img
Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 1.

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 2.

Người ta bảo bánh Trung Thu vốn là bánh của Tàu. Người ta kể vanh vách sự tích ông Chu Nguyên Chương, ông Lưu Bá Ôn dấy binh khởi nghĩa, để truyền tin bí mật cho nhân dân, các ông nghĩ ra cách làm một loại bánh có nhân đặc, rồi nhét giấy vào, lẫn trong mứt bí, lạp xưởng, thịt mỡ,... Sau này, người Trung Quốc vẫn dùng bánh nướng, bánh dẻo để kỷ niệm sự kiện khởi nghĩa vào đêm trăng rằm tháng Tám ấy. Chẳng rõ thực hư thế nào, chỉ biết có những món ăn một khi đã vượt qua giá trị ẩm thực để nhập thân vào giá trị truyền thống, thì tuyệt nhiên không cần rạch ròi ranh giới, xuất xứ. Ta hãy cứ hiểu với nhau, bánh Trung Thu nguồn gốc là từ Tết Trung Thu. Có Tết Trung Thu sẽ có bánh Trung Thu.

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 3.

Kể chuyện xuất xứ ngoại lai một chút để thấy rằng, sở dĩ bánh Trung Thu được đón nhận trên đất ta như thế, một phần là bởi đất Việt ta là đất của đạo Mẫu. Đạo Mẫu không chỉ là tôn giáo, mà còn ăn sâu vào văn hóa, vào tiềm thức, nếp sống hằng ngày của người Việt. Mà bánh Trung Thu - bản thân nó là một loại bánh đẹp vô cùng "đạo mẫu", vô cùng phụ nữ.

Nó phụ nữ ngay từ hình thức. Chẳng hay muốn hỏi vọng lại từ cái thời ông Chu Nguyên Chương, rằng sao ông lại chọn hình vuông, hình tròn để mà làm bánh? Thế rồi tại sao lại làm đến hai loại bánh, đã sinh bánh nướng lại còn sinh thêm bánh dẻo? Người thì luận cái bánh ấy ra đất - trời. Rằng bánh nướng vuông, nâu, rắn chắc tượng trưng cho đất; bánh dẻo trắng, tròn, mềm mại tượng trưng cho trời. Còn như tôi thì lại thấy bánh nướng - bánh dẻo nhìn trông thế nào cũng ra đàn ông - đàn bà.

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 4.

Này nhé, bánh nướng hình vuông, vỏ nâu rắn chắc, rõ ràng một gã đàn ông vững chãi. Còn bánh dẻo trắng, tròn, có khi còn "đàn bà" hơn cả "bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương. Lại nghe một nghệ nhân làm bánh nướng, bánh dẻo kể chuyện, công thức chuẩn của một chiếc bánh nướng là ba phần nhân một phần vỏ, bánh dẻo là ba phần vỏ một phần nhân. Nghe vậy bỗng dưng không tránh khỏi cảm giác liên tưởng đến câu ca dao quen thuộc:

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 5.

Đàn bà thì vỏ dày, nhân mỏng, tưởng mình sâu sắc mà cũng chỉ cỡ cái "cơi đựng trầu" thôi. Còn đàn ông vỏ mỏng, nhân dày, cứ cho là nông nổi thì anh ta cũng nông nổi như cái "giếng khơi" cơ mà. Lại cũng nghe chuyện để làm ra bánh dẻo, nhào bột kỹ thì vỏ càng dẻo thơm, nhưng kỹ quá thì thành ra nát. Đàn bà đấy chứ đâu, càng truân chuyên càng sắc sảo mặn mà, nhưng truân chuyên quá thì lại "tàn một đời hoa" lúc nào không hay.

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 6.

Ấy mới chỉ là câu chuyện hình thức, đến cái giá trị tinh thần của bánh Trung Thu nó cũng phụ nữ lắm thay. Bởi lẽ nó là món bánh của gia đình. Giàu nghèo gì thì gia đình nào Tết Trung Thu cũng phải có lấy một cặp bánh. Ngày xưa, người ta có bánh nướng hình cá chép, heo quay, trong những đêm đoàn viên ở sân bãi, cả mấy gia đình trong xóm quây quần lại mỗi người một miếng bánh, kể chuyện con tôi con anh. Tết thiếu nhi đấy mà người lớn cũng vui đáo để. Ngày nay, cả xóm chẳng cần chia nhau một cái bánh nhỏ xíu nữa, mỗi gia đình lại quây quần những niềm vui riêng. Vợ chồng đưa con cái sang chơi ông bà, cắt bánh nướng, bánh dẻo rồi kể chuyện thằng Cu, cái Tí. Ngày xưa, ngày nay gì thì Trung Thu vẫn cứ là cái bánh ấy, vị gì đi nữa thì xưa hay nay vẫn cứ là cái vị của đoàn viên.

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 8.

Nhờ bánh mà vợ thêm gần chồng. Ấy là khi mua bánh, làm bánh vợ lo, lúc ấy mới rõ vợ nào hiểu thấu lòng chồng, vợ nào khéo léo đảm đang. Mua được chiếc bánh Trung Thu vừa ý chồng, là vừa phải đúng vị chồng thích, đúng vị bố mẹ chồng thích, có khi phải đúng cả vị… sếp chồng thích. Thế là vợ được dịp chia sẻ với chồng, gánh cùng gánh lo, lo cùng gánh nặng. Chiếc bánh cũng nhắc cho vợ chồng về một thời vàng son, khi mùa Thu còn là một mùa yêu, vào những đêm trăng vợ chồng ngồi lại bên nhau thưởng bánh uống trà, đời còn gì vui thú hơn. Chẳng thế mà Vũ Bằng có đôi câu tình đến là tình trong "Thương nhớ mười hai"như này: "Thương biết bao nhiêu, nhớ không có cách gì quên được cái đêm Trung Thu năm ấy, hai vợ chồng quấn quýt tơ hồng, cùng dắt tay đi qua cầu Bồ Đề sang bên kia sông, vào trong một cái quán ngồi ăn miếng bánh, uống chén nước chè tươi…"

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 9.

Nhờ bánh mà cha mẹ thêm gần con gần cháu. Càng ngày người ta càng sợ lễ Tết rườm rà, vui chưa kịp tròn thì đã méo mặt vì mệt. Trung Thu thì ngược lại, chẳng rình rang mâm cao cỗ đầy, cứ cặp bánh nướng, bánh dẻo rồi pha một ấm trà, thế là có cái cớ để cả nhà vui. Cả nhà mấy thế hệ ngồi quây quần bên nhau, phá cỗ Trung Thu, ông nhâm nhi tách trà, bế cháu trong lòng thủ thỉ, bà tách xong múi bưởi thì nhìn con dâu nhắc khéo "Còn chờ gì mà chưa cắt bánh đi con?". Trong cảnh đoàn viên, người ta sẽ quên đi lo toan, quên đi sứt mẻ, quên đi khoảng cách.

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 10.

Rồi mẹ thủ thỉ với con về ngày mẹ bằng tuổi con bây giờ, đón Trung Thu giản dị lắm, chỉ có một chiếc bánh nhiều vỏ hơn nhân, mẹ đốt hạt bưởi thay pháo, lấy vỏ lon làm lồng đèn. Bà lại kể thế là còn may chán, cái thời Trung Thu của bà ấy mà, bánh nướng, bánh dẻo xa xỉ lắm, một cái bánh cả lũ trẻ con chia nhau. Thời bao cấp của bà, là những mùa trăng mà bánh Trung Thu chưa được bán công khai, người ta sẽ phát bánh theo suất của khu phố, được bánh quý như được vàng. Những chiếc bánh cứ đổi thay dần theo năm tháng, duy chỉ có chuyện bà kể cho mẹ, mẹ kể cho con, cả nhà đoàn viên bên chiếc Bánh Trung Thu là vẫn vậy.

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 11.

Đoàn viên nào chỉ là của gia đình. Mỗi mùa Trung Thu, bánh theo tay người đến tay người, theo tình người đến tình người. Hàng xóm có khi cả năm không gặp, đến ngày trăng rằm bỗng nhiên tay xách cặp bánh sang thăm hỏi nhau. Vợ chồng người bằng hữu đi xa đã lâu, vào một chiều Trung Thu hào hứng ghé chơi, uống chén trà chuyện trò dăm ba chuyện cũ, khi ra về không quên dúi vào tay gia chủ một hộp bánh Trung Thu, miệng dặn dò "Cô chú nhận đi cho chị vui". Lại có nhà nọ, có cô hay lam hay làm, tự tay nhào bột, đổ rượu Mai quế lộ thơm lừng, mua hạt dưa, hạt bí, ướp mỡ phần, trộn cùng lạp xưởng đỏ tươi, nướng bánh nồng nàn cả một gian bếp cốt chỉ để làm quà cho họ hàng ở quê.

Đoàn viên cũng chẳng phải chuyện của riêng người lớn. Nhắc đến bánh Trung Thu, người ta nhớ đến những đêm "đoàn viên" của thiếu nhi. Tôi của ngày bé đếm từng ngày đến đêm phá cỗ, để được tập trung ở sân ủy ban phường, điểm mặt đủ các "anh tài" phá phách bậc nhất khu xóm nhỏ. Mà vui hơn nữa, là cái khoảnh khắc khi mẹ hạ chiếc bánh từ trên ban thờ xuống, dặn tôi mang ra sân cho các bạn ăn cùng. Sau này, tôi cũng dặn con mình như thế. Rằng bánh sẽ ngon hơn khi con ăn cùng các bạn, vừa ăn vừa cầm đèn ông sao hát "Tùng dinh dinh! Tùng tùng tùng dinh dinh!..." Những miếng bánh truyền tay ngon đến lạ kì trong đêm trăng. Mấy đứa bé ngồi bên nhau, hí hửng ngắm đoàn múa lân, cười vang đến mấy mùa trăng sau cũng chưa hết vui. Và chúng nó sẽ nhớ về những miếng bánh kia, như một phần tuổi thơ, bên cạnh đèn lồng, chị Hằng, chú Cuội.

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 12.

Riêng với những người xa quê đã lâu, bánh Trung Thu sẽ cho họ một cuộc đoàn viên tinh thần không tưởng. Vũ Bằng xa quê viết: "Nhớ ơi là nhớ cái Tết Trung Thu ở Bắc! Vui, mà vui thế là cùng!... nghĩ đến giờ phút đó, tôi không lạ làm sao lại có những người thấy Tết Trung Thu về lại muốn phát điên lên, bày các trò chơi lạ để hưởng thụ cuộc đời cho đã". Mà còn "trò chơi" nào để hưởng thụ "đã" cho bằng "trò chơi" với ẩm thực, còn thứ gì đậm đà phong vị Trung Thu hơn đôi cặp bánh nướng, bánh dẻo? Ở xa đến đâu, cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình.

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 13.

Người viết xin được gọi bánh Trung Thu là "một khúc nhạc được hát lên bởi trái tim của người phụ nữ". Đàn ông cũng có thể làm bánh nướng, bánh dẻo, nhưng đàn bà mới làm được cái việc giữ gìn "khúc nhạc đoàn viên". Bánh Trung Thu sẽ thật khó vẹn toàn và ngân được hết câu chuyện của mình, nếu những người vợ, người mẹ không một lòng một dạ yêu và hiểu món bánh này.

Trăng đã lên cao rồi. Mâm ngũ quả ai ơi đã bày xong chưa? Bánh nướng, bánh dẻo đã cắt vuông tròn rồi, còn mong chi mà chưa ca khúc nhạc đoàn viên?

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 14.

Cứ đến độ tháng Tám, thấy bánh Trung Thu là rạo rực như thể sắp được về nhà ngắm trăng với gia đình - Ảnh 15.

Phan Thanh Nhàn
Việt Hưng
Bi
Theo Trí Thức Trẻ2/10/2017

Trí thức trẻ