặp song sinh ra đời, cô là niềm ghen tị của làng, nhưng sâu bên trong Fang chỉ là cảm giác thất vọng và cô nói rằng mình thường xuyên khóc.

Khi bọn trẻ lớn hơn, Fang lấy hết can đảm để trở lại làm việc. Chỉ một tháng sau, cô phát hiện ra con trai mình nghiện điện thoại và buộc phải rời bỏ công việc một lần nữa. Trước đây, cô đã hai năm liền đạt danh hiệu “Công nhân gương mẫu” của công ty kế toán này.

Để giữ cho các con của mình không sử dụng điện thoại di động, cô đã cố gắng đánh lạc hướng chúng bằng cách đưa chúng đi chơi và thậm chí còn cố gắng dạy chúng sử dụng điện thoại để học được điều gì đó hữu ích.

Nhưng cho đến nay, không có gì tỏ ra hiệu quả. Ngược lại, cô giờ đây đã bị thuyết phục rằng điện thoại thông minh chỉ làm căng thẳng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Một lần, khi một công viên giải trí lớn mở cửa trong khu vực, Tangtang và Guoguo đã quấy rầy Fang về việc muốn được đi chơi. Vì mùa thu đã cận kề, Fang sợ chúng bị cảm lạnh và viện cớ rằng trời lạnh nên công việc chưa mở cửa và cô sẽ đưa chúng tới vào mùa hè năm sau.

Con trai cô đã nhìn thấu mưu mẹo nàyy ngay lập tức. Cậu nói với mẹ: "Trên Douyin, họ nói rằng nó đã mở cửa. Con đã thấy mọi người chơi ở đó!"

Việc chống lại chứng nghiện điện thoại di động liên quan đến cả gia đình. Nhưng Liang, chồng của Fang, tỏ ra không quan tâm.

Fang không cho phép bọn trẻ nghịch điện thoại hoặc xem TV trước khi hoàn thành bài tập về nhà. Nhưng Liang, khi trở về nhà, thường nằm dài trên ghế sofa để bắt đầu xem những đoạn video ngắn.

Những đứa trẻ lắng tai nghe trong khi làm bài tập và thậm chí có thể kể lại những cảnh trong một số video lan truyền mà chúng đã xem. Bất chấp những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của vợ, Liang vẫn chưa nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Và điều này đã dẫn đến một số tranh luận.

Fang nhớ lại lần đáng nhớ nhất. Khi đó cô đang nấu bữa tối thì Guoguo giật điện thoại từ người chị song sinh của mình. Một cuộc chiến xảy ra sau đó và cả hai bắt đầu khóc.

Khi Fang kiểm tra bài tập, chúng đã viết ít hơn 10 từ trong cả một giờ. Trong khi đó, Panpan, con gái lớn của cô, đã đóng cửa phòng và không muốn nói chuyện. Còn Liang, người đã đi làm về, đang ngủ say.

Sau khi xử lý cặp song sinh, Fang quay trở lại bếp, chỉ thấy cơm đã cháy.

Mặc dù là một bà mẹ toàn thời gian, Fang cũng điều hành cửa hàng trên  WeChat của riêng mình, để kiếm 2.000-3.000 nhân dân tệ mỗi tháng nhằm giúp đỡ gia đình. Cô cũng chăm lo việc nhà khá nề nếp.

Nhưng đêm đó, nỗi tuyệt vọng len lỏi đến. Cô suy sụp và nói rằng mình đã hiểu “tại sao một số phụ nữ lại nhảy khỏi các tòa nhà cùng với con của họ”.

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 10.
 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 11.

Khi chiến dịch chống lại nỗi ám ảnh về điện thoại di động của lũ trẻ tiếp tục diễn ra trong năm nay, Fang đã thay đổi phương pháp. Nhận thấy việc cách ly hoàn toàn con cái với những chiếc điện thoại thông minh là không thực tế, cô đã thử biến điện thoại thành một công cụ để kỷ luật.

Nó ảnh hưởng đến Guoguo nhiều nhất.

Cậu bé rất nghịch ngợm. Cậu đã làm hỏng một chiếc ghế sofa ở nhà vì nhảy lên nó, đập vỡ bể cá, thậm chí khiêu khích một con chó lớn cho đến khi nó cắn. Khi được cho thuốc, cậu khóc và không chịu uống thuốc. Nhưng khi được bảo rằng có thể nghịch điện thoại, cậu ngay lập tức trở nên ngoan ngoãn.

Tangtang cũng vậy. Fang cho biết cô bé thường xuyên đi lang thang trong khi làm bài tập, nhưng đột nhiên sẽ tập trung và hoàn thành công việc của mình khi được hứa cho xem phim hoạt hình khoảng 10 phút.

Panpan, thì là một ngoại lệ. Sau đại dịch COVID-19, Fang phải mua điện thoại di động cho Panpan, hiện đang học lớp sáu, để cô có thể tham gia các lớp học trực tuyến và nộp bài tập về nhà.

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 12.

Theo Fang, Panpan sử dụng điện thoại để tra từ trong từ điển, đặt báo thức, sử dụng máy tính và kiểm tra những thứ cô bé không hiểu. Đối với Fang, cô bé là một học sinh gương mẫu - điểm của cô bé cũng thuộc hàng cao nhất trong lớp.

Nhưng có lần bị nhốt trong phòng, Fang tình cờ nghe được Panpan dùng những lời lẽ tục tĩu khi trò chuyện với các bạn cùng lớp. Cô bé nói rằng tất cả trẻ em đều phải trải qua giai đoạn này và luôn có giới hạn về mức độ mà cha mẹ có thể quản lý.

Giữa nhiều rắc rối của mình, Fang nói rằng vẫn có những khoảnh khắc hạnh phúc, như khi các con cô lớn tiếng tuyên bố: “Con yêu mẹ”.

Mặc dù không học tập chăm chỉ, nhưng điểm của chúng không tệ như vậy. Cô nói: “Và mặc dù Liang có thể không giúp việc nhà, nhưng anh ấy giao tôi tất cả số tiền kiếm được và làm việc chăm chỉ hơn sau khi cặp song sinh ra đời”.

Đôi khi, Fang cảm thấy thói quen sử dụng điện thoại của Guoguo không phải là xấu. Cậu bé thích các video giải thích về phim, đặc biệt là các phim siêu anh hùng và khoa học viễn tưởng. Để kiểm tra cậu, dì của Guoguo đã từng yêu cầu cậu kể cho cô ấy nghe toàn bộ câu chuyện về một bộ phim siêu anh hùng cụ thể. Cậu bé đã kể lại tất cả mọi thứ mà không bỏ sót một điểm nào.

Người dì đã gợi ý Fang đăng ký cho Guoguo tham gia một lớp học nói chuyện, tin rằng nó có thể giúp cậu trở thành người dẫn chương trình hoặc điều gì đó tương tự trong tương lai. Trước sự ngạc nhiên của Fang, Guoguo, người thường cố gắng chỉ để tập trung vào bất cứ thứ gì đó trong vài phút, đã thể hiện sự tập trung hiếm hoi trong khi biểu diễn.

Vài tháng trước, Guoguo thậm chí còn tổ chức sự kiện Ngày thiếu nhi tại trường của mình. Mỗi khi về nhà, cậu thường tự nói chuyện để luyện lại những câu thoại dài của mình, một điều giúp cậu giữ bình tĩnh.

Đôi khi, Fang tự hỏi liệu cô có đầu tư đủ thời gian hay sự kiên nhẫn để nuôi dạy con cái hay không.

Cô nói: “Cuối cùng, nhu cầu của các con tôi chủ yếu là tình cảm. Với ít sự hỗ trợ từ cha mẹ, điện thoại thông minh được cho là nguồn hạnh phúc rẻ nhất.”

 Cuộc nội chiến không hồi kết smartphone trong gia đình: Khi bố mẹ và con cái ở hai đầu chiến tuyến  - Ảnh 13.

Ngay cả ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, một thành phố hạng hai với mức tiêu dùng thấp hơn, vẫn có áp lực kinh tế đáng kể đối với một gia đình ba con như của Fang. Con gái lớn đã học khiêu vũ và piano; con gái út tham gia các lớp học nghệ thuật và một thời gian nữa là các lớp học khiêu vũ; và con trai của cô tham dự các lớp học taekwondo, thư pháp và MC.

Mỗi năm, các lớp học cho cả ba đứa trẻ có học phí gần 100.000 nhân dân tệ (khoảng 16.000 USD).

Giống như hầu hết các bậc cha mẹ, Fang muốn con mình được đi du lịch và tiếp xúc với thiên nhiên, nhưng nguồn lực của cô có hạn.

Ví dụ, một chuyến đi đã hứa từ lâu đến Disneyland ở Thượng Hải đã không bao giờ thành hiện thực vì hai vợ chồng đã dành phần lớn thời gian và tiền bạc để nuôi dạy bọn trẻ.

Khi được hỏi liệu Fang có cảm thấy mình có thể kiểm soát được cơn nghiện điện thoại thông minh của các con mình hay không, cô nói rằng cô đã cảm thấy bất lực.

Câu hỏi làm thế nào để kiểm soát trẻ em ngày nay - khi điện thoại di động đã trở nên không thể thiếu trong cuộc sống - là một bài toán nan giải của xã hội. Trong thế hệ này, những bậc cha mẹ như Fang đang cố gắng đạt được sự cân bằng khó khăn giữa sự cởi mở và kiểm soát, giữa quan tâm và thấu hiểu.

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM