Cuộc đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 đang ‘nóng rẫy: Hai công ty Mỹ dẫn đầu, hàng loạt đối thủ bám sát gót

29/09/2021 14:56 PM | Xã hội

Hai công ty Pfizer và Merck & Co có trụ sở tại Mỹ đang đi đầu trong nỗ lực phát triển thuốc điều trị COVID-19 dạng uống. Các đối thủ của họ cũng đang bám sát gót để tìm ra loại thuốc của riêng mình.

Hàng loạt công ty dược phẩm lớn trên thế giới đang chạy đua để sản xuất thuốc điều trị COVID-19 dạng uống, theo một bài viết của hãng tin Reuters.

Hai công ty Pfizer và Merck & Co có trụ sở tại Mỹ mới đây thông báo họ sắp công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc kháng virus COVID-19 của mình. Cùng lúc, các công ty dược khác cũng đang gấp rút để nghiên cứu sản xuất một loại thuốc uống điều trị COVID-19 hiệu quả và tiện lợi.

Enanta Pharmaceuticals (Mỹ), Pardes Biosciences (Mỹ), Shionogi & Co Ltd (Nhật Bản) và Novartis AG (Thụy Sĩ) cho biết họ đã thiết kế các loại thuốc kháng virus nhắm đích cụ thể vào coronavirus .

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh rằng việc ngăn ngừa COVID-19 bằng tiêm vaccine COVID-19 rộng rãi vẫn là cách tốt nhất để kiểm soát đại dịch. Nhưng họ cho biết căn bệnh này dự kiến sẽ không biến mất hoàn toàn và cần có những phương pháp điều trị thuận tiện hơn.

Tiến sĩ Robert Schooley, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y – Đại học California San Diego (Mỹ), cho biết: "Chúng ta cần phải có các lựa chọn thay thế qua đường uống để ngăn chặn loại virus này. Có những người chưa được tiêm vaccine sẽ bị bệnh, có những người mà hiệu quả vaccine suy yếu, và có những người thuộc nhóm không được tiêm".

 Cuộc đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 đang ‘nóng rẫy: Hai công ty Mỹ dẫn đầu, hàng loạt đối thủ bám sát gót - Ảnh 1.

Các viên thuốc điều trị COVID-19 thử nghiệm được gọi là molnupiravir đang được phát triển bởi Merck & Co và Ridgeback Biotherapeutics, trong một bức ảnh do Merck & Co phát hành. Nguồn: Merck & Co / REUTERS

Pfizer và Merck, cùng các đối tác là công ty Atea Pharmaceuticals (Mỹ) và Roche AG (Thụy Sĩ), cho biết họ có thể xin phê duyệt khẩn cấp thuốc kháng virus chống COVID-19 trong năm nay.

Các đối thủ khác chậm hơn ít nhất một năm. Pardes bắt đầu thử nghiệm giai đoạn đầu vào tháng trước, Shionogi có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn vào cuối năm, Enanta đặt mục tiêu bắt đầu thử nghiệm trên người vào đầu năm sau và Novartis vẫn đang thử nghiệm thuốc uống trên động vật.

Giám đốc điều hành của Enanta, Jay Luly, cho biết để sản xuất thuốc điều trị COVID-19, một góc tiếp cận hợp lý là sử dụng các loại thuốc ban đầu được phát triển cho các bệnh nhiễm virus khác. Nhưng vẫn chưa biết các loại thuốc này sẽ chống lại COVID-19 mạnh đến mức nào hoặc chúng có thể nhắm vào mô phổi, nơi virus bám trụ, tốt như thế nào.

Rủi ro là nếu các loại thuốc đó không hiệu quả, "bạn sẽ mất thời gian", Luly nói.

Việc phát triển thuốc kháng virus rất phức tạp vì chúng phải nhắm trúng đích vào virus sau khi virus đã nhân lên bên trong tế bào người mà không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh. Các loại thuốc này cũng cần được sử dụng sớm để có hiệu quả cao nhất.

Hiện tại, remdesivir , thuốc tiêm tĩnh mạch, là thuốc kháng virus duy nhất được chấp thuận ở Mỹ để điều trị COVID-19.

Theo ước tính gần đây của tập đoàn tài chính Mỹ Jefferies & Co, một phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả, tiện lợi có thể đạt doanh thu hàng năm trên 10 tỷ USD. Merck có hợp đồng với chính phủ Mỹ với mức giá 700 USD cho một đợt điều trị bằng thuốc kháng virus molnupiravir mà họ đang nghiên cứu phát triển dành cho COVID-19.

CÁC ỨNG VIÊN TIỀM NĂNG NHẤT

Một số nhóm thuốc kháng virus đang được các công ty dược nghiên cứu. Các chất ức chế polymerase như thuốc của Atea – ban đầu được phát triển cho bệnh viêm gan C - nhằm mục đích phá vỡ khả năng tạo bản sao của coronavirus. Ngoài ra còn có các chất ức chế protease, như thuốc viên của Pfizer, được thiết kế để ngăn chặn một loại enzyme mà virus cần để nhân lên trong giai đoạn đầu của vòng đời.

Uri Lopatin, Giám đốc điều hành của Pardes, cho biết công ty đang cố gắng ngăn chặn các quy trình "cho phép virus thiết lập một nhà máy nhân bản".

 Cuộc đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 đang ‘nóng rẫy: Hai công ty Mỹ dẫn đầu, hàng loạt đối thủ bám sát gót - Ảnh 2.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ.

Thuốc molnupiravir của Merck, được phát triển với Ridgeback Biotherapeutics, đã có lúc được coi như một loại thuốc chữa bệnh cúm và hoạt động bằng cách đưa lỗi vào mã di truyền của virus.

Jay Grobler, người giám sát bệnh truyền nhiễm và vaccine tại Merck, cho biết: "Hoạt động phổ rộng của molnupiravir chống lại các virus RNA, bao gồm cả các virus đường hô hấp khác, cho thấy nó là một phân tử bền vững và hữu ích".

Merck cho biết dữ liệu cho thấy loại thuốc này không có khả năng gây ra những thay đổi di truyền trong tế bào người, nhưng những người đàn ông trong các thử nghiệm của công ty phải kiêng quan hệ tình dục khác giới hoặc đồng ý sử dụng biện pháp tránh thai.

Nicholas Kartsonis, giám đốc nghiên cứu của Merck, cho biết cho đến khi có kết quả nghiên cứu kỹ hơn, "chúng tôi không biết liệu thuốc có tiềm năng ảnh hưởng đến tinh trùng hay không".

Cả molnupiravir và thuốc viên của Pfizer đều được uống 12 giờ một lần trong năm ngày. Thuốc của Pfizer phải được kết hợp với ritonavir (một loại thuốc kháng virus cũ), giúp tăng cường hoạt động của chất ức chế protease nhưng có thể gây ra tác dụng phụ ở đường tiêu hóa và cản trở các thuốc khác.

Tiến sĩ Schooley, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y – Đại học California San Diego, nhận định về điều này: "Thật là phiền toái khi phải uống thêm một loại thuốc mà bạn không cần chỉ để giúp cho loại thuốc bạn cần hiệu quả".

Enanta đã chọn thiết kế một chất ức chế protease mới nhằm vào một loại enzym quan trọng đối với khả năng tái tạo của coronavirus.

CEO của Enanta, ông Luly, cho biết loại thuốc này sẽ được thử nghiệm với liều lượng một lần mỗi ngày mà không cần uống thêm ritonavir.

Còn ông Lopatin, CEO của Pardes cho biết công ty đang đánh giá liều dùng một lần và hai lần một ngày và liệu thuốc này có cần kết hợp với ritonavir hay không. Ông nói: "Chúng tôi không dự đoán rằng chúng tôi sẽ cần sử dụng thuốc tăng cường".

Pardes đã nhận được tài trợ từ Gilead Sciences, công ty đã từ bỏ nghiên cứu remdesivir dạng hít. Remdesivir là một loại chất ức chế polymerase tiêm tĩnh mạch được chấp thuận cho bệnh nhân COVID-19 nhập viện.

Gilead vẫn đang nghiên cứu một loại thuốc remdesivir dạng uống, ban đầu cũng được phát triển cho bệnh viêm gan C và hiện là thuốc kháng virus duy nhất được chấp thuận ở Mỹ để điều trị COVID-19.

(Nguồn: Reuters)

MỜI ĐỘC GIẢ GỬI CÂU HỎI TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN

Buổi tọa đàm với chủ đề "Sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2: Cần làm gì?" sẽ bàn về những giải pháp của chính phủ và người dân nên làm để có một cuộc sống "bình thường mới" an toàn với virus SARS-CoV-2, đồng thời học hỏi những kinh nghiệm của những quốc gia đi trước.

Các khách mời của chương trình:

- TS.BS Vũ Thị Thu Nga, từ Liên minh vận động phát triển chính sách y tế dựa trên bằng chứng khoa học (EBHPD), nguyên giảng viên Đại học Y Hà nội, TS dịch tễ học từ Đại học New South Wales Australia.

- TS.BS Trần Tuấn, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam; Thành viên nhóm tư vấn độc lập phát triển chiến lược tổng thể phòng chống hiệu quả dịch COVID-19, Bộ Y tế.

- TS. BS Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto, Nhật Bản, Đồng sáng lập Dự án Y học cộng đồng.

Thời gian: 16h Thứ 5 ngày 30/09/2021 trên page Soha.vn và web Soha.vn .

Quý độc giả có câu hỏi dành cho khách mời, xin gửi TẠI ĐÂY

 .

Trà My

Cùng chuyên mục
XEM