Cuộc lột xác ngoạn mục của các băng đảng yakuza khét tiếng ở Nhật Bản

13/05/2017 14:23 PM | Kinh doanh

Không giống với nhiều thông tin được truyền thông đưa ra trong thời gian gần đây, các băng đảng tội phạm có tổ chức tại Nhật hay còn gọi là yakuza không hề biến mất mà họ đang chuyển đổi hình thức hoạt động.

Họ đang chuyển từ băng nhóm hoạt động với nhiều nguyên tắc ràng buộc danh dự sang những tên tội phạm tầm thường sẵn sàng làm mọi thứ vì tiền. Những kẻ khôn ngoan hơn rút vào hoạt động trong bóng tối. Chắc chắn nước Nhật và cả thế giới cũng sẽ không được hưởng lợi gì từ điều này.

Băng đảng tội phạm có tổ chức hoạt động lâu năm nhất tại Nhật là Aizu Kotetsu-Kai ở Kyoto. Băng này bắt đầu hoạt động từ năm 1870. Còn băng nhóm Yamaguchi-gumi kỷ niệm 100 năm hoạt động vào năm 2015 và rồi chia rẽ trong cùng năm.

Nguồn thu chủ yếu của các băng đảng tội phạm Nhật chủ yếu đến từ kinh doanh dịch vụ cờ bạc, tống tiền, phân bổ lao động, bất động sản, đồi tiền và tài chính.

Suốt thời gian dài, chính phủ Nhật không hề đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, thay vào đó họ chỉ muốn kiểm soát được họ. Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước khác trong đó có Mỹ không nghĩ vậy. Sau vụ chia tách băng đảng yakuza Yamaguchi-gumi tại Kobe vào năm ngoái, chính phủ Mỹ đã rất lo lắng về rủi ro an ninh từ yakuza.

Cho đến hiện tại, yakuza không phải băng nhóm bí mật và cũng không bị chính phủ Nhật cấm. Trên thực tế, bạn thậm chí có thể dễ dàng tìm được tên và địa chỉ của từng băng nhóm từ website của cơ quan cảnh sát Nhật.

Các băng đảng yakuza có văn phòng, có danh thiếp và có logo riêng của tổ chức. 2 tháng một lần có tạp chí riêng dành cho những người hâm mộ yakuza được xuất bản. Một trong số những tạp chí đó, Jitsuwa, đã chính thức ngừng xuất bản từ tháng này dù băng nhóm ra tạp chí đó vẫn tiếp tục hoạt động. Chắc chắn lý do thực tế đằng sau việc ngừng xuất bản đó không bao giờ được công bố.

Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật hiện vẫn đang quản lý các lực lượng cảnh sát đã nói đến việc các băng đảng yakuza thu hẹp về quy mô, tổng số lượng yakura rơi xuống dưới 20 nghìn nhờ vào hàng loạt các chiến dịch truy quét. Tất nhiên, số lượng yakuza tại Nhật sẽ không bao giờ trở lại ngưỡng đỉnh cao 184 nghìn như vào năm 1963. Thế nhưng thực tế đang diễn ra không giống bất kỳ thời điểm nào trước đây.

Cách yakuza Nhật kiếm tiền hiện tại rất khác so với trước đây. Nó được gọi đến với cái tên “shinogi”. Họ chuyển sang kiếm tiền bằng công nghệ cao, đồng thời đa dạng mạnh mẽ doanh thu. Các ông trùm đứng đầu băng nhóm yakuza luôn khuyên đàn em không nên dính líu đến bạo lực và cũng không in logo của băng nhóm lên danh thiếp.

Trong một bài phỏng vấn vào năm 2011, ông trùm băng đảng Yamaguchi-gumi, ông Tsukasa Shinobu, nhấn mạnh rằng hiện nay thành viên băng nhóm của ông bị cấm không được dính dáng đến buôn bán ma túy, lừa đảo, gian lận và cướp giật. Thực tế cũng không hẳn vậy, yakuza không làm những việc đó để kiếm tiền thì họ biết làm gì. Thay đổi ở đây chỉ là nguồn thu từ những hoạt động đó tính trên tổng doanh thu đang giảm đi.

Họ chuyển sang những hoạt động kinh doanh bớt phải mượn đến bạo lực hơn. Mới tháng Năm năm ngoái, chỉ trong một ngày thành viên của băng nhóm yakuza mới tiến hành vụ đánh cắp 17,3 triệu USD từ các máy rút tiền trên khắp Nhật.

Thay đổi lớn nhất của các nhóm yakuza bắt đầu từ tháng Chính năm ngoái khi Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật thề sẽ xóa xổ băng nhóm Kodo-Kai, một phần thuộc Yamaguchi-gumi chứ không phải toàn bộ băng nhóm. Lý do tại sao lại chỉ tiêu diệt một phần băng nhóm đó mà không phải toàn bộ? Thành viên thuộc Kodo-kai không ngừng cố gắng xuất hiện trên truyền thông, can thiệp thô bạo vào hoạt động tác nghiệp của phóng viên, bất hợp tác với cảnh sát. Chính vì vậy, cảnh sát đã quyết tâm phải loại bỏ bằng được nhóm này.

Và liền sau đó, chính phủ thay đổi luật kiểm soát các băng nhóm tội phạm. Theo đó các doanh nghiệp bị cấm có dính líu đến các nhóm yakuza, đồng thời siết chặt hơn nữa việc cản trở các thành viên yakuza thuê ô tô, mở tài khoản ngân hàng hay thậm chí là việc đăng ký số điện thoại di động.

Một ông trùm yakuza đã giải nghệ giải thích về thay đổi mới trong hoạt động của các băng nhóm yakuza hiện tại: “Yakuza giống như kinh doanh nhượng quyền. Bạn tham gia vào tổ chức để nhờ thanh thế của tổ chức đó đi kiếm tiền và sau đó trích lại tiền cho tổ chức. Thế nhưng khi bạn không thể sử dụng thanh thế của tổ chức, bạn cũng chẳng thấy việc tham gia có ích lợi gì. Nó cũng giống như kiểu bạn bán sản phẩm của McDonald's nhưng không được trưng biển hiệu McDonald's vậy.Thế nhưng thực tế chúng tôi không biến mất, chúng tôi chỉ đang tái cấu trúc.”

Khi tuyên chiến chống lại yakuza vào năm 2009, người đứng đầu cơ quan cảnh sát Nhật tuyên bố: “Công chúng sẽ không nên được thấy yakuza nữa.” Trên phương diện đó, rõ ràng cảnh sát Nhật đang thành công. Yakuza đang bỏ bảng hiệu, logo riêng. Thế nhưng họ vẫn làm những công việc bẩn thỉu để kiếm tiền: cho vay nặng lãi, buôn người, cướp tiền hưu.

Và khi họ rút vào trong bóng tối, họ càng trở nên nguy hiểm hơn. Văn hóa Nhật đề cao việc giấu giếm mọi chuyện vào trong bóng tối hay vì phơi bày nó ra ngoài ánh sáng, có thể nói yakuza đang thay đổi đúng theo hướng đó.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM