COO Trần Phương Thảo: "Nếu không có cơ hội làm việc ở STEAM for Vietnam, có lẽ mình sẽ mất đến 10 năm để đảm đương vị trí này"

22/10/2022 08:52 AM | Kinh doanh

Thông thường, để đạt được vị trí giám đốc điều hành của một tổ chức thì một người sẽ phải mất đến 10-20 năm, thế nhưng, ở STEAM for Vietnam lại hoàn toàn khác. Chia sẻ với Trí Thức Trẻ, COO STEAM for Vietnam Trần Phương Thảo cho biết, chị chỉ mất 1 năm để có thể đảm đương được vị trí Giám đốc vận hành. Thậm chí, đến cả sếp trực tiếp của chị ở công việc chính cũng phải tròn mắt ngạc nhiên vì sự thay đổi quá đỗi nhanh chóng này.

COO Trần Phương Thảo: Nếu không có cơ hội làm việc ở STEAM for Vietnam, có lẽ mình sẽ mất đến 10 năm để đảm đương vị trí này - Ảnh 1.

COO Trần Phương Thảo: Nếu không có cơ hội làm việc ở STEAM for Vietnam, có lẽ mình sẽ mất đến 10 năm để đảm đương vị trí này - Ảnh 2.

Được biết, trước khi gia nhập vào đội ngũ STEAM for Vietnam, công việc của chị liên quan đến nghiên cứu sinh học. Cụ thể, công việc nghiên cứu đó là gì?

Trước khi mình gia nhập STEAM for Vietnam, mình theo học tại đại học University of Washington- Seattle, và công tác trong ngành Phân tử Dịch tễ được hơn bốn năm.

Ngành dịch tễ phân tử là một ngành có tính ứng dụng cao tới sức khỏe môi trường cũng như sức khoẻ con người. Đứng trước mỗi đại dịch, việc tìm ra nguyên nhân cốt lõi, hướng giải quyết và xử lý là điều kiện kiên quyết để cuộc sống con người trở lại bình thường.

Công việc của mình tập trung chủ yếu vào phân tích các mẫu phẩm bệnh, từ đó có được các dữ liệu tổng hợp để phân tích, tìm hiểu nguồn gốc nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết cho doanh nghiệp hoặc cộng đồng một cách kịp thời trên khía cạnh dịch tễ học.

Trong giai đoạn Covid-19 bận rộn, cơ duyên nào giúp chị biết đến STEAM for Vietnam?

Thật ra, được vào STEAM for Vietnam cũng là một cơ duyên vì công việc mình đang làm là đặc thù về y tế, còn công việc ở STEAM for Vietnam thuộc về giáo dục, cả 2 lĩnh vực này đều có điểm chung là về sự phát triển của con người và cộng đồng.

Thật ra đợt đấy là vì đại dịch, mình không thể gặp gỡ bạn bè trực tiếp mà mọi người sẽ gặp gỡ nhau qua Facetime hoặc Zoom, và mình có cơ hội kết nối lại với cộng đồng sinh viên Việt Nam ở Mỹ. Tình cờ mình kết nối lại với một bạn đã quen biết từ lâu trực thuộc hội sinh viên ở San Francisco, hiện giờ đang làm kiểm toán ở Tập đoàn Deloitte (Mỹ). Trong buổi gặp mặt nói chuyện, bạn ý cũng có chia sẻ rằng bạn đang tham gia STEAM for Vietnam - một tổ chức giáo dục về công nghệ.

Hồi đó, STEAM for Vietnam vừa được thành lập chưa đầy một tháng nhưng qua lời kể của người bạn mình, tổ chức ngay từ những ngày đầu tiên hoạt động đã có kế hoạch, mục tiêu hết sức cụ thể, có đối tượng hướng đến, và hướng đi rõ ràng.

Bên cạnh đó, mình cũng thấy đây cũng là một tổ chức rất chuyên nghiệp từ những người lãnh đạo cho đến các tình nguyện viên, các bộ phận chuyên biệt rõ ràng như bộ phận vận hành, bộ phận giáo dục, phát triển và marketing, kỹ sư lập trình và kỹ sư dữ liệu, thế nên mình thấy hứng thú và nhanh chóng tham gia STEAM for Vietnam sau khi được giới thiệu và trao đổi với chị Phương Thủy – Co-founder của tổ chức.

COO Trần Phương Thảo: Nếu không có cơ hội làm việc ở STEAM for Vietnam, có lẽ mình sẽ mất đến 10 năm để đảm đương vị trí này - Ảnh 3.

Để có thể phát triển với tốc độ chóng mặt, điều gì đã tạo nên sự khác biệt của STEAM for Vietnam?

Nhiều người vẫn nghĩ rằng các tổ chức tình nguyện phi lợi nhuận không được chuyên nghiệp hoá, nhưng STEAM for Vietnam lại là ngoại lệ. STEAM for Vietnam được tổ chức và hoạt động như một startup công nghệ thật sự ở Silicon Valley.

Tổ chức lớn nhanh một cách chóng mặt, mình hay nói đùa rằng thậm chí Thánh Gióng cũng không thể so được với tốc độ phát triển của STEAM for Vietnam. Mỗi một buổi sáng ngủ dậy, gần như mọi thứ đã chạy được một đoạn rất xa so với trước đó.

Ban đầu, STEAM for Vietnam cũng chỉ bắt đầu với 10-20 thành viên, thế nhưng ngay từ đầu, STEAM for Vietnam đã chia ra thành các bộ phận (department) khác nhau như vận hành (operations), giáo dục, marketing và phát triển, kỹ sư phần mềm và dữ liệu.

Bên cạnh đó, ở STEAM for Vietnam có một văn hoá là các leader rất support các tình nguyện viên. Bất cứ khi nào có một ai đó gặp khúc mắc, hoặc có bất kỳ băn khoăn thì các nhóm trưởng sẽ sẵn sàng hỗ trợ mình để cho mình có thể làm tốt công việc đấy nhất. Nếu không STEAM for Vietnam thì cũng không biết đến bao giờ các bạn mới có cơ hội để tiếp cận được với nền công nghệ.

COO Trần Phương Thảo: Nếu không có cơ hội làm việc ở STEAM for Vietnam, có lẽ mình sẽ mất đến 10 năm để đảm đương vị trí này - Ảnh 4.

Với tốc độ phát triển như Thánh Gióng của STEAM For Vietnam chắc chắn khối lượng công việc cũng nhiều không kém, làm thế nào để chị có thể cân bằng với công việc của mình ở phòng nghiên cứu?

Do đặc thù các tình nguyện viên làm việc trải dài trên 10 múi giờ, nên gần như STEAM for Vietnam làm việc 24/7. Khi mình đi làm về, trước khi ăn tối hoặc trước khi đi ngủ, mình sẽ tranh thủ ngồi làm việc một chút để cập nhật tình hình làm việc với các bạn ở múi giờ khác. Vì team vận hành như vậy nên khi mình ngủ, các bạn tình nguyện viên ở khu vực châu Á có thể hoàn thành được rất nhiều việc rồi.

Hoặc cũng có các tình nguyện viên khác dậy sớm từ 5-6 giờ sáng hàng ngày để làm việc trước khi làm công việc toàn thời gian. Mỗi một cố gắng nhỏ của từng thành viên sẽ tạo nên sự cộng hưởng và thành công của mỗi dự án.

Điều gì khiến chị cảm thấy vui nhất khi làm ở STEAM for Vietnam?

May mắn là cả 2 công việc mình làm đều có chung những kỹ năng đặc thù trong công việc. Bản thân mình học tập và đào tạo trong môi trường STEM, cách tư duy và quản lý công việc đều dựa trên tư duy logic và phân tích số liệu, nên khi tiếp nhận vị trí quản lý khoá học hay quản lý vận hành, mình có thể bắt nhịp công việc khá nhanh chóng. Do đó, niềm vui của mình chính xuất phát từ ý nghĩa của công việc và khả năng trau dồi, phát triển bản thân qua từng ngày.

Đặc biệt hơn là sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi, khi mình về nhà, đọc được những chia sẻ của phụ huynh và học sinh thì mình lại cảm thấy mình có động lực hơn, những lời nhận xét đó khiến mình cảm thấy rằng công việc mình làm đã thực sự có tác động lớn như thế.

COO Trần Phương Thảo: Nếu không có cơ hội làm việc ở STEAM for Vietnam, có lẽ mình sẽ mất đến 10 năm để đảm đương vị trí này - Ảnh 5.

Thông thường, những chương trình giáo dục về máy tính như thế này ở Việt Nam có chi phí khá cao. Thậm chí nhiều bạn học sinh cũng không có khả năng tiếp cận với công nghệ. Tức là nếu học sinh không phải ở những thành phố lớn cũng sẽ không thể tiếp cận được với nền giáo dục này.

Thế nên, khi một số phụ huynh chia sẻ rằng gia đình họ mặc dù ở vùng sâu vùng xa nhưng con cái của họ cũng đã được tiếp cận với các khoá học của STEAM for Vietnam, đồng nghĩa với việc STEAM for Vietnam đã mang đến cho con cái của những gia đình khó khăn một cánh cổng lớn để các bạn đi ra biển lớn. Đấy là những niềm vui vô giá mà mình có thể cảm nhận và nó trở thành một động lực để mình gắn bó hơn với STEAM for Vietnam.

Trong suốt quá trình chứng kiến sự thay đổi từng ngày của các bạn nhỏ, chị có kỷ niệm nào đáng nhớ với các bạn học sinh ở STEAM for Vietnam hay không?

Hồi mình làm quản lý dự án giáo dục ở lớp Nhập môn Khoa học máy tính cùng Python, mình thấy sức sáng tạo của trẻ em thực sự không có giới hạn. Đặc biệt khi các em có cơ hội làm việc nhóm chung với nhau, từ đó các ý tưởng sáng tạo ngày một ấn tượng hơn. Học sinh làm việc nhóm, gọi điện họp Zoom xuyên lục địa từ Việt Nam tới Mỹ hay Singapore là một việc thường thấy ở STEAM.

Nhưng xúc động nhất đối với mình, trong buổi phỏng vấn các bạn có dự án xuất sắc, có một bạn học sinh chia sẻ rằng nhà bạn không có máy tính và Internet. Vì lớp học vào sáng Chủ nhật hàng tuần nên để có thể tham gia bạn ý đã phải ra quán net ngồi học. Chưa kể, ngoài việc tham gia lớp học thì bạn ý cũng phải làm bài tập nữa và cứ kiên trì như vậy suốt 3 tháng. Đấy là một kỷ niệm rất là đáng nhớ, để mà mình thấy rằng nếu không có chương trình như STEAM for Vietnam thì cũng không biết đến bao giờ các bạn mới có cơ hội để tiếp cận được với nền công nghệ như thế này cả. Điều này lại càng thôi thúc và tạo động lực cho dự án thư viện công nghệ STEAMHub trong thời gian sắp tới.

COO Trần Phương Thảo: Nếu không có cơ hội làm việc ở STEAM for Vietnam, có lẽ mình sẽ mất đến 10 năm để đảm đương vị trí này - Ảnh 6.

Sau khoảng 2 năm làm việc ở STEAM for Vietnam, bản thân chị đã thay đổi ra sao?

STEAM for Vietnam là một tổ chức phẳng (Flat organization), tức là mọi người không đặt nặng vấn đề về lãnh đạo và nhân viên, dù là ai vẫn phải xắn tay vào làm việc, và khi bất kỳ 1 bạn team member nào có ý tưởng và các bạn có được sự ủng hộ từ những team member hoặc leader khác thì hoàn toàn có thể xây dựng được hẳn 1 dự án riêng, một sáng kiến riêng và để các bạn có thể xây dựng cái đó 1 cách tốt hơn. Chính văn hóa này ở STEAM for Vietnam không chỉ giúp sự nghiệp của từng cá nhân mà ngay cả tổ chức cũng sẽ phát triển nhanh chóng.

Thông thường, để có thể đảm đương được công việc ở vị trí giám đốc điều hành của một tổ chức thì một người sẽ phải mất đến 10-20 năm. Thế nhưng, ở STEAM for Vietnam, mình chỉ mất hơn 1 năm để trở thành COO. Nếu không có cơ hội làm việc ở STEAM for Vietnam thì mình sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể phát triển được như thế.

Quan trọng là, STEAM for Vietnam đã giúp kỹ năng và khả năng làm việc của mình tăng trưởng và lớn mạnh một cách đáng kể. Ngay cả sếp trực tiếp ở nơi mình đang làm việc chính cũng nhận xét rằng, không hiểu bằng cách nào mà mình đã trưởng thành vượt bậc chỉ trong vòng 1 năm.

Trước đây, ở công việc toàn thời gian, khi cần trao đổi với các bên thanh tra hay làm các dự án lớn với USDA mình khá ngần ngại, nhưng bây giờ gần như mình đã tự tin hơn rất nhiều. Vì sếp nhìn thấy bản thân mình có những sự tự tin nhất định nên họ cũng trao quyền cho mình nhiều hơn, giao cho mình đảm nhiệm những vai trò nhiều trách nhiệm hơn.

COO Trần Phương Thảo: Nếu không có cơ hội làm việc ở STEAM for Vietnam, có lẽ mình sẽ mất đến 10 năm để đảm đương vị trí này - Ảnh 7.

Đi với STEAM for Vietnam từ những ngày đầu, bên cạnh những niềm vui, đã có khi nào chị cảm thấy bản thân mình bị áp lực?

Thách thức nhất có lẽ là khoảng thời gian mình bắt đầu tiếp quản vị trí COO của STEAM for Vietnam. Kể từ khi thành lập, STEAM for Vietnam đã phát triển nhanh chóng, và mình là một trong những người thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 2 của STEAM for Vietnam.

Chính vì phát triển nhanh chóng đồng nghĩa với việc nhu cầu phát triển các chương trình học ngày một tăng cao. Do đó, bản thân mình cũng như đội ngũ STEAM cần phải xây dựng chương trình ngày càng phong phú với nhiều lớp học hơn, không chỉ các khoá học mà còn các cuộc thi, chương trình giao lưu STEAM cho các bạn nhỏ.

Vì tính chất và sự dài hơi của dự án, STEAM for Vietnam cũng cần tập trung vào hướng phát triển các đối tác, để cùng đồng hành phát triển sáng kiến một cách bền vững nhất, cung cấp tối đa các tài nguyên cho trẻ em có nhu cầu.

Còn một thách thức nữa đó là liên quan đến việc phát triển mạng lưới các tình nguyện viên. Nhiều khi tham gia một tổ chức phi lợi nhuận thì các bạn tình nguyện viên sẽ phải theo một dự án từ đầu đến cuối thì họ mới có thể ứng tuyển được.

Thế nên bài toán bây giờ đó là mình phải quản lý vận hành sao cho dù bất kỳ một tình nguyện viên nào, dù chỉ có 30 phút/tuần, họ cũng hoàn toàn có thể đóng góp được trong quá trình phát triển và họ có thể nhìn thấy ngay kết quả của mình đã giúp ích cho các bạn nhỏ như thế nào.

Trong suy nghĩ của chị, STEAM for Vietnam trong tương lai sẽ phát triển như thế nào?

Trong tương lai, STEAM for Vietnam sẽ cần xây dựng nhiều môn học mới hơn để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Tại vì các bạn học sinh cảm thấy hứng thú với các bài giảng của STEAM for Vietnam, các bạn nhìn thấy được rằng khi các bạn học như thế các bạn có thể tạo ra sản phẩm luôn, nhìn thấy được kết quả mình làm ra sẽ là gì.

Bên cạnh đó, STEAM for Vietnam cũng rất muốn mở rộng và phát triển chương trình đào tạo các thầy cô, các trợ giảng tiền phương để hỗ trợ các bạn nhỏ theo mô hình học tập Online-merge-Offline. Tức là, các bạn học online với các chuyên gia hàng đầu nhưng vẫn cần các thầy cô giáo ở các điểm trường để hỗ trợ thêm cho các bạn nhỏ trong quá trình học hỏi.

Đồng thời, STEAM for Vietnam sẽ có nhiều hơn các cuộc thi giao lưu như Hackathon, hay Robotic Tournament để cho học sinh có những cơ hội giao lưu STEAM và học hỏi lẫn nhau. Mục đích để các bạn học sinh có cơ hội tiếp xúc với những cuộc thi có quy mô, có những chất lượng quốc tế , từ đó mới có thể vững vàng ở đấu trường quốc tế sau này.

Cảm ơn chị!


Theo Quỳnh Anh

Cùng chuyên mục
XEM