Cuộc đua giành thuốc điều trị Covid-19: Các nước nghèo có bị bỏ lại?

20/10/2021 19:20 PM | Xã hội

Gần 1 năm sau khi chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên bắt đầu, phần lớn những người được tiêm đều ở các nước giàu và hiện vẫn chưa có con đường rõ ràng nào để giải quyết tình trạng bất bình đẳng này.

Những thông tin mới đây về một loại thuốc kháng virus được chứng minh là có hiệu quả điều trị Covid-19 trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã đem lại hy vọng về bước ngoặt cho đại dịch: trong tương lai không xa, một viên thuốc đơn giản có thể cứu những người mắc Covid-19 khỏi nguy cơ tử vong hoặc mắc bệnh nặng.

Thuốc molnupiravir , do Merck sản xuất, rất dễ phân phối và có thể sử dụng tại nhà. Các kết quả thử nghiệm cho thấy molnupiravir có thể giảm một nửa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở nhóm người có nguy cơ cao ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh. Merck đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ. FDA có thể ra quyết định vào đầu tháng 12 tới.

Các nước nghèo sẽ được đảm bảo quyền tiếp cận

Không giống như các nhà sản xuất vaccine như Pfizer và Moderna, các công ty đã phản đối lời kêu gọi về thỏa thuận sáng chế để các công ty dược phẩm nước ngoài có thể sản xuất loại vaccine mà các hãng này nắm độc quyền, Merck sẽ cho phép các công ty dược phẩm Ấn Độ bán loại thuốc này với giá thấp hơn nhiều ở hơn 100 quốc gia có mức thu nhập thấp. Phần lớn các nước cận Sahara ở châu Phi, nơi tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở mức dưới 3%, đều nằm trong thỏa thuận.

Các nhà ủng hộ quyền tiếp cận thuốc nói rằng, thỏa thuận cấp phép sản xuất này không chỉ là sự khởi đầu đáng khích lệ mà còn là một bước hướng tới sự công bằng. Merck đã bắt đầu sản xuất thuốc molnupiravir, nhưng hiện chưa rõ số lượng sản phẩm được bán trên thị trường trong năm 2022 là bao nhiêu.

Dù vậy thỏa thuận này cũng “bỏ sót” nhiều nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, như Ukraine, bị tác động nặng nề bởi Covid-19. Thuốc kháng virus cần phải kết hợp với việc xét nghiệm nhanh chóng và chính xác - điều vốn còn hạn chế ở nhiều nơi trên thế giới.

Một số hãng dược phẩm khác, trong đó có Pfizer, dự kiến công bố dữ liệu thử nghiệm các loại thuốc tương tự trong thời gian tới. Tuy nhiên, các công ty này cho biết vẫn còn quá sớm để bình luận về việc họ có tham gia vào thỏa thuận tương tự như Merck hay không.

Tất cả những điều này cho thấy, những nước có khả năng chi trả để mua sớm vẫn có khả năng tích trữ lượng lớn thuốc điều trị Covid-19, tương tự như những gì họ đã làm với các loại vaccine ngừa Covid-19.

“Một loại thuốc như thế này có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng, bạn có thể đưa chúng tới những khu vực xa xôi nhất trên thế giới. Có thể nói rằng, loại thuốc này có thể ngăn ngừa hàng trăm nghìn trường hợp phải nhập viện và tử vong [do Covid-19]. Nhưng rào cản là giá cả. Hãy nhìn vào việc các loại vaccine mất bao lâu mới tới được châu Phi. Tôi lo ngại điều tương tự cũng có thể xảy ra với các loại thuốc điều trị”, John Amuasi, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm và y tế toàn cầu tại Trung tâm Kamusi ở Ghana, cho biết.

Nhiều mức giá thuốc khác nhau

Hơn 18 tháng sau khi bắt đầu bùng phát, Covid-19 vẫn là dịch bệnh kéo dài. Một vài loại thuốc đã chứng minh được hiệu quả như các loại kháng thể đơn dòng – vẫn đắt đỏ, phức tạp trong việc quản lý và khan hiếm, thậm chí hoàn toàn không có ở những nước nghèo.

Bên cạnh đó, do chiến dịch tiêm chủng chưa được phủ rộng, dân số các nước nghèo vẫn có nguy cơ cao trước Covid-19 và cần các loại thuốc giá cả phải chăng.

Năm 2020, chính phủ Mỹ đã mua lượng lớn thuốc kháng virus remdesivir sau khi các nghiên cứu ban đầu cho thấy loại thuốc này có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi Covid-19.

Hiện Mỹ đang theo đuổi chiến lược tương tự với molnupiravir: Washington đã có thỏa thuận 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liệu trình molnupiravir nếu loại thuốc này được FDA cấp phép khẩn cấp. Con số này chiếm 20% số lượng thuốc mà Merck có thể sản xuất trong năm nay.

Các nước có khả năng chi trả tương đối khác như Australia, Hàn Quốc và New Zealand cũng đã ký hợp đồng với Merck.

Cách đây 20 năm, Merck từng bị chỉ trích vì đã bán thuốc HIV với giá “cắt cổ” ở châu Phi. Lần này, Merck đã sớm nhận thấy sự cấp bách của loại thuốc điều trị Covid-19.

“Nếu loại thuốc này được chứng minh là an toàn và hiệu quả để mọi người có thể sử dụng tại nhà, chúng tôi có trách nhiệm phải đảm bảo quyền tiếp cận rộng rãi, đặc biệt ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, những nơi không có hệ thống y tế mạnh mẽ”, Jenelle Krishnamoorthy, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu của Merck cho biết.

Các thỏa thuận cho phép sản xuất mà Merck đàm phán với các công ty sản xuất dược phẩm Ấn Độ mở ra khả năng chính phủ các nước nghèo nhất có thể mua thuốc molnupiravir với giá dưới 20 USD cho một liệu trình 5 ngày, thấp hơn rất nhiều so với mức giá 712 USD như trong thỏa thuận với Mỹ.

8 công ty Ấn Độ hiện đang tham gia thử nghiệm lâm sàng các phiên bản khác nhau của thuốc molnupiravir và có 4 công ty đã xác nhận với New York Times rằng họ hy vọng có thể sớm công bố kết quả. Lãnh đạo một trong số các công ty này hy vọng công ty của ông có thể sản xuất thuốc với giá chưa đến 10 USD/liệu trình.

Bà Suerie Moon, một chuyên gia về vấn đề tiếp cận thuốc, gọi các giấy phép sản xuất tại Ấn Độ của Merck là một tiền lệ tích cực đối với các phương pháp điều trị Covid-19 và cũng là một động thái kinh doanh khôn ngoan của Merck.

“Không phải ngẫu nhiên khi Merck từng có những bài học với thuốc HIV. Họ biết rằng nếu họ không giải quyết những thách thức trong việc tiếp cận thuốc, họ sẽ bị chỉ trích”, bà Suerie Moon, đồng giám đốc Trung tâm y tế toàn cầu tại Viện nghiên cứu phát triển và quốc tế tại Geneva, Thụy Sỹ cho biết.

Các nước thu nhập trung bình sẽ phải cạnh tranh với nước giàu?

Dù vậy, các thỏa thuận sản xuất thuốc cũng không đảm bảo hoàn toàn về việc tiếp cận toàn cầu. Một nửa tổng số ca mắc Covid-19 được ghi nhận ở các nước thu nhập thấp và trung bình trong nửa đầu năm 2021 là ở 32 nước nằm ngoài thỏa thuận của Merck. Brazil, Malaysia, Mexico và Peru cũng như Trung Quốc và Nga đều không nằm trong thỏa thuận sản xuất của Merck.

Các nước có thu nhập trung bình nằm ngoài thỏa thuận sản xuất của Merck có thể phải trả giá cao gần bằng các nước giàu để mua thuốc điều trị Covid-19.

Merck cho biết, công ty này sẽ sử dụng dữ liệu thu nhập của Ngân hàng thế giới (WB) để tính toán mức giá thuốc cho mỗi nước.

Merck cũng đang đàm phán với Tổ chức bằng sáng chế thuốc (Medicines Patent Pool) - tổ chức được Liên Hợp Quốc ủng hộ về đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ và phương pháp điều trị y tế.

Charles Gore, Giám đốc Tổ chức bằng sáng chế thuốc hy vọng Merck sẽ đồng ý thỏa thuận cấp giấy phép để các công ty ở nhiều nơi trên thế giới có thể sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong khi Merck vẫn có thể bán sản phẩm của mình ở các nước giàu. Một thỏa thuận như vậy sẽ đặt ra một tiền lệ quan trọng cho các công ty khác./.

Hoàng Phạm

Cùng chuyên mục
XEM