Cuộc đua tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn thế giới

07/06/2021 15:16 PM | Xã hội

Theo hãng tin CNBC, thái độ chủ quan khiến nhu cầu tiêm chủng khẩn cấp trong dân khá yếu ở nhiều nước.

Theo hãng tin CNBC, khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang chậm chân trong cuộc đua tiêm vaccine chống dịch Covid-19 dù nhiều quốc gia chứng kiến số ca nhiễm mới tăng kỷ lục.

"Khi số ca nhiễm mới không quá cao trong năm vừa qua, mọi người bắt đầu chủ quan cho rằng họ có thể chiến thắng đại dịch Covid-19 chỉ bằng khẩu trang và giãn cách, không cần vội tiêm chủng", giáo sư Benjamin Cowling của trường đại học HongKong cảnh báo.

Thế nhưng thực tế lại cho thấy tiêm chủng mới là vũ khí chủ chốt trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Hàng loạt các quốc gia Châu Á như Ấn Độ, Nepal, Malaysia, Nhật Bản đã chứng kiến số ca lây nhiễm mới bùng nổ mạnh trong vài tháng qua.

Cuộc đua tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn thế giới - Ảnh 1.

Số liệu của hãng tin CNBC cho thấy khu vực Châu Á Thái Bình Dương mới tích trữ được khoảng 23,8 liều cho mỗi 100 công dân, thấp hơn rất nhiều so với 61,4 liều/100 người tại Bắc Mỹ và 48,5/100 tại Châu Âu. Hiện Châu Phi là khu vực tích trưc được ít vaccine nhất với chỉ 2,5 liều trên mỗi 100 người.

Các chuyên gia nghiên cứu của Ngân hàng Natixis cho biết dù thiếu hụt nguồn cung là nguyên nhân chính khiến tiến độ tiêm chủng chậm ở Châu Á nhưng thái độ chủ quan trong người dân cũng góp phần không nhỏ cho tình trạng này.

Những nền kinh tế như Indonesia, Thái Lan, Philippines được cho là có nhu cầu vaccine trong dân rất yếu, khiến tiến độ tiêm chủng diện rộng bị chậm rất nhiều.

"Dù sự nghi ngờ về chất lượng vaccine phát triển vội cho mùa dịch Covid-19 trên thế giới là dễ hiểu nhưng điều này lại đặc biệt nặng ở Châu Á. Sự kiểm soát dịch quá tốt tại đây đã hạ thấp nhu cầu tiêm chủng khẩn cấp trong dân", báo cáo của Natixis nêu rõ.

Trong khi đó, số liệu của Our Wolrd Data cho thấy Mông Cổ và Singapore là 2 nền kinh tế dẫn đầu tiêm chủng tại Châu Á Thái Bình Dương với lần lượt 97 và 69 người tiêm trên mỗi 100 người.

Hãng Fitch Solutions cho biết nhiều nước Châu Á đang dựa dẫm vào chương trình chia sẻ tiêm chủng COVAX của quốc tế để lấy vaccine, thế nhưng nguồn cung chính của chương trình là Ấn Độ lại đăng gặp rắc rối với làn sóng đại dịch và chẳng thể xuất khẩu nhiều. Hệ quả là nhiều nước đang phát triển tại Châu Á bị chậm tiến độ trong quá trình tiêm chủng.

Miễn dịch cộng đồng

Theo dự báo của Natixis, chỉ có Singapore và Trung Quốc đại lục là có thể tiêm chủng cho hơn 70% dân số trong năm nay, bắt kịp được với Mỹ và Anh. Đây là mức tiêm chủng mà theo các chuyên gia y tế mới đủ đạt miễn dịch cộng đồng, nghĩa là virus sẽ lây lan chậm hơn dó có nhiều người đã có kháng thể do tiêm chủng hay đã từng nhiễm bệnh.

Các chuyên gia cho biết nếu tình hình tiếp tục diễn biến như hiện nay thì các nền kinh tế Châu Á sẽ phải chờ đến tận năm 2025 hoặc muộn hơn mới gom đủ vaccine tiêm chủng cho toàn dân.

Việc tiêm chủng chậm sẽ gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế so với những nước đạt miễn dịch cộng đồng sớm hơn. Ngân hàng Natixis cảnh báo các nước như Philippines, Thái Lan hay Malaysia là những quốc gia đang rất cần vaccine tiêm chủng bởi du lịch đóng góp rất lớn cho các nền kinh tế này.

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM