img
Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 1.

Chủ đề "Đối mặt với phá sản" được ông đồng ý trò chuyện cùng tôi vào lúc này liệu có phải bởi vì gốm sứ Minh Long đang đối diện với những khó khăn rất lớn do đại dịch Covi-19 gây nên?

Ông Lý Ngọc Minh: Không phải. Covid-19 đã khiến toàn cầu bị ảnh hưởng, không riêng gì Việt Nam mình, tất nhiên Minh Long cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng Minh Long chúng tôi có hướng phát triển hơi khác thường một chút.

Tôi vẫn hay nói tếu với anh chị em trong công ty là "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Mình có con đường vạch sẵn rồi, chiến lược rõ ràng rồi nên mọi biến động chỉ khiến mình nhanh hay chậm thôi, chứ không thể thay đổi bản chất của chiến lược lâu dài đã định sẵn.

Lúc bình thường, trong sản xuất, Minh Long có rất nhiều việc cần cải tiến, nhưng con tàu đang chạy vùn vụt vậy, không thể dừng lại mà sửa chữa. Covid-19 đến, thay vì đẩy mạnh sản xuất, bán hàng thì chúng tôi chuyển sang tập trung thiết kế, nghiên cứu và đại tu, nâng cấp máy móc, thiết bị. Chúng tôi tập trung thiết kế thêm nhiều sản phẩm mới để phục vụ cho xu hướng mà hiện giờ người ta đang hướng đến, đó là sức khỏe. Doanh số có xuống, nhưng Minh Long vẫn có rất nhiều việc phải làm, không có ai vì dịch này mà bị giảm lương hay nghỉ việc.

Minh Long được thành lập từ năm 1970, tính đến nay là tròn 50 năm rồi, ông đã từng đối diện với khó khăn hay nguy cơ chưa?

Ông Lý Ngọc Minh: Tôi đồng ý trò chuyện với bạn là bởi vì cuộc đời tôi từ lúc sinh ra cho đến bây giờ toàn gặp khó và phải vượt khó.

Vượt lên khó khăn với người trẻ bình thường cũng đã cần nhiều nghị lực. Với một đứa trẻ mồ côi, lớn lên trong thời chiến tranh nghèo khó, không có điều kiện đến trường lại càng khó khăn hơn. Nhưng cũng vì hoàn cảnh đó nên mình phải luôn luôn phấn đấu, vượt lên cho kịp người ta.

Luôn tâm niệm như vậy nên tôi thấy không có việc gì là khó hết, hoàn cảnh đã tôi luyện cho mình bản lĩnh và kiên nhẫn hơn. Tôi cũng đã bén duyên với các đầu sách học làm người, đọc nhiều để học, để có vốn sống tốt hơn.

Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 2.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng câu chuyện ngày hôm nay. Nếu Covid-19 không làm khó được Minh Long thì điều gì mới là khó khăn lớn nhất vào lúc này?

Ông Lý Ngọc Minh: Đó là làm sao thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam biết rằng sản phẩm của Minh Long có chất lượng cao ngang châu Âu và giá thành rẻ hơn các loại hàng kém chất lượng, buôn bán không nộp thuế, phá giá, trôi nổi trên thị trường.

Ngay từ đầu, sách lược của Minh Long là đầu tư vào chất lượng. Nguyên tắc của Minh Long là chỉ nhập những thiết bị từ những hãng tốt nhất thế giới, đứng thứ hai tôi cũng không nhập.

Cũng là một kiểu lò nung, người ta chỉ dùng những loại tốt có giá từ 100 – 200 ngàn USD thôi, còn Minh Long mua lò có giá từ 2 - 3 triệu USD. Chỉ một cái lò của Minh Long đã gấp 10 lần lò của nơi khác, huống chi hệ thống máy móc thiết bị...

Rồi năng lượng, thường người ta nung chỉ trên dưới 1.280 độ, Minh Long nung sản phẩm ở 1.380 độ. Mà từ mức nhiệt 1.280 độ lên tới 1.380, tuy chênh nhau có trăm độ thôi nhưng đòi hỏi năng lượng tốn gấp đôi, nên giá thành khá đắt. Cho nên đồ Minh Long sản xuất ra không tốt mới lạ. Đồ tốt mà giá rẻ mới lạ chứ giá đắt có gì lạ đâu.

Ngày xưa chúng tôi thường nghĩ rằng, cố gắng làm cho bằng được mơ ước của mình là sản xuất được sản phẩm chất lượng như của châu Âu (của Đức) để có thương hiệu. Đồng thời cũng để mọi người biết rằng, để có sản phẩm vượt sự mong đợi của khách hàng thì sản phẩm tốt có đắt mấy cũng sẽ có người mua.

Điều đó không sai vì trong cuộc sống, ta sẽ gặp người mơ những giấc mơ giống mình. Nhưng để bán rộng rãi cho mọi người thì phải là đồ công năng tốt và giá hợp lý.

Sự thực từ lâu cũng đã chứng minh không phải người có nhiều tiền mới dùng đồ Minh Long đâu.

Thời điểm mới ra bộ bình trà Sơn Hà - Cẩm Tú và Quốc Sắc - Thiên Hương, riêng bộ Sơn Hà tôi không bán, chỉ để tặng quốc khách. Bộ Quốc Sắc với màu đỏ chủ đạo được đem đi trưng trong một cửa hàng ở Cần Thơ.

Hàng trưng bày tới ngày thứ 3 thì có người phụ nữ bán rau cải vô xin gặp ông chủ đại lý hỏi giá. Bộ trà lúc đó khoảng 15 triệu đồng, tức khoảng 1.000 USD. Bà ấy muốn mua nhưng nói khó trả hết một lần, xin mua trước trả sau mỗi tháng 500 ngàn đồng, cam kết trả hết trong 3 năm. Ông chủ cửa hàng gọi điện thoại ngay cho tôi, lúc đó tôi nhớ khoảng tầm 4 - 5 giờ chiều, để hỏi. Tôi mới hỏi, vậy anh nghĩ sao?

Đầu dây bên kia ngập ngừng rồi nói: "Điên sao không bán!"

Tôi nói: "Anh quyết định đúng"

Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 3.

Và đúng vậy, hơn một năm sau, bà ấy trả hết tiền nợ và quay lại mua thêm bộ đồ ăn với giá gấp 3 - 4 lần bình trà (khoảng 45 – 50 triệu đồng). Vẫn xin cho trả nợ trong 3 năm, nhưng thực ra hơn một năm bà ấy lại trả hết.

Có lần đến tháng trả tiền nợ, ông chủ cửa hàng hỏi: "Bộ trà này giá cao với chị như vậy, sao chị lại mua?"

Bà ấy đáp: "Ngày nào tôi đi qua đây cũng ghé nhìn bộ trà này. Tôi rất thích màu đỏ. Lúc đứng ngoài đường chợt nhìn thấy nó, tôi nghĩ đi làm mệt về được ngắm nó là tôi cũng khỏe rồi". Và bà ấy nói tiếp: "Một mai tôi ra đi, bộ trà này tôi để lại cho con, chỉ mong nhìn bộ trà nó nhớ về mẹ!"

Tôi vẫn nói với các con của mình về chuyện người phụ nữ miền Tây này. Chính những người khách với giấc mơ của họ đã làm nên tên tuổi của Minh Long.

Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 4.

Như vậy có nghĩa là việc chọn phân khúc cao cấp đã từng mang lại "đại họa" cho Minh Long thưa ông?

Ông Lý Ngọc Minh: Không đúng. Vì sản phẩm cao cấp đã tạo nên thương hiệu cho Minh Long.

Khi bạn làm được hàng tốt rồi bán được hàng có giá trị cao, bạn sẽ mơ về những giấc mơ lớn hơn. Nên Minh Long mới dồn hết tiền vào máy móc, thiết bị, nguyên liệu và công nghệ để đạt được giấc mơ về sự hoàn hảo. Nhưng những biến động bất lợi thường không lập tức xuất hiện cho bạn thấy đâu.

Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 5.

Khoảng 15 năm trước, Minh Long phát triển rất mạnh thì giá gas cũng tăng rất nhanh. Thời điểm mới bước vào sản xuất chén dĩa, khoảng năm 1995 - 1996, thì giá gas chỉ 300 USD/tấn. Sau đó gas tăng lên 600 - 800 USD/tấn, mình vẫn sản xuất tốt. Nhưng khi nó leo thang lên mức 1.600 - 1.800 USD/tấn, mình mới thấy đang đứng trước một thách thức quá lớn như đứng trên bờ vực (2005 – 2010).

Lương công nhân thuở ban đầu chỉ khoảng 70 - 80 USD/người/tháng. Nhưng cho tới ngày giá gas đạt đỉnh thì chi phí phải trả cho một người lao động ở Minh Long đã lên tới hơn 200 USD/tháng. Và nó cứ tiếp tục tăng không ngừng.

Tác động kép trong dây chuyền sản xuất mới kinh khủng. Lương và giá năng lượng tăng kéo theo hàng loạt mức tăng khác của nguyên liệu, vận chuyển… Tất cả mọi yếu tố cấu tạo nên đầu vào của sản phẩm gốm sứ đều lên giá vù vù.

Đầu tư máy móc loại mắc tiền để sản xuất sứ cao cấp, lò xịn của Ried Hammer để đốt nhiệt độ cao, nguyên liệu tinh khiết... đều đã được nhập về nhà máy hết. Tiền vốn đầu tư hàng tháng phải trả lãi rất nhiều. Áp lực vay mượn khủng khiếp. Mọi thứ dồn dập như vậy mà hàng của Minh Long lại ở mức giá không thể tăng được nữa. Thời điểm đó, nếu duy trì sản xuất như cũ với công nghệ cao thì sẽ lỗ to.

Hồi đó, chúng tôi biết mình chỉ có hai con đường. Một là một cuộc cách mạng gì đó, tìm ra đường sống cho công ty. Hai là quay trở lại sản xuất kiểu thủ công cổ xưa. Nhưng Minh Long không muốn điều đó xảy ra.

Cũng có nhiều góp ý cho rằng, muốn thoát khỏi tình trạng đó, Minh Long chỉ còn cách giảm giá thành sản xuất. Nghĩa là xuống nhiệt độ hoặc bớt nguyên liệu đắt tiền, mua loại nguyên liệu xấu, rẻ hơn để làm ra đồ rẻ tiền. Nhưng làm cách đó thì tôi không bao giờ cho phép.

Cuối cùng, tôi quyết định "mở đường máu" bằng cuộc cách mạng nung (đốt) 1 lần lửa (công nghệ đang sản xuất là nung 2 lần lửa).

Hơn nửa cuộc đời tôi vất vả và hạnh phúc là để sản xuất sứ chất lượng cao, đốt 2 lần lửa như châu Âu. Chính châu Âu làm đồ gốm sứ tốt hơn nhiều nước châu Á là vì họ họ đốt 2 lần. Nếu giờ mình theo chất lượng châu Âu mà chỉ đốt 1 lần, nếu không đạt chất lượng như họ thì thành giảm chất lượng.

Con trai tôi nói: "Ba! Chuyện này là chuyện sống còn. Không phải là chuyện mất tiền mà là mất cả thị trường!"

Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 6.

Lên cũng không được, xuống cũng không xong. Nhưng rõ ràng ngày hôm nay Minh Long đang dùng công nghệ đốt có 1 lần thôi mà. Cuối cùng là ông vẫn xuống nước ư?

Ông Lý Ngọc Minh: Đúng mà không đúng. Cuối cùng tôi chọn đi con đường chưa có ai đi thành công để đi đến thành công như hôm nay.

Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 7.

Phàm là người làm nghề gốm sứ ai cũng mơ chỉ cần đốt lò 1 lần mà ra được bình đẹp, ra được ấm hoàn hảo. Bởi đốt 1 lần sẽ giảm đi rất nhiều năng lượng và công sức. Từ Âu sang Á làm nghề sứ ai cũng muốn làm được điều này, nhưng chưa ai thành công.

Có một câu mà cho đến giờ này tôi vẫn giữ hoài, đó là "ngay cả khi bạn không còn cách nào khác nữa thì bạn vẫn có cách". Tức là không thể nào không có cách được. Nếu mà không có cách thì thế giới không bao giờ có tiến bộ.

Nung 1 lần, lại nung ở nhiệt độ rất cao thì đồ lỗi rất nhiều. Bởi vì nhiệt độ cao giống như độ khó của kỳ thi, càng lên cao thí sinh rớt càng nhiều. Không phải ai cũng đủ năng lực để chiếm bảng vàng. Chất lượng sứ cũng vậy.

Nếu chỉ cần bỏ tiền gas gấp đôi để đạt được nhiệt độ 1.380 độ cho 1 lần đốt mà hàng ra chất lượng tuyệt hảo thì thế giới này người ta đã làm từ lâu rồi. Chính vì làm sứ chất lượng cao khó như vậy nên châu Âu mới phải đốt 2 lần.

Trong đó, nhiều hãng đã mất 8 – 10 năm trời mà cuối cùng cũng bỏ cuộc. Chỉ có Minh Long kiên trì đến nay hơn 15 năm mới tạm gọi thành công, nhưng còn phải tiếp tục hoàn thiện.

Từ 2007 cho đến 2015, Minh Long đã phải sáng tạo rất nhiều kỹ thuật, công nghệ. Trong đó giải pháp mang ý nghĩa quyết định đến thành công của đốt 1 lần là xử lý hệ thống lọc nước và không khí. Xử lí nguyên liệu đầu vào và cải tiến hệ thống nung đốt.

Nước - phải lọc theo tiêu chuẩn cao nhất để pha chế nguyên liệu luôn đạt hiệu quả trung tính và tinh khiết. Khí - phải đảm bảo trong vòng 3 phút có thể đưa một lượng lớn vừa sạch vừa có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 10 độ vào các xưởng khép kín, bảo đảm sự tinh khiết về môi trường cho các sản phẩm cần đốt một lần đạt hiệu quả cao, ít hư hỏng.

Bước cuối cùng là huấn luyện, đào tạo lại thợ gốm cho phù hợp với quy trình công nghệ mới.

Có những lúc kết quả thử nghiệm làm cho tất cả mọi người, từ cậu công nhân lựa hàng cho đến chính tôi kiệt sức, chán nản vô cùng khi nhiều mẻ hàng phải bỏ. Đánh đổi cho cuộc "thoát xác" đó là đến ngày hôm nay, trong kho công ty vẫn còn hàng trăm tỷ hàng hóa sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng phân loại của Minh Long.

Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 9.
Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 10.

Sau lần đó chắc ông "dễ thở" hơn rồi chứ?

Ông Lý Ngọc Minh: Nhờ quyết chí nên chúng tôi đạt được thứ mong ước.

Cách nay khoảng 7 - 8 năm, Giám đốc của thương hiệu gốm sứ lớn 260 năm của Đức có sang Việt Nam muốn thuê Minh Long gia công, nhưng tôi không đồng ý bởi vì khi nhận gia công là mình phải theo thương hiệu của người ta. Ba năm liên tiếp, người đứng đầu thương hiệu này vẫn tỏ ý mong muốn được hợp tác, nhưng tôi muốn sản phẩm mình làm ra phải có thương hiệu Minh Long.

Trò chuyện nhiều lần, vì quý nên ông ấy mời tôi sang Đức thăm quan công ty họ. Hồi đó ông ấy nói: "Ông là người ngoài đầu tiên được vô hãng của tôi". Chính xác ra tôi là người Việt Nam đầu tiên đã đành, mà cũng là người Đông Nam Á đầu tiên làm trong nghề sành sứ được vào nơi cơ mật nhất của hãng này. Để bảo mật công thức, bảo mật sở hữu trí tuệ thì không ai cho người ngoài vô hãng mình cả, họ muốn giữ bí mật công nghệ.

Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 11.

Ngoài chất lượng, Minh Long còn có được điều gì khác nữa?

Ông Lý Ngọc Minh: Từ khi áp dụng công nghệ đốt 1 lần lửa vào sản xuất chén đĩa, năng suất đã tăng gấp đôi so với công nghệ cũ. Nghĩa là 1.500 nhân công trong một ngày trước đây làm ra 50.000 - 60.000 sản phẩm thì bây giờ đã tăng lên 100.000 - 120.000 sản phẩm mà số lượng người làm chỉ còn một nửa (700 – 800 người).

Cùng lúc đó, thời gian của chu kỳ sản xuất được rút xuống chỉ còn 3 ngày so với 15 ngày như trước. Nhờ vậy giá thành sản phẩm của Minh Long bây giờ được giảm xuống rất nhiều.

Người dân nước ta đâu có biết, vẫn cứ tưởng hàng Minh Long mắc tiền lắm. Trong khi đó có rất nhiều bộ đồ ăn chúng tôi dành cho những người thu nhập thấp, được sản xuất bằng công nghệ cao với giá mà công nhân lương thấp nhất hiện nay cỡ 4 - 5 triệu đồng/tháng vẫn mua được. Bộ đồ ăn chất lượng của Đức mà giá chỉ 400.000 – 500.000 đồng tiền Việt, như vậy nếu so sánh và sử dụng thì chất lượng còn rẻ hơn cả giá của hàng sứ trôi nổi ngoài thị trường rồi.

Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 12.

Sau nhiều khó khăn, bây giờ điều ông muốn là gì?

Ông Lý Ngọc Minh: Có lẽ điều tôi muốn bây giờ là tìm gặp được bà khách bán hàng bông ngày xưa. Gặp được, tôi muốn tặng bà ấy bộ nồi sứ mà nhà tôi đã dùng suốt 3 năm nay. Bởi vì tôi cần khoe với bà ấy về một giấc mơ mới, không chỉ dành riêng cho ai đâu mà dành cho tất cả người Việt Nam.

Đến thời điểm này, điều mà tôi tâm huyết nhất là hướng đến sức khỏe cộng đồng bằng cách làm một cuộc cách mạng trong nhà bếp chứ không chỉ dừng lại ở trên bàn ăn hay chén trà. Đó là câu chuyện về sứ dưỡng sinh.

Thường thì chúng ta đi làm cả ngày dài về ai cũng mệt mỏi, nói chuyện vô bếp thì không có hứng thú chút nào. Nồi sứ dưỡng sinh mà tôi nghiên cứu không những giữ gìn và sản sinh ra những dưỡng chất tốt cho cơ thể sống, mà nó còn có nhiều tính năng khác nữa.

Xin cảm ơn ông!

Cú mở đường máu của ông chủ Gốm sứ Minh Long và tâm nguyện kỳ lạ của người phụ nữ bán hàng bông - Ảnh 13.
Hạ Tiên
Hải Long
Theo Nhịp Sống Việt/ Tổ Quốc19/08/2020

Trí Thức Trẻ