Cửa hàng vật lý đóng cửa nhiều tháng vì giãn cách, chủ shop thời trang vẫn chốt đơn ầm ầm nhờ bán online trên Facebook

04/11/2021 11:38 AM | Kinh doanh

Mặc dù phải đóng cửa gian hàng vật lý do yêu cầu phòng dịch, một cửa hàng bán giày "đo ni" vẫn rất tự tin nhờ 90% nguồn khách hàng hiện đến từ mạng xã hội, và có tới 60% khách hàng sau khi chat và nghe tư vấn thì sẽ đặt hàng.

Chị Lê Phương Anh, chủ thương hiệu giày thiết kế cho nữ Retro.
Chị Lê Phương Anh, chủ thương hiệu giày thiết kế cho nữ Retro.

Đại dịch Covid-19 là đòn giáng mạnh lên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong số đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hứng chịu tác động nặng nề nhất. 

Theo báo cáo về tình hình doanh nghiệp do Facebook công bố gần đây, 76% số SMEs tại Việt Nam hoạt động trên Facebook ghi nhận tình trạng giảm doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là thực trạng chung mà những nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở cả hai giới phải đối mặt ở quy mô toàn cầu, với 53% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và 51% doanh nghiệp do nam giới làm chủ báo cáo sụt giảm doanh thu.

Tuy nhiên, trong khó khăn, các nữ doanh nhân cũng cho thấy ý chí và sức bền của mình. Khảo sát cũng chỉ ra rằng, tại Việt Nam, có tới 87% số SMEs do phụ nữ làm chủ hiện vẫn đang tiếp tục vận hành hoặc tham gia vào các hoạt động tạo ra doanh thu, cao hơn đáng kể so với con số 78% doanh nghiệp dẫn dắt bởi nam giới.

Sự ra đời của các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội và nền tảng tin nhắn không chỉ giúp các doanh nghiệp mở rộng phạm vi kinh doanh, mà còn giúp chính người tiêu dùng tìm kiếm và thỏa mãn các nhu cầu mua sắm có tính cá nhân hóa. 

Lê Phương Anh đã thành lập thương hiệu Retro từ năm 2013, đem đến cơ hội để mọi cô gái được đi đôi giày "đo ni" vừa vặn nhất.

Kinh doanh mặt hàng giày thiết kế dành cho nữ, cửa hàng của Phương Anh nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường và sở hữu tập khách hàng "thân thiết" có tỷ lệ mua lại sản phẩm cao. Điều này cũng khiến Phương Anh nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì kết nối với người mua giai đoạn sau bán hàng, tận dụng nền tảng tin nhắn.

Mặc dù phải đóng cửa gian hàng vật lý do yêu cầu phòng dịch, shop này vẫn sống khỏe qua dịch nhờ 90% nguồn khách hàng hiện đến từ kênh mạng xã hội (Facebook), và có tới 60% khách hàng sau khi trò chuyện và tư vấn qua chat sẽ đặt hàng. 

Tính đến tháng 8/2021, doanh thu của Retro vẫn đạt mức tăng trưởng 20% trong bối cảnh cao điểm giãn cách xã hội.

Khác với Retro, một thương hiệu được khởi xướng từ việc đáp ứng nhu cầu đặc thù, shop bạc của Đặng Thị Mai lại là sự tiếp nối và nâng tầm của một di sản truyền thống. 

Sinh ra trong một gia đình chuyên nghề làm bạc, Đặng Thị Mai luôn ấp ủ ước mơ phát triển nghề của cha ông, đưa các sản phẩm tinh xảo, chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

Nắm bắt nhu cầu đối với những sản phẩm trang sức bạc có kiểu dáng hiện đại, bắt mắt và giá thành phải chăng, chị Mai đã thành công trong việc tạo lập một thương hiệu bạc trang sức rất được lòng giới trẻ. Với tính chất độc đáo và thẩm mỹ của sản phẩm kim hoàn, khách hàng của Shop Bạc thường yêu cầu tư vấn rất kỹ, trực tiếp trao đổi các phương án chế tác sao cho ưng ý nhất trước khi ra quyết định "chốt đơn".

Cửa hàng vật lý đóng cửa nhiều tháng vì giãn cách, chủ shop thời trang vẫn chốt đơn ầm ầm nhờ bán online trên Facebook   - Ảnh 1.

Các sản phẩm của Shop Bạc khá hiện đại và trẻ trung.

Do đó, ngay từ những ngày đầu lập fanpage, chị Mai đã rất chú trọng củng cố kênh đối thoại trực tiếp với khách hàng qua chat, giúp xử lý đơn hàng nhanh chóng, điều chỉnh kịp thời, cũng như nắm bắt xu hướng, sự thay đổi thị hiếu của khách hàng.

"Doanh nghiệp cần chuyển đổi, thích ứng với thói quen mua sắm online của người dùng. Các nền tảng mạng xã hội vẫn luôn là kênh quảng bá trực tuyến cực kỳ hiệu quả đối với DNVVN cũng như các startup non trẻ, giúp tối ưu ngân sách, tiếp cận các đối tượng khách hàng tiềm năng, đồng thời giữ chân khách hàng thân thiết", chị Mai khẳng định.

Với xu hướng "Thương mại Khám phá" (Discovery Commerce), những cuộc hội thoại trực tuyến, những dòng tin nhắn cập nhật hai chiều giữa thương hiệu và người dùng đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy doanh số, sự thấu hiểu và tín nhiệm dành cho thương hiệu, cũng như sự tự tin cho các DNVVN trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM