Cùng theo đuổi mô hình một điểm đến và có sự "bảo trợ" từ chủ đầu tư BĐS: AEON Việt Nam, Vincom Retail đang nắm trọn cơ hội tăng trưởng trở lại của ngành bán lẻ

26/11/2021 10:02 AM | Kinh doanh

Dù rằng kế hoạch này vẫn đang triển khai và chưa có thông tin cụ thể (theo đại diện AEON Việt Nam), tuy nhiên việc "ông lớn" AEON chào sàn được giới đầu tư kỳ vọng sẽ là thương vụ bom tấn về quy mô tiếp theo. Hiện, đơn vị duy nhất cùng ngành có Vincom Retail (VRE, thuộc Tập đoàn Vingroup) đã niêm yết trên sàn với tổng vốn hoá đạt hơn 3 tỷ USD.

Mới đây, tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Motoya Okada - Chủ tịch Tập đoàn AEON - cho biết Công ty đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam. Đặc biệt, Chủ tịch AEON cũng nói về kế hoạch niêm yết Công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về AEON, Tập đoàn vào Việt Nam từ năm 2009 và chính thức Công ty TNHH AEON Việt Nam vào tháng 10/2011. Hiện, AEON đầu tư vào các lĩnh vực bán lẻ, phát triển các trung tâm mua sắm hiện đại với quy mô lớn trung bình khoảng 200 triệu USD cho mỗi trung tâm mua sắm, có quy mô từ 5 - 10 ha.

Hệ thống AEON gồm 8 công ty thành viên, mỗi đơn vị có các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Trong đó, hai công ty mọi người biết nhiều nhất là (1) AEON chuyên bán lẻ (siêu thị, TMĐT…) và (2) AEONMall phát triển và quản lý trung tâm mua sắm.

Mới nhất năm 2020, AEON khai trương TT BHTH & ST tại Hải Phòng Lê Chân với tổng diện tích lên đến 19ha, tổng vốn đầu tư vào khoảng 180 triệu USD.

Ngoài ra, AEON cũng sở hữu 11 cửa hàng tiện lợi Ministop, các cửa hàng chuyên doanh (Glam Beautique, AEON Bicycle, Petemo, Molly Fantasy; cửa hàng đồng giá Daiso)…

Coi Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật, AEON từ năm 2020 đã có kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ hệ thống. Riêng năm 2021, AEON Việt Nam cho biết dù bị tác động bởi Covid-19, Công ty vẫn triển khai kế hoạch mở rộng, cụ thể là phát triển lĩnh vực kinh doanh mới (siêu thị vừa và nhỏ). Sang năm 2022, Công ty sẽ tập trung phát triển các cửa hàng chuyên doanh, sản phẩm nhãn hàng riêng và TMĐT.

Ngành bán lẻ sẽ trải qua sự phục hồi mạnh mẽ

Chia sẻ với chúng tôi về ảnh hưởng bởi đại dịch, AEON cho biết: "Đến nay lượng khách hàng và sức mua vẫn chưa bằng so với 6 tháng đầu năm. Một phần do tâm lý người dân còn lo ngại khi đến nơi đông người để phòng dịch. Nền kinh tế nói chung và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nhiều, chỉ tập trung mua sắm các sản phẩm thiết yếu".

Trong những tháng cuối năm, AEON Việt Nam dự kiến không tổ chức các sự kiện tập trung đông người, chương trình kích cầu tại điểm bán để hạn chế tập trung nơi công cộng; thay vào đó tập trung vào các ưu đãi về giá cho nhu yếu phẩm. Doanh nghiệp còn chuẩn bị về nguồn hàng và nhân lực, kỳ vọng nếu tình hình dịch tiếp tục được kiểm soát như hiện tại, sức mua của người dân trong những tháng cuối năm cũng như dịp Tết Nguyên đán 2022 sẽ dần tăng lên.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nhấn mạnh: "Bằng cách quan sát xu hướng doanh thu của các công ty quốc tế trong 3 ngành hàng chính - thời trang và phụ kiện, mỹ phẩm và F&B, chúng tôi tin tưởng rằng một khi tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát phần lớn và Chính phủ bắt đầu mở cửa trở lại tất cả các hoạt động kinh tế, ngành bán lẻ sẽ trải qua sự phục hồi mạnh mẽ", chuyên gia của VCSC nhấn mạnh.

Kỳ vọng này một phần được thúc đẩy bởi xu hướng mua sắm bù. Thống kê trên các công ty hàng đầu với danh mục thương hiệu toàn cầu và/hoặc mạng lưới bán lẻ rộng khắp, cho thấy dù giảm doanh thu đáng kể trong nửa đầu năm 2020 nhưng sau đó đều ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.

Có thể lý giải điều này bởi 3 nguyên nhân, thứ nhất GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng cao đi đôi chi tiêu tiêu dùng cũng vượt trội so với các nước trong khu vực (ngoại trừ Trung Quốc). Thứ hai, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam vẫn đang diễn ra và còn nhiều dư địa để tăng trưởng, mở đường cho sự thâm nhập cao hơn của bán lẻ hiện đại. Hơn nữa, Hà Nội và Tp.HCM vẫn là hai trong số các thành phố có tỷ lệ thâm nhập thấp nhất trong khu vực tính theo diện tích mặt bằng bán lẻ trên đầu người.

AEON Việt Nam, Vincom Retail đang có lợi thế trước sự tăng trưởng trở lại của ngành bán lẻ

Trong đó, cơ hội lớn dành cho các Trung tâm thương mại (TTTM) - nơi cung cấp trải nghiệm mua sắm "một điểm đến" mà người tiêu dùng có thể tận hưởng trải nghiệm bán lẻ đa dạng bao gồm các phân khúc truyền thống như thời trang, mỹ phẩm bên cạnh F&B, spa, siêu thị, cửa hàng điện tử, rạp chiếu phim hay các dịch vụ giải trí khác. Với diện tích trung bình từ 20.000 m2 đến hơn 100.000 m2, các TTTM cung cấp cho người thuê nhiều diện tích hơn để đem đến nhiều lựa chọn hàng hóa và dịch vụ hơn so với hình thức từng gian hàng nhỏ trong các cửa hàng bách hóa.

"Khái niệm một điểm đến tại các TTTM ở Việt Nam – vốn đã được thiết lập để đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng về mua sắm, giải trí, tương tác xã hội và ẩm thực – sẽ tiếp tục trở nên phổ biến", VCSC nhấn mạnh.

Song song, những đơn vị với lợi thế về vốn kết hợp khai thác cho thuê bán lẻ cũng có vị thế tốt để đón đầu cơ hội lớn từ ngành bán lẻ khi nền kinh tế dần hồi phục. Bởi, việc có nền tảng là một chủ đầu tư bất động sản lớn đồng nghĩa với khả năng đảm bảo quỹ đất trong dài hạn. Khi các công ty cho thuê bán lẻ này mở rộng mạng lưới TTTM có thể thu hút những khách thuê tốt hơn so với những đối thủ cạnh tranh trong cùng khu vực địa lý.

Quy mô và độ phủ của các công ty cho thuê bán lẻ sẽ giúp cả chủ thuê và người thuê dễ dàng mở rộng quy mô cùng nhau. Yếu tố này còn tạo ra rào cản tham gia cao cũng như hạn chế cơ hội phát triển của những công ty khác.

 Cùng theo đuổi mô hình một điểm đến và có sự bảo trợ từ chủ đầu tư BĐS: AEON Việt Nam, Vincom Retail đang nắm trọn cơ hội tăng trưởng trở lại của ngành bán lẻ  - Ảnh 1.

Thực tế, mô hình này sớm được khai thác trên thế giới, kể tên có SM Prime (SM Prime Holdings), Central Pattana (Central Pattana Public Co.) – công ty con của Central Group và AEON (AEON Mall Co.). Tại Việt Nam, Vincom Retail (VRE) là doanh nghiệp đi theo mô hình này với sự "bảo trợ" của Vingroup - chủ đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam. Với những lợi thế nói trên, AEON cũng như VRE hiện kinh doanh khá hiệu quả với biên lãi gộp lên đến 25-26%.

Trong đó, tổng doanh thu của nhóm các công ty AEON tại Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 14.300 tỷ đồng, đóng góp chính là AEON Vietnam với hơn 7.100 tỷ và ACS Trading với 3.800 tỷ đồng. Với việc có thêm các trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động, quy mô doanh số của Aeon Vietnam đã tăng rất ổn định trong năm qua, với mức tăng quân bình 18,5%/năm.

Xét riêng mảng bán lẻ của VRE, bằng việc khai thác 4 nhánh con hướng đến toàn bộ phân khúc mục tiêu của thị trường bán lẻ Việt Nam, doanh thu của VRE tỏ ra áp đảo so với AEON. Giai đoạn 2016-2020, doanh thu VRE tăng quân bình gần 13%/năm và đạt đỉnh cao nhất với 7.000 tỷ đồng vào năm 2019.

Hiện, 4 chi nhánh của VRE gồm (i) Vincom Center: hướng đến khách hàng là hộ gia đình có mức thu nhập trung bình từ 25.000 USD/năm. Các thương hiệu trong Vincom Center thường là những thương hiệu cao cấp trong và ngoài nước. Một số Vincom Center có thể kể đến như Vincom Đồng Khởi, Vincom Center Landmark 81 ở TpHCM, Vincom Center Metropolis, Vincom Center Bà Triệu, Vincom Center Phạm Ngọc Thạch… tại Hà Nội.

(ii) Vincom Mega Mall: khách hàng mục tiêu rộng hơn so với Vincom Center, hướng đến tệp khách hàng hộ gia đình có mức thu nhập từ 5.000USD/năm trở lên. Vị trí của phân nhánh này tọa lạc tại những khu vực phát triển tích hợp như Royal City hay Vinhomes Times City ở Hà Nội.

(iii) Vincom Plaza: gần như khác biệt hoàn toàn so với 2 nhánh con trên và thường nằm ở các quận ngoại ô hoặc ở các tỉnh, thành phố loại 3 trở lên. Hiện nay, ngoài những siêu thị truyền thống thì Vincom Plaza theo giới quan sát gần như chiếm ưu thế tuyệt đối tại khu vực dân cư này.

(iv) Vincom+: phân nhánh trung tâm thương mại mini tại các tỉnh nhỏ nhắm đến phân khúc thu nhập thấp đến vừa. Vincom+ vẫn đáp ứng được những tiêu chuẩn cơ bản của một siêu thị hiện đại. Những nhãn hàng tại Vincom+ đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân với mức giá rất tốt.

 Cùng theo đuổi mô hình một điểm đến và có sự bảo trợ từ chủ đầu tư BĐS: AEON Việt Nam, Vincom Retail đang nắm trọn cơ hội tăng trưởng trở lại của ngành bán lẻ  - Ảnh 2.

Tri Túc

Từ khóa:  aeon , vincom retail
Cùng chuyên mục
XEM