Covid-19 đẩy Mỹ vào cuộc khủng hoảng tồi tệ: Hàng chục triệu người đói ăn và áp lực đè nặng các ngân hàng lương thực miễn phí

12/05/2020 09:30 AM | Xã hội

Vài tuần trở lại đây, hơn 30 triệu người Mỹ đã phải nộp đơn thất nghiệp và nhờ cậy sự trợ giúp của chính phủ.

Mang tiếng là nền kinh tế số 1 thế giới nhưng Mỹ lại đang chịu cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong những năm trở lại đây do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Trong tháng vừa qua, ngân hàng lương thực chuyên cung cấp đồ ăn miễn phí cho người nghèo, người thất nghiệp tại Mỹ đã phải hoạt động hết công suất do nhu cầu tăng mạnh.

Tại hàng loạt những thành phố như Pittsburgh, San Antonio hay Phoenix, người dân xếp hàng dài và đợi chờ trong nhiều tiếng đồng hồ để nhận khẩu phần lương thực. Câu chuyện nghe có vẻ nực cười khi hàng dài ô tô xếp hàng chờ đợi trước cửa chi nhánh các ngân hàng lương thực miễn phí cho người nghèo.

Tình hình tồi tệ đến mức một số tổ chức hay chi nhánh ngân hàng lương thực cho người nghèo đã phải từ chối phát đồ ăn cho một số người, trong khi vô vàn những người thu nhập thấp khác tại Mỹ đang phải lao đao chống chọi với cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra.

Các chi nhánh phát chẩn lương thực miễn phí cho người nghèo tại Mỹ đều quá tải

Tại nền kinh tế số 1 thế giới, hàng triệu người dân Mỹ vẫn phải chịu đói mỗi ngày. Báo cáo của tờ Washington Post cho thấy mỗi năm có khoảng 46 triệu người Mỹ phải sống phụ thuộc vào các ngân hàng lương thực miễn phí hay các bữa ăn từ thiện. Năm 2019, báo cáo của Bộ nông nghiệp Mỹ (UDA) cho thấy có khoảng 38 triệu người nghèo tại đây vẫn sống phụ thuộc vào các chương trình trợ cấp của chính phủ.

"Thành phố của chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn từ trước khi dịch Covid-19 diễn ra, rất nhiều gia đình phải sống bên rìa của sự nghèo đói và dịch bệnh chỉ đẩy họ xa thêm về phía nghèo khổ", Chủ tịch Eric Cooper của ngân hàng lương thực cho người nghèo chi nhánh San Antonio nói.

Trong lịch sử kinh tế hiện đại của Mỹ, chưa bao giờ tình hình mất an ninh lương thực lại tồi tệ như hiện nay khi hàng nghìn người xếp hàng trước cửa các trung tâm thực phẩm miễn phí cho người nghèo tại các thành phố.

Vài tuần trở lại đây, hơn 30 triệu người Mỹ đã phải nộp đơn thất nghiệp và nhờ cậy sự trợ giúp của chính phủ. Bình thường một hộ gia đình tại Mỹ sẽ phải thanh toán tiền thuê nhà, tiền lãi mua bất động sản thế chấp, bảo hiểm y tế hay các chi phí sức khỏe cùng nhiều khoản chi khác, bao gồm cả những nhu yếu phẩm như lương thực.

Trong khi các ngân hàng lương thực miễn phí có thể trợ giúp phần nào về đồ ăn thì trợ cấp cho người thất nghiệp ở Mỹ chẳng đủ để các hộ gia đình sinh tồn, kể cả khi nền kinh tế số 1 thế giới có thể hồi phục lại sau dịch Covid-19.

Hàng dài người Mỹ xếp hàng đợi nhiều giờ để nhận những khẩu phần lương thực miễn phí

Cô Jennifer, một lao động 28 tuổi tại New Jersey cho biết mình bị mất việc và phải nộp đơn trợ cấp thất nghiệp cũng như tìm kiếm trợ giúp từ các ngân hàng thực phẩm miễn phí. Tuy nhiên trải nghiệm tại các chi nhánh thực phẩm này chẳng đẹp đẽ gì khi chúng vô tổ chức và lộn xộn. Tất cả các chi nhánh phân phát lương thực quanh khu vực cô sống đều đông nghịt người.

Tổ chức Feeding America, vốn có khoảng 200 chi nhánh phân phát lương thực cho người nghèo tại Mỹ, dự báo sẽ có thêm khoảng 17 triệu người đến nhận đồ ăn trong vòng 6 tháng tới.

"Thách thức lớn nhất với các ngân hàng lương thực miễn phí là nhu cầu trợ giúp của những người nghèo, người thất nghiệp tăng đột biến. Khoảng 50% số người đến đây chưa bao giờ cần trợ giúp trước đây", CEO Leslie Bacho của tổ chức Second Harvest phân tích.

CEO Bacho cho biết tổ chức của ông phải tăng thêm 100.000 suất phân phát lương thực mỗi tuần so với trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Đồng quan điểm, Chủ tịch Cooper của chi nhánh ngân hàng lương thực tại San Antonio cũng cho biết hàng tuần số suất lương thực được phát tăng thêm khoảng 60.000-120.000 người.

Hàng dài người xếp hàng đợi phát chẩn lương thực tại Duquesne-Pennsylvania

Chuyên gia Anna Kurian của ngân hàng lương thực chi nhánh North Texas cho biết họ đã phân phát khoảng 6 triệu pound, tương đương 2.700 tấn lương thực trong vòng 1 tháng qua, cao hơn rất nhiều so với 1,5 triệu pound trong 2 tháng trước đó.

Rõ ràng, dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến kinh tế xã hội của nền kinh tế số 1 thế giới và chính quyền Washington vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết vấn đề này.

AB

Cùng chuyên mục
XEM