Cuộc chiến giữa Apple và FBI: Những xung đột vẫn còn âm ỉ

18/02/2017 22:41 PM | Công nghệ

Khoảng một năm kể từ khi Apple đối đầu với FBI về việc mở khoá chiếc iPhone 5C, những tưởng mọi chuyện đã kết thúc khi hai bên không còn đăng đàn công kích nhau. Tuy nhiên, trên thực tế những xung đột vẫn đang xảy ra một cách âm ỉ và chưa biết bao giờ đi đến hồi kết.

Tính đến nay đã là 1 năm kể từ khi Apple đối đầu với FBI về vấn đề quyền riêng tư đối với dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, chúng ta hầu như không còn nghe thấy bất kỳ phản ứng nào từ hai bên. Liệu có phải mọi chuyện đã được giải quyết êm xuôi?

Đáng tiếc rằng câu trả lời là không.

Nỗ lực của FBI nhằm yêu cầu Apple mở khoá chiếc iPhone do một tên khủng bố sử dụng đã tạo nên một cuộc chiến pháp lý lớn giữa hãng và FBI. Mỗi bên đều có lý luận của mình: FBI muốn Apple mở khoá bởi đó là việc cơ quan này phải làm để đảm bảo an ninh, ngăn chặn khủng bố; trong khi với Apple, hãng này cố gắng bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu khách hàng.

Với những gì xảy ra trong sự vụ này, có lẽ hành động của Apple xuất phát từ việc công ty mường tượng ra một tương lai tương tự như trong cuốn "1984" nổi tiếng của George Orwell. Cuốn tiểu thuyết về xã hội giả tưởng này kể về câu chuyện của Winston Smith, trong đó miêu tả chế độ chuyên chế đang cai trị xã hội làm bối cảnh, và bi kịch của nhân vật chính Winston Smith do chế độ đó gây ra. Ở phía bên kia, FBI - bên đại diện cho chính phủ quyền lực nhất thế giới - lo ngại nguy cơ tấn công khủng bố xảy ra nếu không thể truy cập được vào các thông tin quan trọng trong chiếc iPhone.


CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook.

Cuộc đối đầu đi đến cao trào. Các chuyên gia bảo mật thì cho rằng, tranh chấp giữa Apple và FBI có thể tạo ra những tác động sâu rộng tới mọi thứ, từ tính riêng tư của những bức ảnh cá nhân người dùng, cho đến cách thức hoạt động của các công ty công nghệ ở nước ngoài.

Cả 2 đều đã sẵn sàng ra toà, và rồi 1 chuyện hài hước đã xảy ra: FBI đột ngột tuyên bố họ không cần tới sự giúp đỡ của Apple để mở khoá nữa. Toàn bộ sự việc sau đó chìm dần đi.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi chuyện đã ổn thoả.

Do vụ việc không được toà án phân xử, chúng ta không bao giờ có được một câu trả lời về liệu bên muốn bảo vệ quyền riêng tư (Apple) hay bên muốn phòng trừ nguy cơ khủng bố (FBI), sẽ được ưu tiên. Một năm sau, toàn bộ câu chuyện vẫn đang hết sức "lờ mờ", không rõ ràng. Xung đột giữa 2 bên cũng sẽ chưa sớm kết thúc, đặc biệt nếu lại có thêm một cuộc tấn công khủng bố nữa xảy ra.

"Năm vừa qua là năm mà cơ hội để phân định rõ chuyện này đã bị bỏ qua. Nó chưa kết thúc. Câu hỏi là liệu chúng ta sẽ đối mặt với nó lúc này khi mọi thứ đang bình lặng, hay chờ về sau khi có biến cố" - William Snyder, chuyên gia luật của Học viện Luật trường Đại học Syracuse chia sẻ. Trong khi đó, Giám đốc FBI James Comey từng phát biểu rằng: "Quan điểm nên giữ quyền riêng tư ở mức tuyệt đối, và rằng chính phủ không được phép động tay vào điện thoại của người dân với tôi là không hợp lý".

CEO Apple là Tim Cook, ngược lại, tiếp tục bênh vực cho chính sách mã hoá dữ liệu và những nỗ lực của Apple để bảo vệ dữ liệu khách hàng. Ông nói trong một cuộc trò chuyện mới đây rằng, "Nó không phải vấn đề rằng chúng ta là những nhà hoạt động chính trị, nó là việc chúng ta bị yêu cầu làm một việc mà chúng ta biết là sai trái. Chúng tôi đứng trước sự lựa chọn đó là, hoặc mù quáng làm theo lệnh của chính phủ hoặc chống lại. Và Apple chọn cách thứ hai".


Giám đốc FBI James Comey.​

Giám đốc FBI James Comey.​

Những chuyện gì đã xảy ra?

Dưới đây là những tổng kết ngắn gọn về cuộc đối đầu giữa Apple và FBI. Đầu năm 2016, FBI muốn Apple tạo ra một phần mềm để mở khoá chiếc iPhone 5C được sử dụng bởi Syed Farook, người trước đó ít tuần giết chết 14 người trong một vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino, California.

Apple giúp lấy dữ liệu từ tài khoản iCloud của Farook, tuy nhiên, một số dữ liệu bị thiếu. FBI không thể truy cập vào chiếc điện thoại bởi họ không biết mật khẩu.

16/2/2016, thẩm phán Sheri Pym ra lệnh cho Apple tạo ra phần mềm cho FBI. Apple từ chối, và Tim Cook nói rằng nó đã đi quá xa, có thể đe doạ tới bảo mật của tất cả người dùng iPhone. Qua mặt mật khẩu iPhone có nghĩa là Apple sẽ tạo ra một "cửa hậu" trong hệ điều hành iOS, và nó có thể được dùng để mở khoá những chiếc iPhone khác - theo quan điểm Tim Cook.

Apple và FBI xảy ra những tranh cãi gay gắt nhiều tuần sau đó - trong cả hồ sơ pháp lý lẫn các phát biểu trước công luận của đại diện 2 bên. Cuộc tranh cãi chấm dứt vào ngày 21/3 - một ngày trước khi một phiên toà dự kiến được mở - khi FBI tìm được một công ty ngoài để mở khoá iPhone. Nó cho thấy chính phủ Mỹ cuối cùng đã không cần tới sự giúp đỡ của Apple.

Một vụ án khác ở Brooklyn, New York liên quan đến một tay buôn ma tuý cũng diễn ra với kịch bản tương tự, khi FBI không cần tới sự giúp đỡ của Apple sau khi tìm được cách khác để mở khoá chiếc iPhone 5S trong vụ này.

Ở cả 2 lần, ban đầu FBI nói rằng Apple là công ty duy nhất có thể truy cập được vào iPhone. Tuy nhiên, cũng cả 2 lần tổ chức này nhờ được công ty bên thứ ba can thiệp được vào máy. FBI không tiết lộ danh tính công ty này, tuy nhiên, các báo cáo về sau nói rằng đó chính là hãng bảo mật Cellebrite đến từ Israeli. Mới đây, chính Cellebrite bị hacker tấn công ăn cắp dữ liệu, và điều này khiến cho Apple sẽ cảm thấy lo lắng.

Cuộc tranh luận về mã hoá dữ liệu

Ngọn nguồn của cuộc chiến giữa Apple và FBI chính là công nghệ mã hoá được dùng trên chiếc iPhone 5C của tên khủng bố Farook. Công nghệ này trộn lẫn dữ liệu và yêu cầu mật khẩu mới cho phép truy cập. Nếu các nhà điều tra copy dữ liệu trong bộ nhớ ra, dữ liệu vẫn sẽ được bảo vệ bởi mã hoá, và nếu họ nhập sai mật khẩu 10 lần, dữ liệu bên trong sẽ tự động huỷ.

Các hãng công nghệ và những người ủng hộ quyền riêng tư cho rằng, mã hoá là cần thiết để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng. Trong khi đó, chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật đây là rào cản đối với các cuộc điều tra tội phạm, cũng như với hoạt động chống khủng bố. Sự vụ giữa Apple và FBI cũng đã châm ngòi cho hành động của các công ty khác. Ứng dụng nhắn tin WhatsApp (thuộc sở hữu của Facebook) ra mắt tính năng mã hoá đầu cuối (end to end) hồi đầu tháng 4/2016.

Trong thời gian cuộc tranh cãi diễn ra, một bản dự thảo luật bị rò rỉ cho thấy, nếu được thông qua, toà án liên bang Mỹ có quyền ra lệnh các công ty công nghệ như Apple phải giúp cơ quan thực thi pháp luật truy cập dữ liệu được mã hoá. Công ty công nghệ sẽ phải xây dựng "cửa hậu" bên trong sản phẩm của mình, điều mà Apple đang tìm cách chống lại.

Cuối tháng 5/2016, dự thảo luật chưa bao giờ được trình lên Thượng viện Mỹ này chính thức bị dừng lại. Cũng không có thêm dự thảo luật nào về mã hoá được đề xuất ra từ đó tới nay. Điều tuyệt vời hơn nữa đối với bên ủng hộ quyền riêng tư là một nửa traffic internet hiện đã được mã hoá, theo nhà phát triển trình duyệt Firefox là Mozilla.

Tiếp theo sẽ là gì?


Bruce Sewell, luật sư trưởng của Apple.

Bruce Sewell, luật sư trưởng của Apple.

Dù Apple không phải ra toà vì vụ việc của mình, thế nhưng các công ty khác thì vẫn phải chịu những áp lực của riêng họ.

Microsoft và Google đối mặt với các cuộc chiến pháp lý về việc cho phép cơ quan thực thi luật truy cập dữ liệu được lưu trên các dịch vụ đám mây. Tương tự, Amazon bị yêu cầu cung cấp dữ liệu ghi âm của mẫu loa thông minh Echo liên quan tới một vụ giết người ở Arkansas. Microsoft chiếm ưu thế tại toà án khi lập luận rằng hãng không phải cung cấp dữ liệu được lưu trữ ở Ai-len nếu chưa được sự chấp thuận của chính phủ quốc gia này. Google thì không may mắn như vậy. Hồi đầu tháng này, một toà án Mỹ yêu cầu hãng phải cung cấp cho FBI các email được lưu trữ ở máy chủ đặt ngoài Mỹ.

Apple, trong khi đó, tiếp tục tăng cường bảo mật cho các thiết bị mà hãng bán ra. Hồi tháng 8/2016, hãng lần đầu tiên ra mắt chương trình tặng tiền thưởng cho các chuyên gia bảo mật bên thứ ba nếu họ tìm ra được lỗi bảo mật trong các phần mềm mà Apple phát hành. Dạng chương trình này đã được nhiều công ty công nghệ khác tổ chức, còn Apple trước đây chỉ thực hiện nó trong nội bộ công ty. "Táo khuyết" đưa ra mức thưởng lên tới 200.000 USD cho bất kỳ lỗi bảo mật nào được tìm thấy và báo cáo lại cho công ty.

Lá bài của Donald Trump

Donald Trump, Tổng thống mới của Mỹ, có thể sẽ mạnh tay hơn rất nhiều so với Barack Obama trong vấn đề cho phép cơ quan thực thi pháp luật truy cập dữ liệu. Trong suốt quá trình vận động tranh cử, Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích Apple vì không giúp đỡ chính phủ Mỹ hack chiếc iPhone. "Họ nghĩ họ là ai vậy" - Trump tỏ thái độ không hài lòng với Apple. Một lần khác, ông kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Apple cho tới khi hãng này đồng ý mở khoá thiết bị. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ xảy ra. "Họ phải mở khoá nó ra. Chúng ta phải mở nó và chúng ta phải sử dụng cái đầu, trí khôn của mình" - ông nói hồi giữa tháng 2/2016.


Tổng thống Donald Trump có thể cứng rắn hơn nhiều so với ông Obama về chính sách quyền riêng tư.

Tổng thống Donald Trump có thể cứng rắn hơn nhiều so với ông Obama về chính sách quyền riêng tư.

Một số những chính sách của Donald Trump trong những ngày đầu làm Tổng thống Mỹ cũng có thể xem là sự đối đầu với các hãng công nghệ. Ông ra lệnh cấm nhập cư đối với 7 quốc gia hồi giáo lớn, và điều này gây ra sự phản đối từ Apple, Microsoft, cùng hàng tá các công ty khác.

Trump cũng rút lui khỏi TPP, hiệp hội vốn có một điều khoản đảm bảo rằng, không một công ty nào thuộc quốc gia thành viên phải cung cấp mã nguồn phần mềm như một điều kiện để được hoạt động ở quốc gia thành viên khác. Với việc Mỹ không còn là thành viên của TPP, Apple hay các công ty công nghệ Mỹ có thể sẽ phải cung cấp mã nguồn cho chính phủ nước ngoài nếu muốn hoạt động tại đó.

Trong quá trình vận động tranh cử, Trump công kích việc đối thủ Hillary Clinton sử dụng máy chủ riêng. Cuối tháng 1, ông dự kiến sẽ ký một sắc lệnh về an ninh mạng, tuy nhiên, các kế hoạch này về sau bị huỷ bỏ mà không có bất kỳ lời giải thích nào được đưa ra.

Với việc Trump nắm quyền lực của Nhà trắng, và với việc Quốc hội Mỹ bị điều khiển bởi Đảng Cộng hoà, những luật mới chắc chắn sẽ được đưa ra. Điều mà các chuyên gia về an ninh mạng hy vọng đó là, nếu có bất kỳ luật nào liên quan đến mã hoá và quyền riêng tư, nó nên sớm được ký kết thay vì ra đời muộn màng như trường hợp của Đạo luật Patriot (Đạo luật ra đời sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ).

"Quả lắc đã đung đưa dữ dội về phía an ninh quốc gia bởi chúng ta vừa trải qua một cuộc tấn công thảm khốc. Nếu chúng ta chịu một cuộc tấn công nữa, rất có thể con lắc lại tiếp tục đung đưa" - Daniel Rosenthal, một cựu quan chức chống khủng bố của Hội đồng An ninh Quốc gia, hiện đang là phó giám đốc quản lý tại Kroll, một hãng về nghiên cứu doanh nghiệp và tư vấn rủi ro, cho biết.

Theo MT

Cùng chuyên mục
XEM