Covid-19, chiến tranh thương mại: TQ rồi sẽ buông bỏ vĩnh viễn vai trò công xưởng thế giới

20/08/2020 08:09 AM | Xã hội

Những dự đoán về việc quốc gia nào sẽ thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Đại dịch Covid-19 , mâu thuẫn thương mại với Mỹ và sự sụt giảm đơn đặt hàng xuất khẩu - tất cả đều khiến việc nộp đơn phá sản là lối thoát duy nhất cho nhiều công ty Trung Quốc, đồng thời buộc các công ty nước ngoài phải rút khỏi Trung Quốc. Trong hoàn cảnh đó, lao động nhập cư Trung Quốc bị mất việc chính là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các công xưởng trống rỗng

Không có số liệu chính thức về số lượng nhà máy đóng cửa trong nửa đầu năm 2020 nhưng một số công ty tài chính Trung Quốc đã tính toán sơ bộ. Ví dụ: Báo cáo của chuyên gia tài chính nổi tiếng Trung Quốc Ngô Hiểu Ba kết hợp với một công ty công nghệ cho biết, số lượng doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2 năm nay là lớn nhất. Theo danh mục ngành bán buôn và bán lẻ, 46.000 doanh nghiệp bán buôn đã đóng cửa, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan tới khoáng sản, vật liệu xây dựng và các sản phẩm hóa chất . Như vậy, có khoảng 247.000 công ty đóng cửa từ tháng 1 đến tháng 2/2020.

Báo cáo chỉ ra, “trong 3-4 tháng tới, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục phá sản nhưng những doanh nghiệp sống sót sau cuộc thử thách chắc chắn sẽ nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới trong ngành và trở nên mạnh mẽ hơn, đầy sức sống hơn".

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một công nhân nhập cư làm việc trong nhà máy ở tỉnh Quảng Đông cho biết, sau khi nhà máy đóng cửa, các cửa hàng, khách sạn nhỏ, khu tập thể và quán ăn nhanh gần đó bắt đầu thưa thớt khách bởi công việc và thu nhập của họ hoàn toàn phụ thuộc vào lực lượng công nhân làm việc trong khu công nghiệp gần đó.

Tờ Tài Tân (Trung Quốc) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 là 5,7%, đang dần được cải thiện so với mức 6,2% thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 2.

 Covid-19, chiến tranh thương mại: TQ rồi sẽ buông bỏ vĩnh viễn vai trò công xưởng thế giới - Ảnh 1.

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, trong tương lai, vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc sẽ bị thay thế. Ảnh: AP

Khi dịch bệnh bùng phát, lao động nhập cư mất việc, bắt đầu đổ về quê, điều này mang đến cho chính phủ những cơ hội bất ngờ, vì nó giúp chính phủ Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào sự phát triển của các khu vực nông thôn và cơ hội việc làm ở đó.

Mới đây, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc thông báo, họ đã bắt đầu hỗ trợ lao động nhập cư thất nghiệp, đặc biệt nhấn mạnh vào việc khuyến khích tìm việc làm ở nông thôn.

Chia sẻ với Spunik (Nga), ông Vương Chí Dân, Giám đốc Viện Nghiên cứu Các vấn đề toàn cầu hóa và Hiện đại hóa Trung Quốc thuộc Đại học Thương mại kinh tế Quốc tế cho biết, cân bằng xã hội của Trung Quốc đang có xu hướng trở nên tích cực trên cơ sở củng cố vị thế của khu vực nông thôn. Ở nhiều vùng nông thôn và thậm chí các thị trấn vừa và nhỏ, vấn đề" thành phố trống" đã xuất hiện, thiếu lao động trẻ.

Do đó, Trung Quốc được cho sẽ có thể tái cơ cấu lao động vùng miền trong thời gian tới.

Viễn cảnh xuất khẩu

Theo Sputnik, một vài năm trước, Trung Quốc đã bắt đầu chuyển đổi cơ cấu mô hình kinh tế quốc gia. Mục tiêu chính là chuyển nền kinh tế định hướng xuất khẩu sang nền kinh tế định hướng nhu cầu nội địa dựa trên các động lực mạnh mẽ trong nước (bao gồm cả tiêu dùng nội địa).

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thuật ngữ "tuần hoàn kép" xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn trong các chủ đề về kinh tế Trung Quốc hiện nay và các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo.

Ví dụ, trong bài phát biểu trước chính phủ vào cuối tháng 7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa kêu gọi cải cách để kích cầu trong nước. Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc nên tập trung nỗ lực hình thành một mô hình phát triển mới, trong đó lấy vòng tuần hoàn lớn trong nước làm chủ thể, vòng tuần hòa trong nước và quốc thúc đẩy lẫn nhau. Thông qua tiềm năng của nhu cầu trong nước, kết nối trơn tru thị trường trong nước và thị trường quốc tế, đồng thời tận dụng tốt hơn hai thị trường, hai nguồn lực quốc tế và trong nước để đạt được sự phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng, tình trạng giảm việc làm tại các nhà máy hiện nay là kết quả của các chính sách kinh tế do tiêu dùng nội địa chi phối. Theo các chuyên gia, việc đóng cửa nhà máy phản ánh sự không phù hợp giữa khả năng tiêu thụ của người tiêu dùng và quy mô sản xuất bị hạn chế xuất khẩu.

Ông Vương Chí Dân giải thích: “Hiện tại, chúng tôi đang chú ý nhiều hơn đến mô hình phát triển mới dựa trên vòng tuần hoàn lớn trong nước và vòng tuần hoàn kép trong nước và quốc tế. Điều chắc chắn là, sự phụ thuộc kinh tế của Trung Quốc vào ngoại thương đã giảm dần trong những năm gần đây. 15 năm trước, thương mại xuất nhập khẩu có thể chiếm 66% GDP nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 32%. Trung Quốc là một thị trường lớn và cơ cấu tiêu dùng của Trung Quốc cũng đang tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế và sắp tới chúng tôi sẽ phát triển thành thị trường lớn nhất thế giới. Nếu tiềm năng của thị trường trong nước hoàn toàn được khai thác, kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển tích cực. Ngoài ra, nếu giải quyết được những mâu thuẫn chính của xã hội Trung Quốc và nâng cao thu nhập của người lao động có thu nhập thấp và trung bình, thì điều này cũng có thể đóng vai trò thúc đẩy tiêu dùng".

Trung Quốc sẽ không còn là công xưởng thế giới

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, sự thay đổi trong mô hình kinh tế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vai trò công xưởng thế giới được trao cho Trung Quốc, đặc biệt là trong một đại dịch. Ông nói: "Thực tế, điều này cũng tạo cơ hội cho Trung Quốc chuyển đổi, có thể giải quyết nhu cầu phát triển không cân bằng và không phong phú của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, địa vị của công xưởng thế giới tạm thời sẽ không phát sinh thay đổi quá lớn nhưng Trung Quốc có thể vĩnh viễn không còn là công xưởng thế giới nữa".

Những dự đoán về việc quốc gia nào sẽ thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ví dụ, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã đăng một bài báo phân tích về tham vọng trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu của Ấn Độ. Tuy nhiên, tờ báo cho rằng Ấn Độ còn một chặng đường dài để đi theo hướng này, do đó, còn quá sớm để nói về những thay đổi vị thế này.

Mặc dù gần như không thể đạt được mục tiêu chấm dứt kỷ nguyên di cư lao động và thoát khỏi vai trò là công xưởng thế giới trong tương lai gần nhưng xu hướng này thực sự đã xuất hiện và cuộc khủng hoảng năm ngoái đóng một vai trò rất lớn trong việc này.

An An

Cùng chuyên mục
XEM