Cùng shark Liên đầu tư 6 tỷ vào mô hình 'Bếp trên mây'', nhưng tư duy "phải có 1 app riêng để giao đồ ăn" của shark Bình liệu có còn hợp thời?

11/05/2021 11:08 AM | Kinh doanh

Shark Bình đưa ra lời khuyên startup Cloud Cook nên làm app riêng, có ứng dụng giao hàng in-house. Thế nhưng thực tế, hầu như những người bán đồ ăn uống đều đã xuất hiện trên các app đặt món thứ ba, trong đó có cả The Coffee House - đơn vị từng lựa chọn một mình đứng ngoài cuộc chơi này.

Trong tập 2, Shark Tank Việt Nam mùa 4 mới đây startup gian bếp chung Cloud Cook gọi số vốn 4 tỷ cho 15% cổ phần. Chia sẻ thêm về ý tưởng kinh doanh của mình, Hoàng Tùng cho biết, hiện có khoảng 200.000 nhà bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn trên thị trường. Cloud Cook sẽ tập trung các nhà bán hàng trên ứng dụng đó về một mô hình bếp trung tâm.

Với mong muốn làm gì đó lớn lao cho ngành F&B Việt Nam, startup đồng ý với đề nghị có sự tham gia shark Liên, Shark Bình với mỗi Shark vào 3 tỷ cho 20% cổ phần, tổng cộng là 6 tỷ cho 40% cổ phần.

Cloud Kitchen cũng là khái niệm được shark Bình nhắc đến khá nhiều trong chương trình Shark Tank mùa trước. Đánh giá về mô hình của Cloud Cook, cá mập công nghệ này cho đưa ra lời khuyên:

"Em sẽ phải chuyển mô hình này sang mô hình bếp trung tâm theo đúng nghĩa của nó là đi nấu và bán, ăn lợi nhuận dựa trên margin bán hàng. Nếu em làm theo mô hình đó thì hệ sinh thái của anh có thể hỗ trợ cho em. Sử dụng các hình thức marketing mới như livestream bán hàng trên mạng xã hội. Thứ 2 nữa là em cần phải có 1 ứng dụng giao đồ ăn in-house. Hiện nay Nexttech đang có ứng dụng vận chuyển tức thời tên là HeyU. Ứng dụng đó có thể kết hợp với Cloud Kitchen này để giảm thiểu chi phí tối đa, cộng với việc phải xây dựng ứng dụng riêng. Trực tiếp chúng ta phải nắm được khách hàng cuối. Càng phụ thuộc vào các app giao đồ ăn kia thì tương lai càng mờ mịt. Có thể một ngày đẹp trời công việc kinh doanh về 0 nếu như họ khóa".

Cùng shark Liên đầu tư 6 tỷ vào mô hình Bếp trên mây, nhưng tư duy phải có 1 app riêng để giao đồ ăn của shark Bình liệu có còn hợp thời? - Ảnh 1.

Những phân tích của shark Bình trên thực tế đã được chuỗi The Coffee House áp dụng trong suốt nhiều năm. Từ khi thành lập, The Coffee House kiên trì theo đuổi triết lý độc lập với các siêu ứng dụng như GrabFood, Now trong khi hàng loạt đối thủ như Highlands Coffee, Phúc Long, Cộng Cà phê… đều gia nhập sân chơi lớn.

"Điều quan trọng nhất khi xuất hiện trên nền tảng thứ ba, The Coffee House phải là đơn vị được trực tiếp phục vụ khách hàng", ông Trung Huỳnh - cựu Giám đốc Công nghệ The Coffee House - chia sẻ tại một sự kiện F&B (Food and Beverage - Kinh doanh nhà hàng và đồ uống) 2 năm trước. The Coffee House đã gần như "tẩy chay" các ứng dụng của bên thứ ba, họ tự xây dựng ứng dụng riêng, tự xây dựng đội ngũ logistics, tự giao hàng (thông qua các đối tác "người nhà" như Ahamove).

Với kênh Delivery (giao đồ ăn), khác với những tên tuổi khác, The Coffee House chủ yếu hợp tác với các ứng dụng theo hướng sử dụng tài xế của nền tảng thứ ba (Ahamove, GrabExpress) để giao hàng. 

Quan điểm một mình một đường của The Coffee House khi đó nhận về khá nhiều quan tâm và thắc mắc. Thậm chí, một cựu lãnh đạo The Coffee House từng khẳng định: "The Coffee House hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn là tự sát". Vị này cho rằng việc các ứng dụng giao đồ ăn đốt tiền khuyến mãi chỉ đem lại giá trị ngắn hạn cho các thương hiệu đồ ăn thức uống. Các thương hiệu rồi sẽ lệ thuộc vào các ứng dụng, mất dữ liệu khách hàng. 

Việc phát triển ứng dụng riêng, phục vụ khách hàng cuối còn giúp The Coffee House đạt được 2 mục đích sau: thấu hiểu hành vi của khách hàng - là điều quan trọng nhất, từ đó có thể ‘xây dựng một hệ thống kinh doanh hiệu quả’.

Nhưng mọi thứ đều thay đổi, chỉ trừ thay đổi.

Sau 5 năm cố thủ, The Coffee House đã có phần thay đổi quan điểm về chiến lược. Mới đây, những người yêu cà phê ở TPHCM nhận ra họ có thể mua The Coffee House đã xuất hiện trên ứng dụng Baemin. Lựa chọn bắt tay với các ứng dụng đặt món hay giao hàng trên thực tế chính là cánh tay nối dài cho các thương hiệu F&B như The Coffee House.

Lý thuyết chỉ màu xám, cây đời mãi xanh tươi. Sự thật là ngay cả những bậc thầy lão làng về ngành F&B như The Coffee House hay là các doanh nhân kinh nghiệm như Shark Bình cũng chưa chắc đã có được câu trả lời và chiến lược trọn vẹn cho các startup. Thị trường - người dùng chính là trung tâm điều phối tất cả. Có chiến lược, có tầm nhìn, kèm với sự linh hoạt ứng biến với thời cuộc mới giúp startup đứng vững trên thị trường.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM