'Cửa hàng tiện lợi bất tiện': Cuốn sách cảnh tỉnh lối sống coi trọng tiền bạc bán chạy nhất mọi thời đại tại Hàn Quốc

02/10/2022 17:48 PM | Kinh doanh

'Cửa hàng tiện lợi bất tiện' đã bán được hơn 700.000 bản tại Hàn Quốc và được xuất bản ở bảy quốc gia khác trên thế giới trong đó có Việt Nam.

"Cửa hàng tiện lợi bất tiện" được lấy tên từ chính không gian diễn ra các câu chuyện – một cửa hàng tiện lợi Always ở khu phố nhỏ Cheongpa-dong bình dân của thành phố Seoul. Cửa hàng sở dĩ có cái tên trái ngược như vậy là bởi khách hàng ít lui tới, nên người chủ cũng hạn chế trong việc nhập hàng hóa, và không thể bán giá cả mềm mại như các siêu thị lớn; nên "tiện lợi" mà vẫn phải kéo thêm hai chữ "bất tiện". Cái vòng luẩn quẩn vì khách ít nên hàng ít, giá cao; vì hàng ít, giá cao nên khách hàng càng ít, khiến cửa hàng luôn ở trong nguy cơ phá sản. Sức mạnh tồn tại của nó đến từ sự bác ái của bà chủ cửa hàng, người luôn nỗ lực duy trì sự tồn tại của cửa hàng, vì nó mang đến sinh kế cho ba người nhân viên làm việc bán thời gian tại đó.

Chính sự nhân ái của người chủ đã dẫn đến sự xuất hiện của một nhân viên trông ca tối: một người vô gia cư to lớn, thô kệch như một con gấu, mắc tật nói lắp. Dokgo – tên họ mà như không phải tên họ vì nó có nghĩa là "một mình cô độc" - từng giúp bà chủ lấy lại được túi xách chứa 40 nghìn won cùng tất cả giấy tờ quan trọng mà bà bị lấy mất ở ga Seoul mà không hề nhận tiền cảm ơn của bà.

Từ một người vô gia cư hôi hám, sống nhờ thức ăn của các điểm phát cơm từ thiện, lấy một góc tối trong nhà ga Seoul làm chỗ ngủ, Dok-go được ứng trước lương để tắm gội, mua quần áo mới, thuê một góc nhỏ để ngả lưng khi hết giờ làm. Anh cũng chấp nhận bỏ uống rượu theo đề nghị của bà chủ, dù việc này ban đầu khiến anh thấy vô cùng khổ sở.

Dù không nhớ mình là ai, từ đâu đến, gia đình người thân thế nào; nhưng sự nhanh nhạy của anh trong việc nắm bắt những kiến thức công việc mới; "cái uy" trước những vị khách hàng khó tính hay những kẻ trộm vặt, gây rối cửa hàng… khiến những nhân viên làm cùng nể phục và bớt dần ác cảm với anh.

Dok-go cũng thể hiện tư chất của anh trong việc sắp xếp lại sản phẩm bày biện trong cửa hàng, ghép sản phẩm để tạo ra nhóm sản phẩm mới có khuyến mãi để khuyến khích việc mua hàng, sẵn sàng hỗ trợ giao hàng tận nơi cho những người già trong khu phố, ghi nhớ và chiều theo thói quen của khách hàng, gợi ý khách mua hàng một cách khéo léo… tất cả những điều này giúp cửa hàng có thêm khách hàng và doanh thu được cải thiện rõ rệt.

Không chỉ cải thiện việc kinh doanh ở cửa hàng, quan trọng hơn là thông qua quá trình giao tiếp với những khách hàng Dok-go cũng tìm hiểu và giúp nhiều người giải quyết những vấn đề nan giải của họ - những cá nhân được nhìn nhận như những kẻ thất bại, thua cuộc thảm hại trong cuộc sống của mình.

Đó là Kyung-man, người chồng, người cha của hai đứa trẻ sinh đôi sắp vào cấp 2, làm việc trong mảng kinh doanh, nhưng công việc bao năm nay không hề tiến triển, thu nhập ít ỏi có thể mang về cho vợ khiến anh ngày càng cảm thấy vai trò của mình trong gia đình bị xem nhẹ, dần dần anh sinh ra chán nản, luôn phải tự tìm niềm vui bằng những chai rượu, hộp mì tôm và chiếc bánh kimbap đơn giản trong cửa hàng tiện lợi lúc cuối ngày; rồi lơi lỏng mối quan hệ với vợ con.

Đó là bà Oh, người làm ca sáng trong cửa hàng tiện lợi cùng Dok-go. Bà không thể kết nối với người con trai đã ngoài 30 tuổi, tốt nghiệp đại học uy tín, từng làm việc cho một tập đoàn lớn nhưng đột nhiên lại bỏ việc và trở thành như đứa trẻ to xác, tối ngày chỉ đâm đầu vào các trò game bắn giết vô bổ.

Đó là Kwak, trước đây từng là cảnh sát nhưng bị mất việc bởi một lần nhận hối lộ, hành nghề thám tử tư, thực hiện những công việc nằm trong lằn ranh mong manh của sự hợp pháp và bất hợp pháp, cuối cùng đã bị vợ con từ bỏ.

Đó còn là Minsik, con trai của chính bà chủ cửa hàng tiện lợi, bị ép buộc đi theo con đường học vấn gia đình đã vạch sẵn, sau khi tốt nghiệp đại học Minsik đã quyết tâm làm giàu bằng mọi cách để người khác kính nể mình. Khi công việc kinh doanh thất bại, anh ta quay về và chỉ nhăm nhe thúc giục mẹ bán bỏ cửa hàng tiện lợi, để lấy vốn đầu tư cho một dự án khởi nghiệp mà Dok-go biết chắc nó sẽ thất bại.

Quá trình giúp đỡ người khác cũng là quá trình Dok-go dần lấy lại được trí nhớ của mình. Hóa ra anh đã từng là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ lành nghề, nhưng việc ham hư danh, đề cao đồng tiền đã khiến anh chấp nhận tiếp tay cho một lão viện trưởng viện phẫu thuật thẩm mỹ sẵn sàng làm những việc sai trái để kiếm tiền. Cái chết của một cô gái trẻ khi phẫu thuật thẩm mỹ, khiến Dok-go phải tạm thời nghỉ việc, cộng thêm sự giấu giếm của anh cũng khiến vợ con anh sợ hãi, xa lánh anh. Thất vọng Dok-go đã tìm đến rượu, đánh mất sự tỉnh táo và cuối cùng anh trở thành một người vô gia cư cho đến khi gặp được bà chủ cửa hàng tiện lợi tốt bụng.

Câu chuyện của Dok-go và những nhân vật xoay quanh trong cuốn tiểu thuyết bán chạy tại Hàn Quốc "Cửa hàng tiện lợi bất tiện" phơi bày mặt khuất của xã hội Hàn Quốc khác hẳn so với những thước phim đầy hào nhoáng được trình chiếu trong các bộ phim chiếu vào giờ vàng tại Việt Nam. Ở đó có rất nhiều thị dân, có thể do không chống chọi lại được áp lực từ kỳ vọng của người thân, có thể do không chống lại được cám dỗ của danh vọng, tiền tài, đã bất chấp tất cả để kiếm tiền, làm giàu; cuối cùng đã chuốc về thất bại kinh tế, sự nghiệp lẫn cuộc sống gia đình. Lại có những người bị áp lực của tiền tài đã tự tay đẩy mình đến bờ vực rạn nứt tình thân.

Tất cả họ, may mắn sao, qua những lời gợi ý khuyên bảo của người vô gia cư mắc tật nói lắp kỳ lạ, cuối cùng đã nhìn lại chính bản thân mình, và thay đổi cách nhìn với công việc, đồng tiền, cách cư xử với người thân, nỗ lực thực hiện việc hàn gắn, cuối cùng đã thay đổi cuộc sống của mình như chính Dok-go.

Trong bối cảnh những tiến bộ về công nghệ thông tin, mạng xã hội đang làm thay đổi cách thức giao tiếp, cách nhìn nhận xã hội và quan điểm sống của rất nhiều người dân Việt Nam như hiện nay, khiến một bộ phận không nhỏ người trưởng thành coi trọng lối sống thực dụng, vật chất, sẵn sàng bất chấp mọi thứ để kiếm được tiền và hưởng thụ… "Cửa hàng tiện lợi bất tiện" như một hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người hãy biết nhìn lại, tiếp đó đưa ra những quyết định sáng suốt nhất cho cuộc sống của chính mình, nhất là mối quan hệ với người thân trước khi quá muộn và trở thành những kẻ thất bại thảm hại trong cuộc đời.

Tác giả cuốn tiểu thuyết "Cửa hàng tiện lợi bất tiện" Kim Ho Yeon đến với nghệ thuật đầu tiên bằng con đường viết kịch bản phim. Anh là biên kịch của nhiều cuốn phim truyện, phim hoạt hình trước khi bắt tay vào việc tiểu thuyết. Trong tác phẩm bán chạy hàng đầu Hàn Quốc này, bên cạnh chất văn học thể hiện trong cách xây dựng câu chuyện, tuyến nhân vật, lối hành văn… độc giả dường như vẫn cảm nhận được đâu đó hơi hướng của một kịch bản phim nhiều tình tiết bất ngờ, hấp dẫn người xem. Và rất có thể họ sẽ sớm được xem phiên bản điện ảnh thú vị của tác phẩm này trong thời gian không xa.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM