Cuộc đua ngân hàng số ở châu Á bùng nổ, ngân hàng truyền thống liệu có chịu thiệt?

29/11/2019 21:20 PM | Kinh doanh

Châu Á đang dẫn đầu về việc mở ngân hàng số trên toàn cầu. Cuộc chạy đua giữa ngân hàng số và ngân hàng truyền thống ngày càng khốc liệt khi ngân hàng số có nhiều lợi thế cạnh tranh. Các ngân hàng truyền thống đã làm như thế nào để cạnh tranh trong cuộc đua này?

Châu Á đang dẫn đầu về việc mở ngân hàng số trên toàn cầu

Kể từ năm 2014, tỷ lệ ngân hàng số thâm nhập thị trường tài chính châu Á đã tăng gấp 3 lần. Đồng hành cùng sự tăng trưởng đó chính là sự tăng trưởng của nhóm người trẻ tuổi trong khu vực, họ là những người nhanh nhạy với công nghệ và đặc biệt phụ thuộc vào điện thoại thông minh.

Hiện nay, châu Á đang dẫn đầu về việc mở ngân hàng số trên toàn cầu. Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển ngân hàng số đầu tiên. Cách đây 2 năm, quốc gia này đã cấp những giấy phép đầu tiên cho ngân hàng số.

Kakao bank là một trong những ngân hàng số thành công điển hình ở Hàn Quốc. Chỉ trong vòng 25 tiếng đồng sau khi ra mắt, ngân hàng này đã thu hút hơn 300 nghìn người đăng ký tài khoản. Ngân hàng này không có chi nhánh ngoài đời thực, có thể đưa ra mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn hơn so với các ngân hàng truyền thống và chi phí chuyển tiền ra nước ngoài cũng chỉ bằng 1/10.

Ông Lee Tai-ki, nhà nghiên cứu Viện Tài chính Hàn Quốc nói: "Mặc dù có những quan ngại về việc không có tương tác trực tiếp với nhân viên ngân hàng hay bảo mật dữ liệu online nhưng sự ra đời của ngân hàng số đã đem lại nhiều lựa chọn cho khách hàng. Trong khi các ngân hàng truyền thống đang chật vật để đưa ra các sản phẩm mới".

Hồng Kông (Trung Quốc) thậm chí còn đi trước một bước so với các quốc gia khác về việc mở ngân hàng số. Cơ quan quản lý tiền tệ của Hồng Kông (HKMA) đang dẫn đầu làn sóng tại thị trường này.

Từ tháng 3 năm nay, cơ quan này đã cấp 8 giấy phép hoạt động cho các ngân hàng số và đây là con số lớn nhất ở khu vực châu Á.


Tại sao ngân hàng số ở châu Á ngày càng bùng nổ?

Cuộc đua giành thị phần tài chính giữa ngân hàng số và ngân hàng truyền thống tại châu Á ngày càng nóng lên. Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao ngân hàng số tại châu Á lại bắt đầu bùng nổ vào thời điểm này?

Ngân hàng số được hiểu đơn giản là loại ngân hàng sẽ không có trụ sở và bất cứ chi nhánh nào. Mọi hoạt động sẽ được tiến hành trên mạng từ mở tài khoản đến cấp thẻ tín dụng, cho vay hay các giao dịch khác. Do không tốn chi phí mở chi nhánh và nhân sự nên hiện nay, ngân hàng số đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với những ngân hàng truyền thống. Bên cạnh đó, so với ngân hàng truyền thống, phí giao dịch hay lãi suất cho vay sẽ giảm hơn.

Đồng thời, trên thế giới xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, đối với những đất nước phát triển như Mỹ thì việc chuyển đổi số trong ngành tài chính đã diễn ra từ những năm trước. Vì vậy, việc chuyển đổi trong lĩnh vực tài chính ở châu Á cũng là điều tất yếu.

Tại Singapore – trung tâm tài chính có nhiều ngân hàng truyền thống đang làm ăn tốt nhưng chính phủ của quốc gia này cũng đang cân nhắc việc thành lập một ngân hàng số. Để mở tài khoản hay tiến hành các giao dịch quan trọng, khách hàng vẫn phải đến giao dịch tại quầy với thời gian xếp hàng cả tiếng đồng hồ. Đây cũng chính là lý do nhiều người dân Singapore hào hứng trước thông tin này.

Anh Asher Loy, một người dân Singapore chia sẻ: "Việc mở ngân hàng số là rất quan trọng với đất nước tôi, điều đó tạo ra sự khác biệt và giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. Giờ ai cũng bận rộn cả ngày nên ngân hàng số sẽ giúp người dân thuận tiện trong giao dịch thay vì phải tới ngân hàng".

Giới chuyên gia cũng cho rằng, ngân hàng kỹ thuật số có thể giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực mà các ngân hàng truyền thống không muốn tham gia.

Ông Tymothy Chen - Chủ tịch và đồng sáng lập Maxfinx cho biết: "Ví dụ như các cửa hàng nhỏ lẻ, đây là nơi họ không có hệ thống kế toán, họ có thể không có tài khoản ngân hàng thì ngân hàng số có thể tham gia vào. Mọi người đều có điện thoại di động, những chủ doanh nghiệp nhỏ này có thể có tài khoản ngân hàng bằng cách chỉ cần đăng ký mà không cần có lịch sử hay hồ sơ tín dụng".

Theo chủ tịch cơ quan tiền tệ Singapore, mục đích của việc cho ra đời ngân hàng số là nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng của quốc gia này đảm bảo tính cạnh tranh cao. Đồng thời duy trì tính năng động và đáp ứng tính thay đổi nhanh trên thế giới.

Theo các chuyên gia, ngân hàng số có thể phát triển ở một thị trường tín dụng đa dạng và trẻ như châu Á là nhờ đặc điểm dịch vụ nhanh chóng so với các tổ chức tài chính lâu đời. Đồng thời, ngân hàng số gỡ bỏ được nhiều thủ tục hành chính rườm rà và chi phí hoạt động, nhân công cao. Và hơn nữa, ngân hàng số thường không tính phí các dịch vụ cơ bản trong khi có lãi suất tốt hơn.

Cuộc đua ngân hàng số ở châu Á bùng nổ, ngân hàng truyền thống liệu có chịu thiệt? - Ảnh 1.

Ưu điểm của ngân hàng số là dịch vụ nhanh chóng, rỡ bỏ được nhiều thủ tục hành chính rườm rà, chi phí hoạt động, nhân công cao và có lãi xuất tốt hơn.

Người dân Singapore sẵn sàng gia nhập cuộc chơi khi chính phủ thành lập ngân hàng số, tuy nhiên họ vẫn thận trọng trước những rủi ro của công nghệ số.

Anh Hafih nói: "Tôi cho rằng đã đến lúc cần chuyển sang ngân hàng số, tuy nhiên khi chuyển sang ngân hàng số thì phải tăng cường hơn nữa mức độ an toàn khi xuất hiện ngày càng nhiều các tin tặc."

Anh Asher Loy cũng bày tỏ: "Tôi sẽ không để tất cả tiền vào ngân hàng số khi mới thành lập. Nhưng dần dần khi ngân hàng này chứng tỏ dịch vụ của mình đáng tin cậy và an toàn thì tôi sẽ bỏ thêm tiền vào ngân hàng số đó".

Thanh toán điện tử đang ngày càng phổ biến tại quốc gia này, tiền kỹ thuật số đang dần khẳng định mình thì việc ra đời ngân hàng số cũng là một xu thế tất yếu. Vấn đề giờ đây là người dân và các doanh nghiệp cần có thời gian để chuyển đổi cũng như thích nghi và tham gia vào sân chơi này.


Ngân hàng truyền thống liệu có chịu đứng yên?

Trước sự bùng nổ của ngân hàng số, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu ngân hàng truyền thống có chịu đứng yên trong cuộc đua này? Câu trả lời là không. Ngay tại thị trường Việt Nam, công cuộc chuyển đổi của các ngân hàng đang diễn ra khá rõ ràng theo hai chiều hướng.

Một là các ngân hàng truyền thống sẽ bắt tay với các công ty công nghệ tài chính là các fintech hoặc sẽ bắt tay với công ty công nghệ để phát triển nền tảng cho riêng mình.

Tại Hồng Kông, sau khi cơ quan tiền tệ của đặc khu này bắt đầu cấp phép cho ngân hàng số, nhiều tên tuổi hàng đầu của lĩnh vực ngân hàng truyền thống cũng đã nhanh chóng nắm bắt xu thế đó, có thể kể đến những cái tên như Bank of China, Standard Chartered và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC).

Trong khi đó, HSBC lại bất ngờ xốc lại mảng ngân hàng truyền thống thông qua việc miễn phí duy trì tài khoản như một cách ứng phó với lợi thế chi phí rẻ của ngân hàng số. Còn trên mặt trận số hóa, hãng này đã chọn cho mình hướng đi riêng là tự đầu tư phát triển nền tảng số trên phạm vi toàn cầu.

Ông Andew Conell – Giám đốc Công nghệ toàn cầu, Mảng Ngân hàng bán lẻ, Tập đoàn HSBC cho biết: "HSBC rất kiên định với việc thúc đẩy nền tảng và nhân lực số, ứng dụng thanh toán của chúng tôi đang rất được khách hàng ưa chuộng và có đến 90% giao dịch tại Hồng Kông đang được thực hiện trên nền tảng số".

Nửa đầu năm nay, HSBC cũng đã đầu tư 2,2 tỷ USD vào số hóa và tuyển dụng 1000 nhân sự trong lĩnh vực số trong vòng 5 năm qua. Hồi đầu tháng, ngân hàng này cũng đã cho ra một ứng dụng hoàn chỉnh.

Không chỉ riêng Hồng Kông, câu chuyện tương tự với ngân hàng truyền thống cũng đang diễn ra tại nhiều quốc gia khác ở châu Á.

Ngân hàng số ở châu Á vẫn đang cần nhiều thời gian để phát triển do thiếu kinh nghiệm. Ngân hàng số vẫn đang trong giai đoạn "đốt" tiền để mở rộng thị trường. Ngược lại, với lợi thế về vốn, các ngân hàng truyền thống sẽ vẫn còn nhiều hướng đi khác như bắt tay với các fintech hay tự phát triển nền tảng, từ đó củng cố sự hiện diện của mình trong cuộc đua này.

Khởi Minh

Cùng chuyên mục
XEM