Cứ 2 ngày lại có một sản phẩm mì ăn liền ra đời bất chấp thị trường đã bão hòa

05/08/2019 14:09 PM | Kinh doanh

Với tỷ lệ trên 90% hộ gia đình Việt sử dụng mì ăn liền, việc các thương hiệu tung ra nhiều sản phẩm mới sẽ giúp họ duy trì đà tăng trưởng, thu hút thêm khách hàng mới.

Nhu cầu sử dụng mì gói đi ngang, trong khi các nhà sản xuất ngày càng đông khiến nhiều người nhận định thị trường mì ăn liền Việt Nam không còn dễ "ăn liền" trong 1-2 năm gần đây. Tuy nhiên, theo Kangtar Worldpanel, việc tăng trưởng trong các thị trường "trưởng thành", đã tiếp cận hầu hết người tiêu dùng như mì ăn liền vẫn luôn luôn là một thách thức lớn nhưng không phải không có cơ hội.

Báo cáo thị trường hàng tiêu dùng nhanh quý II vừa được hãng nghiên cứu này công bố cho thấy trong vòng 1 năm qua, hơn 90% người Việt sử dụng mì ăn liền, đưa sản phẩm vào nhóm khó thay thế trong ngành hàng FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) tại Việt Nam. Tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, trung bình mỗi người tiêu dùng 36 gói mì/năm. Với khu vực nông thôn, con số này thậm chí lên tới 56 gói/năm.

Để duy trì đà tăng trưởng trong một thị trường bão hòa như mì ăn liền, đổi mới sản phẩm là chiến lược được nhiều hãng nhắm tới. Trong vòng 1 năm vừa qua, cứ 2 ngày lại có một sản phẩm mì ăn liền ra mắt thị trường, với giá cả, bao bì, hương vị,… đánh vào nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Dù thị trường có bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm, thêm sản phẩm nghĩa là các nhà sản xuất vẫn có cơ hội thu hút thêm người mua mới.

"Có thêm các sản phẩm mới, đồng nghĩa với việc có thêm cơ hội cạnh tranh nhờ đáp ứng thêm các nhu cầu mới của người tiêu dùng hiện tại. Tuy nhiên để có được một sản phẩm mới thành công cần phải thật sự nổi bật cũng như có các hoạt động ra mắt sản phẩm được đầu tư đầy đủ", Kantar Worldpanel nhận định.

Cũng theo hãng nghiên cứu này, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng mua sắm ở nhiều kênh khác nhau, ngay cả đối với các sản phẩm thiết yếu như mì ăn liền. Tại chợ truyền thống hoặc tạp hóa, mức giá trung bình trên mỗi gói mì là 4.200 đồng, trong khi tại các kênh mua sắm hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, siêu thị mini, hàng tiện lợi, mức giá này thường trên 5.000 đồng/gói.

"Lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng khác nhau ở mỗi kênh. Việc cung cấp danh mục sản phẩm phù hợp tương ứng mỗi kênh sẽ giúp các nhà sản xuất có cơ hội thu hút thêm người mua, gia tăng mức độ trung thành và mức chi tiêu".

Nhận định chung về thị trường FMCG, Kantar Worldpanel cho biết trong quý 2/2019, hầu hết các kênh mua sắm đều đạt kết quả tốt ở khu vực thành thị. Người tiêu dùng tiếp tục mua sắm tại nhiều kênh khác nhau, khẳng định chiến lược "đa kênh" là điều cần thiết đối với các thương hiệu và nhà bán lẻ. Ở nông thôn, cửa hàng tạp hóa quy mô vừa vẫn là kênh tăng trưởng nhanh nhất đồng thời tiếp tục mở rộng thị phần.

Xét về ngắn hạn, chi tiêu cho FMCG tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý 2 và nhiều khả năng theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế 6%-7% cho cả năm 2019. Trong dài hạn, thị trường FMCG đang nóng dần lên, đặc biệt khu vực vực nông thôn có thể đạt tốc độ tăng trưởng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM