COVID-19: Một quốc gia cố gắng làm mọi điều đúng đắn nhưng kết quả vẫn sai - Vì đâu nên nỗi?

27/05/2020 08:35 AM | Xã hội

Là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt, nhưng tình hình dịch bệnh tại Peru vẫn tồi tệ không kém Brazil.

Peru là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt, như việc yêu cầu người dân ở nhà, các lệnh giới nghiêm và đóng cửa biên giới. Mặc dù vậy, nước này vẫn trở thành một trong những quốc gia bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới - vì sao điều này lại xảy ra?

Tính đến đầu tuần này, Peru đã xác nhận hơn 123.900 ca nhiễm và hơn 3.600 ca tử vong do COVID-19, khiến nước này trở thành "điểm nóng" dịch bệnh lớn thứ 2 tại Mỹ-Latinh, chỉ xếp sau Brazil, hãng thông tấn CNN đưa tin.

Cách tiếp cận và ứng phó với dịch bệnh của Brazil và Peru hoàn toàn trái ngược nhau: Trong khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro coi nhẹ tính nghiêm trọng của dịch bệnh, thì Tổng thống Peru Martin Vizcarra hôm 15/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, cùng với đó là những biện pháp như đóng cửa biên giới và lệnh tự cách ly bắt buộc.

Thế nhưng, tại cả 2 quốc gia này, dịch bệnh đều lây lan với tốc độ nhanh chóng mặt.

Theo số liệu của chính phủ Peru, khoảng 85% số giường bệnh trong các khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) có máy thở của nước này đều đã có bệnh nhân, dấy lên nhiều nỗi lo về tình trạng các bệnh viện trở nên quá tải.

"Tình hình hiện nay không chỉ là tình trạng khẩn cấp y tế, mà phải nói rằng nó là một thảm họa y tế, khi quy mô của đại dịch vượt quá khả năng phản ứng của hệ thống y tế", Tiến sĩ Alfredo Celis từ trường Cao đẳng Y tế Peru nhận định với CNN.

Peru thật sự đã phản ứng rất nghiêm túc và quyết đoán, vì sao họ vẫn bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến vậy?

Nhu cầu của người dân và các biện pháp cách ly

Theo bác sĩ Elmer Huerta, một trong những nguyên nhân khiến Peru thất bại là tình trạng bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội nước này.

Nhiều người dân nghèo Peru không có lựa chọn nào khác ngoài việc bất chấp dịch bệnh, liều mình ra ngoài để làm việc, kiếm ăn, và cả giao dịch chuyển khoản qua ngân hàng.

Ví dụ, theo số liệu năm 2017, trung bình chỉ có 49% hộ gia đình ở Peru sở hữu một tủ lạnh hoặc tủ đông (tỉ lệ này là 61% ở khu vực thành thị). Điều này có nghĩa là rất nhiều người vẫn cần phải đi chợ mỗi ngày để mua thực phẩm tươi vì họ không có điều kiện dự trữ đồ ăn, theo bác sĩ Huerta.

"Ở cái xã hội mà người dân không thể ở nhà, họ lại được yêu cầu phải tránh tiếp xúc với người khác", ông Huerta nói.

Ngày 14/4 - khoảng 1 tháng sau khi chính phủ Peru yêu cầu người dân ở nhà và áp dụng một số lệnh giới nghiêm, truyền thông địa phương đã ghi lại được hình ảnh người dân ở ngoại ô Lima xếp hàng dài chờ đợi hàng tiếng đồng hồ bên ngoài một khu chợ. Hầu hết những người có mặt ở đó đều đeo khẩu trang, nhưng giãn cách xã hội đối với họ dường như là chuyện bất khả thi.

"Chúng tôi phải chịu đựng [đám đông này] vì chẳng còn cách nào khác", một người phụ nữ đang xếp hàng chia sẻ với phóng viên. "Nếu không làm như vậy, thì chúng tôi sẽ chẳng có cái ăn. Chúng tôi chẳng còn thức ăn, nên chúng tôi phải đến đây".

Vào thời điểm phóng sự trên được thực hiện, Peru mới chỉ xác nhận hơn 10.300 ca nhiễm COVID-19. Hiện tại, con số ấy đã tăng gấp hơn 10 lần.

 COVID-19: Một quốc gia cố gắng làm mọi điều đúng đắn nhưng kết quả vẫn sai - Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Giãn cách xã hội tại Peru dường như là điều bất khả thi. Ảnh: Reuters


Những hậu quả không ngờ tới

Sau khi chính phủ Peru công bố gói trợ cấp COVID-19, những người dân Peru cũng đã đổ xô tới các ngân hàng để nhận được khoản tiền này.

Kế hoạch giúp đỡ hàng triệu gia đình khó khăn của chính phủ Peru là một ý tưởng tốt, nhưng việc phân bổ khoản tiền này đã không được thực hiện tốt như ý đồ của nó, ông Kristian Lopez Vargas, một nhà kinh tế học người Peru, hiện đang là trợ lý Giáo sư tại trường Đại học California, Santa Cruz, bình luận.

Trong một báo cáo được công bố năm ngoái, cơ quan điều phối các ngân hàng của Peru cho biết chỉ có khoảng 38% người trưởng thành tại Peru có tài khoản ngân hàng. Việc có nhiều người không được tiếp cận với hệ thống tài chính như vậy đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ phải trực tiếp đến ngân hàng nếu muốn nhận khoản tiền trợ cấp của chính phủ.

"Việc dự đoán hành vi của người dân trong trường hợp này không khó. Thế nhưng, chính sách [của chính phủ Peru] đã gây ra những rủi ro không cần thiết khi khiến các công dân tụ tập đông người tại các ngân hàng", ông Lopez Vargas nói với CNN.

Cũng theo chuyên gia này, nhiều người dân Peru phải sống và làm việc trong những điều kiện không cho phép thực hiện giãn cách xã hội. Hơn 30% các hộ gia đình của Peru đang sinh sống trong những nơi đông đúc, nơi ít nhất 4 người phải chia sẻ chung một căn phòng ngủ.

Và theo số liệu của Viện Thông tin và Thống kê Quốc gia Peru, có hơn 72% công dân Peru đang lao động trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức. Đối với những đối tượng này, để có được thu nhập đồng nghĩa với việc họ phải ra ngoài đường và không thể tự cách ly tại nhà.

Điều này, cùng với nhu cầu mua thực phẩm, nhu yếu phẩm của hàng triệu người dân Peru, chính là một "tổ hợp chất nổ", ông Lopez Vargas bình luận.

Phản ứng của chính phủ Peru

Thứ 6 tuần trước (ngày 22/5), Tổng thống Vizcarra đã gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn quốc đến ngày 30/6, tiếp tục duy trì lệnh tự cách ly bắt buộc và các lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn lãnh thổ Peru.

Đây là lần thứ 5 chính quyền Peru gia hạn các biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, lần này, một số cơ sở kinh doanh đã được mở cửa trở lại, trong đó bao gồm những dịch vụ như tiệm làm đẹp, giao đồ ăn và phòng khám răng-hàm-mặt.

Bên cạnh đó, chính quyền Peru cũng tăng cường các hình thức xử phạt để yêu cầu người dân nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng chống dịch bắt buộc.

Theo Tổng thống Vizcarra, một bài học rút ra từ việc phản ứng với đại dịch là người dân cần thay đổi một số "hành vi xã hội gây ra nhiều thiệt hại": "Đó là những hành vi mang tính cá nhân, ích kỷ... phớt lờ những điều đang xảy ra xung quanh chúng ta, cụ thể là điều khiến Peru và toàn thế giới đang phải hứng chịu".

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM