'Cuộc đua tuyển người' của doanh nghiệp môi giới bất động sản

13/01/2021 13:44 PM | Kinh doanh

Sau thời gian dài phải dừng hoạt động hoặc cắt giảm nhân sự do không có hàng bán vì COVID-19, bước vào tháng 1/2021 nhiều doanh nghiệp ngành môi giới bất động sản bắt đầu tuyển lượng lớn nhân sự để bán hàng.

Rầm rộ tuyển người

CTCP Bất động sản Asian Holding vừa phát đi thông báo tuyển dụng nhân sự tháng 1/2020, vị trí nhân viên kinh doanh với số lượng lên tới 200 người. Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc doanh nghiệp này cho biết việc tuyển nhân sự số lượng lớn đến từ việc doanh nghiệp sẽ bán số lượng lớn sản phẩm tại các tỉnh như dự án FLC tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, dự án tại tỉnh Bình Phước, dự án tại tỉnh Đồng Nai…

Các công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh Corp như Hưng Thịnh Land, Propertyx… đều đang phát đi thông báo tuyển dụng số lượng hàng trăm nhân sự Sales ở các sàn giao dịch tại TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai…

Tập đoàn Novaland đưa ra thông báo "chiêu mộ" 500 nhân viên môi giới bất động sản bắt đầu từ tháng 1/2021. Phía Tập đoàn này cho biết việc tuyển số lượng lớn nhân viên môi giới trên vì hiện doanh nghiệp này đang triển khai mở bán các dự án lớn tại Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Với lượng sản phẩm lớn, nhu cầu nhân viên môi giới của Novaland hiện rất nhiều và đây là yếu tố quyết định cho việc bán được hàng hay không của Novaland.

Tập đoàn Trần Anh Group cũng ra thông báo tuyển dụng nhân viên môi giới bất động sản, doanh nghiệp này cho biết hiện đang chuẩn bị mở bán lượng lớn hàng tại Long An nên hơn 10 sàn giao dịch của tập đoàn cần một lượng lớn nhân sự môi giới để bán hàng.

Công ty DKRA Vietnam cũng thông báo tuyển dụng 100 nhân viên môi giới để bán sản phẩm tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp môi giới nhỏ cũng đã bắt đầu trở lại cuộc đua tuyển dụng nhân sự ngành môi giới. Công ty Tiến Lợi tại quận 2 thống báo tuyển dụng 100 nhân viên môi giới để bán dự án biệt thự tại dự án Vin quận 9, Công ty Hà Đô Land cũng tuyển dụng số lượng 50 nhân viên môi giới để bán dự án đất nền tại Bình Dương…. Trong khi đó, hầy hết các doanh nghiệp này trong năm 2020 phải đóng cửa công ty và cho nhân viên môi giới nghỉ việc vì không có hàng bán.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding cho rằng thị trường hiện nay đã có dấu hiện phục hồi, điểm dễ thấy nhất của thị trường đó là đã có những dự án mới mở bán và khi các doanh nghiệp môi giới cũng từ đó mà hồi sinh. Cũng từ tháng 10/2020 tới nay, cuộc cạnh tranh trong tuyển dũng nhân sự ngành môi giới tại TP.HCM rất sôi động. Các doanh nghiệp lớn sẽ có mức thu nhập cao đẻ trả nhân viên môi giới lên nhân sự ngành này hướng chủ yếu vào các doanh nghiệp lớn để xin "đầu quân", những ai không đạt sẽ tiếp tục tới những doanh nghiệp vừa và cuối cùng mới tới những doanh nghiệp nhỏ.

"Mỗi công ty đều có dòng sản phẩm riêng để bán, ví dụ Novaland là doanh nghiệp bán hàng cao cấp nên nhân sự môi giới của họ luôn đòi hỏi rất cao về ngoại hình lẫn trình độ chuyên môi, các doanh nghiệp bán đất nền thì lại hướng tới các bạn nhân viên chịu khó và có độ đeo bán khách hàng cao. Đặc biệt, để có thể tuyển được nhân sự đã có nhiều doanh nghiệp dùng chiêu ai giới thiệu được nhân viên mới về sẽ được thưởng tiền hoặc trả lương cứng, chính sách hoa hồng cao… tất cả đang đẩy thị trường ngành này sôi động trở lại", ông Hậu nói.

Thị trường nhiều biến động, thiếu bền vững

Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng Giám đốc Trần Anh Group cho rằng hiện nay ngành môi giới đang rất thụ động, các doanh nghiệp môi giới đang phụ thuộc rất lớn và doanh nghiệp chủ đầu tư, nếu như chủ đầu tư không có hàng bán thì doanh nghiệp môi giới đành đóng cửa và sa thải nhân viên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp môi giới cũng phụ thuộc vào sự sôi động của thị trường. Đơn cử như từ năm 2014 khi thị trường bất động sản hồi phục, thị trường chính là TP.HCM thì các doanh nghiệp đổ bộ vào thị trường này, tới năm 2019 thị trường TP.HCM suy yếu, thiếu dự án mới thì doanh nghiệp môi giới lại chạy sô ra thị trường vùng ven.

"Một điểm nữa đó là việc khi thị trường bất động sản trở lại, doanh nghiệp ngành môi giới cũng đua nhau thành lập, tuyển nhân sự rầm rộ. Sau đó lại rầm rộ sai thải và đóng cửa doanh nghiệp, đây là điểm yếu của thị trường này hiện nay. Tôi nhận thấy, việc các doanh nghiệp môi giới không tự chủ được nguồn hàng đang tạo ra điểm yếu lớn mà có thể làm ngành này suy thoái nhanh", ông Thiện nói.

Chị Lã Thị Trúc, một người có 6 năm kinh nghiệm trong ngành môi giới bất động sản tại TP.HCM cho rằng việc thị trường năm 2020 đua nhau sa thải nhân viên bởi các doanh nghiệp không có hàng để bán. Thậm chí có những sàn giao dịch chỉ còn lại giám đốc sàn và kế toán thì bước vào tháng 12/2020 và tháng 1/2021 đã quay ra tuyển nhân viên môi giới.

Điều này cho thấy hiện nay nhân viên môi giới đang không được coi trọng và chịu thiệt thòi lớn. Thứ nhất thường các doanh nghiệp môi giới không trả lương cứng cho nhân viên môi giới mà chỉ trả tiền hoa hồng bán sản phẩm, nếu không bán được hàng sẽ bị sa thải. Thứ 2, khi hết hàng bán, doanh nghiệp sẽ sa thải hết nhân viên môi giới, họ bị đẩy ra đường. Cũng chính vì những điều này mà nhân viên môi giới thường "nhẩy việc", và tạo ra một thị trường không bền vững, thiếu chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hậu cho rằng doanh nghiệp môi giới muốn tồn tại và phát triển bền vững thì cần có các yếu tố như nguồn tài chính tốt, khâu đào tạo nhân viên bán hàng được chú trọng và khâu thứ 3 là chiến lực phát triển của doanh nghiệp môi giới với phân khúc nào mà thị trường phát triển bền vững. "Nếu như có tài chính, nguồn lực nhưng đi sai phân khúc bán hàng thì doanh nghiệp sẽ gặp vô vàn khó khăn thậm chí là dừng hoạt động", ông Hậu nói.

Gia Huy

Cùng chuyên mục
XEM